Từ nhiều năm nay
Chính phủ đã có chủ trương nhất quán là thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Chủ trương đúng đắn này nhằm mục đích tạo thuận lợi cho các chủ thể trong nền
kinh tế khi các giao dịch thanh toán được thực hiện mà không dùng tiền mặt,
trong khi vẫn phải đảm bảo an ninh, an toàn và phòng chống rửa tiền.
Chủ trương trên
đã dẫn đến sự ra đời của nhiều loại hình thanh toán không dùng tiền mặt, mà gần
đây hơn là thanh toán qua tài khoản viễn thông và qua ví điện tử. Một trong những
khác biệt chủ yếu của hai loại hình thành toán này là ở việc cần hoặc không cần
có liên kết với ngân hàng.
Cụ thể, với thanh
toán qua tài khoản viễn thông, việc nạp tiền dường như là không cần phải có tài
khoản ngân hàng, thông qua các dịch vụ của hệ thống ngân hàng, và/hoặc có
Internet. Khi nói về hình thức thanh toán này, một số quan chức liên đới và đại
diện một số hãng viễn thông cho rằng hình thức thanh toán này sẽ phát triển và
rất có ý nghĩa ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi hệ thống ngân hàng khó vươn tới
và bao phủ, nơi người dân ít tiếp cận được với các dịch vụ ngân hàng hoặc tỷ lệ
người có tài khoản ngân hàng thấp, và/hoặc không có Internet.
Trong khi đó, với
kênh thanh toán qua ví điện tử, việc nạp tiền vào ví điện tử chỉ được thực hiện
theo 2 cách: thông qua tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách. Quy định
này mới được Ngân hàng Nhà nước (NHNN ) đề xuất trong dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều
của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11 tháng 12 năm 2014 của Thống đốc Ngân
hàng Nhà nước (NHNN) hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán (sau đây gọi tắt
là Thông tư).
Quy định trong dự thảo Thông tư trên của NHNN là
phù hợp với thông lệ quốc tế, tại những nước đã phát triển và kể cả đang phát
triển, nơi có sự phổ biến rộng rãi các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Ví dụ, tại Singapore hay Ấn Độ, mọi hình thức thanh toán điện tử đều phải nối kết
với ngân hàng. Ngược lại, tại những nước này, hoặc là không có/không được phép
sử dụng thanh toán qua tài khoản viễn thông, hoặc là phải nối kết với ngân hàng
nếu muốn dùng các dịch vụ thanh toán trên điện thoại (xem thêm về vấn đề
này tại https://www.thesaigontimes.vn/285172/them-mot-con-en-thi-van-chua-co-mua-xuan.html).
Xét về độ tiện lợi,
rõ ràng hình thức thanh toán qua tài khoản viễn thông là tiện lợi hơn hầu hết
các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khác do có sự linh hoạt trong việc
nạp tiền vào tài khoản viễn thông dùng để thanh toán – hoặc bằng tiền mặt (thẻ
cào), hoặc bằng chuyển khoản, thẻ ngân hàng v.v... Trong khi đó, như đã thấy
trong dự thảo Thông tư, việc nạp tiền vào ví điện tử chỉ được thực hiện qua
ngân hàng, dùng sản phẩm của ngân hàng (tài khoản, thẻ ghi nợ), mà thiếu đi
kênh tiền mặt (thẻ cào).
Nhưng xét đến mục
tiêu đầy đủ của thanh toán không dùng tiền mặt, không chỉ phải đảm bảo sự tiện
lợi, mà còn phải đảm bảo những yêu cầu về an ninh, an toàn, và phòng chống rửa
tiền thì rõ ràng hình thức thanh toán qua tài khoản viễn thông vừa không thực sự
là một kênh thanh toán không dùng tiền mặt, vừa không đảm bảo được các yêu cầu
này.
Cụ thể hơn, việc
cho phép nạp tiền mặt (bằng thẻ cào) vào tài khoản viễn thông, dù ở những nơi
không có dịch vụ ngân hàng và/hoặc không có Internet, trước hết là đã vi phạm
nguyên tắc thanh toán không dùng tiền mặt. Người sử dụng vẫn phải dùng tiền mặt
để mua thẻ cào rồi nạp tiền vào tài khoản viễn thông, hoặc nạp tiền tại các chi nhánh, đại lý của công ty viễn thông. Sự
tiện lợi kỳ vọng ở việc thanh toán không dùng tiền mặt như vậy đã giảm đi nhiều.
Quan trọng hơn, với
việc chấp thuận nạp tiền vào tài khoản bằng tiền mặt thì dù công ty viễn thông
có muốn/bị yêu cầu kiểm soát tài khoản của người sử dụng (như cách ngân hàng kiểm
soát tài khoản của chủ tài khoản) họ cũng không thể có đầy đủ và rõ ràng các
thông tin cần thiết để thực hiện các yêu cầu về phòng chống rửa tiền (ví dụ,
nguồn tiền từ đâu, ai chuyển, bao nhiêu, khi nào v.v...).
Còn với kênh
thanh toán qua ví điện tử, việc phải có liên kết, gắn liền với ngân hàng và dịch
vụ ngân hàng như dự thảo Thông tư tuy sẽ hạn chế phần nào phạm vi phủ sóng của
nó trong dân chúng, nhưng đây vẫn là một giải pháp thanh toán phi tiền mặt dung
hòa tốt hơn giữa mức độ tiện lợi và phòng chống rửa tiền, vốn không thể xem nhẹ
hoặc bỏ qua.
Sẽ có nhiều người
lập luận, bênh vực cho hình thức thanh toán qua tài khoản viễn thông rằng kênh
này chỉ dùng để thanh toán những khoản nhỏ như mua vé máy bay, đi chợ, đi du lịch
v.v... nên dù có vi phạm nguyên tắc phòng chống rửa tiền thì hậu quả cũng không
nghiêm trọng!
Nhưng việc không
quy định một mức trần giá trị giao dịch theo ngày và theo tháng tương tự như với
quy định trong dự thảo Thông tư về ví điện tử (không quá 20 triệu đồng/ngày,
100 triệu/tháng), thì dù chỉ là những giao dịch “nhỏ” gồm mua vé máy bay, mua
tour du lịch, đi chợ v.v... tổng giá trị giao dịch thanh toán qua tài khoản viễn
thông nếu được dùng thường xuyên, đặc biệt
với mục đích rửa tiền, sẽ không còn là “nhỏ” chút nào nữa, dễ dàng lên đến
tiền tỷ.
Tóm lại, qua phân
tích bên trên, có thể thấy rằng quy định như trong dự thảo Thông tư về hình thức
nạp tiền vào ví điện tử là hợp lý và xác đáng, xét từ góc độ an ninh, phòng chống
rửa tiền. Kể cả việc áp đặt hạn mức chi tiêu theo ngay, theo tháng trong dự thảo
cũng là hợp lý bởi hiện tại việc thanh toán qua ví điện tử vẫn còn nhiều rủi
ro, dễ gây thiệt hại cho chủ ví (ví dụ, khi đánh mất điện thoại hoặc bị hack tài khoản), do đó, cần phải
có quy định hạn mức để giảm thiểu thiệt hại từ những rủi ro này. Tương tự như vậy
là các quy định khác trong dự thảo Thông tư, gồm việc NHNN sẽ giám sát tổng số
ví điện tử, tổng số dư của tất cả khách hàng, và tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện
tử phải nắm được thông tin và xác minh thân nhân người sử dụng.
Tương ứng với nhận
định trên, có thể thấy rằng hình thức thanh toán qua tài khoản viễn thông chưa
đảm bảo được các yêu cầu của thanh toán không dùng tiền mặt. Do đó, nếu muốn cấp
phép phổ biến hình thức này thì trước mắt cần đặt ra một số quy định tối thiểu,
gồm (i) không được phép nạp tiền mặt vào tài khoản viễn thông dùng để thanh
toán; (ii) đặt hạn mức giao dịch theo ngày và theo tháng (tham khảo quy định của
NHNN); (iii) công ty viễn thông phải nắm được thông tin và xác minh thân nhân
người sử dụng, phục vụ cho công tác thanh tra, giám sát ngành khi cần; và (iv) công
ty viễn thông phải báo cáo định kỳ và bất thường cho NHNN số lượng, số dư tài
khoản viễn thông dùng để thanh toán.
Trên hết, cần lưu
ý một điều rằng việc thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam cần phải được cấp phép
và chịu sự theo dõi, giám sát, chế tài của cơ quan chức năng về tiền tệ, trong
trường hợp này chính là NHNN. Để cho không phải là một sự “lách luật”, mọi
“sáng kiến” thanh toán cần phải bị loại bỏ chừng nào vẫn có khía cạnh nào đó vi
phạm nguyên tắc này.
No comments:
Post a Comment