Tổng cục Thống kê
(TCTK) đã tiến hành đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam. TCTK cho biết, đánh
giá lại quy mô GDP là nhiệm vụ thường xuyên và định kỳ của bất kỳ một cơ quan
thống kê quốc gia nào trên thế giới. Đánh giá lại quy mô GDP được thực hiện
theo phương pháp sản xuất, vì vậy không phải là cách tính mới. Đây không phải
là lần đầu tiên TCTK tiến hành đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam. Trước đó, năm
2013, TCTK đã thực hiện đánh giá lại quy mô GDP cho giai đoạn 2008-2012 (1).
Lý giải cho sự cần thiết phải đánh giá lại quy mô GDP, TCTK
nêu mấy lý do, trong đó có nhằm đảm bảo theo thông lệ quốc tế và nguồn thông
tin đầu vào phục vụ biên soạn chỉ tiêu GDP hàng năm (trước đây?) chưa đầy đủ. Kết
quả rà soát, đánh giá lại quy mô GDP, TCTK nhận diện 5 nhóm nguyên nhân chủ yếu
làm tăng quy mô GDP, gồm: bổ sung thông tin điều tra; bổ sung thông tin từ hồ
sơ hành chính; cập nhật lý luận mới hệ thống tài khoản quốc gia 2008; rà soát,
cập nhật lại phân ngành kinh tế; và cập nhật cơ cấu kinh tế làm thay đổi hệ số
chi phí trung gian và chỉ số giá của cả nước.
TCTK nêu ra 3
nguyên tắc đánh giá lại quy mô GDP gồm đảm bảo tính toàn diện, đảm bảo tính thống
nhất quy trình và phương pháp tính, và đảm bảo tính lịch sử và tính so sánh.
Ngoài ra, để biện
minh cho việc đánh giá lại quy mô GDP, TCTK cho biết đã làm việc với chuyên gia
IMF, tham vấn ý kiến của chuyên gia thống kê Liên hợp quốc. Kết quả có thể tóm
tắt là... cần thiết, phù hợp, tốt hơn...!
Số liệu cũ hóa ra... để cho có?
Ước tính GDP đầu
người sau khi tính lại đạt 3.000 đô la Mỹ/năm so với mức tính hiện tại là
2.590. Như vậy quy mô GDP sau tính lại tăng lên rất đáng kể, khoảng 16% (với giả
thiết chắc là đúng là thống kê về dân số của chính TCTK không bị điều chỉnh lại
trước và sau khi TCTK tính lại quy mô GDP). So với một số nước trên thế giới có
sự đánh giá lại GDP mà TCTK nêu ra làm ví dụ thì mức điều chỉnh của Việt Nam
không phải là ngoại lệ, dù vẫn ở mức lớn nếu so với Trung Quốc, Mỹ, Đức, Ý (có
GDP mới tăng với tỷ lệ một chữ số so với GDP cũ), và chỉ “thua” Nga, Bulgari,
Rumani và Croatia.
Điều đáng nói là với
5 nhóm nguyên nhân được TCTK nhận diện và 3 nguyên tắc đánh giá lại quy mô nêu
trên, điều cho thấy là các con số thông kê trước đây của TCTK có chất lượng thấp,
dựa trên phương pháp, tiêu chí không được cập nhật, nguồn thông tin, dữ liệu đầu
vào không hoàn chỉnh, toàn diện, thống nhất, tin cậy... Việc bổ sung thêm
76.000 doanh nghiệp đang hoạt động (2) (chiếm đến gần 11% tổng số 715 nghìn doanh
nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, cũng theo số liệu của TCTK (3)), cho thấy,
ngoài những vấn đề nêu ở phần sau, việc điều tra, thống kê trước đây phải dựa rất
nhiều vào điều tra mẫu và ước tính, suy đoán. Chưa hết, mặc dù hệ thống tài khoản
quốc gia SNA 2008 đã ra đời trước đợt điều chỉnh quy mô GDP của TCTK năm 2013
nhưng điều rất lạ là TCTK dường như đã không áp dụng hệ thống này trong lần điều
chỉnh đó mà đợi cho đến lần điều chỉnh này, mặc dù TCTK luôn nhấn mạnh sự phù hợp
với chuẩn mực/thông lệ quốc tế của mình cả trước đây và hiện nay.
TCTK cũng biện
minh cho việc tính lại GDP là không có sự thay đổi về phương pháp tính, vẫn
theo phương pháp sản xuất nên không phải là cách tính mới. Tuy nhiên, cũng giống
như khi làm toán số học, cùng phép tính cộng (tức cùng phương pháp tính), điều
làm kết quả khác biệt là một đại lượng nào đó đã được định nghĩa lại và trở nên
phình to hay nhỏ đi. Nên tuy TCTK áp dụng cùng một cái gọi là phương pháp sản
xuất nhưng nếu trong phép tính GDP của họ có nhiều đại lượng đã được điều chỉnh
theo các phương pháp/định nghĩa/phạm vi mới thì về bản chất TCTK đã tính GDP
theo cách tính mới.
Nói cách khác, việc
điều chỉnh quy mô GDP lần này của TCTK nếu được coi là tất yếu, hợp lý, đúng đắn
(cũng giống các lần tính lại trước đây) thì cũng đồng nghĩa với việc những con
số thống kê liên quan trước đây cho đến tận thời điểm này chỉ là để cho có,
mang tính tham khảo mà thôi. Và do những khiếm khuyết trên, việc đảm bảo tính lịch
sử và tính so sánh như TCTK sẽ không được... đảm bảo, bởi việc điều chỉnh lại
các con số cũ sẽ lại phải dựa trên ước tính, suy đoán mà về bản chất có khác
chi “nhào nặn” số liệu?
Thêm nhiều vấn đề
Việc bỏ sót tới
76 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, hay gần 11% tổng số doanh nghiệp đang hoạt
động xảy ra bất chấp TCTK đã tiến hành các cuộc tổng điều tra, khảo sát qua các
năm trước đây. Lưu ý thêm mức 11% này với mức 16% tăng lên về GDP theo cách
tính mới, xem ra đã có một mối liên hệ mật thiết. Như vậy, có thể nói một bộ phận
lớn doanh nghiệp đã bị/được “bỏ quên”, không kiểm soát được, dẫn đến không chỉ
làm “thất thoát” một lượng lớn GDP mà còn làm cho một nguồn thu thuế tiềm năng
lớn đã bị bỏ ngoài sổ sách, không chảy về ngân sách nhà nước. Do TCTK và Tổng cục
Thuế đều trực thuộc Bộ Tài chính nên bộ này cần có trách nhiệm giải trình và có
biện pháp khắc phục ngay.
Vấn đề khác là
cái hầu như ai cũng hiểu và nhiều người đã đề cập. Sự tăng lên của GDP theo
cách tính mới không những không có ý nghĩa với người dân thường (bởi thu nhập của
họ đâu có tăng tương ứng qua một đêm theo sự điều chỉnh này), mà còn có hại trực
tiếp ở khía cạnh là, cũng như TCTK đề cập, sẽ làm tăng đóng góp của Việt Nam
cho các tổ chức quốc tế mà Việt Nam đang là thành viên. Câu hỏi được đặt ra là
tại sao cứ phải tính lại GDP?
Mặc dù TCTK thừa
nhận rằng (số liệu GDP mới): “phản ánh số liệu thấp hơn đối với nhiều chỉ tiêu
tài chính/tài khóa: tỷ lệ thu ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ thuế so với
GDP; tỷ lệ chi ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước
so với GDP; tỷ lệ nợ công, nợ chính phủ và nợ nước ngoài so với GDP. Sự thay đổi
có thể cho thấy khả năng mở rộng dư địa cho thu ngân sách và thuế, cũng như chi
tiêu và vay của Chính phủ”, nhưng TCTK có hướng xem nhẹ hậu quả này bằng lập luận
không mấy thuyết phục rằng: “khả năng tác động là thấp vì trong thực tế thu
ngân sách và thuế dựa trên thu thuế/phí, các tỷ lệ thu liên quan và được quy định
bởi các văn bản pháp luật”.
Điều tai hại/tệ hại
sẽ xảy ra khi các cơ quan chức năng không “đơn giản” như lập luận của TCTK, mà
lại sốt sắng chẳng hạn như so sánh mức nộp thuế trên GDP của Việt Nam với thế
giới, vốn đã tụt giảm chỉ sau một đêm để “phát hiện” ra vẫn còn rất nhiều dư địa
tăng thuế ở Việt Nam và kiến nghị cần tăng thuế ngay và luôn cho “phù hợp với
thông lệ quốc tế”!
Một vấn đề lớn khác
nữa cũng có liên quan là chuyện Chính phủ “được dịp” tăng nợ công, tăng chi
ngân sách, cũng với lý do mọi thứ còn thấp xa ngưỡng an toàn áp dụng trên thế
giới (dù chuyện này cũng xảy ra chỉ sau một đêm). Riêng quan ngại này thì không
thấy TCTK giải trình gì trong lập luận nói trên (họ chỉ nói đến thuế và thu
ngân sách).
Dù khả năng tăng
nợ công, tăng chi ngân sách với cái cớ là vẫn còn nhiều dư địa vẫn đang được bỏ
ngỏ bởi các cơ quan chức năng sẽ là bình thường, hợp lý nếu họ tăng chi, tăng nợ
song hành với dư địa nguồn thu cũng tăng lên tương ứng. Tuy nhiên, như đã thấy,
GDP theo thống kê mới có tăng lên, một phần lớn nhờ “tính thêm” 76 nghìn doanh
nghiệp bị bỏ sót, ngoài vòng kiểm soát trước đó. Nên dư địa thu thêm cho ngân
sách từ việc tính thêm này không có gì đảm bảo sẽ tăng tương ứng bởi đơn giản
là không có gì đảm bảo là các cơ quan chức năng sẽ kiểm soát (và thu thuế) được
76 nghìn doanh nghiệp này. Nói cách khác, chỉ có bánh vẽ là to lên mà thôi.
Tóm lại, chủ
trương tính lại GDP đã bộc lộ thêm nhiều vấn đề và động cơ thực sự của nó. Mọi
thủ thuật không xuất phát từ thực chất chỉ làm tăng thêm sự bất tín.
(1) https://www.gso.gov.vn/Default.aspx?tabid=382&ItemID=19325
(2) http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2019-08-16/danh-gia-lai-quy-mo-gdp-chua-tinh-khu-vuc-kinh-te-ngam-75216.aspx
(3) https://www.gso.gov.vn/Default.aspx?tabid=382&ItemID=19273
No comments:
Post a Comment