TBKTSG số 29 phát
hành tuần trước có bài viết nhan đề “Nhận diện những nhân tố cản trở thị trường
trái phiếu doanh nghiệp”. Theo đó, việc nhà đầu tư hiện dễ bị lạc/dụ vào “ma trận”
trái phiếu doanh nghiệp với lẫn lộn thông tin thật giả, mập mờ sẽ góp phần cản
trở sự phát triển lành mạnh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ phân tích sâu thêm về vấn đề này, chỉ ra những
nguy cơ lớn đi kèm với một thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất minh bạch. Một
số giải pháp giám sát hữu hiệu cũng sẽ được đề xuất để “lập lại trật tự” trên
thị trường này, giúp trái phiếu doanh nghiệp thực sự trở thành công cụ thúc đẩy
đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Không chỉ làm “trắng tay” nhà đầu tư...
Trong lĩnh vực
tài trợ vốn qua ngân hàng, chủ nợ cuối cùng là người gửi tiền, một dạng đầu tư
dưới dạng tiền gửi vào ngân hàng thương mại. Nhưng người cho vay doanh nghiệp
và, do đó, chịu rủi ro mất vốn, chính là ngân hàng chứ không phải người gửi tiền.
Để giảm rủi ro tín dụng (rủi ro mất vốn khi cho vay), ngân hàng phải tiến hành
phân tích, đánh giá người vay, khoản vay một cách kỹ lưỡng, giám sát chặt chẽ
người vay trước, trong và thậm chí cả sau khi cho vay (khi người vay mất khả
năng thanh toán). Không những vậy, ngân hàng còn có nhiều cách tự phòng vệ, ví
dụ như giữ tài sản thế chấp của người vay và đa dạng hóa các khoản vay của
mình.
Ngược lại, trong
lĩnh vực tài trợ vốn bằng trái phiếu doanh nghiệp, chủ nợ cuối cùng là phần lớn
là nhà đầu tư đại chúng, là những người tự quyết định đầu tư và tự chịu trách
nhiệm với quyết định của mình. Nhà đầu tư đại chúng thì đương nhiên sẽ đông đảo
về số lượng, đa dạng về trình độ, nhận thức, và thường có xu hướng ra quyết định
đầu tư dựa trên cơ sở lòng tin chứ không phải là những đánh giá chặt chẽ người
vay, khoản vay như ở các ngân hàng. Bởi vậy, mỗi khi có tin xấu về doanh nghiệp
phát hành trái phiếu (kinh doanh thua lỗ, gian lận trong phát hành...), nhà đầu
tư trái phiếu doanh nghiệp chỉ còn biết đổ xô bán tháo trái phiếu. Không chỉ có
nguy cơ chịu thiệt hại lớn khi giá trái phiếu rơi tự do mà nhà đầu tư còn chịu
rủi ro trắng tay nếu không kịp “thoát hàng” để rồi không còn tìm được người mua,
dù với giá “bèo”.
Tuy vậy, hậu quả
nguy hại không chỉ xảy ra với nhà đầu tư đại chúng mà còn có khả năng lan rộng
ra toàn nền kinh tế. Trái phiếu doanh nghiệp thực tế được nắm giữ bởi không chỉ
nhà đầu tư đại chúng mà còn các quỹ quản lý tài sản, quỹ đầu tư mạo hiểm, thậm
chí các ngân hàng và các tổ chức/doanh nghiệp (phi) tài chính khác. Đến lượt
mình, dựa trên hàng hóa là trái phiếu doanh nghiệp, các quỹ, các tổ chức tài
chính lại thiết kế và bán ra các sản phẩm tài chính ra thị trường mà người mua
lại chính là các quỹ, các tổ chức/doanh nghiệp khác. Cứ như vậy nhân lên để rồi
mỗi khi có một đợt bán tháo trái phiếu doanh nghiệp thì thị trường sẽ lại một
phen chao đảo mạnh, với chấn động lan truyền ra toàn nền kinh tế. Bởi rủi ro
trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ lan ra các thị trường tài chính
khác, đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ, lãi suất ngân hàng tăng mạnh, nhiều
doanh nghiệp cũng vì thế mà đối mặt với mất khả năng thanh toán.
Giải pháp
Hy vọng nhà đầu
tư “khôn” ra, tránh được những khoản đầu tư vào các trái phiếu doanh nghiệp “xấu”
để không kích hoạt hàng loạt đổ vỡ tiếp theo sẽ chỉ là ảo vọng. Lý do chủ yếu
không chỉ, như đã nói, nằm ở sự cả tin và trình độ nhận thức biến thiên quá lớn
giữa các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư tổ chức, mà chủ yếu còn nằm ở chuyện bất
đối xứng, không minh bạch về thông tin. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng
thông tin về dự án mà vì đó họ huy động vốn qua phát hành trái phiếu thường là
rất không rõ ràng, không được công bố đầy đủ, thường chỉ chứa đựng những điều tốt
đẹp, sáng lạn và không ít trường hợp là thông tin không trung thực, mang tính lừa
gạt. Nên cũng sẽ không có gì lạ nếu thấy nhiều dự án cùng loại trên thị trường
thậm chí còn không có được tỷ suất lợi nhuận cao như lợi suất trái phiếu mà
doanh nghiệp phát hành hứa hẹn chi trả. Nhà đầu tư dù có muốn nhưng thực tế
cũng sẽ rất khó tiếp cận doanh nghiệp phát hành để tìm hiểu, đánh giá và phân
tích tính hấp dẫn và an toàn của trái phiếu như cách mà ngân hàng đánh giá người
vay tiềm năng.
Bởi vậy, để tránh
những xáo trộn, đổ vỡ xảy ra trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì việc
trước tiên cần làm là buộc doanh nghiệp minh bạch hóa thông tin, và thông tin bạch
hóa cũng như bản thân doanh nghiệp cần được kiểm toán bởi cơ quan kiểm toán hoặc
công ty kiểm toán chuyên nghiệp, uy tín. Doanh nghiệp và trái phiếu do doanh
nghiệp phát hành cũng cần được xếp hạng tín nhiệm bởi các công ty xếp hạng
chuyên nghiệp, độc lập.
Do những cơ
quan/công ty kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm có quyền và nghiệp vụ tiếp cận và
phân tích toàn diện tình hình sức khỏe doanh nghiệp phát hành trái phiếu nên nếu
họ thực hiện nghiêm túc chức trách của mình thì sẽ giúp loại ra ngay được những
doanh nghiệp gian dối, phát hành trái phiếu với mục đích lừa đảo, hoặc những
trái phiếu có chất lượng thấp, của những doanh nghiệp thuộc loại “phát hành hay
là chết”!
Dẫu vậy, với tình
trạng thiếu hụt các công ty và đội ngũ nhân lực kiểm toán, đánh giá xếp hạng
tín nhiệm có chất lượng cao ở Việt Nam, chưa kể vẫn còn trường hợp kết quả kiểm
toán, xếp hạng tín nhiệm bị bóp méo bởi động cơ vụ lợi như đã từng xảy ra, phải
thừa nhận và chấp nhận một khoảng tối nhất định trên thị trường trái phiếu
doanh nghiệp trong một thời gian tương đối nữa cho đến khi các nguồn lực và chế
tài hoàn bị hơn. Để rút ngắn khoảng trống về thời gian này thì vai trò giám sát
thực thi và hỗ trợ về cơ chế của các cơ quan chức năng là hết sức quan trọng. Nên
vẫn có thể nói không quá, không thừa rằng thành công của thị trường trái phiếu
doanh nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực giám sát và tạo dựng thị trường của
Chính phủ.
Bên cạnh
giải pháp mang tính ngăn ngừa trên là giải pháp giảm thiểu rủi ro hệ thống.
Theo đó, cơ quan chức năng cần cô lập việc lan truyền các rủi ro nảy sinh từ sự
lao dốc của một trái phiếu doanh nghiệp để hạn chế hậu quả lan rộng ra nền kinh
tế. Việc cho phép bán các sản phẩm đầu tư phái sinh được “chế tạo” từ trái phiếu
doanh nghiệp có mức độ rủi ro cao, hoặc việc dùng trái phiếu doanh nghiệp này
làm tài sản thế chấp để mua trái phiếu doanh nghiệp khác... là những việc cần
được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và triệt để. Đáng tiếc là dù trên thị trường
đã xuất hiện những sản phẩm và “nghiệp vụ” này nhưng dường như cơ quan chức
năng vẫn chưa có động thái xử lý thích ứng nào.
No comments:
Post a Comment