Như TBKTSG đã đưa
tin, hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS (được xây dựng trong 2 năm bằng vốn
ODA của Nhật Bản) bắt đầu được áp dụng từ ngày 1-4-2014, nhưng đã thường bị lỗi,
gây ách tắc cho việc thông quan và làm hại nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Tuy chưa có một giải
thích chính thức từ phía Tổng cục Hải quan về tình trạng hoạt động “tậm tịt”
này nhưng TBKTSG đã trích lời của một quan chức hải quan khi vị này có lỗi là
do sự không phù hợp của hệ thống này ở Việt Nam bởi Việt Nam khác với Nhật Bản!
Ngay cả Bộ tài chính cũng cho rằng hệ thống thông quan tự động đang áp dụng tại
Nhật bản khi triển khai tại Việt Nam trên nền tảng pháp lý của Việt Nam thì không
tránh khỏi những khó khăn.
Vậy VNACCS/VCIS là
cái gì và tại sao nó lại không hoạt động tốt ở Việt Nam?
VNACCS/VCIS là hệ
thống thông quan tự động phiên bản Việt Nam được xây dựng trên mô hình hệ thống
thông quan điện tử của Nhật (Nippon Automated Cargo and Port Consolidated
System, NACCS), và hệ thống thông tin tình báo hải quan Nhật (Customs
Intelligence Database System, CIS). Tập đoàn NTT Data là đơn vị chủ thầu, phối
hợp với các chuyên gia của JICA, lắp đặt, đào tạo và chuyển giao hệ thống, công
nghệ, và phần mềm cho Việt Nam.
Theo thông tin phía
Nhật, ngoài những chức năng tương tự như hệ thống đang hoạt động tại Nhật, hệ
thống thông quan tự động này của Việt Nam còn được “Việt hóa” khi có thêm những
chức năng riêng cho Việt Nam, sau khi các chuyên gia Nhật nghiên cứu và đánh
giá kỹ lưỡng khuôn khổ pháp luật, thông lệ và điều kiện ở Việt Nam. Chẳng hạn,
hệ thống này thực hiện được việc thông quan điện tử (tự động) trên bộ (khác với
của Nhật, chỉ có thông quan đường biển và đường hàng không, vì Nhật không có
biên giới trên bộ với các quốc gia khác). Hệ thống này cũng cho phép dùng chữ
ký điện tử theo quy định trong Luật giao dịch thương mại điện tử. Ngoài ra, hệ
thống này cũng được kết nối với hệ thống hải quan hiện tại của Việt Nam được
dùng trong việc thu thuế và xác định thuế hải quan.
Ngoài chuyện “Việt
hóa”, phía Nhật cũng nhấn mạnh đến việc đào tạo cán bộ hải quan Việt Nam trong
các đợt tập huấn trong và ngoài nước dưới sự hướng dẫn và giám sát của các
chuyên gia nước ngoài. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã tích lũy được nhiều
kinh nghiệm qua các cuộc thí điểm ứng dụng thông quan điện tử ở một số địa
phương và trong một số ngành, với một số doanh nghiệp trong suốt 2 năm qua.
Tóm lại, với quá
trình chuẩn bị và triển khai kỹ lưỡng thật khó có thể nói một cách đơn giản rằng
do sự khác biệt giữa 2 nước, 2 nền tảng pháp lý nên hệ thống hoạt động không ổn
định. Bản thân hệ thống này không đơn thuần là một phần cứng máy móc bất biến
mà được điều khiển bởi những quy trình và phần mềm có thể thay đổi và điều chỉnh
phù hợp, tùy theo yêu cầu sở tại.
Quay trở lại với
bài báo trên TBKTSG trích dẫn lý giải của vị quan chức hải quan cho một số trường
hợp trục trặc trong việc thông quan tự động. Lý do đầu tiên là sự khác biệt
trong các hệ thống vệ tinh đi kèm như như hệ thống kế toán thuế, hệ thống quản
lý rủi ro, giá, xử lý vi phạm. Đương nhiên là các hệ thống này ở Việt Nam sẽ
khác (xa) với hệ thống tương tự của Nhật, và chuyện này chắc chắn sẽ được hình
dung trước khi bắt tay ký kết thực thi dự án. Nhưng vì thế mới cần đến cả mấy
năm trời để chuẩn bị, xử lý và giải quyết làm sao cho hệ thống vận hành xuyên
suốt. Vẫn hợp tác, vẫn nghiệm thu và tất toán dự án kể cả khi các khác biệt này
không được xử lý rốt ráo chứng tỏ có vấn đề ở những người tham gia dự án này (kể
cả phía Nhật).
Lý do tiếp theo mà
vị quan chức hải quan nêu ra là do hệ thống kế toán, theo dõi thu nợ thuế của
Việt Nam chưa tích hợp với hệ thống VNACCS/VCIS. Đây rõ ràng cũng là một lỗi chủ
quan của con người, mà cụ thể là những người thực thi dự án, chứ chẳng có liên
hệ gì đến sự khác biệt giữa 2 quốc gia, 2 nền tảng pháp lý cả.
Ngay cả lý do Bộ
tài chính đưa ra, cụ thể do phía Nhật chưa chuyển giao hết các chức năng, một số
chức năng đã chuyển giao không phù hợp với pháp luật Việt Nam, và Việt Nam không
được phép hiệu chỉnh các nội dung do Nhật thiết kế... cũng đều là những lỗi chủ
quan, của những người thực hiện của cả 2 phía trong quá trình đàm phán, thiết kế
và thực thi dự án.
Như vậy, có thể kết
luận lại rằng nguyên nhân của tình trạng hoạt động “tậm tịt” của hệ thống
VNACCS/VCIS chủ yếu là do những lỗi chủ quan, và là trách nhiệm của người trong
cuộc, có thể vì một lý do sâu xa nào đó, chứ không thể đổ tại cho những lý do
khách quan, chung chung như sự khác biệt giữa 2 quốc gia, 2 chế độ. Điều đáng
nói là nạn nhân của tình trạng này – những doanh nghiệp xuất nhập khẩu – xem ra
tiếp tục sẽ phải chịu trận dài dài nếu như
nếu những “sự khác biệt” này sẽ còn tiếp tục được viện dẫn để lẩn tránh
trách nhiệm, hoặc, tệ hơn, để trục lợi.
Mọi người có lẽ đều đồng ý với các phân tích của bác ở phần trên. Nhân tiện đây em nhờ bác phân tích phát biểu của ông bô trưởng bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh về FDI, em thấy có vẻ không ổn lắm!
ReplyDeletehttp://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/bo-truong-bui-quang-vinh-khong-qua-lo-chuye-n-fdi-giam-3098623.html
Thanks bác nhiều!
Bài này phỏng vấn chán, theo kiểu có gì hỏi nấy, chả ăn nhập gì với nhau, phóng viên tung ra một câu hỏi chỉ để mà hỏi, rồi thôi, không đào sâu, hỏi vặn vẹo lại, cứ như là không lĩnh hội được ý của đồng chí Vinh.
DeleteMà tiện đây tớ thấy đồng chí Vinh là một trong số ít những khuôn mặt quan chức ở VN tớ thấy có cảm tình.
Về chuyện hấp thu FDI thì tớ thấy đồng chí Vinh trả lời hợp lý.
Về chuyện kế hoạch đầu tư trung, dài hạn để chấm dứt chuyện xin cho, đồng chí Vinh nói không thuyết phục vì việc chính phủ công bố kế hoạch giao vốn cho các địa phương cho dù có thể chấm dứt chuyện chạy chọt, xin cho sau này, nhưng ai cấm họ chạy chọt, xin cho, lobby trước khi chính phủ chốt kế hoạch giao vốn 5 năm? Đã là giao, cấp thì kiểu gì cũng có xin và chạy chọt.
Đại loại là vậy. Đồng chí thấy chỗ nào không ổn nữa không thì bảo tớ để tớ bình luận luôn thể?
Tớ buộc phải xóa một số comment mà thực chất là quảng cáo. Các đồng chí bạn đọc lưu ý là tớ cũng xóa comment đấy nhé!
ReplyDeleteCảm ơn bác nhiều!
ReplyDelete