(Bài này dự định được đăng ở báo, sau lại thôi vì bảo có chỉ thị gì đó của chính phủ yêu cầu báo chí đồng thuận. Làm báo ở Việt Nam quả là cái nghề khốn và nhục)
------------------------------
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng trong năm 2013, Thủ tướng đã huấn dụ rằng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát thấp hơn và tăng trưởng cao hơn năm 2013. Thủ tướng còn nhấn mạnh rằng mục tiêu kép này là có khả năng chứ không phải duy ý chí.
Như đã phân tích trong bài viết ở số trước, việc đạt được đồng thời 2 mục tiêu khá tham vọng và mâu thuẫn trên trong năm 2013, trong bối cảnh dư địa chính sách hầu như không còn nữa, chỉ có thể thành hiện thực khi người ta có một công cụ thần kỳ nào đó, chứ là điều không thể nếu căn cứ vào những phân tích từ cơ sở thực tiễn.
Một trong những sứ mệnh chủ chốt của các ngân hàng trung ương trên thế giới là sứ mệnh ổn định giá cả thông qua việc kiểm soát lạm phát (bên cạnh các sứ mệnh khác như là người cho vay cuối cùng khi các ngân hàng thương mại thiếu hụt thanh khoản, và/hoặc đảm bảo toàn dụng). Nếu có tính độc lập, và nếu thấy rủi ro đang/sẽ tăng lên liên quan đến lạm phát, Thống đốc ngân hàng trung ương có thể sẽ kiên định nói không trước những lời kêu gọi và sức ép từ Chính phủ, từ Quốc hội, từ các nhóm lợi ích, hoặc từ công luận v.v… đòi nới lỏng chính sách tiền tệ (tức in tiền) để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng việc làm. Trong bối cảnh như vậy, mọi nỗ lực kích thích tổng cầu thông qua chính sách tài khóa như tăng chi tiêu Chính phủ sẽ không gây ra áp lực lạm phát vì cung tiền vào nền kinh tế không thay đổi, và cũng chính vì vậy, chỉ làm tăng lãi suất, rốt cuộc làm triệt tiêu hiệu ứng tích cực của chính sách tài khóa mở rộng lên tăng trưởng kinh tế.
Ở Việt Nam, NHNN tuy là/có vai trò như một ngân hàng trung ương nhưng đồng thời nó cũng là một cơ quan quản lý cấp Bộ và Thống đốc là 1 thành viên trong Chính phủ. Với tư cách này, NHNN không thể có vai trò độc lập từ các can thiệp chính trị và áp lực của Chính phủ trong hoạch định, đặt mục tiêu cho và điều hành chính sách tiền tệ của mình được. Ta không hiếm khi được nghe thấy, đọc thấy những mẩu tin hay báo cáo về chuyện Chính phủ chỉ đạo NHNN làm việc này, việc kia. Ngay bản thân việc Thủ tướng tham dự và chỉ đạo NHNN như trên (và tương tự là các sự kiện có sự tham gia của các Phó Thủ tướng) cũng là một minh chứng cho sự thiếu tính độc lập trong hoạt động của NHNN, hay nói cách khác là chỉ ra sự lệ thuộc nặng nề của NHNN vào các can thiệp và chỉ đạo từ Chính phủ.
Với tư cách lệ thuộc này, NHNN sẽ có xu hướng bị Chính phủ chỉ đạo phải mở rộng chính sách tiền tệ để hậu thuẫn cho chính sách tài khóa mở rộng của Chính phủ, nhằm đáp ứng nhu cầu thanh khoản tăng lên trong nền kinh tế, duy trì lãi suất ở mức thấp và thúc đẩy tăng đầu tư và tiêu dùng. Kết quả thường là tăng trưởng kinh tế được phục hồi/mạnh lên, số lượng việc làm tăng lên, nhưng chỉ trong ngắn hạn và chấm dứt sau đó vì (áp lực) lạm phát cũng tăng lên buộc NHNN phải thắt chặt lại chính sách tiền tệ của mình nếu không muốn siêu lạm phát bùng nổ. Tất nhiên, cũng có những khi sự “phối hợp” này “lệch pha” nhau, không ăn ý với nhau, kể cả trong ngắn hạn, làm cho các chính sách này triệt tiêu lẫn nhau, như đã xảy ra trong thời gian qua và đã được một số quan chức và chuyên gia lên tiếng phàn nàn.
Bởi vậy, sẽ là không xác đáng khi bắt Thống đốc NHNN chịu trách nhiệm (hoàn toàn và duy nhất) trong việc kiềm chế lạm phát (trong năm nay hoặc một giai đoạn nào đó) khi Chính phủ (Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng) tiếp tục chỉ đạo, can thiệp buộc NHNN phải tiếp tục tăng cung tiền và tín dụng ra nền kinh tế, mà rốt cuộc là sự mở rộng của chính sách tiền tệ sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP và việc làm – nhưng chỉ là trong ngắn hạn – đồng thời cũng làm tăng lạm phát.
Nói cách khác, nhiệm vụ đảm bảo tăng trưởng kinh tế cao hơn và lạm phát thấp hơn trong năm 2013 so với năm 2012 là một nhiệm vụ hầu như bất khả thi đối với riêng NHNN nếu mới chỉ xét đến tính bất độc lập của NHNN từ các áp lực chính trị của Chính phủ hay các nhóm lợi ích khác, chứ chưa xét đến sự mâu thuẫn ngay trong bản thân các sứ mệnh của một ngân hàng trung ương như NHNN khi phải thực hiện đồng thời 2 mục tiêu triệt tiêu lẫn nhau là tăng trưởng kinh tế cao hơn và lạm phát thấp hơn.
No comments:
Post a Comment