Đã lâu lâu đồng chí TL mới quay trở lại
thảo luận với tớ về kinh tế vĩ mô. Cũng như thường lệ, đồng chí TL đưa ra một
số câu hỏi trong khi bản thân có đưa ra bình luận và nhận xét. Xét thấy các vấn
đề đồng chí TL đặt ra khá thích hợp cho hoàn cảnh hiện nay nên tớ lại mạn phép
đồng chí TL để đưa những câu hỏi và bình luận của đồng chí TL lên blog này để
comment. Tớ cũng phải cảm ơn đồng chí TL vì tớ có cái để mà nói.
++++++++++++++++++++++++
Đồng
chí TL nói:
“Theo số liệu của GSO thì CPI tháng 6 này âm 0.26% (lương thực, vật liệu xây
dựng, giao thông giảm). Theo em thì headline
inflation bị âm nhưng có 2 điểm đáng lưu ý là: (1) core inflation chắc là không
âm, nếu tính CPI 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái thì vẫn là 12.20% như
vậy cũng không hẳn là thấp (so với tháng 6 năm ngoái là 6.9%); (2) theo một số
thông tin cho biết giả cả thực tế ngoài thị trường (về lương thực, đồ ăn
uống...) dường như không giảm. Vì vậy, CPI giảm nhẹ chưa phản ánh điều gì quá
ghê gớm cả. Về sự khác biệt giữa báo cáo của GSO đối với giá thực tế ngoài thị
trường, anh có lý giải gì không ạ? Có thể là do cách lấy mẫu của GSO chưa được
sát lắm phải không ạ? Mặc dù là không phản ánh được nền kinh tế rơi vào trạng
thái suy giảm nhưng cũng là một dấu hiệu đáng quan tâm thêm vì em theo dõi thấy
chỉ số PMI (purchasing managers' index) của HSBC và Markit thực hiện của tháng
4 là 49.3 và sang tháng 5 giảm còn 48.3 điểm cho thấy môi trường kinh doanh
cũng khó khăn hơn. Nhưng em không nghĩ tình hình DN quá bi quan như nhiều thông
tin và cũng hơi lo việc thực thi chính sách tiền tệ của NHNN trong 3 tháng qua. Em thấy để
giải quyết vấn đề, việc cấp thiết nhất để giải quyết vấn đề là việc giải quyết
hiệu quả nợ xấu của các NHTM và kết hợp với việc tái cơ cấu lại các NHTM để
khơi thông dòng vốn và lành mạnh hoạt động của hệ thống NHTM chứ không phải là
việc giảm mạnh lãi suất (giảm bằng biện pháp hành chính). Thị trường bị mấy lần bóp méo nên cũng khó
nhận biết hơn "tín hiệu" chuẩn để đưa ra giải pháp. Anh có comments gì về nền
kinh tế hiện nay và các chính sách thực hiện trong thời gian qua không ạ? Giả sử nếu CPI tiếp tục giảm trong một vài
tháng tới theo anh nền kinh tế có bị rơi vào trạng thái suy giảm không ạ? Về
mặt lý thuyết vĩ mô, hình như không có một tiêu chuẩn nào rõ ràng rằng giảm
phát liên tục trong bao lâu thì kết luận là nền kinh tế rơi vào trạng thái suy
giảm đúng không anh?”
Tớ comment: Tớ đã nói nhiều lần rằng chúng
ta đang quay ngược 180 độ các chính sách của chính mình vốn quyết tâm thực hiện
bằng được mới chỉ cách đây mấy tháng. Điều đáng nói là sự quay ngược lại này
diễn ra với mức độ gấp rút và quyết liệt/quyết tâm không hề kém, nếu không muốn
nói là hơn hẳn so với sự quyết liệt và quyết tâm thực hiện những chính sách cũ.
Và tớ cũng nhiều lần nói rằng tốc độ tăng trưởng như hiện nay không hề và không
thể coi là một “thảm họa” – như trong con mắt của nhiều chuyên gia với chuyên
vào ở Việt Nam – được. Hiện nay chúng ta mới chỉ ở giai đoạn giảm phát, tức là
tốc độ tăng CPI giảm đi so với cùng kỳ năm trước. Mới một tháng (và kể cả thêm
một vài tháng sau nữa, nếu có) chứng kiến CPI sụt giảm so với tháng trước (CPI
tăng trưởng âm) – nhưng không phải là so với cùng kỳ năm trước như ở Việt Nam
hiện nay với CPI tháng 6 năm nay vẫn cao hơn tháng 6 năm trước 6.9% - thì không
thể gọi nền kinh tế Việt Nam là đang bị thiểu phát được, như người ta vẫn thuận
mồm phát biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cần chú ý rằng hiện nay
ở Việt Nam, 2 khái niệm thiểu phát và giảm phát đang được dùng rất tùy tiện, lẫn
lộn với nhau, thậm chí coi đồng nghĩa với nhau.
Giảm phát hiện nay là một điều tốt nhiều
hơn là xấu vì nó mang lại ổn định vĩ mô và phục hồi lòng tin nhà đầu tư, và là
cái mà chúng ta phải phấn đấu cật lực cả năm trước và đầu năm nay mới đạt được.
Thiểu phát có thể có hại hơn cả về mặt tương đối và tuyệt đối (so với giảm
phát) vì khi có thiểu phát thì tăng trưởng GDP thường phải ở mức độ rất thấp.
Nhưng điều này (tăng trưởng rất thấp) thì chưa xảy ra và khó xảy ra ở Việt Nam ít
nhất trong mấy năm tới trong bối cảnh không có cơn sốc đặc biệt nào đó.
Về câu hỏi của đồng chí, giảm phát liên tục
bao lâu thì kết luận là nền kinh tế suy giảm, tớ phải chỉnh lại một chút cho
chuẩn trước đã. Giảm phát không nhất thiết đi kèm với “suy giảm kinh tế” (trong
trường hợp này tớ thấy dùng cụm từ “suy giảm tăng trưởng” thì đúng hơn). Vì
vậy, chừng nào giảm phát chưa dẫn đến thiểu phát thì chừng đó còn chưa nên lo
lắng vội vã “phải làm một cái gì đó” ngay. Còn nếu khi CPI giảm liên tục trong
vòng một số tháng SO VỚI CÙNG KỲ NĂM TRƯỚC (tớ không nhớ rõ lắm, 4 hay 6 tháng
gì đó, theo định nghĩa) thì có thể gọi là nền kinh tế rơi vào thiểu phát. Bước
vào 2012, CPI chưa có tháng nào âm so với tháng cùng kỳ của năm 2011 thì không thể
nói Việt Nam đang bị thiểu phát. Còn suy giảm tăng trưởng (mà theo đồng chí gọi
là kinh tế suy giảm) thì đương nhiên đã và đang xảy ra ở Việt Nam rồi, nhưng điều
này với tớ chẳng có gì là lạ lùng, đáng sợ cả. Đồng chí có thấy mấy nước trên
thế giới hiện nay duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như vài năm vừa qua
không? Việt Nam có phép thần thông gì mà thoát được tình trạng suy giảm này mà
không phải trả giá không?
Về ý kiến của đồng chí rằng nợ xấu và tái
cơ cấu ngân hàng là mấu chốt để giải quyết được suy giảm kinh tế (?), tớ nghĩ chỉ
đúng một phần. Một phần (lớn) còn lại phụ thuộc vào lòng tin của nhà đầu tư, đầu
cơ, và người tiêu dùng, cũng như triển vọng kinh tế trong nước và thế giới. Trong
bối cảnh tăng trưởng giảm tốc, lòng tin của mọi chủ thể còn mong manh, triển vọng
năm nay và các năm tới còn mù mịt thì cho dù ngân hàng có được giải phóng khỏi
cục nợ xấu, nhu cầu vay vốn của bản thân các chủ thể kinh tế vẫn sẽ còn yếu.
Mặt khác, bản thân ngân hàng cũng chẳng dám cho vay vì nhiều trường hợp biết
chắc rằng cho vay là mất, vì tình hình tiêu thụ, sản xuất của các doanh nghiệp và
người tiêu dùng không còn khả quan như trước.
Đồng
chí TL nói:
“Đi sâu hơn 1 chút vào vấn đề ngân hàng.
Hiện nay có ý tưởng về thành lập 1 công ty mua bán nợ quốc gia do NHNN
thành lập để xử lý nợ, cũng có quan điểm về việc sử dụng bridge bank để xử lý
nợ xấu. Về vấn đề này anh có
quan điểm thế nào ạ? Chắc anh cũng biết thực tế hiện nay có trên 20 công ty mua
bán nợ tư nhân trực thuộc các NHTM, đồng thời NHNN cũng cho phép 14 NHTM lớn
trực tiếp được phép mua bán nợ của nhau theo quyết định 56/2006 của NHNN. Ngoài
ra cũng có công ty mua bán nợ của Bộ Tài chính là DATC, với vốn là 2481 tỷ nữa.
Trong đề án tái cơ cấu lại hệ thống NHTM cũng có đề cập đến vai trò của DATC và
cho phép DATC được phát hành trái phiếu CP bảo lãnh để mua nợ xấu của NHTM. Vậy
có cần thiết là phải có công ty mua bán nợ mới không? Cách xử lý thế nào là
hiệu quả nhất trên thực tế là Việt Nam có 1 hệ thống sở hữu chéo giữa nhằng
nhịt giữa các DNNN, DN tư nhân với nhiều ngân hàng, bản thân sở hữu chéo giữa
các NHTM bây giờ cũng lớn. Hệ thống NHTM bị chi phối bởi các nhóm lợi ích và
phục vụ cho các nhóm lợi ích, vô hiệu hóa các quy định tương đối chặt của hệ
thống pháp luật về NH. Ở vai trò là một chuyên gia theo anh thì cái gì có lợi
nhất cho Việt Nam (giảm thiểu nhất ảnh hưởng của interest group, rent seeking,
crony capitalism).”
Tớ comment: Thú thực là hôm nay tớ mới nghe
thấy khái niệm bridge bank ở Việt Nam. Tuy vậy, về bản chất cũng chỉ là việc
nhà nước đứng ra tiếp quản và quản trị một ngân hàng phá sản để nụôi và duy trì
hoạt động của nó cho đến khi tìm được một người mua trong một thời hạn nhất định
(2, 3 năm). Tuy nhiên, đồng chí chắc cũng không lạ gì trình độ của các cán bộ
quản lý thuộc dạng công chức nhà nước ở Việt Nam ta. Cử những người này đi nắm
các ngân hàng phá sản (ít nhất về mặt kỹ thuật) không khéo làm cho tình trạng
các ngân hàng này còn xấu đi hơn. Cái kiểu bổ nhiệm CEO và cán bộ lãnh đạo ở
đâu cũng như ở Vinalines và Tổng cục Hàng hải thì đừng hy vọng nhiều vào công
cụ bank biếc này. Và về bản chất nó cũng chẳng khác gì việc NHNN bơm vốn cho
các ngân hàng này và đổi lại NHNN nắm cổ phần chi phối, thậm chí là quốc hữu hóa
và cử người của mình vào các vị trí chủ chốt trong ngân hàng. Việc này thì bàn
mãi rồi, và cũng đã từng làm rồi chứ chưa phải là chưa làm bao giờ ở Việt Nam.
Việc thành lập công ty mua bán nợ mới trực
thuộc NHNN (?) tớ nghĩ có lẽ có tác dụng chính là giải quyết mặt nguồn tiền
dành cho mua nợ xấu. DATC thuộc Bộ Tài chính nên nguồn vốn phải huy động thông
qua phát hành trái phiếu, và hình như chức năng của nó chỉ là mua bán nợ xấu
trong khối doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước phải không? Còn một
DATC tương tự nhưng thuộc NHNN sẽ có danh chính ngôn thuận để NHNN phát hành
tiền cho nó, để nó sử dụng nguồn từ phát hành tiền của NHNN, và giải quyết nợ
xấu của các ngân hàng. Điều khác biệt giữa DATC của NHNN với các công ty mua
bán nợ xấu tư nhân hoặc của NHTM nằm ở (quy mô) nguồn vốn, phạm vi can thiệp,
khả năng bị can thiệp, giật dây bởi NHNN theo ý đồ của NHNN.
Nói chung là dù bất cứ dưới hình thức gì,
các công ty mua bán nợ ở Việt Nam sẽ không thoát khỏi các vấn đề đồng chí nêu
(nhóm lợi ích, tham nhũng, thông đồng cánh hẩu v.v...), và vấn đề ở đây là ta
biết được bao nhiêu trong quy mô và phạm vi thực sự của chúng mà thôi.
No comments:
Post a Comment