08:40 | 05/01/2013
Chính phủ đã bày tỏ sự tin tưởng và hạ quyết tâm năm nay sẽ đạt tăng trưởng kinh tế cao hơn và lạm phát thấp hơn năm vừa qua. Có điều, nhìn lại những gì đã và đang có, đã và sẽ phải đối mặt, đặc biệt nếu nhìn từ góc độ dư địa chính sách, thì việc thực hiện được quyết tâm này dường như không đơn giản chút nào.
Hai chính sách vĩ mô chính có tác động đến tăng trưởng và các cân đối kinh tế vĩ mô khác là chính sách tiền tệ và tài khóa. Về chính sách tiền tệ, nếu nhìn từ góc độ tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế trong năm qua ở mức rất thấp (7%) so với các năm trước thì sẽ có thể có người cho rằng chính sách tiền tệ chưa được nới lỏng thích đáng và, do đó, cần phải được nới lỏng thêm nữa. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng cung tiền M2, hay còn được gọi là tổng phương tiện thanh toán, đã tăng tới khoảng 20% trong năm 2012. Ở mức này, chính sách tiền tệ thực sự đã được mở rộng, và có thể nói là ở mức rất rủi ro cho lạm phát và tỷ giá.
Nguồn: nghean.gov.vn
|
Điều đáng nói là nhiều cá nhân và tổ chức, kể cả Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTC) đã ngộ nhận rằng dù “cung tiền (đã) tăng khá mạnh (nhưng) lạm phát năm 2012 vẫn được kiểm soát khá tốt” để từ đó kêu gọi tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa nhằm hạ lãi suất (cả cho vay và huy động) mà không cần phải e dè nhiều với nguy cơ lạm phát cao quay trở lại.
Có 2 yếu tố quan trọng có liên quan mà những người đưa ra kiểu lập luận trên đã vô tình hay cố ý bỏ qua. Thứ nhất, đó là việc cung tiền M2 đã tăng mạnh và cấp tập chỉ trong nửa sau của năm 2012, đặc biệt là quý IV. Cho đến tháng 2.2012, M2 vẫn tăng trưởng âm, và sang tháng 3 thì mới tăng trưởng dương nhưng ở mức thấp và mới đạt 4,47% vào tháng 5.2012. Đến tháng 8.2012 con số này đã tăng lên 10,3% và tiếp tục vọt lên 12,2% trong tháng 9, rồi cuối cùng là 20% vào cuối tháng 12.2012. Như vậy, chỉ trong vòng 1 quý (quý IV), M2 đã tăng thêm khoảng 8% so với cuối năm 2011. Điều này giải thích tại sao trên danh nghĩa M2 đã tăng 20% nhưng lạm phát “mới chỉ” tăng lên ở mức 7% trong năm qua.
Nhưng điều đáng chú ý là tình hình trên sẽ khó có thể tiếp tục kéo dài lâu sang đến năm 2013 vì áp lực lạm phát từ tăng cung tiền cần một thời gian trễ để lộ diện dưới dạng chỉ số CPI tăng lên. Vì thế, với M2 tăng đột biến và dồn dập chỉ trong khoảng 2 tháng cuối năm 2012, nguy cơ lạm phát cao sẽ quay trở lại trong quý I và/hoặc quý II năm nay là rất lớn. Trong bối cảnh này, nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) (nghe theo lời khuyến cáo của những tổ chức như UBGSTC) tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong đầu năm nay một cách bất cẩn như trong quý vừa qua để thúc đẩy tăng trưởng thì áp lực lạm phát sẽ càng thêm lớn.
Yếu tố quan trọng thứ hai bị bỏ qua là tăng trưởng tín dụng ở mức 7% trong năm trước tuy có vẻ “chậm” nhưng điều này không có nghĩa là lượng tiền cung thêm vào nền kinh tế ở mức khiêm tốn chỉ có chừng đó. Với cung tiền M2 cả năm tăng 20% và tăng trưởng tín dụng ở mức 7%, một phần lớn còn lại của M2 đi vào nền kinh tế thông qua kênh trái phiếu Chính phủ. Điều này thể hiện ở con số huy động trái phiếu Chính phủ vượt mức kế hoạch do Kho bạc Nhà nước công bố (tính đến tháng 11.2012 đã huy động được hơn 130 nghìn tỷ đồng, bằng 185% kế hoạch năm). Cộng thêm với một phần vốn được NHNN trực tiếp/gián tiếp bơm vào hệ thống ngân hàng thông qua các kênh/hình thức như tái cấp vốn, hỗ trợ thanh khoản v.v… có thể nói toàn bộ phần tăng lên của M2 trong năm qua đã chảy vào nền kinh tế dưới dạng này hay dạng khác.
Trong bối cảnh tổng cầu vẫn còn chịu áp lực từ cả thị trường nội địa và xuất khẩu nên chưa thể có bước bứt phá mạnh được thì với một lượng tiền khổng lồ như trên đã (và sẽ, nếu NHNN tiếp tục như cũ) đi vào nền kinh tế, lạm phát cao quay lại chỉ còn là vấn đề về thời gian.
Bởi vậy, có thể nói rằng dư địa chính sách cho thúc đẩy tăng trưởng nhưng đồng thời lại kiềm chế được lạm phát là rất hạn hẹp, nếu không muốn nói là không còn, nếu nhìn từ góc độ chính sách tiền tệ của NHNN.
Về chính sách tài khóa, chính sách kinh tế vĩ mô chủ chốt thứ hai có liên quan đến tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, cũng có thể nói ngay rằng dư địa của chính sách này không còn là bao, và nếu cũng không muốn nói là không còn nữa. Tính đến hết quý III.2012, thâm hụt ngân sách Việt Nam đã đạt mức 6,2% của GDP cùng kỳ, tức là mức rất cao kể cả so với của chính Việt Nam trong nhiều năm trước. Điều cần lưu ý thêm là đây không phải là hiện tượng có tính nhất thời, mà là một hiện tượng mang tính kinh niên, kéo dài suốt nhiều năm nay nên nỗ lực tiếp tục tăng bội chi ngân sách để thúc đẩy tăng trưởng chỉ như là tự cắt thịt mình để ăn nhằm duy trì sự sống trong ngắn hạn. Tình hình sẽ còn ảm đạm hơn nữa nếu tính đúng, tính đủ các khoản chi từ ngân sách theo đúng tiêu chuẩn quốc tế mà từ trước đến nay vốn vẫn được để ngoài sổ sách như ở Việt Nam.
Thêm một cú đấm bồi nữa vào nguồn tài trợ này nếu Việt Nam thực hiện theo khuyến nghị của một số cá nhân và tổ chức là đi vay nợ nước ngoài để tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng thương mại và giải quyết nợ xấu. Mức nợ công đã và đang tăng nhanh, vượt ngưỡng an toàn (ước tính khoảng 60% GDP đến cuối năm 2011). Tình hình sẽ còn nghiêm trọng hơn nhiều nếu tính cả phần nợ của các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân do Chính phủ bảo lãnh (tương đương với hàng chục % GDP). Nói cách khác và ngắn gọn hơn, sẽ chỉ càng làm tăng mạnh thêm rủi ro cho các cân đối vĩ mô nếu chính sách tài khóa tiếp tục được “khai thác” như hiện nay.
Tóm lại, nhìn cả từ chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thời điểm hiện tại, thật khó hình dung nếu chúng được tiếp tục thực hiện như thế trong năm nay mà lại đạt được đồng thời cả 2 mục tiêu tham vọng hơn cho tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô như đã đặt ra. Xét một cách duy lý, có thể nói rằng tham vọng này thuần túy chỉ là tham vọng mang tính chính trị, chứ không xuất phát từ những phân tích từ cơ sở thực tiễn. Tất nhiên, ta vẫn nên hy vọng là có thể có một cách thức thần kỳ nào đó giúp cho Chính phủ có thể đạt được mục tiêu tham vọng trên.
No comments:
Post a Comment