https://thesaigontimes.vn/ktsg-so-14-2022-chung-khoan-va-giam-sat/
IHS Markit mới
công bố báo cáo về Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam.
Một số trong những kết quả khảo sát quan trọng từ báo cáo này là các doanh nghiệp
đang trải qua tình trạng thiếu hụt lao động do đại dịch, nhưng số lượng đơn đặt
hàng mới nói chung và số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đều tăng trong 6
tháng liên tiếp. Áp lực lạm phát đã làm tăng tốc độ gia tăng chi phí đầu vào,
nhưng các nhà sản xuất đã bù đắp bằng tăng nhanh hơn giá bán hàng của họ (1).
Các kết quả khảo
sát trên rất có ý nghĩa cho giới hoạch định chính sách của Việt Nam, liên quan
đến các gói hỗ trợ và phát triển sản xuất kinh doanh đã/đang được đề xuất và/hoặc
triển khai.
Thứ nhất, về tổng
cầu, có thể nói tổng cầu ít nhất trong suốt 6 tháng qua cho đến hiện tại vẫn
đang tăng trưởng tốt và có lẽ sẽ tiếp tục duy trì đà tăng này trong thời gian tới,
như được phản ánh qua số lượng đơn đặt hàng mới và số lượng đơn đặt hàng xuất
khẩu mới đều tăng liên tiếp trong 6 tháng qua.
Điều rút ra từ
đây là các biện pháp hỗ trợ và kích thích không cần phải hướng theo mục tiêu mà
ta hay được nghe đến là “kích thích tổng cầu”, chẳng hạn bằng cách giảm thuế,
phí, tăng chi tiêu và đầu tư từ ngân sách, hay hỗ trợ tài chính để tăng chi
tiêu của doanh nghiệp và hộ dân (thông qua, ví dụ, hạ lãi suất).
Thứ hai, về áp lực
lạm phát, giá cả gia tăng, báo cáo cho thấy nhà sản xuất kinh doanh đã “thành
công” trong việc chuyển áp lực giá cả gia tăng này sang nhà sản xuất kinh doanh
khác và/hoặc cuối cùng là sang người tiêu dùng. Có nghĩa là nhà sản xuất kinh
doanh nhìn chung không bị ảnh hưởng, không chịu thiệt hại đáng kể từ việc giá cả
gia tăng trong suốt thời gian qua.
Hàm ý của điều
này là các chính sách kích thích, hỗ trợ kinh tế không cần phải hướng đến việc
cắt giảm chi phí đầu vào đổi lấy tổn thất của ngân sách, chẳng hạn như hỗ trợ
(bù) lãi suất, cắt giảm chi phí điện, nước, khí đốt, giảm phí thuê đất...
Đến đây, chắc chắn
sẽ có nhiều người bật ra câu hỏi, cái gì cũng nói là không cần, từ cả phía sản
xuất đến cả phía tiêu dùng, vậy thì chẳng nhẽ (Nhà nước) không cần phải làm gì,
không cần phải ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh gì hay sao?
Câu hỏi này được
trả lời bằng điều thứ ba rút ra từ báo cáo khảo sát nói trên. Từ kết quả khảo
sát, có thể kết luận về “nguyên nhân của mọi nguyên nhân” là do đại dịch
Covid-19, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân công trầm trọng (không chỉ ở Việt
Nam), không đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.
Cũng chính đại dịch đã làm tắc nghẽn logistics, tăng thời gian giao hàng, bên cạnh
những trở ngại (khách quan) khác như ách tắc ở biên giới với Trung Quốc, chiến
tranh ở Ukraine...
Vậy thì chính
sách kích thích, hỗ trợ sản xuất kinh doanh cần được triển khai theo hướng tăng
cường chi cho công tác phòng chống dịch để hạn chế số ca nhiễm mới và điều trị
những ca nhiễm hiện tại nhanh chóng bình phục để việc cách ly được giảm thiểu,
người lao động nhanh chóng đủ điều kiện để quay lại phục vụ sản xuất, kinh
doanh.
Chính sác cũng cần
nhằm mục tiêu giải phóng các điểm tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng, vận chuyển
logistics. Sự tắc nghẽn do yếu tố khách quan thì đành chịu, nhưng những cản trở,
nút thắt trong nước cần phải được thẳng thắn nhận diện và bãi bỏ. Trong số này,
tất nhiên có giải pháp nói trên liên quan đến phòng chống dịch để ngành
logistics nhanh chóng có đủ số lượng nhân công cần thiết nhằm duy trì hoạt động
như và hơn bình thường khi nhu cầu sản xuất kinh doanh vẫn tiếp tục tăng trưởng.
Ngoài ra, khi số
lượng người lao động quay trở lại làm việc tăng lên, việc làm hồi phục và tăng
trưởng trở lại, tổng cầu (và tổng cung) sẽ càng tăng trưởng nhanh hơn.
Như vậy, từ phân
tích trên có thể nhìn thấy một số bất cập trong chính sách kích thích, hỗ trợ
phục hồi và tăng trưởng kinh tế hiện nay, gồm việc kích cầu trong khi cầu vẫn
tăng trưởng tốt; và kích cung trong khi nhà sản xuất kinh doanh vẫn mở rộng sản
xuất (dù chậm hơn, do thiếu hụt lao động) và hầu như không bị ảnh hưởng gì đáng
kể về mặt tài chính (nếu không muốn nói ngược lại, vì họ đã tăng được giá bán
nhanh hơn tốc độ tăng giá đầu vào).
Thay vào đó,
chính sách kích thích, hỗ trợ cần phải tập trung vào bảo vệ người lao động và
gia đình của họ để đảm bảo nhu cầu tăng lên về lao động luôn được đáp ứng nhanh
chóng và đầy đủ kể cả trong bối cảnh đại dịch vẫn còn hoành hành trên phạm vi cả
nước. Các chính sách này cũng cần giảm, xóa bỏ các ách tắc về logistics trong
nước, gồm các rào cản hành chính, tệ tham nhũng, quấy nhiễu doanh nghiệp và người
kinh doanh của các cơ quan chức năng liên quan đến logistics...
Thực hiện được
theo hướng trên thì không những sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế sẽ
được phục hồi và phát triển một cách tối ưu nhất mà còn góp phần làm lành mạnh
hóa tài chính công (ngân sách không bị áp lực thâm hụt ngày càng gia tăng do
tăng chi quá mạnh, quá nhanh) và ổn định kinh tế vĩ mô (Ngân hàng Nhà nước
không cần phải nới lỏng tiền tệ để hạ lãi suất, chi bù lãi suất...).
----
https://vneconomy.vn/pmi-thang-3-giam-xuong-51-7-diem-chi-phi-dau-vao-tang-nhanh-nhat-trong-gan-11-nam.htm
No comments:
Post a Comment