Cả nền kinh tế đang gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp lo lắng không thể trụ nổi qua tháng 4 thôi chứ chưa nói đến hết dịch bệnh (với nhiều dự báo khác nhau) và vì thế đang có rất nhiều doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ vốn rẻ, được giãn nợ và miễn giảm lãi suất cùng các khoản phí dịch vụ khác từ Chính phủ và ngành ngân hàng. Và không chỉ có các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể, người lao động mong muốn được hỗ trợ mà cả các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước cũng mong được cấp vốn, chẳng hạn Uỷ ban quản lý vốn nhà nước đề xuất cho Vietnam Airlines vay đến 12.000 tỷ đồng lãi suất 0%/năm trong 3 năm.
Theo ý kiến của một số chuyên gia, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp là cần thiết, song phải chọn lựa đối tượng cụ thể để hỗ trợ sao cho đúng và trúng, có như vậy mới thực sự hiệu quả. Bên cạnh việc chủ động hỗ trợ thì xem các quốc gia khác đang thực hiện hỗ trợ nền kinh tế của họ ra sao cũng nên được tham khảo.
Như trong bài viết gần đây chúng tôi đã giới thiệu một số giải pháp hỗ trợ vay vốn cho doanh nghiệp dưới tác động của Covid-19 nhìn từ Singapore của tác giả Phan Minh Ngọc. Trong bài này, chúng tôi tiếp tục trao đổi thêm với chuyên gia về các đề xuất cụ thể liên quan đến việc hỗ trợ vay vốn cho các doanh nghiệp Việt Nam để độc giả cùng theo dõi.
(xem lại bài viết: Những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam nhìn từ kinh nghiệm Singapore)
PV: Thưa ông, ở Singapore đang hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 như thế nào? Họ có hỗ trợ cho tất cả các thành phần doanh nghiệp hay không?
TS. Phan Minh Ngọc: Chính phủ Singapore cũng như ngân hàng trung ương của nước này (MAS) chỉ hỗ trợ việc vay vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chứ không có quy định tương tự cho các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn của nước này. Điều này là hợp lý, xét về bản chất và vai trò của SME trong nền kinh tế.
Cũng giống như hầu hết các nước khác, SME là một trụ cột chính cho nền kinh tế Singapore, chiếm 99% số doanh nghiệp của nước này, đóng góp tới 48% GDP và 65% công ăn việc làm cho Singapore. Nhưng SME rất dễ bị tổn thương bởi các cú sốc kinh tế bởi những hạn chế về tiềm lực tài chính và khả năng tiếp cận các nguồn vốn. Do đó, đối tượng cần hỗ trợ đầu tiên trong các cơn bĩ cực kinh tế phải là SME. Các doanh nghiệp lớn thì, ngược lại, tuy vẫn có thể phải đối mặt với khó khăn trên thị trường nhưng thường không bị những hạn chế tương tự như của SME nên sẽ có nhiều cơ hội sống sót hơn.
Cũng có nhiều người nhắc đến việc cứu trợ hãng hàng không Singapore Airlines (SIA) như một biểu hiện của việc Chính phủ sẵn sàng cung cấp các khoản cho vay cho hãng này nói riêng và các tập đoàn, doanh nghiệp lớn nói chung. Nhưng cần lưu ý là những động thái trợ giúp liên quan đến vốn của hãng này thực chất chỉ là kế hoạch huy động 15 tỷ SGD từ việc phát hành thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu và phát hành trái phiếu chuyển đổi bắt buộc kỳ hạn 10 năm. Sự hỗ trợ của Chính phủ trong chuyện này, nếu có chăng chỉ là chuyện Temasek, doanh nghiệp nhà nước chuyên về đầu tư, cổ đông chủ chốt nắm 55% SIA, bảo lãnh phát hành cho số cổ phần/trái phiếu này.
Ngoài ra, SIA cũng tiếp cận một khoản vay bắc cầu ngắn hạn 4 tỷ SGD với DBS, ngân hàng thương mại lớn nhất Singapore, trong lúc chờ đợi vốn thu xếp qua việc phát hành này. Tóm lại là SIA vẫn chủ yếu phải tự đứng trên đôi chân mình, tiếp cận các nguồn vốn hoàn toàn theo các điều khoản thương mại mà không có bất cứ một ưu đãi nào về vay vốn từ Chính phủ.
Việc hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp SME được thực hiện cụ thể thế nào thưa ông?
Hỗ trợ liên quan đến chuyện vay vốn cho SME ở Singapore chỉ diễn ra dưới 2 hình thức.
Thứ nhất, tất cả SME, nếu có nhu cầu, đều có thể nộp đơn yêu cầu tổ chức tín dụng chủ nợ của mình cho trì hoãn trả nợ gốc đối với các khoản vay hiện hữu có tài sản đảm bảo. Thời gian nộp đơn là từ thời điểm hiện tại cho đến hết ngày 31/12/2020 (nghĩa là nếu SME nộp đơn từ ngày 1/5 thì sẽ có khoảng gần 8 tháng ân hạn trả nợ gốc). Sau khi được chấp nhận, thời hạn trả nợ mới có thể kéo dài thêm đúng bằng thời hạn trì hoãn trả nợ gốc. Tiền lãi thì vẫn phải trả như thường, gồm cả tiền lãi phát sinh từ khoản tiền gốc được hoãn trả nợ. Điều kiện để SME được chấp nhận hoãn trả nợ gốc chỉ là doanh nghiệp này không có nợ quá hạn 90 ngày, tính đến ngày 6/4/2020 (chủ nợ không được bắt SME chứng minh gì khác để được phép hoãn trả nợ).
Thứ hai, ngân hàng, tổ chức tín dụng có thể vay vốn lãi suất ưu đãi từ MAS để cho vay lại cho SME dưới dạng cho vay mới vốn lưu động hay vốn bắc cầu nhưng phải chuyển toàn bộ phần tiết kiệm được về chi phí vốn này cho SME (tạm hiểu là, giả sử chi phí vốn huy động cho vay 6 tháng của ngân hàng thương mại là 3%/năm và lãi suất vay từ MAS là 1%/năm thì ngân hàng thương mại tiết kiệm được 2%/năm. Ngân hàng thương mại thông thường sẽ cho vay SME với lãi suất là 5%/năm nhưng do quy định của MAS nên ngân hàng thương mại buộc phải hạ lãi suất cho vay xuống còn 3%/năm).
Ông đánh giá thế nào về việc hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp bằng 2 hình thức trên?
Đối với hình thức thứ nhất, những quy định như đề cập ở trên vừa đảm bảo sự tiếp cận đơn giản, bình đẳng của mọi SME đến sự hỗ trợ của các tổ chức tín dụng (và tổ chức tín dụng không được phép từ chối), nhưng đồng thời đảm bảo rằng chỉ có những SME nào lành mạnh trước đây, đáng được cứu sống thì mới được hỗ trợ. Nếu là doanh nghiệp bết bát từ trước khi chịu tác động của Covid-19, như được thể hiện qua việc có nợ quá hạn 90 ngày, thì đương nhiên cần phải tự xoay xở mà sẽ không được cứu trợ.
Quy định thứ hai của họ nhằm cung cấp vốn ngắn hạn với lãi suất ưu đãi, đáp ứng nhu cầu cấp thiết mang vấn đề sinh tử cho SME. Việc MAS cho vay vốn gián tiếp qua ngân hàng thương mại còn nhằm mục đích chỉ có SME nào hợp lệ, đủ điều kiện, nói cách khác là có khả năng sống sót, trả nợ, thì mới được ngân hàng thương mại xét cho vay. Các ngân hàng thương mại cũng phải cẩn trọng khi cho xét cho vay vì họ vẫn phải đối mặt với rủi ro thiệt hại mất vốn (kể cả khi vay từ MAS với lãi suất ưu đãi).
Ngoài ra, do ngân hàng thương mại phải chuyển phần tiết kiệm về chi phí vốn cho khách vay nên ngân hàng thương mại càng phải cẩn trọng khi vay MAS do không có lợi ích gì thêm so với huy động vốn trên thị trường, ngoài lợi ích là doanh nghiệp vay vốn sẽ "dễ thở" hơn khi nguồn vốn vay là từ MAS có lãi suất thấp hơn, nên sẽ có thêm điều kiện để sống sót và trả nợ.
Như vậy, hình thức cho vay bắc cầu này sẽ đảm bảo sự thận trọng, nỗ lực của mọi chủ thể liên quan, nhất là giữa ngân hàng thương mại với doanh nghiệp, nhưng đồng thời vẫn đảm bảo sự tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi đối với các doanh nghiệp hợp lệ, đáp ứng các điều kiện đáng được hỗ trợ để tồn tại qua đại dịch.
Ở nước ta đang có một số đề xuất cho rằng Việt Nam cũng nên hỗ trợ vốn cho các tập đoàn lớn với lãi suất 0%, ông nghĩ có khả thi?
Tôi cho rằng câu chuyện xảy ra ở Singapore rất tương đồng với Việt Nam nên Chính phủ Việt Nam cần xác định rõ ràng nếu có hỗ trợ vay vốn cho doanh nghiệp thì đối tượng hỗ trợ này phải, chỉ là SME chứ không nên bao gồm mọi doanh nghiệp chung chung, trong đó tất nhiên có doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và các tập đoàn, công ty lớn của cả khu vực tư nhân.
Liên quan đến "bộ lọc" ai đáng cứu trợ này, ở Việt Nam, giả dụ vì một lý do nào đó mà các doanh nghiệp lớn, tập đoàn, tổng công ty nhà nước hay của tư nhân lại "thành công" trong việc vận động được hỗ trợ vay vốn thì điều tối thiểu cần làm là phải loại ra, bằng tiêu chí tương tự hoặc những tiêu chí khác, những doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ mất khả năng thanh toán, lẽ ra cần phải đóng cửa từ lâu, nhưng cơ hội, trục lợi, lợi dụng Covid-19 để kêu khó, xin các ưu đãi về vốn vay.
Việc hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp SME nếu áp dụng ở Việt Nam thì nên như thế nào thưa ông?
Áp dụng cách thức này ở Việt Nam, cần tránh tình trạng Ngân hàng Nhà nước dùng hệ thống ngân hàng chỉ đơn thuần như một kênh truyền tải vốn đến doanh nghiệp, vốn là cách đã sử dụng trước đây để rồi gây hệ lụy do ngân hàng không những có ít hoặc không có trách nhiệm cho vay thận trọng mà còn thậm chí trục lợi từ chính sách hỗ trợ lãi suất của nhà nước.
Thay vào đó, nếu có cho vay thì luôn phải có sự tham gia của ngân hàng thương mại với vai trò là người xét duyệt và chịu trách nhiệm chính về chất lượng khoản vay. Chính phủ chỉ chia sẻ một phần chi phí và rủi ro của các khoản vay này để ngân hàng có thêm động lực cho vay. Khách hàng vay cũng sẽ được lựa chọn cẩn thận hơn để đảm bảo chỉ có những khách hàng lành mạnh, có khả năng sống sót mới được vay, và được vay với điều kiện ưu đãi hơn so với nếu không có sự "vào cuộc" của nhà nước.
No comments:
Post a Comment