08:51 | 12/01/2013
Điều thiếu vắng quan trọng trong Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chung và riêng là những thay đổi căn bản về tư duy và biện pháp chính sách nhằm khắc phục những trở ngại cho quá trình nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Việc chỉ tập trung vào sắp xếp và đổi mới mang tính cơ học về cơ cấu của các DNNN như đang chủ trương hiện nay không nhất thiết sẽ mang lại những kết quả khả quan hơn so với những biện pháp đã từng thực thi trước đây.
Nguồn: ITN |
Tháng 7.2012, Thủ tướng phê duyệt Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015. Tiếp đó, Bộ Tài chính đã ban hành hướng dẫn triển khai thực hiện đề án này. Cho đến nay, nhiều DNNN đã xây dựng, trình và được duyệt đề án tái cơ cấu của mình.
Mục đích của tái cơ cấu DNNN, như đã được nêu rõ, là để DNNN hoạt động hiệu quả hơn. Một trong những biện pháp chính để thực hiện mục tiêu này là xác định rõ những ngành nghề sản xuất kinh doanh chính, có kế hoạch thoái vốn nhà nước đã đầu tư vào ngành không phải kinh doanh chính hoặc không trực tiếp liên quan với ngành kinh doanh chính. Tập trung vào những ngành nghề sản xuất kinh doanh chính được cho là sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn với nguồn lực được giao, nâng cao được sức cạnh tranh, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, giúp Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.
Quán triệt mục đích và biện pháp trên, đề án tái cơ cấu (đã được phê duyệt và công bố) của một số tập đoàn, DNNN đều dồn trọng tâm vào việc xác định cụ thể những lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, những lĩnh vực hoặc doanh nghiệp cần phải thoái vốn (trước năm 2015), những doanh nghiệp thành viên có 100% hay 50% (hoặc thấp hơn) vốn điều lệ thuộc sở hữu của mình.
Tuy có được đề cập đến, nhưng những nội dung tái cơ cấu quan trọng khác như chiến lược sản xuất, kinh doanh, phát triển, đầu tư v.v... đều được nêu khá chung chung cho có, không thể hiện được sự khác biệt lớn so với những hạng mục tương tự được doanh nghiệp công bố trong các báo cáo hàng năm của mình về tình hình hoạt động năm qua và phương hướng hoạt động trong (các) năm tới. Có khác chăng là tất cả những hạng mục vốn thường có trong các báo cáo tổng kết hoạt động nay lại được khoác thêm cụm từ “tái cơ cấu” hoặc “tái cấu trúc” lên trước một cách rất khiên cưỡng. Chẳng hạn, việc cải thiện công tác “quản trị doanh nghiệp” biến thành “tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp” trong các đề án tái cơ cấu.
Nhìn chung, qua những định hướng chung và cụ thể ở từng đề án của DNNN, ta có thể thấy toát lên một quan niệm nổi bật rằng nếu được tổ chức, sắp xếp lại theo hướng tập trung vào các ngành sản xuất kinh doanh chính thì các DNNN sẽ hoạt động hiệu quả hơn, có tính cạnh tranh hơn, và thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ chính trị được giao.
Nhưng nếu chỉ có thế thì kết quả của quá trình tổ chức, sắp xếp lại hoạt động như vậy rất có thể sẽ không diễn ra đúng như ý đồ.
Một trong những điểm yếu chí tử của các DNNN là tình trạng cha chung không ai khóc, nhất là trong các doanh nghiệp mà vốn chủ sở hữu hoàn toàn là vốn của Nhà nước. Sản xuất kinh doanh thua lỗ thì Nhà nước sẽ phải bù lỗ, xóa nợ, trả nợ hộ v.v... nếu như không muốn đóng cửa doanh nghiệp đó, như vốn có từ trước đến nay. So với các doanh nghiệp tư nhân, giới quản lý DNNN có ít động cơ và khả năng/năng lực để làm doanh nghiệp làm ăn có lãi. Những ràng buộc về cơ chế và luật định (chẳng hạn đầu tư vào đâu, như thế nào, quyết định những vị trí nhân lực chủ chốt, lương thưởng…) cũng là một trở ngại cho DNNN theo đuổi lợi nhuận. Bởi vậy, việc (buộc doanh nghiệp) tập trung vào các hoạt động sản xuất kinh doanh chính hoàn toàn không đồng nghĩa với việc DNNN đó sẽ sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn. Một minh chứng rõ ràng cho chuyện này là vẫn có hàng loạt DNNN sản xuất kinh doanh thua lỗ triền miên trong những năm trước đây khi chưa diễn ra phong trào đầu tư ra ngoài ngành, vào những lĩnh vực “ăn liền” mang lại lợi nhuận cao như bất động sản, chứng khoán và ngân hàng như vừa qua.
Có ai đó sẽ lập luận rằng trong các đề án tái cơ cấu đều có nội dung tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp mà nhờ đó năng lực và chất lượng quản trị doanh nghiệp sẽ được cải thiện, dẫn đến tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Đúng là vậy, như trên đã đề cập đến. Nhưng, cũng như trên đã nói, việc này mới chỉ được đề cập chung chung, và quan trọng hơn, không nêu ra được những yếu tố mà chắc chắn sẽ dẫn đến những thay đổi quan trọng theo chiều hướng tốt lên trong công tác quản trị doanh nghiệp. Cũng xin nêu lại minh chứng về tình hình hoạt động của các DNNN trong những năm trước đây khi chưa diễn ra phong trào đầu tư ngoài ngành. Với tình hình sản xuất kinh doanh bết bát lúc đó, Nhà nước cũng đã ra nhiều chủ trương chính sách để cải thiện hoạt động của các DNNN, trong đó có nhiều biện pháp liên quan đến quản trị, đến sắp xếp và tổ chức lại bộ máy và hoạt động của doanh nghiệp v.v... nhưng tình hình thua lỗ thì hầu như không được cải thiện đáng kể sau đó.
Một trở ngại chính khác cho DNNN trên con đường làm ăn có lãi là cách nói, cách lập luận về nhiệm vụ chính trị. Theo đó, các DNNN còn phải thực hiện một loạt nhiệm vụ mang tính phi thị trường khác như ổn định kinh tế vĩ mô (phần lớn thực chất là cung cấp hàng hóa và dịch vụ với giá thấp hơn thị trường để bình ổn giá), làm nòng cốt để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế (phần lớn thực chất là công cụ để Nhà nước dồn thêm nguồn lực vào một số ngành, lĩnh vực, vùng miền v.v… Vì là các nhiệm vụ mang tính phi thị trường nên lẽ thường là các nhiệm vụ này không thể mang về (nhiều) lợi nhuận so với những doanh nghiệp khác không phải đảm đương những nhiệm vụ chính trị này.
Trong bối cảnh như vậy, việc tập trung vào các ngành sản xuất kinh doanh chính như đề ra nếu có chăng thì sẽ chỉ giúp cho DNNN thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ chính trị của mình (vì có thêm nguồn lực cho các ngành sản xuất kinh doanh chính), chứ không nhất thiết giúp DNNN làm ăn có hiệu quả hơn (tức có lợi nhuận lớn hơn).
Tập trung vào ngành sản xuất kinh doanh chính cũng không nhất thiết (và trực tiếp) giúp DNNN “nâng cao được sức cạnh tranh”. Sức cạnh tranh của 1 doanh nghiệp nào đó trong 1 ngành nào đó được thể hiện ở những chỉ tiêu như chất lượng hàng hóa và dịch vụ tốt hơn và/hoặc giá thành thấp hơn (dẫn đến) giá bán thấp hơn (và nhờ đó tăng được thị phần). Thực tế cho đến nay là, thậm chí đã được hưởng nhiều ưu đãi như đất đai, vốn, thị trường v.v... không có nhiều DNNN thỏa mãn được các tiêu chí trên, kể cả trong những lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của chúng. Sức cạnh tranh của một doanh nghiệp chỉ có được từ những nỗ lực cắt giảm chi phí, nâng cao chất lượng và tính hấp dẫn của sản phẩm, chiến lược nhân sự và marketing đúng đắn v.v... chứ không phải trực tiếp từ việc doanh nghiệp đó có tập trung hay không tập trung nguồn lực vào ngành sản xuất kinh doanh chính của mình.
Ngoài ra, có nhiều DNNN đạt được “sức cạnh tranh” nhưng chủ yếu theo kiểu “một mình một chợ”, hoặc là trong những lĩnh vực độc quyền tự nhiên, hoặc là trong những lĩnh vực, vùng/miền mà, như nhiều quan chức vẫn nói khi đề cập đến vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước, không ai khác ngoài Nhà nước muốn/có thể đầu tư. Trên ý nghĩa này, quả thật việc tập trung vào ngành sản xuất kinh doanh chính có thể gián tiếp hay trực tiếp giúp doanh nghiệp “nâng sức cạnh tranh”, nhưng chắc đó không phải là cái sức cạnh tranh mà những nhà hoạch định chính sách mong muốn.
No comments:
Post a Comment