Tập đoàn Điện lực
Việt Nam (EVN) hồi tháng 3 đã được phép tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm
8,36%, đưa giá bán lẻ điện bình quân lên 1.850 đồng/kWh từ mức 1.720 đồng/kWh
trước đó. Lý do của việc tăng giá điện này theo giải thích của cơ quan chức
năng là bởi như giá thành, cơ cấu nguồn điện tăng (than, dầu, khí), cũng như
các loại phí, chênh lệch tỷ giá v.v...
Những lý do trên
có thể ít nhiều là sự thật, và, do đó, việc tăng giá bán lẻ điện là điều xem ra
là không thể tránh khỏi ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc tăng giá bán lẻ này chỉ là
tất yếu với thị trường bán lẻ điện độc quyền nằm trong tay một doanh nghiệp bán
lẻ duy nhất như EVN trong trường hợp của Việt Nam.
Ở nhiều nước khác
trên thế giới, nơi có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh bởi nhiều nhà cung cấp
thì việc tăng giá bán lẻ điện “không dễ như ăn kẹo” như vậy, bởi các nhà cung cấp
điện tham gia thị trường bán lẻ điện còn phải nhìn nhau trước khi quyết định
tăng giá điện. Sự tăng giá điện nếu không tính toán kỹ lưỡng sẽ phải đối mặt với
rủi ro là “đuổi” khách hàng chạy sang đối thủ có giá bán thấp hơn. Hơn nữa,
trên thị trường bán lẻ, người tiêu dùng có quyền lựa chọn hợp đồng cung cấp điện
với giá điện cố định trong suốt khoảng thời gian nào đó từ 3 tháng đến nhiều
năm và nhà cung cấp/bán lẻ điện không được phép điều chỉnh giá bán điện bất luận
các chi phí đầu vào tăng bao nhiêu.
Lấy ví dụ ở
Singapore. Trên thị trường bán buôn điện của nước này các công ty phát điện phải
đấu thầu cung cấp điện mỗi nửa giờ một. Dựa trên cán cân cung cầu về điện, giá
bán buôn điện sẽ thay đổi cứ mỗi nửa giờ một. Nhà bán lẻ điện mua điện trên thị
trường bán buôn rồi cạnh tranh với nhau để bán lẻ điện cho người tiêu dùng.
Với thị trường
bán lẻ điện, Chính phủ Singapore đã từng bước mở cửa cho cạnh tranh trên thị
trường này từ năm 2001, cho phép người tiêu dùng có thêm lựa chọn và linh hoạt
khi mua điện. Người dùng cũng được hưởng lợi từ sự cạnh tranh về gói bán lẻ điện
và những ưu đãi khác từ nhà bán lẻ, trong khi việc cung cấp điện không bị ảnh
hưởng.
Với việc áp dụng
thí điểm Thị trường Điện Mở (Open Electricity Market, OEM) từ tháng 4/2018 tại
từng khu vực và sau đó mở rộng áp dụng lần lượt ở các khu vực khác của
Singapore, thị trường bán lẻ điện của nước này hoàn tất việc tự do hóa mở cửa
toàn quốc từ 1/5 năm nay. Trên OEM, tất cả người dùng điện ở Singapore có các lựa
chọn mua điện từ các nhà cung cấp khác nhau, gồm: (i) nhà bán lẻ điện với biểu
giá điện phù hợp nhất với nhu cầu của người dùng điện (tương tự như các hãng viễn
thông cung cấp các gói thuê bao di động với giá cước khác nhau tùy vào lựa chọn
của người sử dụng); (ii) SP Group (tương tự EVN) với giá bán buôn điện trên thị
trường bán buôn, thay đổi mỗi nửa giờ một; và (iii) (mặc nhiên) SP Group với
giá điện được Chính phủ điều tiết.
Hiện tại có khoảng
13 nhà bán lẻ điện tham gia OEM, dẫn đến việc giá bán lẻ điện cực kỳ cạnh
tranh, hơn kém nhau từng phần trăm của một xu (1 đô la Singapore, SGD, tương
đương theo tỷ giá hiện tại là 17.056 VND) cho mỗi kWh. Trên hết, tất cả các nhà
bán lẻ đều chào gói bán lẻ điện thả nổi với giá thấp hơn ít nhất là 22% so với
giá điện mà Chính phủ điều tiết. Điều này có nghĩa là ngay cả giá bán lẻ điện
được Chính phủ điều tiết (mà ở Việt Nam là giá điện bán lẻ do Bộ Công thương
quy định) nếu được đặt trong thị trường cạnh tranh sẽ bộc lộ rõ là quá cao và
phi lý.
Để dễ hình dùng
hơn, xin lấy ví dụ cụ thể. Giá điện điều tiết bình quân trong tháng 4/2019 là
23,16 xu/kWh (=3.950 đồng/kWh). Bình quân một gia đình Singapore tiêu thụ khoảng
350 kWh/tháng, tương đương với hóa đơn tiền điện là 81 SGD (1,381 triệu đồng)
theo giá điện điều tiết này. Tuy nhiên, với sự ra đời của OEM, hộ gia đình
Singapore có thể chọn mua điện từ một nhà bán lẻ nào đó, chẳng hạn là Keppel
Electric với các lựa chọn về giá gồm: (i) cố định về tỷ lệ chiết khấu 22% của
giá điện điều tiết; (ii) cố định về giá bán lẻ theo hợp đồng cố định 24 tháng
và 36 tháng, với giá bán lẻ điện đã có thuế VAT lần lượt là 17,98 xu và 17,88
xu/kWh.
Nếu so sánh 2 gói
giá điện bán lẻ trên với giá điện được điều tiết thì có thể thấy hộ gia đình
bình quân ở Singapore sẽ tiết kiệm được khá nhiều tiền điện hàng tháng. Cụ thể,
với gói cố định tỷ lệ chiết khấu 22% thì hộ gia đình này sẽ tiết kiệm được 22%
tiền điện hàng tháng, chỉ phải chi 63,2 SGD/tháng (=350 kWh x 0.2316 SGD/kWh x
(1-0.22)), ít hơn trước 17,8 SGD/tháng tiền điện. Nếu chọn gói cố định 24 tháng
thì tiền điện của hộ này sẽ là 62,9 SGD/tháng, tiết kiệm được 18,1 SGD/tháng
(-22,3%).
Đó là chưa kể
hàng loạt ưu đãi khác của nhà bán lẻ điện để hấp dẫn người tiêu dùng chuyển
sang dùng điện của họ. Cụ thể, Keppel Electric hoàn lại 50 SGD cho người ký hợp
đồng theo các gói nêu trên, cộng thêm 15 SGD nếu người dùng chi trả tiền điện
hàng tháng bằng thẻ tín dụng của một số ngân hàng nhất định.
Việc so sánh để lựa
chọn và chuyển đổi sang các nhà bán lẻ cũng rất dễ dàng, thuận tiện nhờ chỉ dẫn
của Chính phủ, thông qua website chuyên dụng như https://compare.openelectricitymarket.sg/#/pricePlans/list
Theo đó, người
tiêu dùng chỉ việc nhập số điện hàng tháng nhà mình tiêu thụ rồi lựa chọn trong
số hàng loạt nhà bán lẻ và các gói bán điện họ chào phù hợp với nhu cầu của nhà
mình để ra được nhà bán lẻ có giá cạnh tranh nhất trong phạm vi điều kiện mà
người tiêu dùng đặt ra. Từ website này, sau khi lựa chọn xong nhà bán lẻ thì việc
ký kết hợp đồng cũng được thực hiện online dễ dàng, mất không đến 10 phút là
hoàn tất thủ tục rồi đợi hai, ba tuần sau để đấu nối điện với nhà bán lẻ được lựa
chọn này.
Tóm lại, rõ ràng
là mở cửa thị trường bán lẻ điện và cho phép nhiều nhà bán lẻ điện cả trong nước
và nước ngoài cùng tham gia chắc chắn sẽ mang lại lợi ích lớn cho người tiêu
dùng điện. Hơn thế nữa, cơ quan chức năng không phải vất vả phân trần với trấn
an người tiêu dùng về tính chính đáng mỗi khi có ý định tăng giá bán lẻ điện.
Dẫu vậy, câu hỏi
đặt ra cho Việt Nam là liệu Bộ Công thương có thực tâm muốn mở cửa thị trường
bán lẻ điện không, và, nếu có, thì cách thức và lộ trình cụ thể là thế nào? Rất
tiếc là cho đến nay câu trả lời cho những câu hỏi này vẫn chỉ khá chung chung,
hầu như mới chỉ dừng lại ở định hướng.
No comments:
Post a Comment