Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tăng mạnh thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc gần đây là chỉ dấu về một cuộc chiến tranh thương mại có khả năng sẽ kéo dài đầy bất trắc và kịch tính, gây ra tác động tiêu cực trên toàn cầu ở nhiều khía cạnh. Câu hỏi đặt ra là từ góc độ chính sách, Việt Nam cần phải làm gì để hóa giải tối đa trong khả năng có thể những tác động tiêu cực, đồng thời không làm ảnh hưởng đến những lợi ích tiềm năng mà cuộc chiến này có thể mang đến?
Phản ứng thường thấy trước tiên là nới lỏng tiền tệ
Về cơ bản, cuộc chiến thương mại có tầm vóc toàn cầu như đang xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc, nếu tiếp tục leo thang và kéo dài, sẽ gây ra những tác động tiêu cực gồm: (1) giảm tăng trưởng toàn cầu, theo đó là kim ngạch thương mại; (2) khủng hoảng trên các thị trường nợ, vốn, chứng khoán, và ngoại hối; (3) gián đoạn và thay đổi các dòng chảy thương mại, suy sụp và đổ vỡ các chuỗi cung ứng toàn cầu; (4) trừng phạt và trả đũa lẫn nhau giữa các đối tác thương mại thậm chí là đồng minh và ban đầu không có liên quan gì đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, khoét sâu thêm và/hoặc làm nảy nở những mâu thuẫn và đối kháng trên các phương diện khác theo các chiều song phương và đa phương.
Như là một phần của gói giải pháp để đối phó với những tác động trên, phản ứng chính sách thông thường và tiêu chuẩn của các nước, nhất là các nước đang phát triển, trước hết thường là nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích nhu cầu nội địa nhằm bù đắp tổn thất tăng trưởng từ sụt giảm xuất khẩu do nhu cầu thị trường thế giới co hẹp lại. Nới lỏng tiền tệ cũng sẽ dẫn đến làm suy yếu nội tệ, góp phần duy trì năng lực cạnh tranh xuất khẩu trong khi hạn chế nhập khẩu. Nới lỏng tiền tệ làm giảm lãi suất nên sẽ hỗ trợ đầu tư, nắm giữ trái phiếu, chứng khoán và các giấy tờ có giá bằng nội tệ. Chính phủ cũng sẽ dễ dàng hơn khi huy động các loại vốn, quỹ để cứu trợ nền kinh tế và doanh nghiệp khi cần.
Do nới lỏng tiền tệ dẫn đến mất giá nội tệ nên thường cũng sẽ dẫn đến sự tháo chạy của các dòng vốn ngoại khi sự mất giá nội tệ là đáng kể trở lên. Để hạn chế khả năng này, các nước thường phải áp đặt và thắt chặt các biện pháp kiểm soát vốn (capital control) theo hướng “có vào mà không có ra”. Dù biện pháp này có tác dụng mang lại sự ổn định tức thời, ngắn hạn nhưng điều này sẽ làm nhụt chí nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng và do đó có hại cho tăng trưởng trong dài hạn hơn.
Với Việt Nam, ưu tiên chính sách sẽ phải là ổn định và ổn định
Với Việt Nam, chính sách nới lỏng tiền tệ tại thời điểm này là rất rủi ro. Lạm phát đang chịu áp lực gia tăng mạnh bởi những đợt điều chỉnh dồn dập giá điện, xăng dầu, nhiều loại phí, thuế nên nới lỏng tiền tệ sẽ làm tăng hơn nữa áp lực lạm phát. Nếu lựa chọn nới lỏng tiền tệ thì Chính phủ phải sẵn sàng chuẩn bị giải trình và thuyết phục dân chúng chấp nhận một tốc độ tăng trưởng “đẹp” đi kèm với sự leo thang của vật giá mà từ tầng lớp trung lưu trở xuống sẽ cảm nhận được rõ cái vị của “món trộn” này ra sao.
Ngược lại, sự “khôn khéo” trong điều hành chính sách thể hiện ở việc đóng băng giá cả hàng hóa và dịch vụ bằng các biện pháp hành chính nhằm chặn đà tăng lạm phát sẽ tỏ ra chỉ là sự chủ quan về chính sách, bởi giá cả sẽ bật tung khi không còn có thể bị kìm hãm được nữa, như minh họa về diễn tiến của giá xăng dầu vừa qua cho thấy.
Chiến thuật “linh hoạt” quen thuộc trong chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ chỉ có tác dụng nhất thời, theo tình huống, nhằm “bịt” chỗ nọ, “vá” chỗ kia mà không thể thoát được tình cảnh phải đối mặt với mối xung đột: nới lỏng nhiều thì rủi ro cao. Bởi nới lỏng ở thời điểm này, chỗ này, sẽ buộc phải thắt lại tại thời điểm khác, chỗ khác nhằm đạt được xu hướng ổn định trong trung và dài hạn.
Trong bối cảnh trên, đặc biệt là khi cuộc chiến thương mại trở nên gay gắt và khó lường hơn, với hậu quả cảm nhận rõ hơn, ưu tiên chính sách sẽ phải là ổn định và ổn định, làm bệ đỡ cho các lợi ích tiềm năng mang lại bởi cuộc chiến thương mại được hiện thực hóa, giúp bù đắp suy giảm tăng trưởng, nếu có.
Lạm phát thấp, ổn định trong tầm kiểm soát sẽ giúp cho các nhà đầu tư tiềm năng thấy rõ hơn bài toán chi phí, hiệu quả khi chuyển dịch cơ sở sản xuất từ Trung Quốc hay những nơi khác chịu ảnh hưởng của chiến tranh thương mại sang Việt Nam để tận dụng lợi thế về thuế quan áp lên hàng hóa xuất đi từ Việt Nam.
Lạm phát được kiểm soát cũng sẽ giúp cho một sự phá giá nhỏ của tiền đồng trở nên có ý nghĩa lớn hơn mà không gây ra những tác động tiêu cực đáng kể liên quan thường thấy khi có sự phá giá bản tệ lớn. Trên góc độ này, NHNN cần chủ động, sẵn sàng cho những bước điều chỉnh tỷ giá nhỏ mỗi khi sức nặng của rổ ngoại tệ tham chiếu làm cơ sở cho tỷ giá tiền đồng thay đổi đáng kể. Để vừa “linh hoạt” với tỷ giá, vừa giảm áp lực lên lạm phát từ sự suy yếu của tỷ giá tiền đồng, NHNN phải đóng tròn vai người mua bán ngoại tệ cuối cùng, một mặt sẵn sàng mua vào ngoại tệ với giá cao hơn nhằm làm yếu tiền đồng, mặt khác phải tăng cường hút tiền đồng về qua kênh thị trường mở và phát hành tín phiếu. Điều hành chính sách hiện tại của NHNN dường như thể hiện rõ định hướng chính sách này khi một mặt liên tục mua vào ngoại tệ, nâng giá mua ngoại tệ, đồng thời tăng cường trung hòa cung tiền đồng tăng lên thông qua phát hành tín phiếu, kiên quyết với mục tiêu tăng trưởng tín dụng chặt chẽ hơn đặt ra từ đầu năm.
Các giải pháp chính sách hỗ trợ khác có thể áp dụng gồm có phòng chống gian lận thương mại, minh bạch và đơn giản hóa chính sách đầu tư, thương mại, mở cửa và tự do hóa thị trường lao động có kỹ năng, thắt chặt và giám sát các tiêu chuẩn vệ sinh, môi trường... Các chính sách này có tác dụng biến Việt Nam nhanh chóng thành một cứ điểm sản xuất cung ứng mới đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của nhà đầu tư, có hàm lượng giá trị gia tăng nội địa lớn để tránh được nguy cơ bị áp đặt các biện pháp trừng phạt gian lận thương mại (xuất xứ) của nước đối tác, đồng thời tránh được nguy cơ bị biến thành một cứ điểm sản xuất “bẩn”, ô nhiễm do phải đón nhận những công nghệ lạc hậu, thải loại (và do đó kém cạnh tranh, càng phải tìm cách “xuất” sang nước thứ ba) từ các nước nguồn đầu tư.
No comments:
Post a Comment