Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25% xuống 6%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,25% xuống 4%/năm; Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng giảm từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm. Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở giảm từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.
Các quyết định nói trên có hiệu lực từ ngày 16/9/2019. Như vậy đây là lần đầu tiên kể từ tháng 10/2017 NHNN mới lại can thiệp trực tiếp đến lãi suất điều hành.Trước đó hồi trung tuần tháng 8, nhiều chuyên gia cho rằng NHNN sẽ giữ nguyên chính sách lãi suất trong năm nay mặc dù có rất nhiều các ngân hàng trung ương trên thế giới cắt giảm lãi suất. Lãnh đạo cấp Vụ của NHNN khi trả lời phỏng vấn trên chính tờ báo của NHNN cũng khẳng định sẽ không hạ lãi suất.
Bởi vậy, động thái ngày 13/9 vừa qua của NHNN đã làm không ít người cảm thấy bất ngờ, nhưng cũng nhiều ý kiến cho rằng quyết định của NHNN là hết sức hợp lý, phù hợp với diễn biến cả trong và ngoài nước.
Xoay quan động thái trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Phan Minh Ngọc, hiện công tác tại một ngân hàng của Nhật có trụ sở ở Singapore.
PV: Thưa ông, vì sao NHNN lại đưa ra quyết định giảm lãi suất ở thời điểm này?
TS. Phan Minh Ngọc: Đã có một số ý kiến được đưa ra giải thích cho động thái này như việc hạ lãi suất của NHNN là theo chiều hướng chung của các ngân hàng trung ương trên thế giới; lạm phát của Việt Nam vẫn đang ở mức tương đối thấp nên hạ lãi suất cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến lạm phát; và giảm lãi suất sẽ giúp giảm áp lực lên lãi suất cho vay v.v...
Nhưng câu hỏi mà có lẽ nhiều người quan tâm nhất là tại sao việc hạ lãi suất lại xảy ra vào thời điểm này chứ không phải thời điểm một, hai tháng trước đây. Bởi những yếu tố trên đều xuất hiện một thời gian đáng kể chứ không phải vào thời điểm này, tháng này.
Bởi vậy, cần nhìn sự việc trong một bối cảnh rộng hơn chuyện lạm phát và lãi suất cho vay hay xu hướng hạ lãi suất trên thế giới. Ở thời điểm này, điều tỏ ra khác hẳn với những tháng trước đây là xu hướng ổn định, thậm chí lên giá của VND so với USD và tức là với nhiều đồng tiền khác, trái ngược với lo ngại và nhận định của giới chuyên gia cũng như diễn biến thông thường trước đây.
Trong khi đó, như đã thấy, lạm phát tiếp tục ổn định ở mức thấp, lãi suất cả huy động và cho vay có xu hướng tăng. Việc để VND lên giá so với nhiều đồng tiền khác gồm thậm chí cả USD hiển nhiên là điều không có lợi cho nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước hạ lãi suất mà mục đích cũng là nhằm làm yếu đồng tiền của mình đi.
Tất nhiên là để điều chỉnh giá trị của VND thì có cách trực tiếp là NHNN mua vào USD như họ bắt đầu thực hiện lại trong thời gian gần đây. Nhưng cách làm này sẽ dễ gây ra chỉ trích từ Mỹ rằng Việt Nam đang thao túng tiền tệ để trục lợi. Nên cách làm này cũng chỉ có, chỉ được dùng giới hạn. Thêm nữa, việc mua vào này mặc dù đã xảy ra, nhưng tác động xem ra chưa đạt mục đích, có thể một phần vì lượng mua vào không thực sự lớn.
Cách thứ hai "an toàn" hơn và cuối cùng vẫn đạt mục đích giảm giá VND là hạ lãi suất cho vay từ các nguồn cung tiền đồng từ NHNN để từ đó chuyển tải tác dụng nới lỏng có mức độ trong chính sách tiền tệ của NHNN đến thị trường tín dụng thứ cấp.
Nếu đúng như cách lý giải trên thì việc NHNN hạ lãi suất là hợp lý, dù có lẽ đây chỉ là bước thăm dò phản ứng thị trường bởi mức giảm khá nhỏ, 0,25 điểm phần trăm so với các mức lãi suất chính sách hiện hành.
Việc hạ lãi suất này có đồng nghĩa với việc sẽ có thêm một khối lượng tiền nhất định được bơm vào nền kinh tế không thưa ông?
Điều này còn tùy NHNN hành động trên thực tế như thế nào. Nếu việc giảm lãi suất chỉ diễn ra trên giấy mà không đi kèm với hành động thực tế của NHNN là sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu vay phù hợp của thị trường đối với các nguồn cho vay của mình thì tác động của nới lỏng chính sách tiền tệ, hay nôm na là bơm tiền vào nền kinh tế, không thực sự diễn ra như lẽ thông thường. Để kiểm định điều này thì cần quan sát diễn biến lãi suất thông dụng như liên ngân hàng, thậm chí lãi suất trái phiếu Kho bạc Nhà nước, xem có tiếp tục đứng vững kéo dài hay không.
Thông thường hạ lãi suất sẽ có tác động ngược lên lạm phát, còn bối cảnh hiện nay của Việt Nam thì sao?
Như đã nói ở trên, ở giai đoạn thăm dò này thì việc hạ lãi suất của NHNN chưa thể gây ra áp lực gia tăng mạnh lên lạm phát, chưa kể nếu NHNN không hành động tích cực trên thực tế (tức sẽ giới hạn cho vay theo lãi suất mới) thì tác động của việc nới lỏng tiền tệ này càng hữu hạn. Tất nhiên ở đây phải đặt giả định rằng mọi yếu tố khác có tác động lên lạm phát (như giá cả thế giới) không biến động đáng kể.
Đối với các thành viên trên thị trường là ngân hàng thương mại, quyết định hạ lãi suất của NHNN sẽ có những tác động gì thưa ông?
Cũng vẫn là câu trả lời "còn tùy". Nếu NHNN sẵn sàng cho vay bất cứ ngân hàng thương mại nào có nhu cầu (hợp pháp) thì đương nhiên là tình hình sẽ "dễ thở" hơn với các ngân hàng thương mại, bởi lãi suất đầu vào giảm (dù nhẹ), còn lãi suất đầu ra vẫn thuộc sự kiểm soát của ngân hàng thương mại (ngân hàng thương mại vẫn là người làm giá chứ không phải doanh nghiệp, người đi vay, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế vẫn tích cực, nhu cầu vay vốn của nền kinh tế vẫn tăng).
Và ngược lại, khi NHNN chỉ hạ lãi suất trên giấy theo kiểu tùy cơ ứng biến thì rõ ràng là tác động của hạ lãi suất lên các ngân hàng thương mại không đáng kể.
Thế còn tác động đến các doanh nghiệp và nền kinh tế thì sao?
Câu trả lời "còn tùy" sẽ được lặp lại vài lần. Ví von tương tự như tưới nước cho cái cây, nếu lượng nước tưới chỉ có một bình con con thì có lẽ xuống được đến cành cuối cùng, hoặc gốc cây chỉ là một vài giọt nước. Lượng tiền sẵn sàng cho vay từ NHNN (với giả thiết là các ngân hàng thương mại xếp hàng để được vay) mà không đáng kể thì nó sẽ đọng lại trước tiên trong hệ thống ngân hàng để giải quyết các vấn đề nội tại của ngân hàng như thanh khoản eo hẹp, dự trữ tụt giảm. Sau đó, lượng tiền còn dư sẽ tiếp tục chảy qua những chỗ ưu tiên của ngân hàng thương mại, không nhất thiết là các doanh nghiệp trong các lĩnh vực "ưu tiên" theo quy định của NHNN. Nói cách khác, nếu liều lượng nới lỏng tiền tệ nhỏ thì tác động thực sự lên nền kinh tế thực cũng sẽ vì thế mà nhỏ đi hơn nữa.
No comments:
Post a Comment