https://www.thesaigontimes.vn/318624/ktsg-so-30-2021-chung-tay-day-lui-covid.html
Ngày 2/6/2020, Cơ
quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) cho ra mắt báo cáo “Chi phí phát điện từ
năng lượng tái tạo 2019”, cho thấy các dự án phát điện từ năng lượng tái tạo hiện
càng ngày càng rẻ hơn các dự án điện than hiện hữu. Có đến hơn một nửa công suất
phát điện từ năng lượng tái tạo gia tăng trong năm 2019 đã đạt mức chi phí rẻ
hơn kể cả của các nhà máy điện than có chi phí thấp nhất.
Theo đó, việc
thay thế 500 GW điện than có chi phí cao nhất bằng pin mặt trời và điện gió vào
năm 2021 sẽ tiết kiệm cho hệ thống phát điện thế giới 23 tỷ USD/năm và giảm được
phát thải tới 1,8 tỷ tấn CO2, tương đương 5% tổng lượng phát thải thế giới năm
2019(1).
Tương tự, ngày
1/7/2021, tờ Financial Times có bài viết trích dẫn kết quả nghiên cứu của
Carbon Tracker cho thấy phần lớn các dự án điện than mới dự kiến được xây dựng
sẽ phải vật lộn để không bị thua lỗ(2). Nghiên cứu này cho thấy khoảng 92% các
dự án điện than đang được đề xuất hay đang được triển khai xây dựng sẽ có chi
phí xây dựng lớn hơn luồng tiền chúng tạo ra trong tương lai, kể cả trong hoàn
cảnh “vẫn kinh doanh như thường”, có nghĩa là kể cả ở những nước hạ thấp tiêu
chí chống phát thải và không đạt được mục tiêu giảm phát thải theo thỏa thuận
khí hậu Paris.
Carbon Tracker
cho biết phần lớn các dự án điện than có thể được thay thế bởi năng lượng tái tạo
và sẽ tiết kiệm được ngay chi phí. Vào năm 2026, phần lớn các dự án điện than sẽ
có chi phí đắt hơn là xây dựng và vận hành dự án phát điện từ năng lượng tái tạo có cùng công suất. Tính toán này dựa
trên chiều hướng giảm đi về chi phí của năng lượng tái tạo và chiều hướng tăng
lên về chi phí vay nợ.
Việt Nam được nêu
tên là một trong năm nước châu Á gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam và
Nhật Bản chiếm đến 80% trong tổng số dự án điện than mới được lên kế hoạch xây
dựng trên toàn thế giới (620 dự án, với tổng công suất 300 GW). Trung Quốc đi đầu
trong số này, với 187 GW, theo sau là Ấn Độ với 60 GW.
Mới đây, Việt Nam
công bố Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2045
(Quy hoạch Điện VIII). Đáng chú ý là trong khi công suất phát điện tăng mạnh
theo thời gian thì tỷ trọng điện than giảm với tốc độ chậm hơn nhiều, lần lượt
là 29% năm 2025 (so với 29% năm 2020), 27% năm 2030, 23% năm 2035...
Lý giải việc vẫn
phải phụ thuộc nặng nề vào điện than, Viện Năng lượng Việt Nam, đơn vị xây dựng
Quy hoạch Điện VIII, cho biết điện than vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nguồn
điện là bởi “các nhà máy nhiệt điện than đưa vào giai đoạn 2021-2035 đều là những
dự án chắc chắn xây dựng. Đây là những dự án đã thực hiện, công tác xúc tiến đầu
tư tốt, không thể loại bỏ”(3). Đồng thời, viện này cũng viện lý do vẫn cần điện
than để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện với chi phí “không quá cao”.
Tuy nhiên, viện
này cũng thêm rằng Quy hoạch Điện VIII cũng yêu cầu các nhà máy điện than mới
phải áp dụng công nghệ tiên tiến (trên “siêu tới hạn”) như là một cách để làm
an lòng dư luận.
Từ những lý do
trên có thể thấy chúng chỉ là... lý do (cho có)! Trước hết, không thể vì chuyện
các dự án đã thực hiện, xúc tiến đầu tư tốt mà cho rằng các dự án này không thể
loại bỏ.
Như trên đã cho
thấy, việc mạnh dạn chấm dứt sớm các dự án đang thực hiện, hủy bỏ các dự án được
đưa vào quy hoạch (và chưa thực hiện) sẽ tránh cho nhà đầu tư thua lỗ sâu hơn
trong tương lai sau khi dự án của họ được xây dựng và hoạt động và chắc chắn sẽ
bị cạnh tranh bởi các dự án năng lượng tái tạo có chi phí thấp hơn, được dư luận
đón nhận nồng nhiệt hơn. Nhà nước thì tránh được viễn cảnh phải tìm cách bù lỗ
cho các dự án này nếu Nhà nước có cam kết đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư điện
than qua bảo đảm giá mua điện, cũng như các chi phí gián tiếp và trực tiếp khắc
phục, bảo vệ môi trường (từ đầu vào đến đầu ra của các dự án này). Quốc gia nói
riêng và thế giới nói chung sẽ hưởng lợi hơn nhờ một môi trường trong sạch hơn,
ít tro bụi, phát thải hơn.
Hơn nữa, như dư
luận đã quan ngại lên tiếng, việc tài trợ cấp vốn cho các dự án này sẽ rất khó
khăn bởi các ngân hàng, kể cả trong nước, theo triều hướng chung trên thế giới
sẽ hầu như không cấp tín dụng cho chúng nữa. Không rõ lúc các dự án đã và đang
được triển khai dở dang và thiếu vốn, Nhà nước có mang ngân sách ra để tài trợ
cho chúng hoàn thành không, hoặc để “dọn dẹp” các công trình bỏ dở ngổn ngang
không?
Về lý do duy trì
điện than để đảm bảo chi phí phụ tải điện “không quá cao” của Viện Năng lượng,
cũng có thể thấy nó khá gượng ép. Tuy cần phải duy trì điện than ở một tỷ lệ nhất
định để đảm bảo an ninh năng lượng, nhưng tỷ lệ này không thể quá cao (thậm chí
là không giảm đi vào năm 2025 so với năm 2020) như trong Quy hoạch Điện VIII,
nhất là trong bối cảnh năng lượng tái tạo có chi phí càng ngày càng rẻ, và
chính năng lượng tái tạo thực ra mới là yếu tố đảm bảo cho chi phí “không quá
cao”. Ngoài ra, nhiều nước hiện cũng đã hoặc có kế hoạch loại bỏ hoàn toàn điện
than, nên Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi được từ họ lý do tại sao họ không
phải duy trì điện than để đảm bảo an ninh năng lượng.
Việc nói rằng đã
yêu cầu các dự án điện than phải có công nghệ tiên tiến thì lại mâu thuẫn với
nhu cầu phải đảm bảo chi phí phụ tải “không quá cao”, bởi công nghệ càng tiên
tiến thì đương nhiên chi phí càng phải tăng hơn so với những công nghệ lạc hậu,
phế thải từ các nước khác.
Tóm lại, xét trên
cả phía cung và phía cầu trong thị trường năng lượng, chi phí tài chính và các
lợi ích tổng thể của quốc gia, điều đáng tiếc là Quy hoạch Điện VIII đã không
theo được các xu thế tất yếu liên quan, trở thành một quy hoạch xơ cứng, lạc hậu và có hại cho sự phát triển
của đất nước trong tương lai.
------
(1) https://www.irena.org/newsroom/pressreleases/2020/Jun/Renewables-Increasingly-Beat-Even-Cheapest-Coal-Competitors-on-Cost
(2) https://www.ft.com/content/cf4399bb-bb6b-4465-95e6-6777bc0ab070
(3) https://vneconomy.vn/chua-the-doan-tuyet-nhiet-dien-than-tham-chi-can-xay-them-de-dam-bao-nang-luong.htm
No comments:
Post a Comment