Wednesday, 23 January 2013

Đài Bắc du ký (phần 2)

Tớ quên không đề cập đến ở Phần 1 về chuyện đi thăm Aboriginal Center. Đồng chí nào nếu không có ý định mua hươu bao tử sấy khô nghiền thành bột với cái mùi nồng khẳn mà không cẩn thận sẽ “cho chó ăn chè” khi uống, hay nấm linh chi made in Korea và tổ ong thì đừng có đến chỗ này. Nghe cái tên thì sẽ hình dung được đến thăm một cái nơi như kiểu khu bảo tồn của người da đỏ ở Mỹ (xin lỗi là tớ cũng chưa đến đó!). Nơi tớ đến là một ngôi nhà độ vài chục mét vuông, chẳng có thổ dân nào cả mà chỉ toàn “người Kinh” mặc áo dân tộc thế là thành thổ dân để ra sức mời chào bạn mua hàng của họ, chủ yếu là cái loại bột nồng khẳn trên (có cả một con hươu bao tử sấy khô đen sì làm mẫu) mà được quảng cáo là chữa được hen suyễn, nấm linh chi đặc biệt của/chỉ có ở Đài Loan (mà sau được đồng chí vợ điều tra tại hiệu thuốc nơi khác thì hóa ra là của Hàn Quốc), hay sữa ong chúa chữa được cái nọ cái kia v.v… với giá trên giời. Tất nhiên là cái center này cũng không quên trang điểm thêm cho nó mấy cái bức tranh hay trang trí gì đó gợi cho người ta chút liên tưởng đến chữ “thổ dân”. Nhanh chóng chuồn sau bài diễn thuyết mãi võ Sơn Đông bán hàng của nhân viên thổ dân, tớ tự an ủi rằng chuyện này ở đâu mà chẳng có, và tự chia buồn với mấy đồng chí này rằng ai cũng như tớ thì thật là thảm họa cho họ.
            Lại nói về lúc được thả ở cái chợ đêm gần nhà để làm cái việc thỏa mãn dạ dày. Cái chợ đêm đó thực ra chủ yếu là hàng ăn đêm nằm ở một con phố ngắn gần một cái trường học, buổi tối đêm được thả tự do cho các hàng ăn di động dọn ra trong lòng phố, còn một bên mặt phố (đối diện với trường học) thì vẫn là các quán ăn trong nhà dọn hàng từ sáng. Đi rảo một vòng từ đầu phố đến cuối, đứng tần ngần trước cửa một quán, bập bõm đọc các món ăn bằng tiếng Trung trên cái bảng gỗ treo bên ngoài theo lối tiếng Nhật để cố gắng đại khái biết nó là quán bán món gì. Đang làu bàu lắm chữ, khó…vô quá, chẳng thể hiểu là những cái gì thì chợt bên cạnh một giọng nữ cất lên. Tớ không nghe rõ và để ý lắm, nhưng đồng chí vợ nhanh tai, nhanh miệng tóm ngay lấy một cô-không-bé đang ngồi nặn bánh sủi cảo ở ngoài quầy, mặt bịt khẩu trang kín mít. Hóa ra cô ta là người Việt và vừa nói tiếng Việt với tớ!
            Nói được mấy câu về thực đơn thì có thêm một một chàng và một nàng người Việt khác trong quán chạy ra tham gia câu chuyện và giúp bọn tớ chọn đồ ăn. Hỏi han, câu trả lời của người này thì là sang đây đi học, người kia thì là đi làm. Cô-không-bé thì hỏi lại anh chị là khách du lịch từ Việt Nam à, sao lại xin được visa, vì bản thân muốn xin cho chồng sang bằng con đường du lịch nhưng thấy khó quá. Tớ cũng chẳng biết tại sao, lý do nào mà cô này sang đây được và “hạ cánh” ở cái quán ăn đó, cũng như mấy chàng và nàng đồng hương kia. Có điều tớ để ý là suốt từ đầu đến lúc chúng tớ ăn xong và ra về sau khi con cà con kê một lúc với họ, cô này không hề lột cái khẩu trang ra để dù chỉ là cười đãi bôi với tớ một cái. Tớ để ý đến chuyện này vì tối hôm sau ra ăn ở một hàng khác gần đó, lại đụng đúng cô này, nói là đây mới là quán em làm chính. Tất nhiên, vẫn cái khẩu trang che kín gần hết khuôn mặt chỉ hở mỗi đôi mắt. Tớ trộm nghĩ, chắc không phải cô ta “ma chê quỷ hờn” gì (vì vẫn có chồng con!) mà cũng chẳng phải vì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (vì mấy đồng chí đồng hương chạy bàn có đeo cái gì đâu). Chắc có thể cô này có vấn đề gì đó với chính quyền nên không dám để lộ mặt, sợ bị “hốt” vào trại giam trước khi bị tống về nước sau khi người nhà đã lo đủ tiền để mua vé máy bay và nộp phạt (chuyện phạt này tớ sẽ nói thêm sau).
            Ngày hôm sau (hình như 28/12 thì phải), theo châm ngôn “tất cả vì con em chúng ta”, nhà tớ tiến hành chương trình đi thăm vườn thú, vì thằng cu con nhìn thấy trên internet có gấu panda mà lần cuối cùng nó nhìn thấy là ở Bắc Kinh khi nó mới 4 tuổi (chắc quên tiệt hết rồi). Trái với tưởng tượng không mấy hào hứng lắm của bố mẹ, vườn thú Đài Bắc khá rộng, đẹp và quy củ. Độ 20-30 phút đi MRT (tàu điện lúc ngầm, lúc nổi) từ khách sạn, vườn thú đã hiện ra náo nhiệt với một huyện người đứng xếp hàng mua vé vì hình như dân Đài Loan bắt đầu được nghỉ lễ dài ngày từ hôm này.
            Lần đầu tiên mua vé vào cửa ở xứ Đài này (và sau lần đó), tớ để ý thấy hóa ra nước họ cũng xã hội chủ nghĩa ra phết, có nghĩa là luôn có một danh sách các thể loại người được mua vé với giá ưu đãi (bằng phân nửa, thậm chí là miễn phí), gồm lính tráng (quân đội, cảnh sát), người tàn tật, thậm chí là người nghèo (tất nhiên những đối tượng này phải chìa giấy chứng nhận ra khi mua vé), chưa kể đương nhiên có người già, trẻ em.
            Nhìn phong cách xếp hàng mua vé và đứng đợi shuttle bus/train trong vườn thú, có thể nói dân Đài Loan khá văn minh. Chỉ có điều, bản chất dân Tầu vẫn không mai một hết khi nó được thể hiện ở cái sự oang oang chốn công cộng của nhiều người (tớ cũng chẳng biết hay những người oang oang này là Tầu đại lục hay không nữa).
            Ngoài sự sạch sẽ, quy củ như thấy ở các nơi khác, đáng ấn tượng là vườn thú - nằm lọt trong một lòng chảo được quây bởi mấy ngọn núi thấp xung quanh – có mầu xanh mát mắt của cây cối bên trong lòng và xung quanh, trên các quả núi với những tán cây rậm rạp, xanh tốt. Về chuyện môi trường xanh sạch này, tớ sẽ nói thêm ở phần sau, sau khi đã lượn qua mấy khu vực trong và ngoại thành, rồi lên núi và xuống sông.
            Buổi chiều muộn, vì thằng cu không có hứng thú xem những con vật khác ngoài panda và koala nên nhà tớ lấp chỗ trống bằng việc đi MRT đến chùa Longshan (Long Sơn), vốn được đồng chí tour guide hôm trước “đề xuất” như là một nơi nên thăm thú. Đây có lẽ là ngôi chùa to nhất ở Đài Bắc.
            Đến nơi, ngay từ cổng đã thấy sự bề thế và quy mô của ngôi chùa bằng một đám đông con nhang phật tử hương khói vái lậy từ ngoài vào đến trong. Lần đầu tiên tớ mới thấy một ngôi chùa với những hàng cột gỗ 1 người ôm chạm trổ rồng phượng một cách khá tinh tế đến độ người ta phải quấn lưới sắt bảo vệ ra bên ngoài. Không lễ bái gì (vì mắt còn phải nghếch nhìn… một số thứ khác hay ho hơn) nên tớ cũng chẳng nhớ rõ tượng trong chùa lắm, nhưng hình như là cũng tương xứng với ngôi chùa này. Lượn từ mặt tiền đến mặt hậu, thấy cái văn hóa chùa chiền này sao giống ở Việt Nam đến thế, tự nhủ rằng chắc từ cùng một nguồn.
            Hôm đó hình như là ngày rằm hay gì đó, chùa bày cỗ chay. Cách cổng chùa một đoạn, gần ga MRT, thấy nhiều người lang thang trên tay cầm một cái bánh bao to. Hóa ra là chùa phát chẩn khi tớ thấy một bác già đặt một cái thùng nan tre xuống đất lôi bánh ra phát cho những người qua đường. Chợt nhận ra Đài Bắc cũng có rất nhiều người vô gia cư, cơ nhỡ, tất nhiên các đồng chí sẽ chẳng bao giờ thấy cảnh người ăn mặc rách rưới ngửa tay xin tiền ngoài đường như ở Việt Nam.
            Ngày hôm đó kết thúc bằng bữa tối tại cái chợ đêm hôm trước. Lần này bọn tớ quyết định xơi món gà vì mấy hôm trước đã ăn bò lợn thậm chí là dê đủ hết rồi. Nhớ có một quán treo mấy con gà luộc/hấp gì đó bóng mỡ thấy hôm trước bèn mò vào, mặc dù cũng chưa có khái niệm về những món gì sẽ được dọn ra. Cũng lại đang chỉ chỏ và đánh vần với nhau mấy cái ảnh về món ăn dán đầy trên tường thì giật mình khi nghe một giọng miền Nam (tất nhiên là của Việt Nam, vùng nào thì chịu) cất lên đằng sau lưng, ủa người Việt hả?!
            Với sự giúp đỡ của cô nhân viên chạy bàn người Việt khá trắng trẻo xinh xắn người miền Nam này, nhà tớ đặt được món gà luộc/hấp gì đó mà lúc ăn thì thấy như gà sống thiến luộc ở Việt Nam. Càng khẳng định điều này khi thấy những bức ảnh chủ nhà hay ai đó chụp bên những chú gà sống vâm vam. Thêm bát nước mắm dầm ớt, chợt nhớ ra là lâu lắm rồi (từ Tết năm trước) mới thấy lại cái hương vị đậm chất, đậm mùi Việt Nam khó mà̉ có ở những nơi như Sing, nơi chỉ rặt những thứ thịt gà mềm mềm, bở bở, nhạt nhẽo.
            Ngó sang những bàn bên cạnh, thấy dân Đài Loan này chén khá khỏe, khi trước mặt mỗi người là những đĩa thịt đầy, bát cơm cũng trải thêm một lớp thịt băm hay cái gì đó băm phủ bên trên. Ăn không hết, thậm chí bát canh ăn dở cũng được trút vào túi nilon mang về. Có nhà, bố mẹ ăn xong, đã trút bát canh vào túi rồi, thấy con đến (chắc là trễ hẹn), lại dốc túi nilon đổ ra để con ăn tiếp. Mọi việc diễn ra tự nhiên và hợp lý như cái sự vốn có của nó.
            Ăn xong, ra ngoài lại gặp cô-không-bé hôm trước bước vào quán, tất nhiên vẫn sùm sụp cái khẩu trang. Lại một màn chào hỏi líu lo trong con mắt tò mò của nhân viên bản địa. Hóa ra quán này cũng có một vài người Việt phục vụ nữa. Có lẽ cái chợ đêm là nơi kiếm sống của mấy đồng chí này. Cũng mừng cho họ, khi nhu cầu cuộc sống vẫn tạo ra công ăn việc làm cho họ (nhưng không chắc có là chân chính không nếu họ là lao động bất hợp pháp). Chợt nhìn lại mình, thấy phải cảm ơn số phận khi được tự do đi lại, nói năng, làm việc kiếm tiền và… đi chơi.
(Còn nữa)

4 comments:

  1. Càng đọc càng thấy hấp dẫn anh ạ, vì toàn chuyện thật. Cuộc sống hàng ngày thế nào cứ thế kể là hay nhất, chứ cứ chọn mấy cái thật hay hay thật dở để kể thì ai cũng chán vì đã đọc đâu đó rồi.

    Mà sao anh không nghĩ đến du lịch Tây Bắc Việt Nam nhỉ. Đồi núi hoang sơ, hùng vĩ, đồng bào ăn mặc đa dạng, trẻ em xinh xắn dễ thương. Anh mà tả cuộc sống ở đó thì chắc sẽ cực kỳ hấp dẫn.

    ReplyDelete
  2. Tôi phải thú nhận rằng ở Việt Nam tôi đi rất ít (vì không có mấy dịp đi). Lúc còn thanh niên thì không có tiền, phương tiện để đi theo kiểu "phượt" như bây giờ người ta vẫn gọi, mặc dù cũng thích. Còn lúc về già và vướng víu công việc như bây giờ thì tất nhiên là càng không có điều kiện để đi ở Việt Nam nữa. Phần nữa là cũng tranh thủ các kỳ nghỉ phép để du lịch đây đó, còn du lịch ở Việt Nam thì hẹn đến lúc về hưu (hy vọng không phải là du lịch trên xe lăn). Tôi đang có kế hoạch đi Đông Âu một chuyến, ít nhất là qua Tiệp (cũ), nơi bố tôi đã từng làm việc. Chắc anh cũng đi một vài nước này rồi phải không, vì từ Thụy Sĩ sang cũng không xa lắm? Có kinh nghiệm gì anh chia sẻ với nhé.

    ReplyDelete
  3. Lần cuối cùng tôi ở Đông Âu là vào năm 1992, đã 20 năm rồi nên giờ khác hẳn rồi. Thỉnh thoảng có bay transit qua Đông Âu, nhưng vẫn có cảm giác không an toàn lắm vì mafia ở đó khá nhiều. Mang tiền, đồ quý transit cũng có thể bị nhân viên, công an ngay trong sân bay trấn lột đấy. Tôi đã bị 2 lần, đang ở phòng transit vẫn bị chúng gọi vào phòng kiểm tra rồi cướp trắng trợn; thậm chí đang ra máy bay còn bị gọi lại để cướp đồng hồ đeo tay. Nhưng tôi chưa bị mất gì vì kiên quyết bám theo đòi lại, chúng thấy ngại nên trả.

    Mặc dù vậy, tôi vẫn thích các nước Đông Âu lắm, nhất là Nga, vì dân ở đó nghèo nhưng tốt bụng, hiền, thật thà (trừ 1 số loại lưu manh, mafia). Ngược lại ở bên mấy nước ta bản, thấy đứa nào cũng tham tiền, lao động cực nhọc (kể cả các nhà khoa học) để làm giầu, càng là giới chủ càng tham, chẳng quan tâm tới người khác... nên tôi không thích như Đông Âu.
    Từ TS sang đó cũng xa, trên 1000km cả nên tôi ngại không đi. Thường thích lái xe đi để dọc đường có thể chủ động dừng, ngắm cảnh, đã mấy chuyến đoi 4-5000km rồi, nhưng giờ nhiều tuổi đi xa cũng ngại.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nghe không an toàn thế thì chắc tôi không dám đi rồi :). Thôi cứ chọn chỗ nào sạch sẽ, an toàn, ăn uống ngon lành, nhiều cái để xem cho nó lành. Khi nào không có gì để mất thì mới đi Đông Âu vậy.

      Delete

Một số nghiên cứu bằng tiếng Anh của tớ

(Một số bài không download được. Bạn đọc có nhu cầu thì bảo tớ nhé)

19. Yang, Chih-Hai, Ramstetter, Eric D., Tsaur, Jen-Ruey, and Phan Minh Ngoc, 2015, "Openness, Ownership, and Regional Economic Growth in Vietnam", Emerging Markets Finance and Trade, Vol. 51, Supplement 1, 2015 (Mar).
http://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/1540496X.2014.998886#.Ve7he3kVjIU

18. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2013, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', Journal of Asian Economics, Vol. 25, Apr 2013,
http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1049007812001170.

17. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2011, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', ESRI Discussion Paper Series No.278, Economic and Social Research Institute, Cabinet Office, Tokyo, Japan. (http://www.esri.go.jp/en/archive/e_dis/abstract/e_dis278-e.html)

16. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2009, ‘Foreign Ownership and Exports in Vietnamese Manufacturing’, Singapore Economic Review, Vol. 54, Issue 04.
(http://econpapers.repec.org/article/wsiserxxx/v_3a54_3ay_3a2009_3ai_3a04_3ap_3a569-588.htm)

15. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘The Roles of Capital and Technological Progress in Vietnam’s Economic Growth’, Journal of Economic Studies, Vol. 32, No. 2.
(http://www.emeraldinsight.com/journals.htm?articleid=1724281)

14. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘Sources of Vietnam’s Economic Growth’, Progress in Development Studies, Vol. 8, No. 3.
(http://pdj.sagepub.com/content/8/3.toc)

13. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2008. 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Evidence from Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2008-04, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2008a_e.html#04)

12. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Employee Compensation, Ownership, and Producer Concentration in Vietnam’s Manufacturing Industries’, Working Paper 2007-07, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html)

11. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Changes in Ownership and Producer Concentration after the Implementation of Vietnam’s Enterprise Law’, Working Paper 2007-06, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html#06)

10. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2006. ‘Economic Growth, Trade, and Multinational Presence in Vietnam's Provinces’, Working Paper 2006-18, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. Also presented in the 10th Convention of the East Asian Economic Association, Nov. 18-19, 2006, Beijing.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2006a_e.html#18)

9. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, Phan Thuy Nga, and Shigeru Uchida, 2005. ‘Effects of Cyclical Movements of Foreign Currencies’ Interest Rates and Exchange Rates on the Vietnamese Currency’s Interest and Exchange Rates’. Asian Business & Management, Vol. 4, No.3.
(http://www.palgrave-journals.com/abm/journal/v4/n3/abs/9200134a.html)

8. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam's Economic Transition’. Asian Economic Journal, Vol.18, No.4.
(http://ideas.repec.org/a/bla/asiaec/v18y2004i4p371-404.html)

7. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Ownership Shares and Exports of Multinational Firms in Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2004-32, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. An earlier version of this paper was presented in the 9th Convention of the East Asian Economic Association, 13-14 November 2004, Hong Kong.
(www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2004/2004-32.pdf)

6. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, and Phan Thuy Nga, 2003. ‘Exports and Long-Run Growth in Vietnam, 1976-2001’, ASEAN Economic Bulletin, Vol.20, No.3.
(http://findarticles.com/p/articles/mi_hb020/is_3_20/ai_n29057943/)

5. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2003. ‘Comparing Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam’, Working Paper 2003-43, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

4. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2003. ‘Stabilization Policy Issues in Vietnam’s Economic Transition’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 44 (March).

3. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2002. ‘Foreign Multinationals, State-Owned Enterprises, and Other Firms in Vietnam’, Working Paper 2002-23, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. This paper was also presented in the 8th Convention of the East Asian Economic Association, 4-5 November 2002, Kuala Lumpur.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

2. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2002. ‘Capital Controls to Reduce Volatility of Capital Flows; Case Studies in Chile, Malaysia, and Vietnam in 1990s’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 43 (March).

1. Phan, Minh Ngoc, 2002. ‘Comparisons of Foreign Invested Enterprises and State-Owned Enterprises in Vietnam in the 1990s’. Kyushu Keizai Nenpo (the Annual Report of Economic Science, Kyushu Association of Economic Science), No.40 (December). An earlier version of this paper was presented in the 40th Conference of the Kyushu Keizai Gakkai (Kyushu Association of Economic Science).