Cho đến nay cả nước vẫn còn hàng trăm doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa cổ phần hóa hoặc đã có kế hoạch cổ phần hóa nhưng lại tiếp tục “lỗi hẹn” vô... thời hạn vì nhiều lý do. Chừng nào còn chưa cổ phần hóa, tức vẫn khoác cái áo DNNN, thì nhiều trong số các doanh nghiệp này còn tiếp tục có nguy cơ gây ra thua lỗ, thất thoát, thiệt hại để ngân sách gánh chịu.
Chưa xong, vì còn là DNNN nên các doanh nghiệp này tiếp tục được Nhà nước ưu ái dưới dạng này hay dạng khác để tồn tại được với cái giá phải trả là các doanh nghiệp phi nhà nước mà chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục bị phân biệt đối xử.
Vẫn chưa xong, đây mới chỉ là một nửa nỗi lo, chính xác hơn là một nửa gánh nặng mà DNNN đang đặt lên lưng của nền kinh tế quốc dân. Nửa gánh nặng còn lại cũng có nguồn gốc từ DNNN - các “cựu” DNNN, tức các DNNN đã cổ phần hóa. Tuy vậy, cũng lại vì đủ loại lý do mà các “cựu” DNNN này “trốn” niêm yết trên sàn chứng khoán.
Việc niêm yết của DNNN sau cổ phần hóa quan trọng và, do đó, việc chậm niêm yết là một gánh nặng cho nền kinh tế bởi nếu không niêm yết trên thị trường chứng khoán thì nhà đầu tư chỉ có thể mua bán cổ phần của các doanh nghiệp này trên thị trường tự do chưa được quản lý chặt chẽ, dễ gây nhiều vi phạm, tranh chấp. Điều này sẽ làm nản chí nhà đầu tư tương lai cho các thương vụ cổ phần hóa DNNN khác, bởi không mấy nhà đầu tư nghiêm túc muốn bỏ vốn mua cổ phiếu để rồi phải kinh doanh một cách may rủi trên thị trường tự do như vậy. Quá trình cổ phần hóa DNNN một cách thực chất (ở cái nghĩa là Nhà nước không phải nắm gần hết cổ phần của doanh nghiệp sau cổ phần hóa) vì thế mà sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng, bị chậm trễ, ít nhất với lý do là không được nhà đầu tư quan tâm.
Quan trọng hơn, việc bắt buộc niêm yết là để doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải minh bạch thông tin và nền tảng quản trị nhằm hướng đến cải thiện hiệu quả kinh doanh sau khi thoát khỏi cái bóng của Nhà nước, sẽ mang lại giá trị gia tăng lớn hơn cho cổ đông hiện hữu, bao gồm Nhà nước. Việc này cũng góp phần rất lớn vào gia tăng lợi ích của cổ đông Nhà nước khi giá trị cổ phần tăng lên giúp Nhà nước thoái vốn, thu được nhiều hơn cho ngân sách.
Đáng tiếc, cũng giống như với chuyện chậm trễ cổ phần hóa DNNN, việc chậm niêm yết của các “cựu” DNNN vẫn đang diễn ra tràn lan, dù đã có nhiều văn bản pháp luật quy định chế tài xử phạt vi phạm này từ nhiều năm nay, trong đó có Nghị định 108/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, Nghị định 145/2016/NĐ-Chính phủ sửa đổi Nghị định 108, và nhiều giải pháp “mềm” khác của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) hay cơ quan chức năng.
Vẫn là chuyện “giơ cao đánh khẽ”, bất chấp mọi “quyết tâm” với “quyết liệt” của cơ quan chức năng, cho đến nay dường như dư luận chỉ mới được biết đến một, hai vụ xử phạt chậm niêm yết của DNNN sau cổ phần hóa như Vegetexco bị UBCKNN phạt tổng cộng 520 triệu đồng do vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Cụ thể, doanh nghiệp này bị phạt vì không đăng ký giao dịch chứng khoán, không công bố thông tin theo quy định của pháp luật, và vi phạm quy định về giao dịch với cổ đông.
Việc xử phạt mang tính hành chính hiếm hoi như trên trong suốt nhiều năm qua không chỉ làm người đứng đầu trong các DNNN sau cổ phần hóa (thường vẫn là những gương mặt cũ khi chưa cổ phần hóa) thêm coi thường pháp luật. Điều đáng nói hơn là mức phạt hành chính vài trăm triệu đồng này rõ ràng là không đủ sức răn đe, buộc người đứng đầu doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải tích cực niêm yết, tuân thủ quy định sau cổ phần hóa. Bởi dù có phạt thế hay nhiều hơn nữa thì chỉ có doanh nghiệp, tức chính là Nhà nước, “chịu trận”, còn những đặc quyền, đặc lợi của người đứng đầu doanh nghiệp gắn liền với tình trạng “tù mù” do không niêm yết thì không mấy suy suyển.
Bởi vậy, có thể nói là chuyện chậm niêm yết, cũng tương tự như chuyện chậm cổ phần hóa, chủ yếu do ý thức tuân thủ pháp luật kém của người đứng đầu doanh nghiệp cũng như (sự thiếu trách nhiệm) của các cơ quan chức năng, và một phần là do chế tài không nghiêm minh, không đủ sức răn đe của pháp luật. Nên muốn ngăn chặn và chấm dứt tình trạng này thì cần tăng mức xử phạt cả về tiền lẫn truy cứu trách nhiệm trực tiếp vào người đứng đầu của doanh nghiệp và những bộ phận trong cơ quan chức năng quản lý và theo dõi việc cổ phần hóa hay niêm yết sau cổ phần hóa.
Nói cách khác, chừng nào chưa chỉ đích danh những cá nhân liên đới trong DNNN sau cổ phần hóa cũng như cán bộ tại các cơ quan chức năng, kèm theo là các hình thức xử phạt thật sự thích đáng chứ không phải là “khiển trách” hay “cảnh cáo”, thì chừng đó việc chậm cổ phần hóa, chậm lên sàn vẫn là câu chuyện dài tập và DNNN, cổ phần hóa hay không, vẫn tiếp tục là những “quả đấm thép” đấm vào nền kinh tế!
No comments:
Post a Comment