https://www.thesaigontimes.vn/td/318574/cach-nao-giam-thieu-dut-gay-chuoi-cung-ung.html
Diễn biến tiêu cực
của dịch Covid-19 đã làm khó cho việc thực hiện “mục tiêu kép” – vừa chống dịch,
vừa tiếp tục sản xuất ở một số địa phương áp dụng phong tỏa, giãn cách xã hội. Sự
dùng dằng giữa một bên là rủi ro sức khỏe và nhân mạng của cả cộng đồng và một
bên là hậu quả nhãn tiền của việc đình trệ sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng
cũng như sự quyết tâm với “mục tiêu kép” đã làm nảy sinh ra một giải pháp thỏa
hiệp mang tính khả thi nhất là cho phép doanh nghiệp tiếp tục sản xuất nếu thỏa
mãn “ba tại chỗ” và “một cung đường hai địa điểm”.
Liệu đây có phải
là một giải pháp hữu ích, có thể duy trì lâu dài (đến hàng tháng) không? Và nếu
muốn thành công, nhân rộng thì các bên liên đới cần làm gì?
Để trả lời câu hỏi
trên, trước hết hãy xem kinh nghiệm và cách làm gần đây nhất ở một số nước
trong khu vực như Malaysia và Singapore.
Sản xuất trong
phong tỏa ở Malaysia và Singapore
Tối hôm 28/5,
Malaysia ra tuyên bố sẽ bắt đầu phong tỏa toàn quốc từ 1/6. Giai đoạn thứ nhất
từ 1/6 đến 14/6. Trong giai đoạn này, chỉ có 5 dịch vụ thiết yếu và 12 ngành sản
xuất mới được hoạt động. 5 ngành dịch vụ thiết yếu này là y tế, viễn thông và
truyền thông, ngân hàng và tiện ích công cộng (điện, nước...). Đối với 12 ngành
sản xuất như thực phẩm và đồ uống, thiết bị y tế, dệt để sản xuất trang thiết bị
bảo vệ cá nhân và dầu khí..., doanh nghiệp trong các ngành này phải hoạt động với
60% công suất.
Nếu giai đoạn 1
thành công thì Chính phủ sẽ thực thi giai đoạn 2 kéo dài bốn tuần, cho phép tái
mở cửa các ngành kinh tế không có sự tụ tập đám đông. Ở giai đoạn 3, Chính phủ
thực thi lệnh hạn chế đi lại (giống như trước phong tỏa toàn quốc đã thực hiện),
theo đó các hoạt động xã hội không được phép, và gần như mọi ngành kinh tế đều
được phép hoạt động nhưng phải hạn chế số người có mặt ở nơi làm việc.
Theo tuyên bố, việc
chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn khác sẽ được dựa vào số ca nhiễm, năng lực
điều trị bệnh nhân Covid-19 của các bệnh viện, cũng như đánh giá rủi ro của Bộ
Y tế. Chính phủ cũng tăng cường việc tiêm chủng trong vài tuần để đảm bảo miễn
dịch cộng đồng.
Chuyển sang trường
hợp Singapore. Ngày 14/5, nước này tuyên bố từ 16/5 sẽ áp dụng các biện pháp hạn
chế tụ tập đám đông nghiêm ngặt nhất kể từ đợt phong tỏa toàn quốc năm trước. Sự
tụ tập nơi công cộng chỉ được phép đúng 2 người, kể cả là từ cùng một gia đình.
Ăn ở nhà hàng bị cấm, chỉ được mang về. Các công ty phải bảo đảm làm việc từ ở
nhà của nhân viên là hình thức mặc nhiên; nhân viên ai làm việc được từ ở nhà
thì được làm ở nhà. Các công ty phải đảm bảo giờ vào làm việc khác nhau cho những
nhân viên nào cần phải đến nơi làm việc (ít nhất một nửa nhân viên phải đến nơi
làm việc sau 10h sáng), đồng thời thực hiện giờ làm việc và giờ nghỉ linh hoạt
cũng như thu xếp mang tính hệ thống để giảm thiểu sự tụ tập, dồn đọng nhân viên
tại bất cứ thời điểm nào. Tụ tập xã hội tại nơi làm việc bị cấm. Công ty phải
tránh các sự kiện liên quan đến công việc. Mỗi nhân viên cần nghỉ để ăn riêng
biệt tại nơi làm việc. Công ty không được chuyển nhân viên đến các địa điểm làm
việc khác nhau. Mọi người luôn phải đeo khẩu trang và thực hành các biện pháp vệ
sinh cá nhân và giãn cách phòng lây nhiễm tại nơi làm việc, cũng như luôn thực
hiện việc khai báo truy dấu vết bằng thiết bị điện tử.
Ngoài ra, mỗi một
ngành lại có các yêu cầu riêng cần đáp ứng liên quan đến phòng Covid-19. Ví dụ,
trong những ngành sử dụng nhiều công nhân nhập cư như xây dựng và đóng tàu, sống
tập trung trong các ký túc xá, có rất nhiều hạn chế, cấm đoán như công nhân
không được ngồi ăn ở nhà ăn mà phải mang về phòng mình (chứa đến hơn chục người),
không được tụ tập ở hành lang mỗi tầng ký túc xá, mà chỉ được đi ra phòng vệ
sinh rồi quay về phòng. Cho nên việc mà công nhân có thể làm ở ký túc xá xoay
quanh ăn, xem phim rồi ngủ, đến nỗi có người đã phàn nàn trên báo rằng cuộc sống
như ở tù. Tình hình như vậy đã kéo dài mà không có mấy thay đổi suốt từ đợt
phong tỏa tháng 4/2020. Cũng cần lưu ý rằng công nhân nhập cư trong các ký túc
xá đều được tiêm vaccine đầy đủ, thậm chí trước cả nhiều người dân bản địa.
Tính hữu ích của
giải pháp ở Việt Nam
Điểm chung của
cách làm của Malaysia và Singapore trong giai đoạn phong tỏa, giãn cách xã hội
là giảm thiểu tối đa các hoạt động kinh tế, xã hội, chỉ duy trì các hoạt động
thiết yếu. Với những ngành và doanh nghiệp được phép hoạt động thì bắt buộc phải
giảm mạnh số lượng nhân viên, giảm công suất. Việc nới lỏng sẽ theo từng giai
đoạn, căn cứ vào số bệnh nhân Covid-19 có giảm theo mục tiêu hay không.
So sánh cách làm
trên với cách làm “ba tại chỗ” và “một cung đường hai địa điểm” của Việt Nam, dường
như Việt Nam để doanh nghiệp tự quyết định có tiếp tục sản xuất hay không nếu
thấy đủ/đáp ứng được các điều kiện đặt ra. Nên điều Việt Nam cần làm trước tiên
nếu muốn thực hiện các giải pháp này là phải lập danh sách các ngành được phép
tiếp tục mở cửa, và ngành nào được phép mở cửa nhưng phải cắt giảm công suất và
nhân viên. Nói cách khác, không phải doanh nghiệp nào thích và thuộc loại “nhà
có điều kiện” thì cũng được tiếp tục mở cửa.
Đồng thời, trong
mỗi doanh nghiệp tiếp tục mở cửa, chính quyền cần phải quy định chặt chẽ, thống
nhất các điều kiện để duy trì sản xuất an toàn (như ở Singapore) và có sự kiểm
tra chặt chẽ, thanh tra đột xuất của chính quyền như Singapore đã làm để tránh
việc các doanh nghiệp tùy nghi muốn làm gì thì làm sau cánh cổng đóng chặt, có
nguy cơ biến doanh nghiệp thành các ổ dịch khu trú. Doanh nghiệp cũng cần phải
thường xuyên tiến hành xét nghiệm Covid-19 cho công nhân để kịp phát hiện những
ổ dịch mới như đã phát hiện ở các ký túc xá của Singapore kể cả sau khi công
nhân tại đó đã được tiêm chủng đầy đủ.
Ngoài ra, so với
cách làm của Việt Nam, có lẽ chỉ có Singapore là có điểm chung, từ đặc thù của
nước này như câu chuyện về công nhân nhập cư trong ký túc xá nói ở trên. Tuy
nhiên, cũng từ lời than vãn về cuộc sống như ở tù trong câu chuyện đó ta sẽ thấy
ngay một khiếm khuyết của cách làm ở Việt Nam. Cụ thể, công nhân nhập cư ở
Singapore đúng là không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải sống trong ký túc
xá, với thân phận... lao động nhập cư, nên phải cắn răng chịu đựng. Nhưng công
nhân Việt Nam chắc chắn sẽ không chấp nhận/không thể sống trong cùng hoàn cảnh
như ở tù đó kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng, ít nhất vì họ còn có gia đình và
các mối quan hệ xã hội bên ngoài cổng doanh nghiệp. Nhưng muốn giải tỏa một phần
tâm lý cho họ thì tối thiểu cũng sẽ phải nới lỏng, bỏ qua các quy định giãn
cách nghiêm ngặt tại nơi ở tạm để rồi đối mặt nguy cơ biến thành các ổ dịch.
Tóm lại, dù sẽ có một số doanh nghiệp có được phép, và muốn mở cửa tiếp tục sản xuất (theo kiểu ăn ngủ tại nơi làm việc hoặc nhà trọ tập trung) thì không phải doanh nghiệp nào cũng duy trì được sự mở cửa này nếu sự phong tỏa kéo dài. Như vậy, sẽ phải chấp nhận gián đoạn sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng ở một mức độ nào đó mà không có giải pháp hữu hiệu nào khác ngoài cấp tập tiêm chủng trong doanh nghiệp và cả cộng đồng bên ngoài để sớm chấm dứt phong tỏa.
No comments:
Post a Comment