Từ mấy năm nay đã
phổ biến tình trạng vốn trái phiếu Chính phủ được Kho bạc Nhà nước (KBNN) huy động
xong nhưng không giải ngân hết được cho đầu tư công, dẫn đến tình trạng “thừa” vốn,
buộc KBNN phải gửi tạm thời vào hệ thống ngân hàng lấy chút lãi tiền gửi trong
khi ngân sách vẫn buộc phải trả lãi cao hơn cho nhà đầu tư mua trái phiếu KBNN
– một việc được ví von như hình ảnh một con rắn tự ăn đuôi mình.
Theo giải thích của
các bên liên đới thì nguyên nhân “thừa” vốn tại KBNN là do giải ngân đầu tư
công chậm. Chẳng hạn, mới đây Bộ Tài chính cho biết tiến độ thực hiện và giải
ngân vốn đầu tư công quý I/2019 chỉ đạt khoảng 11% dự toán. Có 4 bộ, ngành và
21 địa phương có số giải ngân đạt hơn 20%, có 27 bộ, ngành và 1 địa phương gần
như chưa giải ngân được kế hoạch vốn (tỷ lệ giải ngân đạt dưới 1%). Lưu ý thêm
rằng năm nào cũng một vài lần hết Thủ tướng rồi đến Phó Thủ tướng thay nhau đôn
đốc, nhắc nhở, thúc giục và thậm chí cả đe sẽ kỷ luật các địa phương và cơ quan
liên đới giải ngân đầu tư công chậm mà tình hình vẫn không chuyển biến đáng kể.
Thực ra, giải
thích như trên là không trúng vấn đề. Cứ cho là giải ngân đầu tư công chậm là
căn bệnh trầm kha, không thể khắc phục được trong cơ chế quản lý hiện hành. Lẽ
ra như vậy thì KBNN cần phải “thích nghi” với hiện trạng này để chỉ huy động một
số vốn trái phiếu tương đương với số vốn đầu tư công dự kiến chắc chắn sẽ được
giải ngân trong một khoảng thời gian nhất định.
Nguyên tắc trên
nghe thì đơn giản nhưng là nguyên tắc xương sống trong quản lý tài chính công của
nhiều quốc gia. Chẳng hạn, Hiệp hội Viên chức Tài chính Chính phủ (GFOA), hiệp
hội quy tụ các hội viên là các viên chức trong ngành tài chính công của Mỹ và
Canada với sứ mệnh thúc đẩy trình độ quản lý tài chính công của Chính phủ trung
ương và địa phương, đã có những khuyến nghị rõ ràng về việc phát hành trái phiếu
tài trợ cho chi tiêu công, trong đó có các dự án đầu tư công.
Cụ thể, theo
GFOA, cơ quan phát hành trái phiếu cần phải xác định và phối hợp tốt với những
người/bên có trách nhiệm giám sát và quản lý các công việc như chi tiêu, dự báo
dòng tiền, tiến độ đầu tư và tuân thủ có liên quan đến dự án đầu tư công (1).
GFOA đặc biệt lưu ý phải có các lựa chọn về giai đoạn phát hành trong thời gian
xây dựng dự án để giảm thiểu thiệt hại tài chính cho ngân khố do tiền lãi ngân
khố phải trả cho trái chủ lớn hơn lãi cho vay lại (ví dụ, gửi tại ngân hàng
thương mại).
Như vậy, với trường
hợp của Việt Nam, tiền đọng tại KBNN buộc phải đem gửi ngân hàng, trước hết cần
chỉ ra rằng KBNN với tư cách là cơ quan phát hành trái phiếu đã không phối hợp
tốt với các cơ quan chức năng ở các bộ, ngành và địa phương có dự án đầu tư
công để đánh giá tình hình triển khai dự án đầu tư công và xác định được tiến độ
phát hành cũng như số vốn trái phiếu phát hành cần thiết tương ứng, dẫn đến
tình trạng lượng trái phiếu phát hành thường xuyên không khớp và lớn hơn tiến độ
giải ngân các dự án đầu tư công tại các bộ, ngành và địa phương.
Có thể sẽ có ý kiến
bào chữa rằng KBNN chỉ là nơi thực hiện nhiệm vụ huy động vốn (phát hành trái
phiếu) đại diện cho Chính phủ, mà cụ thể là Bộ Tài chính. Bộ này mới là nơi có
trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để lập kế hoạch thu xếp vốn,
trong đó có phát hành trái phiếu, khi nào và bao nhiêu, để KBNN thực hiện.
Dù thực tế đúng
như vậy thì bản chất sự việc không thay đổi. Rõ ràng, đã tồn tại từ lâu chuyện
cơ quan nào cũng chỉ lo việc của mình mà không (cần) bận tâm đến việc phối hợp
với các cơ quan khác có liên quan trong lĩnh vực mình phụ trách. Nếu đây là lỗ
hổng trong các luật liên quan về nhiệm vụ và quy chế làm việc của Bộ Tài chính,
KBNN và các bộ, ngành, địa phương khác thì cần phải nhanh chóng sửa đổi, bổ
sung quy chế làm việc và phối hợp của các đơn vị này, buộc họ phải có sự hợp
tác, phối hợp nhịp nhàng, kịp thời. Kết quả của sự tuân thủ pháp luật sẽ được
thể hiện và đánh giá bởi chính tỷ lệ đọng vốn trái phiếu trên tổng số lượng
trái phiếu phát hành. Theo đó, chừng nào còn tiếp diễn tình trạng thừa đọng vốn
trái phiếu KBNN vượt trên một tỷ lệ trần ấn định nào đó thì Bộ Tài chính sẽ phải
chịu trách nhiệm đầu tiên mà không thể đổ lỗi do những lý do khách quan hoặc
cho một bên thứ ba nào đó.
Ngược lại, nếu
pháp luật hiện hành đã có đầy đủ các quy định và quy chế phối hợp liên quan đến
phát hành, giải ngân vốn trái phiếu KBNN cho các dự án đầu tư công thì xem ra
căn bệnh không giải ngân được vốn trái phiếu là vô phương cứu chữa, bởi, cũng
như vô vàn căn bệnh hiện tại khác trong cơ chế hiện thời, nguyên nhân sẽ được
quy về lỗi... hệ thống!
(1)
https://www.gfoa.org/investment-and-management-bond-proceeds
No comments:
Post a Comment