Ngày 12/3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ký ban hành Thông tư số 01/2020, quy định về tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Một trong những điểm đáng lưu ý trong thông tư là phạm vi giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch. Theo đó, dường như thông tư chỉ đề cập đến giải pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ (gốc và lãi), miễn giảm lãi, phí, và giữ nguyên nhóm nợ. Như vậy, thông tư không có, không quy định giải pháp hỗ trợ là cho vay mới khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, như đã có một số người nhận định trước đó. Đây là một điểm tích cực, nếu xét từ góc độ rủi ro tín dụng và nợ xấu và tác động lên chính sách tiền tệ của NHNN.
Vẫn có rủi ro, tác động tiêu cực cho TCTD
Khi TCTD tái cơ cấu thời hạn trả nợ cho các khoản tín dụng hiện hữu thì có nghĩa là sẽ có một lượng vốn cho vay đến hạn trả lại cho TCTD từ các khoản tín dụng hiện hữu cho khách hàng chịu ảnh hưởng dịch bệnh sẽ không được trả lại cho TCTD đúng hạn để từ đó TCTD cho vay lại các đối tượng khác.
Tương tự, khi TCTD hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng dịch bằng cách giảm lãi, phí cho các khoản tín dụng hiện hữu thì sẽ góp phần làm giảm nguồn thu của TCTD, đồng thời cũng làm giảm nguồn vốn sẵn sàng cho vay các đối tượng khác.
Ngay cả việc TCTD giữ nguyên nhóm nợ một số khoản cho vay cũng góp phần gia tăng rủi ro, thiệt hại cho TCTD trên một số phương diện nào đó. Ví dụ, tuy khách hàng vay vốn đã ở tình trạng mất khả năng thanh toán nhưng khoản vay vẫn được giữ nguyên phân loại (tốt) nên TCTD không thể phạt trả nợ chậm, trả nợ không đúng hạn, hoặc, tệ hơn, không thể thanh lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Như thế, nguồn thu và chất lượng tài sản của TCTD cũng bị ảnh hưởng tiêu cực, từ đó thu hẹp nguồn vốn có thể cho vay các khách hàng (tiềm năng) khác.
Và thêm gánh nặng cho NHNN
Trên danh nghĩa, thông tư giao nhiệm vụ cho TCTD tự quyết định việc hỗ trợ (và tự chịu hậu quả, thiệt hại). Tuy nhiên, việc nguồn vốn sẵn sàng cho vay của TCTD bị sụt giảm bởi phải tái cơ cấu khoản vay, miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng chịu ảnh hưởng dịch sẽ có thể tạo ra áp lực lên mặt bằng lãi suất chung nếu nhu cầu vay vốn trong nền kinh tế không bị ảnh hưởng đáng kể bởi dịch.
Ngoài ra, nếu tổn thất của TCTD tham gia hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch lớn đến một mức nào đó thì sẽ có nhiều kiến nghị NHNN có giải pháp hỗ trợ chính TCTD để giúp chúng giảm thiểu thiệt hại. Giải pháp này có thể là cho vay tái cấp vốn, vay ưu đãi với lãi suất thấp, giảm tỷ lệ tiền gửi dự trữ bắt buộc hoặc tăng lãi suất trả cho tiền gửi dự trữ bắt buộc v.v...
Nợ xấu gia tăng bởi khách hàng mất khả năng thanh toán cũng gây sức ép cho NHNN phải đảm bảo thanh khoản dồi dào trong hệ thống, đảm bảm tăng trưởng tín dụng ở mức độ cần thiết để giúp kéo giảm tỷ lệ nợ xấu (vì tỷ lệ nợ xấu được tính trên tổng dư nợ).
Tất cả những điều trên hợp lại sẽ gây áp lực lên chính sách tiền tệ của NHNN. Thực ra, vấn đề này không phải là vấn đề riêng của Việt Nam mà còn là vấn đề chung của nhiều nước. Điều này cũng là lý do giải thích tại sao các nước trên thế giới thi nhau nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất bất chấp đã có nhiều chuyên gia, học giả cho rằng hành động hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương không có tác dụng gì bởi, ví dụ, dịch bệnh làm cho người dân sợ hãi ra đường nên dù có cho doanh nghiệp vay tiền với lãi suất thấp thì doanh nghiệp cũng không có đủ nhân công làm việc.
Nhưng sẽ đỡ rủi ro hơn là khi phải hỗ trợ cho vay mới
Như đã nói ở trên, thông tư không quy định TCTD phải tiếp tục cho vay mới khách hàng chịu ảnh hưởng dịch. Điều này rất có ý nghĩa cho TCTD ở khía cạnh là trước tiên nó giúp TCTD không phải tăng cường huy động vốn để đáp ứng nhu cầu vay mới không chỉ của khách hàng (mới) không bị ảnh hưởng bởi dịch mà còn cả khách hàng (hiện hữu) bị ảnh hưởng bởi dịch.
Tiếp đó, việc không phải cho vay mới khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch còn giúp TCTD hạn chế nợ xấu gia tăng thêm. Bởi đối tượng khách hàng này có tương lai khá bất định nên rủi ro trả nợ cũng sẽ tăng lên, kéo theo tỷ lệ nợ xấu chung của TCTD nếu TCTD tiếp tục cho vay mới các đối tượng này.
Cả 2 điều trên cũng sẽ giúp giảm gánh nặng lên chính sách tiền tệ của NHNN do áp lực đáp ứng nhu cầu vốn và kiềm chế tỷ lệ nợ xấu không bị tăng quá mức như khi TCTD bị ép buộc phải cho vay mới khách hàng bị cảnh hưởng bởi dịch.
Tóm lại, việc yêu cầu TCTD hỗ trợ khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch có thể là việc phải làm và sẽ gây ra thêm rủi ro, gánh nặng không chỉ cho TCTD mà còn cho cả chính sách tiền tệ của NHNN. Tuy nhiên, điểm tích cực trong Thông tư 01/2020 là nó đã không ép buộc TCTD phải cho vay mới khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch như dư luận kỳ vọng ban đầu, nhờ đó hạn chế rủi ro, thiệt hại liên quan cho TCTD nói chung và cho NHNN nói riêng.
No comments:
Post a Comment