Thursday 2 May 2013

Chính sách kinh tế ở Việt Nam: Trọng cầu hay trọng cung ? (Hình như là được nhận đăng trên TBKTSG)

Hai tác giả Phạm Thế Anh và Đinh Tuấn Minh (các tác giả) trên TBKTSG số ra ngày 4/4/2013 đã lập luận Việt Nam cần và nên theo đuổi các chính sách kinh tế trọng cung như đã làm kể từ cuối thập niên 80 cho đến 2007, thay vì “sa lầy” với chính sách quản lý tổng cầu, “loay hoay” giữa hai mục tiêu kiềm chế lạm phát và kích thích tăng trưởng như đang làm kể từ năm 2007. Trong bài viết này, chúng ta sẽ phân tích để xem các luận điểm của các tác giả có thật sự hợp lý hay không.

Khác biệt giữa chính sách kinh tế trọng cầu và trọng cung
Còn gọi là kinh tế học Keynes, kinh tế học trọng cầu là trường phái kinh tế vĩ mô cho rằng tăng tổng cầu về hàng hóa và dịch vụ là yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong ngắn hạn, nhất là trong giai đoạn suy thoái, khi sản lượng kinh tế được chi phối mạnh bởi tổng cầu. (Cần lưu ý rằng chính sách trọng cầu không nhất thiết chỉ đúng trong ngắn hạn, vì, ví dụ, vẫn có khả năng các doanh nghiệp chỉ đầu tư để mở rộng sản xuất khi nhu cầu mạnh hơn, thể hiện qua doanh số bán hàng lớn hơn).

Theo trường phái trọng cầu thì tổng cầu không nhất thiết bằng với năng lực sản xuất của nền kinh tế. Thay vào đó, tổng cầu bị chi phối bởi một loạt các yếu tố và đôi lúc biến động rất thất thường gây ảnh hưởng lớn lên sản xuất, việc làm và lạm phát.
Đối lập với trường phái trên, trường phái trọng cung cho rằng tăng trưởng kinh tế có thể được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ hạ thấp những rào cản cho sản xuất, cung cấp hàng hóa và dịch vụ, như hạ thấp thuế thu nhập, và tăng tính linh hoạt nhờ giảm bớt điều tiết của Chính phủ. Người tiêu dùng lúc đó sẽ được lợi nhờ được tiếp cận với nguồn cung hàng hóa, dịch vụ dồi dào hơn với giá cả thấp hơn.

Nói chung, chính sách trọng cung là chính sách kinh tế vĩ mô trong dài hạn, dựa trên 3 trụ cột chính: chính sách thuế (chủ trương hạ thấp thuế thu nhập để kích thích đầu tư), chính sách điều tiết (chủ trương duy trì một Chính phủ nhỏ gọn và giảm thiểu can thiệp), và chính sách tiền tệ (chủ trương một chính sách tiền tệ ổn định hoặc tạo ra lạm phát thấp tương ứng với tăng trưởng kinh tế).  Tuy nhiên, ý tưởng duy nhất xuyên suốt trường phái này là sản xuất là yếu tố quan trọng nhất quyết định tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, chủ yếu thông qua việc giảm thiểu can thiệp của Chính phủ và hạ thuế để tạo ra các động lực khuyến khích làm việc, tiết kiệm, đầu tư, và áp dụng các công nghệ mới.
Chính sách trọng cung là tối ưu hơn?
Các tác giả và một số người khác dường như hàm ý rằng chính sách trọng cung là tối ưu hơn do đã được thực thi rộng rãi trên khắp thế giới và mang lại tăng trưởng cao và bền vững ở các nền kinh tế theo đuổi chúng. Thực tế không hoàn toàn như vậy.
Chính sách trọng cung đã bị phê phán khá mạnh trong cộng đồng các nhà kinh tế học.  Nhiều người khác thì cho rằng nó thiếu một lý thuyết cơ sở mạnh mẽ làm hậu thuẫn, và chẳng mang lại cái gì đặc biệt mới mẻ hay đối nghịch với kinh tế học chính thống. Và trên thực tế, có nhiều nước (cả phát triển và đang phát triển) không áp dụng những chính sách chính yếu thuộc về trường phái trọng cung như hạ thuế, giảm thiểu quy mô và sự can thiệp của Chính phủ, mà không nhất thiết trải qua suy giảm tăng trưởng hay trì trệ.

Bên cạnh đó, việc phân định rạch ròi các chính sách kinh tế đã và đang áp dụng ở một (số) quốc gia nào đó vào hoặc trường phái trọng cung hoặc trường phái trọng cầu tỏ ra là một sự đơn giản hóa vấn đề. Ngày nay hầu như tất cả các nhà kinh tế học và hoạch định chính sách kinh tế trên thế giới, tất nhiên kể cả ở Việt Nam, đều nhận thức được tầm quan trọng của việc cải cách cơ cấu kinh tế và cải thiện phía cung của nền kinh tế. Trên thực tế, hầu hết họ khi họ nói hay viết về tăng trưởng kinh tế trong dài hạn thì họ đều nói/viết về cách thức để tăng năng suất của nền kinh tế, bao hàm tất cả các yếu tố nằm về phía cung của nền kinh tế.
Điều quan trọng là sự đồng thuận rằng tổng cung (và việc tăng nó thông qua các biện pháp khuyến khích, cải thiện năng suất, tăng cường sáng tạo) quyết định sản lượng và phúc lợi trong dài hạn lại nhiều lúc bị  lạm dụng trong các cuộc luận chiến chính trị và kinh tế, với bên trọng cung nhấn mạnh rằng các Chính phủ nhỏ gọn hơn và mức thuế thấp hơn luôn là chính sách duy nhất có ý nghĩa (ở mọi thời điểm). Ngược lại, bên trọng cung luôn phủ định mọi chính sách tăng thuế và tăng vai trò của Chính phủ vì cho rằng chúng sẽ tạo ra những méo mó nghiêm trọng và giảm tăng trưởng.

Vì đơn giản hóa vấn đề một cách cực đoan (Trọng cung = Chính phủ nhỏ + Thuế thấp) nên chính sách trọng cung dường như đã bỏ qua nhiều biến số mà đã được nhiều nghiên cứu lý thuyết và thực chứng chỉ ra là những yếu tố quyết định tăng trưởng, và nhiều trong số những biến số này có thể lại yêu cầu phải có vai trò can thiệp, điều tiết lớn hơn, chứ không phải nhỏ hơn, của Chính phủ. 
Việt Nam đã và đang theo đuổi những trường phái kinh tế nào?
Các tác giả cho rằng Những thành tựu kinh tế mà Việt Nam đạt được thông qua công cuộc “đổi mới” kể từ cuối thập niên 1980 chủ yếu nhờ những chính sách dựa trên nền tảng lý thuyết trọng cung chứ không phải quản lý tổng cầu (ví dụ, dỡ bỏ hàng rào nội thương, cho phép thành lập công ty tư nhân, khoán 10, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, gia nhập WTO...).

Có thể thấy các tác giả đã rất khiên cưỡng khi xếp các chính sách mà Việt Nam đã áp dụng như trên là dựa trên lý thuyết trọng cung. Đàng rằng những chính sách này ít nhiều góp phần dẫn đến cải cách cơ cấu kinh tế và cải thiện năng lực sản xuất, là điều mà hầu như ngày nay không nhà kinh tế học hay người hoạch định chính sách nào phủ định. Nhưng theo phân tích ở phần trên, nếu thực sự đúng là trường phái trọng cung thì những gì đã và đang diễn ra ở Việt Nam không phải là do chính sách trọng cung (hạ thuế, Chính phủ nhỏ hơn với ít can thiệp hơn) mang lại. Ngược lại, có thể thấy dấu vết can thiệp sâu rộng hơn của Chính phủ vào nền kinh tế với quy mô (của Chính phủ) lớn hơn rõ ràng.
Các tác giả cũng khiên cưỡng khi cho rằng: “... từ năm 2007 tới nay, Việt Nam lại bị sa lầy vào chính sách quản lý tổng cầu để loay hoay hết kiềm chế lạm phát lại sang kích thích tăng trưởng, mà không ý thức được rằng các chính sách này chỉ có tính ngắn hạn và nhất thời. Việc sử dụng chúng liên tục như là một chính sách dài hạn là nguyên nhân chính khiến cho nền kinh tế bất ổn liên tục trong những năm vừa qua.

Như đã nói ở trên, thực ra chính sách trọng cầu không nhất thiết chỉ đúng/có giá trị trong ngắn hạn mà nó còn có thể có ảnh hưởng lên tăng trưởng trong dài hạn hơn. Quan trọng hơn, cũng như đã nói ở phần đầu, trong bối cảnh suy thoái, khủng hoảng cả trong và ngoài nước như thời gian từ năm 2007 đến nay thì chính sách trọng cầu tỏ ra thích hợp và cần thiết, trong khi chính sách trọng cung nói chung về lý thuyết thì không giải thích được (thỏa đáng) tại sao lại có suy thoái, còn thực tế thì không cung cấp được những bằng chứng thực chứng xác đáng cho thấy nó có tác dụng vực nền kinh tế ra khỏi những cuộc suy thoái này.
Ngoài ra, cũng cần phải nói rằng kể cả trong giai đoạn từ năm 2007 đến nay thực tế Việt Nam vẫn nhấn mạnh và cố gắng đeo đuổi các chính sách cải thiện năng lực sản xuất, chứ không đơn thuần chỉ chú trọng vào chính sách kích cầu như các tác giả nhận định.

9 comments:

  1. Bác Lê Hồng Giang vừa có một bài viết về "Supply side", có liên quan đến lý thuyết trọng cung và liên hệ đến tình hình VN cũng khá hay. Em ghé thăm bác thấy bác cũng có bài viết về đề tài tương tự nhưng với góc nhìn khác. Theo hiểu biết của em, VN từ năm 2007 trở lại đây đã áp dụng chính sách quản lý tổng cầu, về lý thuyết là phù hợp, nhưng thực tế khi áp dụng thì chưa là đúng, thậm chí bị méo mó, biến dạng. Tỉ như các gói kích cầu thì chưa đi đến đúng đối tượng. Hơn nữa, có hiện tượng lợi ích nhóm tham gia vào là các chính sách thay đổi, kết quả không như ý muốn của những người làm chính sách.

    Em đồng ý với các bác, là chúng ta phải quan tâm cả về phía cầu lẫn phía cung. Nhưng em vẫn cứ lo, vì rằng dẫu chính sách có hay bao nhiêu đi chăng nữa, mà chúng ta thực thi không đúng thì cũng chẳng đi đến đâu hết. Bây giờ tìm được người lãnh đạo có đủ tâm và tầm thật khó. Vậy, nên hãy đợi đấy!

    (P.K.Dương)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hôm nay tớ mới biết TBKTSG cũng đồng thời cho đăng phản hồi của đồng chí Phạm Thế Anh. Đọc phản hồi này tớ thấy có nhiều vấn đề, cũng na ná như phản hồi của đồng chí Tấn Đức về bài phá giá VND của tớ. Tớ đang hỏi lại TBKTSG xem có đăng thêm phản biện của tớ lần nữa không (khả năng này ít có vì có thể họ không muốn sa đà vào cuộc tranh cãi này).

      Ở đây tớ chỉ nói qua một chút là cái chuyện chính phủ VN làm sai không có nghĩa là kêu gọi bỏ (mọi) chính sách đang dùng, quay sang/về một chính sách mà tương lai không có gì bảo đảm vì chính sách đó không dựa trên lý thuyết chắc chắn và không được các bằng chứng thực nghiệm ủng hộ. Có khi tớ sẽ viết riêng một entry về phản hồi của đồng chí Phạm Thế Anh để các đồng chí bạn đọc có chỗ comment (đồng chí nhớ vào comment cho vui nhé)

      Delete
  2. Em góp thêm cái comment cho blog của bác bận rộn tí.

    Đồng ý nhất với bác Ngọc ở mấy điểm sau:
    a. Chẳng có chính phủ nào, ngay cả Việt Nam mấy năm qua chỉ thiên về một chính sách trọng cung hay trọng cầu. Chúng ta vẫn đang nỗ lực để tăng tổng cung đấy chứ, ví như cải cách hành chính, giảm thuế...Phạm Thế Anh và Đinh Tuấn Minh cho rằng VN chỉ chú trọng áp dụng trọng cầu mà không chú ý trọng cung trong mấy năm qua là hơi khiêng cưỡng.
    b. Trọng cầu không nhất thiết chỉ có ý nghĩa trong ngắn hạn, nhu cầu có thể là động lực để các doanh nghiệp gia tăng đầu tư để tạo ra tăng trưởng trong dài hạn. Đồng nhất trọng cầu với ngắn hạn cũng lại "khiêng cưỡng".

    Hiện tại mà trọng cung, không chú trọng đến các chính sách kích cầu là rất không ổn, nếu xét đến tình hình Việt Nam hiện tại.

    Về bài phản hồi của Phạm Thế Anh, và một ý của bạn P.K Dương ở trên có chung một vài điểm, đó là bỏ lý thuyết, tức vấn đề đang tranh luận mà đánh vào người thực hiện, như vậy là lạc đề. Đang tranh luận về lý thuyết, nên áp dụng chính sách nào thì mang chính sách đó ra mà tranh luận về mặt lý thuyết thôi, không tranh luận về người thực hiện đã làm sai chính sách. Phạm Thế Anh đã giải thích bằng rất nhiều con số trong nhiều nghiên cứu của anh ấy, tuy nhiên những con số ấy không chứng minh được trọng cầu đã sai, cũng không có gì chắc chắn chú trọng vào trọng cung sẽ tốt hơn. Không thể nói rằng, anh làm cái kia không ổn thì áp dụng cái còn lại chắc chắn sẽ tốt hơn.

    Tiêu đề của cuốn sách của bác Anh và đồng nghiệp gần như hàm ý rằng, VN hãy tập trung sang trọng cung mà dẹp bỏ tất cả các chính sách hướng đến nhu cầu, tiêu đề như thế đã là không ổn. Tuy vậy, em vẫn sẽ mua cuốn này, Phạm Thế Anh, Đinh Tuấn Minh và VEPR vẫn là những tác giả nên đọc, bác Ngọc nhỉ.

    Chính sách kinh tế, tranh luận về nó, tranh luận về việc nên áp dụng cái nào là chuyện muôn thuở, bác Ngọc ạ, bác viết ở đây để mọi người đọc được rồi, không nhất thiết cứ phải mang lên mặt báo tranh luận. Bác viết ở đây, bác sẽ đăng được tất cả những gì bác viết, lên báo chưa chắc đã toàn vẹn ý của mình. Thế giới phẳng mà, Phạm Thế Anh vẫn đọc blog của bác đấy, bác an tâm.

    Em Khánh, dạo trước bác có hứa là "phang" em đấy, nhưng may quá...

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thú thực là tớ đã viết được một đoạn "phang" lại đồng chí Phạm Thế Anh (PTA)rồi nhưng dài quá mà mới chỉ được có mỗi một ý nên cũng oải, tự nhiên bớt nhiệt tình cách mạng. Đồng chí Khánh cực kỳ hiểu ý tớ đấy. Tớ nói thêm là PTA hay Bùi Trinh đã cực đoan, đơn giản hóa vấn đề, vơ mọi thứ công lao cho chính sách trọng cung ở Việt Nam, mà thực sự không hiểu thế nào là chính sách trọng cung như tớ nêu trong bài. Họ coi mọi chính sách cải thiện năng lực sản xuất là trọng cung, do chính sách trọng cung mang lại, đánh đồng chính sách trọng cung với tất cả những chính sách tác động lên cung... mà luôn quên một điều cốt tử rằng Trọng cung = Giảm thuế + Giảm can thiệp chính phủ, và chỉ có thế thôi.

      Chưa kể, với cách lý luận/viết giống Tấn Đức, họ bẻ/hiểu cong ý tớ, đôi lúc "nhét chữ" vào mồm tớ, coi tớ là cổ súy (cực đoan) cho chính sách trọng cầu, chống lại trọng cung...

      Ngoài ra, cách nói khơi khơi rằng nước này nước kia đã tăng trưởng mạnh mẽ nhờ trọng cung là một điều tuyệt đối cần tránh (cũng là một bài học cho các đồng chí trong nghề viết lách nghiêm chỉnh) vì tớ chắc chắn chẳng có mấy nghiên cứu (có uy tín) khái quát hóa được vấn đề này ở hơn 1 nước.

      Rồi nữa, trích dẫn nghiên cứu của họ (nghiên cứu nào vậy, đăng tải ở tạp chí khoa học uy tín nào vậy?) cho thấy giảm thiểu can thiệp chính phủ thì sẽ có tăng trưởng cao hơn chẳng có giá trị gì ngoài chuyện muốn tăng uy cho lời nói của mình, chưa kể lạc đề (đến hơn 3/4 bài là lạc đề, đi chứng minh chính sách quản lý cầu ở VN sai từ thiết kế đến thực hiện, và hậu quả v.v..., cũng lại giống hệt cách viết của Tấn Đức).

      Nhấn mạnh thêm rằng tớ nêu vấn đề là thành quả kinh tế (nếu có thể gọi vậy được) ở VN trong 2 thập kỷ qua song hành với sự can thiệp sâu rộng của chính phủ để cho PTA thấy rằng nói thành quả này là do trọng cung như PTA viết là sai. Nhưng PTA hình như không hiểu, lại quay sang chỉ trích tớ (cứ như là tớ ủng hộ mở rộng chi tiêu, tăng vai trò can thiệp của chính phủ) bằng những dẫn chứng với chứng minh nào là ngưỡng 25% GDP, nào là chính phủ càng nhỏ thì càng có lợi cho tăng trưởng... Tóm lại, lại lạc đề!

      Cuối cùng, đố PTA (dựa vào mô hình lý thuyết nào đó) giải thích bằng cách nào mà hiện tại VN nếu thi hành chính sách như PTA và Đinh Tuấn Minh gợi ý là giảm thuế (dẫn tới giảm thu ngân sách), giảm chi tiêu công, chi cho các chương trình phúc lợi, y tế, giáo dục, hạ tầng (vốn thiết yếu cho tăng trưởng trong dài hạn), không mở rộng chính sách tiền tệ để lạm phát thấp v.v... thì lại giúp phục hồi và kích thích tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong ngắn hạn (một hai năm trước mắt) đấy! Nói cách khác, có 2 công cụ chính sách vĩ mô chính để kích thích tăng trưởng là tài khóa và tiền tệ đều bị PTA kiến nghị khóa lại thì còn tăng trưởng vào đâu được hở trời?

      To đồng chí Khánh: Do công lao hiểu rõ ý tớ nên tớ quyết định chưa "phang" đồng chí trong thời gian ngắn hạn!!!

      Delete
  3. Cho em có vài lời với bác Khánh! Nếu bác chịu khó sưu tầm (lục lại) tất cả các chính sách kinh tế của VN trong thời gian từ 2007 đến nay, rõ ràng các chính sách được sử dụng có khi nghiêng về phía Cầu, có khi hướng về phía Cung. Chúng ta biết là những người làm chính sách hầu hết là các chuyên gia kinh tế giỏi, kể cả Chính phủ VN thuê nước ngoài. Cho nên em nghĩ chính sách kinh tế VN trong thời gian qua có thể chưa hoàn thiện (hay hoàn hảo), nhưng chưa đến lỗi mắc sai lầm nghiêm trọng, vấn đề là ở chỗ thực thi. Có thể em nói hơi ngoài chủ đề tranh luận về mặt lý thuyết, nhưng nếu không gắn với thực tế xảy ra để bổ sung lý thuyết thì có phần thiếu sót.

    Nếu em nói có gì chưa đúng, mong mấy bác lượng thứ, đừng "phang" em nha!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nghiêng về phía cầu hay về phía cung không nhất thiết có nghĩa là chính sách đó tương ứng là chính sách trọng cầu hay trọng cung. Đây cũng chính là cái sai cơ bản trong lý luận của Phạm Thế Anh, Bùi Trinh, Đinh Tuấn Minh. Trên hết, nhiều chính sách của VN thời gian qua chẳng giống của ai cả, giống cái gì cả, cứ mò mẫm vừa làm vừa sửa vừa dò vừa điều chỉnh thì chưa được như Bắc Hàn là may lắm rồi.

      Delete
    2. TBKTSG hôm trước đã trả lời tớ rằng họ muốn dừng vấn đề này ở đây, dành thời gian cho các vấn đề thời sự hơn. Có thêm một ý là họ không muốn giới hoạch định chinh sách lấy cái cớ từ cuộc tranh luận này để nói rằng đến giới kinh tế học còn cãi nhau ỏm tỏi thề thì họ chẳng cần phải nghe ai. Thôi chịu, chỉ mong các đồng chí chuyên gia ở VN cẩn trọng hơn với tác phẩm của mình, đừng thỉnh thoảng làm náo loạn dư luận với những ý tưởng ngớ ngẩn, làm tội tớ ngứa mắt phải nhảy vào.

      Delete
  4. Trích: "...Có khi tớ sẽ viết riêng một entry về phản hồi của đồng chí Phạm Thế Anh để các đồng chí bạn đọc có chỗ comment (đồng chí nhớ vào comment cho vui nhé)..."

    Hình như anh Ngọc vẫn chưa viết entry phản hồi ?

    ReplyDelete
  5. a thi to da bao la TBKTSG khong cho to phan hoi nua nen to thay khong can phi thoi gian them, vi to cung da noi so qua nhung diem yeu co ban trong bai viet cua PTA, du de lam bai viet khong con may gia tri

    ReplyDelete

Một số nghiên cứu bằng tiếng Anh của tớ

(Một số bài không download được. Bạn đọc có nhu cầu thì bảo tớ nhé)

19. Yang, Chih-Hai, Ramstetter, Eric D., Tsaur, Jen-Ruey, and Phan Minh Ngoc, 2015, "Openness, Ownership, and Regional Economic Growth in Vietnam", Emerging Markets Finance and Trade, Vol. 51, Supplement 1, 2015 (Mar).
http://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/1540496X.2014.998886#.Ve7he3kVjIU

18. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2013, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', Journal of Asian Economics, Vol. 25, Apr 2013,
http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1049007812001170.

17. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2011, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', ESRI Discussion Paper Series No.278, Economic and Social Research Institute, Cabinet Office, Tokyo, Japan. (http://www.esri.go.jp/en/archive/e_dis/abstract/e_dis278-e.html)

16. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2009, ‘Foreign Ownership and Exports in Vietnamese Manufacturing’, Singapore Economic Review, Vol. 54, Issue 04.
(http://econpapers.repec.org/article/wsiserxxx/v_3a54_3ay_3a2009_3ai_3a04_3ap_3a569-588.htm)

15. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘The Roles of Capital and Technological Progress in Vietnam’s Economic Growth’, Journal of Economic Studies, Vol. 32, No. 2.
(http://www.emeraldinsight.com/journals.htm?articleid=1724281)

14. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘Sources of Vietnam’s Economic Growth’, Progress in Development Studies, Vol. 8, No. 3.
(http://pdj.sagepub.com/content/8/3.toc)

13. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2008. 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Evidence from Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2008-04, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2008a_e.html#04)

12. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Employee Compensation, Ownership, and Producer Concentration in Vietnam’s Manufacturing Industries’, Working Paper 2007-07, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html)

11. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Changes in Ownership and Producer Concentration after the Implementation of Vietnam’s Enterprise Law’, Working Paper 2007-06, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html#06)

10. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2006. ‘Economic Growth, Trade, and Multinational Presence in Vietnam's Provinces’, Working Paper 2006-18, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. Also presented in the 10th Convention of the East Asian Economic Association, Nov. 18-19, 2006, Beijing.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2006a_e.html#18)

9. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, Phan Thuy Nga, and Shigeru Uchida, 2005. ‘Effects of Cyclical Movements of Foreign Currencies’ Interest Rates and Exchange Rates on the Vietnamese Currency’s Interest and Exchange Rates’. Asian Business & Management, Vol. 4, No.3.
(http://www.palgrave-journals.com/abm/journal/v4/n3/abs/9200134a.html)

8. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam's Economic Transition’. Asian Economic Journal, Vol.18, No.4.
(http://ideas.repec.org/a/bla/asiaec/v18y2004i4p371-404.html)

7. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Ownership Shares and Exports of Multinational Firms in Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2004-32, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. An earlier version of this paper was presented in the 9th Convention of the East Asian Economic Association, 13-14 November 2004, Hong Kong.
(www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2004/2004-32.pdf)

6. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, and Phan Thuy Nga, 2003. ‘Exports and Long-Run Growth in Vietnam, 1976-2001’, ASEAN Economic Bulletin, Vol.20, No.3.
(http://findarticles.com/p/articles/mi_hb020/is_3_20/ai_n29057943/)

5. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2003. ‘Comparing Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam’, Working Paper 2003-43, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

4. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2003. ‘Stabilization Policy Issues in Vietnam’s Economic Transition’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 44 (March).

3. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2002. ‘Foreign Multinationals, State-Owned Enterprises, and Other Firms in Vietnam’, Working Paper 2002-23, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. This paper was also presented in the 8th Convention of the East Asian Economic Association, 4-5 November 2002, Kuala Lumpur.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

2. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2002. ‘Capital Controls to Reduce Volatility of Capital Flows; Case Studies in Chile, Malaysia, and Vietnam in 1990s’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 43 (March).

1. Phan, Minh Ngoc, 2002. ‘Comparisons of Foreign Invested Enterprises and State-Owned Enterprises in Vietnam in the 1990s’. Kyushu Keizai Nenpo (the Annual Report of Economic Science, Kyushu Association of Economic Science), No.40 (December). An earlier version of this paper was presented in the 40th Conference of the Kyushu Keizai Gakkai (Kyushu Association of Economic Science).