Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến cho dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.
Theo đó, công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay đối với khách hàng đã và đang vay tại công ty tài chính đó, được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt theo quy định nội bộ của công ty tài chính và không có nợ xấu, theo kết quả phân loại nhóm nợ của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam đến thời điểm gần nhất tính từ thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.
Đồng thời, công ty tài chính phải đảm bảo tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của mình.
Việc NHNN dự thảo theo hướng trên là nhằm buộc công ty tài chính chọn lọc hơn trong việc cho vay tiêu dùng để giảm thiểu rủi ro và nợ xấu. Tuy nhiên, mặt trái của động thái siết lại này của NHNN là cho vay tiêu dùng tại công ty tài chính chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Cho vay tiêu dùng qua công ty tài chính mới bắt đầu phát triển từ vài năm nay. Do đó, nếu bị giới hạn ở việc chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng đã và đang vay tại công ty tài chính đó thì đương nhiên là lượng khách hàng mới trong mảng dịch vụ này khó mà tăng lên được, bởi không phải khách hàng nào đến với công ty tài chính cũng đều (đã) có nhu cầu với các dịch vụ vay khác của công ty tài chính (điều kiện cần để được vay và giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt).
Ngoài ra, với nhiều công ty tài chính, cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp mới là “con gà đẻ trứng vàng” so với các loại hình cho vay tiêu dùng khác như vay trả góp, vay qua thẻ tín dụng... Việc NHNN áp đặt giới hạn cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp không quá 30% tổng dư nợ tín dụng của công ty tài chính sẽ gạt bỏ thêm nữa số lượng khách hàng và giao dịch tiềm năng mà công ty tài chính có thể cho vay được.
Trong khi đó, nếu chỉ để giảm thiểu rủi ro cho công ty tài chính thì NHNN chỉ cần quy định và cho thi hành nghiêm túc những chốt chặn ở tầm “vĩ mô” hơn, như tăng mức trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp; đặt hạn mức cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp tỷ lệ với vốn chủ sở hữu; buộc công ty tài chính xây dựng hệ thống đánh giá và chấm điểm tín dụng của khách hàng (mới và cũ), ví dụ theo mô hình và cách thức được thực hiện bởi các nền tảng cho vay ngang hàng (peer to peer lending) để loại trừ bớt những đối tượng khách hàng có nhiều khả năng không trả nợ; áp dụng bắt buộc bảo hiểm cho các khoản cho vay giải ngân trực tiếp; giải ngân với sự bảo lãnh của thân nhân, bạn bè, đồng nghiệp của khách hàng (và cho phép công ty tài chính đòi nợ những người này nếu khách hàng được họ bảo lãnh không trả nợ đúng hạn)...
Nếu làm tốt được các yêu cầu và quy định nêu trên thì công ty tài chính trước hết sẽ có khả năng tự giảm thiểu được rủi ro tín dụng gắn liền với dịch vụ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp. Mặt khác, khi rủi ro thành hiện thực, một bộ phận khách hàng vay tiêu dùng nhận được tiền xong không trả nợ, thì công ty tài chính vẫn có những nguồn lực để bù đắp tổn thất, cũng như có thêm được đối tượng để tiến hành và gây áp lực đòi nợ hợp pháp ngoài “chính chủ”. Với ý nghĩa này, kể cả khi có không ít người vay cùng “xù” tiền vay thì công ty tài chính không vì thế mà phải rơi vào cảnh thua lỗ nặng nề và phá sản.
Việc NHNN tiếp tục “mở đường” cho công ty tài chính, trong khi tiếp tục có những biện pháp kiểm soát rủi ro chặt chẽ hơn, sẽ không chỉ giúp cho công ty tài chính tiếp tục phát triển lành mạnh hơn mà còn là một nhân tố quan trọng, thiết yếu để hỗ trợ cho chủ trương chống tín dụng đen của NHNN, thông qua tăng cường tài chính tiêu dung.
No comments:
Post a Comment