Trong Hội nghị chuyên đề trực tuyến của Đảng ủy Khối
doanh nghiệp Trung ương ngày 9/9 về tình hình triển khai, tổ chức thực hiện Nghị
quyết số 12 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại,
đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN),
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình hỏi các lãnh đạo DNNN: "doanh nghiệp nhà nước là then
chốt, có nhất trí thế không?". Theo báo chí tường thuật thì đáp lại câu hỏi
này là sự im lặng. Phải gần 2 giờ sau mới có một người trả lời rằng “không phải
đầu cũng phải tai”.
Cũng trong hội
nghị, ông Bình khẳng định doanh nghiệp nhà nước là công cụ quan trọng để bảo đảm
thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đối phó
với những biến động thị trường; tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước; đóng
góp quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế -
xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và
chính sách an sinh xã hội.
Sứ mệnh mâu thuẫn
Trích dẫn hai sự
kiện trên để thấy trước hết về phần vai trò, sứ mệnh của DNNN, thực chất là
gánh nặng trách nhiệm, nghĩa vụ mà DNNN phải đáp ứng, hoặc được kỳ vọng từ phía
“trên”, là quá nhiều. Quan trọng hơn, các nghĩa vụ này có mâu thuẫn với nhau,
khó có thể “chung sống hòa bình”.
Cụ thể, là công cụ
để ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát thì thường sẽ có nghĩa là DNNN phải “mua đắt”,
“bán rẻ”, ví dụ tăng giá thu mua nông sản để hỗ trợ nông dân nhưng lại phải bán
giá rẻ hơn thị trường như kiểu cửa hàng “bình ổn giá”. Kinh doanh kiểu này tất
nhiên lãnh đạo doanh nghiệp có tài đến mấy thì vẫn không tránh khỏi thua lỗ, trừ
khi được Nhà nước bù đắp thua lỗ bằng cách này hay cách khác, trực tiếp hoặc
gián tiếp sử dụng ngân sách. Nếu như vậy thì DNNN sẽ không thể thực hiện tròn
vai nghĩa vụ thứ hai là tạo nguồn thu lớn cho ngân sách, bởi một mặt thì DNNN
đang đối mặt với nguy cơ thua lỗ thì lấy đâu ra mà đóng góp cho ngân sách. Ngược
lại, ngân sách lại phải bỏ ra để bù đắp cho DNNN khỏi thua lỗ.
Tương tự như vậy,
một mặt DNNN phải đối mặt với thương trường, cạnh tranh khốc liệt trong và
ngoài nước, nhưng mặt khác vẫn phải đóng góp vào các nhiệm vụ chính trị, xã hội,
an ninh, quốc phòng... Tức là cùng lúc
phải căng mình làm nhiều việc mà việc nào cũng phải làm tốt thì không “vật vờ”
mới là lạ.
Nói như vậy để thấy
ngay việc xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của DNNN thôi đã có vấn đề, để rồi từ
đó lại tiếp tục nảy ra nhiều vấn đề khác trên thực tế liên quan đến DNNN.
Quyền lợi, quyền hạn cũng mâu thuẫn
Về các loại quyền
đối với DNNN, câu phát biểu “không phải đầu cũng phải tai” cũng đủ tóm tắt những
sự “chéo ngoe”. DNNN bị hạn chế quyền tự chủ, nhiều thứ muốn quyết không được
mà phải “xin ý kiến trên”. Nếu làm đúng theo tinh thần ông Bình giục giã trong
hội nghị ("dồi dào niềm tin, cũng như ra trận, thiếu niềm tin thì không thể
thắng. Phải có niềm tin để từng bước gây dựng lại hình ảnh tốt đẹp của doanh
nghiệp nhà nước"), hay câu giục giã của một vị lãnh đạo trước đây đối với
Vinashin (“phải táo bạo, táo bạo hơn nữa”) thì sự mạnh dạn, tự tin, táo bạo,
dám nghĩ dám làm dễ trở thành họa không chỉ cho bản thân lãnh đạo doanh nghiệp,
DNNN, mà còn cho cả nền kinh tế, kể cả khi sự táo bạo, tự tin này xuất phát từ
động cơ trong sạch.
Sự ràng buộc về
cơ chế, thể chế pháp luật, sự trì trệ, lạc hậu nhưng quá... thừa thãi của đội
ngũ công chức quản lý DNNN là một số trong những yếu tố trói chân trói tay DNNN
muốn “làm lớn” trong khi lại tạo ra những cơ hội béo bở cho lãnh đạo DNNN cấu kết
với một bộ phận công chức quản lý trục lợi của công.
Lối thoát
Khi Tòa soạn báo
đặt tác giả viết bài này có nêu câu hỏi là làm thế nào để nâng cao tính hiệu quả
của DNNN. Với câu hỏi “đau đáu” này thì trước khi trả lời, cần phải hỏi lại là
hiệu quả ở mặt nào? Nhưng e rằng hỏi thế thì làm khó quá nên xin trả lời hộ
luôn vậy.
Như trên đã nêu,
trước sự “đa nhiệm” đầy mâu thuẫn trong khi “nhất cử nhất động” đều phải xin
phép ai đó trong một thời gian có khi bất định nếu không muốn bị truy tố tội cố
ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng thì chẳng thể nào có phép mầu, lời giải nào
để đạt hiệu quả trên bất cứ phương diện nào.
Nhận diện vấn đề rõ
như vậy rồi thì cũng sẽ nhìn thấy lối thoát. Về mặt nghĩa vụ, phải xác định, định
vị rõ DNNN có trách nhiệm, nghĩa vụ gì. Về mặt này, gợi ý cho câu trả lời nằm ở
chữ “doanh nghiệp”. Đã là doanh nghiệp thì dứt khoát phải đặt chữ “lợi nhuận”
lên hàng đầu, và cũng chỉ duy nhất chữ này mà thôi, chỉ có chữ này được lấy làm
thước đo hiệu quả. Điều này có nghĩa là DNNN nắm vốn Nhà nước giao phó phải có
trách nhiệm làm vốn này sinh sôi nảy nở, như mô hình của Temasek ở Singapore.
Thực thể này ở Singapore chẳng có nghĩa vụ phải ổn định vĩ mô, đóng góp vào an
ninh, quốc phòng, xã hội. Điều hành Temasek là một đội ngũ quản lý giàu kinh
nghiệm quản lý các doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước chứ không phải là đội
ngũ quan chức ngồi bàn giấy như ở ta. Kết quả quản lý được đánh giá qua các chỉ
tiêu cụ thể (KPI) cứ theo đó đội ngũ quản lý sẽ biết ai được ở lại, ai phải ra
đi.
Chắc chắn nhiều
người sẽ sợ hãi trước viễn cảnh này và đặt câu hỏi, vậy thì lấy ai làm các nhiệm
vụ thay cho các DNNN truyền thống đây? Xin nói luôn là việc nào ra việc đấy, ai
làm việc người đó. Doanh nghiệp thì chỉ nên kinh doanh làm lãi. Chuyện ổn định
vĩ mô thì đã có các chính sách quản lý vĩ mô, qua các công cụ thuế, chính sách
phúc lợi, an sinh. Chuyện an ninh, quốc phòng thì là của ngành an ninh, quốc
phòng với nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước.
Đối với những người
chưa “yên tâm” thì xin lấy ví dụ như thế này. Nhà nước muốn làm một con đường đến
vùng sâu, vùng xa mà theo nếp nghĩ thông thường thì chỉ có DNNN mới “xung
phong” đảm nhận còn doanh nghiệp tư nhân thì “mất hút”. Nhưng tiền đâu để DNNN
làm dự án này? Rõ ràng là dự án không thể “tự nó rán mỡ nó” vì doanh nghiệp tư
nhân không muốn làm. Có nghĩa là để DNNN đứng ra làm con đường này thì Nhà nước
phải rót vốn cho DNNN này bằng cách này hay cách khác. Lúc đó DNNN về bản chất
trở thành nhà thầu công trình, tức xây thuê. Nếu vậy thì Nhà nước cũng hoàn
toàn có thể thuê doanh nghiệp tư nhân thực hiện dự án, đồng nghĩa với “sứ mệnh”
đóng góp phát triển cơ sở hạ tầng của DNNN trở nên vô nghĩa.
Trường hợp Nhà nước
không có đủ tiền để thực hiện dự án với tư cách là chủ dự án thì cũng không có
nghĩa là DNNN sẽ đứng ra nhận thay và nhận luôn phần lo vốn và trả nợ, bởi rốt
cuộc tiền vào hay ra cũng đều cùng địa chỉ là ngân sách nhà nước. Trong những
trường hợp này thì thường Nhà nước phải dùng đến các công cụ khác như đổi đất lấy
hạ tầng, hoặc bằng chính sách ưu đãi nào đó để bù đắp thiệt hại cho doanh nghiệp
“xung phong” làm thay Nhà nước. Lúc đó dù không có DNNN thì vẫn có nhiều doanh
nghiệp tư nhân sẵn sàng muốn làm.
Tóm lại,
muốn DNNN tồn tại và lớn mạnh thì buộc phải định vị lại trách nhiệm và quyền hạn
của DNNN theo hướng biến DNNN thành doanh nghiệp đơn thuần theo đuổi lợi nhuận
với nguồn vốn công cộng nhưng được quản lý theo những nguyên tắc thị trường bởi
những con người am tường kinh doanh hoạt động trong khuôn khổ pháp luật như đối
với các doanh nghiệp tư nhân khác.
No comments:
Post a Comment