Nhớ lại, khi còn đang làm việc tại một ngân hàng Nhật Bản ở Singapore, người viết có theo dõi khá kỹ kế hoạch và tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (cũng như tiến trình thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp vì việc này liên quan trực tiếp đến cơ hội kinh doanh của ngân hàng. Nhưng sau một vài báo cáo sơ bộ đánh giá tình hình và cơ hội, tôi gần như “buông xuôi” vì không nhìn thấy mấy triển vọng khả quan.
Quả thật, tình hình trên thực tế có thể nói là rất tệ. Báo cáo của Bộ Tài chính mới đây cho thấy năm 2018 không cổ phần hóa được doanh nghiệp nào theo kế hoạch. Năm 2017 có khá hơn một chút là đã cổ phần hóa được một số trong kế hoạch (và một số lại chỉ được thực hiện trong năm 2018). Cho đến nay mới chỉ cổ phần hóa được 27/127 (21%) doanh nghiệp trong kế hoạch 2017-2020 được Thủ tướng phê duyệt.
Về số lượng là như vậy, về chất lượng cũng không khá hơn. Báo cáo trên cho thấy khi bán cổ phần lần đầu ra công chúng, còn nhiều doanh nghiệp bán được tỷ lệ rất thấp so với phương án đã được phê duyệt, thậm chí chưa đạt đến 1% (như Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp chỉ đạt 0,1%, Tổng công ty Sông Đà chỉ đạt 0,8%).
Tương tự, việc thoái vốn cũng rất chậm, cho đến nay mới chỉ có 31/316 doanh nghiệp đã thoái vốn theo kế hoạch trong năm 2017 và 2018. Chưa hết, việc bàn giao quyền đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng chậm trễ, với 35 doanh nghiệp hiện chưa được bàn giao.
Về nguyên nhân, như thường lệ, được Chính phủ chỉ ra hoặc thừa nhận, đó là sự thiếu trách nhiệm của một bộ phận lãnh đạo các doanh nghiệp. Và cũng như thường lệ, Chính phủ cam kết sẽ có những biện pháp xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong việc chậm thực hiện các quyết định về cổ phần hóa và thoái vốn. Những nguyên nhân và biện pháp với cam kết này đã được lặp đi lặp lại quá nhiều lần, tại nhiều thời điểm, trong nhiều sự kiện, bởi nhiều cơ quan và quan chức hữu trách. Nhưng điều quan trọng là mọi việc vẫn gần như “giậm chân tại chỗ”, dường như chẳng có “người đứng đầu” nào bị vạch mặt, chỉ tên chứ chưa nói là bị xử lý trách nhiệm một cách nghiêm túc.
Đã biết nguyên nhân, đã có biện pháp, đã thể hiện quyết tâm và sự quyết liệt mà tình hình không có mấy biến chuyển thì chỉ có thể quy cho một nguyên nhân của mọi nguyên nhân là sự “lờn”, coi thường pháp luật và sự chỉ đạo của “một bộ phận lãnh đạo”, và sự bất lực của luật pháp cũng như của “một bộ phận lãnh đạo” ở cấp cao hơn (và cấp cao nhất) trong việc buộc “một bộ phận lãnh đạo” ở cấp thấp hơn thực thi kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn.
Điều đáng quan ngại là trước tình hình “lờn” pháp luật và bất lực trong việc buộc tuân thủ trên, đã xuất hiện xu hướng “bàn ra”. Theo đó, có một số ý kiến cũng như chỉ đạo gần đây cho rằng cổ phần hóa không nên hay không được chạy theo tiến độ, lấy thực chất là chính, tránh chuyện dồn ép mà không đạt hiệu quả tối đa...
Cần nhớ rằng chủ trương, đối tượng và kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn đã được chuẩn bị từ rất lâu, phải qua rất nhiều tầng lớp chỉ đạo và phê duyệt từ cơ sở lên đến tận thậm chí là Chính phủ, với quy trình đầy đủ các bước, tính đến nhiều yếu tố thiệt hơn về điều kiện và hoàn cảnh nội tại và bên ngoài. Chưa hết, các thủ tục và quy định pháp lý liên quan đến cổ phần hóa và thoái vốn cũng không ngừng được bổ sung và hoàn thiện... nên việc chạy theo tiến độ, bị “dồn nén” chẳng qua chỉ là kết quả của việc kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn đã không được thực hiện nghiêm và đúng ngay từ đầu.
Nói cách khác, lẽ ra thay vì phải kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật với “một bộ phận lãnh đạo” đã thiếu trách nhiệm để làm gương, cách nói mang tính thoái thác như trên chẳng khác nào “vẽ đường cho hươu chạy”, tạo ra một cái cớ ngụy biện cực kỳ đắc dụng cho những người có trách nhiệm trong cổ phần hóa và thoái vốn cố tình không hoàn thành trách nhiệm này.
Cứ như vậy, sẽ không có gì là lạ nếu tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn tiếp tục ì ạch trong những năm tới với lý do không thể hợp lý hơn là do phải đảm bảo thực chất và hiệu quả tối đa...
Sự “lờn” còn được thể hiện qua hàng loạt vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng liên quan đến cổ phần hóa và thoái vốn mà không bị “tuýt còi” kịp thời để đến mức mà gần đây buộc phải đưa ra chủ trương thu hồi lại tài sản doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa. Sự “lờn” luật này còn tệ hơn sự “lờn” luật trong chậm trễ cổ phần hóa và thoái vốn.
Nếu như ở các trường hợp chậm trễ cổ phần hóa và thoái vốn thường có nguyên nhân là các cơ quan hữu trách liên đới, nhất là các cấp, cá nhân có thẩm quyền phê duyệt cuối cùng, đã thiếu trách nhiệm trong việc đốc thúc tiến trình cổ phần hóa theo kế hoạch, thì trong các vụ việc sai phạm nghiêm trọng về cổ phần hóa và thoái vốn có nguyên nhân chủ yếu là các cơ quan, cá nhân liên đới này đã (cố tình) nhắm mắt làm ngơ hoặc trực tiếp đưa ra các quyết định sai trái có chủ ý. Vì vậy, trong trường hợp này, có thể nói họ đang coi thường, ngồi trên pháp luật.
Sắp tới, để tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn tăng tốc, trước tiên, dư luận cần thấy một vài khuôn mặt điển hình, một vài vụ việc vi phạm quy định về cổ phần hóa, thoái vốn được mang ra xử lý theo pháp luật để làm gương. Làm được như vậy, xã hội sẽ yên tâm là chủ trương cổ phần hóa sẽ được thực thi nghiêm túc.
No comments:
Post a Comment