Về chủ
đề tái cơ cấu
Có đại biểu cho rằng tiến trình tái cơ cấu nền
kinh tế diễn ra rất chậm, kết quả thực tiễn không nhiều và không cơ bản, và câu
hỏi được đại biểu đặt ra rằng chậm vì cách làm đúng mà chưa chịu làm hay sai
nên làm mãi không được? Tự trả lời câu hỏi này, đại biểu này cho rằng có nguyên
nhân khách quan đây là việc quá trọng đại, nhưng ý kiến trái nhau cũng nhiều,
thậm chí có ý kiến “chọc ngoáy”. Còn lý do chủ quan là do đánh giá thấp nguy
cơ. Bên cạnh đó còn có lý do không “đánh” đúng nguyên nhân, dẫn tới không có đề
án khả thi, giải pháp hữu hiệu.
3 nguyên nhân chính, theo đại biểu này, là do
(i) duy trì mô hình tăng trưởng bị lệch, dựa vào vốn “dễ” đánh đổi lạm phát nên
đã trói doanh nghiệp trong nước, lúc nào cũng phải đương đầu với lãi suất cao,
giúp cho doanh nghiệp nước ngoài chả cần nỗ lực cũng vượt xa doanh nghiệp nội;
(ii) cơ chế cạnh tranh yếu, gây méo mó giả cả đưa ra tín hiệu sai, hay nói cách
khác là chưa thay đổi cơ chế cạnh tranh, chưa xác lập giá thị trường cho các loại
giá cơ bản; và (iii) định hướng xã hội chủ nghĩa trong cơ chế thị trường chưa
rõ, xin - cho vẫn được duy trì và can thiệp bằng hành chính vẫn được ưa
thích. Đặc biệt là bộ máy vẫn duy trì cơ chế trách nhiệm tập thể, mà kinh tế thị
trường là cơ chế trách nhiệm cá nhân. Để xoay chuyển tình hình, cần gắn trách
nhiệm cá nhân với từng công việc cụ thể.
Về những phát biểu trên, có thể thấy rằng câu
hỏi mà đại biểu này nêu ra đã không được (tự) trả lời thỏa đáng, cụ thể không
làm rõ được là tái cơ cấu kinh tế chậm là do cách làm đúng hay sai, đã chịu làm
hay chưa chịu làm. Việc có nhiều ý kiến “chọc ngoáy” là chuyện đương nhiên trước
bất cứ một chính sách (lớn) nào của quốc gia, nhất là khi chưa có một nhận thức
chung rộng rãi trong xã hội. Ý kiến “chọc ngoáy” không thể bị đổ lỗi là nguyên
nhân làm chậm tái cơ cấu kinh tế khi nó có thể coi là ý kiến phản biện và không
ít khi là đúng, có giá trị tham khảo. Nói cách khác, tái cơ cấu nếu nhanh chỉ
vì không có ý kiến “chọc ngoáy” thì chỉ là chuyện hoặc là tưởng tượng, hoặc chỉ
có trong xã hội độc tài tuyệt đối, và nhanh trong những trường hợp như thế này
không phải là điều đáng mừng.
Chuyện đánh giá thấp nguy cơ cũng không liên
quan gì đến tiến trình cải cách kinh tế (chậm chạp), trừ khi những người có
trách nhiệm trước đó có đặt ra một mục tiêu tham vọng nào đó chẳng hạn như phải
hoàn thành tái cơ cấu kinh tế trong vòng 3 năm, bất chấp thực tế là tái cơ cấu
là việc rất khó khăn, phức tạp, tốn thời gian (nhiều hơn 3 năm). Mà hình như là
cho đến nay các cơ quan hữu quan chưa hề đưa ra một lộ trình rõ ràng với những
mốc thời gian cụ thể để hoàn thành tái cơ cấu. Bởi thế, việc quy cho tái cơ cấu
chậm là do đánh giá thấp nguy cơ là không thỏa đáng.
Về 3 nguyên nhân chính nêu trên. Dựa vào mô
hình tăng trưởng kinh tế bị “lệch”, dựa vào vốn “dễ”, tức là chính sách tiền tệ
nới lỏng, để tăng trưởng đương nhiên sẽ dẫn đến lạm phát cao nếu nới lỏng quá mức
và quá lâu, làm doanh nghiệp phải đối mặt với lãi suất cao. Nhưng lãi suất cao
chỉ đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam đánh mất tính cạnh tranh so với
doanh nghiệp nước ngoài khi mà chính sách tỷ giá cứng nhắc, không chịu nới lỏng
tỷ giá một cách tương ứng với mức lạm phát nên làm cho VND lên giá thực, ảnh hưởng
đến tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Bởi vậy, nếu muốn nói đến cái sự
“lệch” ở đây thì chỉ có thể nói rằng chính sách tỷ giá đã “lệch” (pha) với
chính sách tiền tệ (nới lỏng), và chỉ thế thôi, chứ không thể khái quát chung
thành “mô hình tăng trưởng lệch” được.
Lập luận về cơ chế cạnh tranh yếu, gây méo mó
giả cả đưa ra tín hiệu sai, hay nói cách khác là chưa thay đổi cơ chế cạnh
tranh, chưa xác lập giá thị trường cho các loại giá cơ bản thì trên cơ bản là
đúng với thực trạng ở Việt Nam. Nhưng tự thân điều này lại không cho biết gì mấy
về chuyện tiến trình tái cơ cấu kinh tế cả, như đề cập bên trên. Ngược lại, cơ
chế cạnh tranh yếu mới chính là đối tượng và mục tiêu của tái cơ cấu kinh tế.
Chuyện về định hướng xã hội chủ nghĩa trong
cơ chế thị trường chưa rõ, xin - cho vẫn được duy trì và can thiệp bằng hành
chính vẫn được ưa thích cũng không phải là nguyên nhân thỏa đáng giải thích tại
sao tái cơ cấu lại chậm. Định hướng xã hội chủ nghĩa thì đương nhiên đi kèm với
cơ chế “trình và duyệt”, tức nghĩa đen là xin – cho, (kèm với) can thiệp hành
chính, để sao cho việc phân bổ nguồn lực đúng với sách lược và ý đồ của các nhà
làm chính sách. Nói cách khác, chừng nào Việt Nam vẫn còn theo đuổi định hướng
xã hội chủ nghĩa thì chừng đó cơ chế thị trường vẫn “chưa rõ”, và tái cơ cấu
kinh tế đã và sẽ phải được thiết kế theo thực tế này. Do đó, điều chỉ có thể
nói được ở đây là tái cơ cấu kinh tế đã không được thiết kế đúng, phù hợp theo
định hướng này nên tất nhiên là sẽ chậm chạp, không đúng kỳ vọng của nhà hoạch
định chính sách.
Cũng tương tự vậy là chuyện trách nhiệm tập
thể (tức chẳng ai chịu trách nhiệm) với tái cơ cấu. Cần hiểu rằng chuyện trách
nhiệm tập thể là thuộc về bản chất của cơ chế (chính trị, kinh tế, xã hội) hiện
tại được xây dựng ra và hoạt động trên nguyên tắc này. Bởi vậy, cũng giống như
với định hướng xã hội chủ nghĩa, tái cơ cấu phải được thiết kế và hoạt động
trên nguyên tắc này (trách nhiệm tập thể), chứ không phải quy cho việc chậm tái
cơ cấu là do trách nhiệm tập thể. Nếu muốn khai thông, chỉ còn cách là thay đổi
tận gốc rễ của vấn đề và thiết kế lại quy trình và mục tiêu của tái cơ cấu.
Một đại biểu khác thì nêu ý kiến về xây dựng
thể chế kinh tế thị trường hiện đại, nhấn mạnh vai trò của xã hội dân sự trong
xây dựng kinh tế thị trường. Đi xa hơn, đại biểu này còn nhấn mạnh đến 3 trụ cột
của thể chế kinh tế thị trường là thị trường, nhà nước và xã hội dân sự để buộc
các ngành và doanh nghiệp tái cấu trúc để tồn tại. Nhưng cũng lại giống như luồng
ý kiến nêu bên trên, ý kiến này cũng chỉ động chạm đến phần ngọn của vấn đề. Chừng
nào mà thể chế hiện tại vẫn tồn tại và không (muốn) thay đổi thì mọi chiến lược
và giải pháp chính sách phải được thiết kế trên cái nền móng quy định đó. Nói
cách khác, không thể kỳ vọng mọi sự sẽ hanh thông với quả ngọt nếu cấy ghép tùm
lum thân và cành của một giống khác vào gốc rễ của một cái cây nào đó.
Về chủ
đề ngân hàng và nợ xấu
Có đại biểu nêu rằng tốc độ xử lý nợ xấu chậm hơn quá trình phát sinh nợ xấu là
cực kỳ đáng báo động. Về ý kiến này, cần hiểu rằng một trong những lý do chính
để nợ xấu phát sinh nhanh hơn nợ xấu xử lý được là vì cơ chế phân loại và cho
phép trì hoãn phân loại nợ xấu trong một thời gian và “thả” ra sau đó, làm cho
nợ xấu tăng mạnh kể từ tháng 6. Do đó, nếu so sánh việc xử lý nợ xấu với nợ xấu
mới được báo cáo trong thời điểm hiện tại thì đương nhiên nợ xấu phát sinh là lớn
hơn nợ đã được xử lý, chứ không phải là nợ xấu đột nhiên tăng lên do một nguyên
nhân kinh tế nào đó. Nói cách khác, nợ xấu (cao) đã tồn tại từ trước rồi và gần
đây mới lộ ra, nên có đáng báo động thì đã phải báo động từ lâu rồi.
Một đại biểu khác trong diễn đàn cho rằng cho
rằng các nước trong khu vực đi vay 40 - 50 tỷ USD về xử nợ xấu, còn ta chả có tỷ
nào. Về lãi suất, ông này nói hiện nay lãi suất của Việt Nam vào hàng cao nhất
thế giới, lãi suất cơ bản là 9%, còn lãi suất cho vay 10 đến 13% trong khi lãi
suất ở châu Âu là âm, ở Nhật và Mỹ đều là 0, rồi kết luận với lãi suất cao như
thế thì doanh nghiệp làm gì cũng “chết”, không thể cạnh tranh được. Phản biện lại
ý kiến của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rằng lãi suất đã hợp lý, ông này bình luận
rằng trước đây lãi suất 18% hay cao hơn nhưng vẫn là thấp là bởi vì so với lạm
phát là âm, còn hiện nay lãi suất 6% nhưng vẫn cao là vì lạm phát có 2%.
Về những ý kiến này có thể nói luôn chúng vừa
không chính xác, vừa phiến diện. Sự không chính xác thể hiện ở những con số nêu
ra. Không rõ “các nước trong khu vực” là nước nào mà đi vay (vay ai? – người viết)
tới 40-50 tỷ USD (trong thời gian nào? – NV). Lãi suất (cho vay) ở châu Âu, Mỹ,
Nhật là âm hoặc 0 cũng là không có cơ sở, không chính xác nốt. Trong khi đó,
không hiểu con số lạm phát 2% đại biểu này lấy ở đâu ra, tại thời điểm nào? Phiến
diện vì tại sao cứ phải nhất thiết đi vay (hàng tỷ USD) để xử lý nợ xấu? Và,
như đã nói ở trên, lãi suất ở Việt Nam cao làm doanh nghiệp “chết” chỉ vì chính
sách tỷ giá cứng nhắc, chứ không phải vì bản thân lãi suất (danh nghĩa) cao.
Một luồng ý kiến chung khác trong diễn đàn là
triển vọng của nền kinh tế sẽ phụ thuộc vào xử lý nợ xấu và nếu không xử lý được
nợ xấu thì nền kinh tế khó có thể tăng trưởng được. Về ý này cũng có thể nói
luôn là rất cảm tính, và rất... nhàm. Như đã thấy, nền kinh tế vẫn tăng trưởng
đến 5,6% trong 9 tháng và còn có khả năng đạt được trên thế cho cả năm nay,
trong khi xử lý nợ xấu thì dường như vẫn dẫm chân tại chỗ, với lượng nợ xấu thậm
chí còn tăng lên. Nên nếu có muốn cảnh báo về nguy cơ nợ xấu thì phải cảnh báo
từ một góc độ khác, chứ không phải là từ góc độ tăng trưởng như thế này.
Trong diễn đàn còn có những bài phát biểu
khác có thể xem như khá lạc với chủ đề chính của diễn đàn là tái cơ cấu, ví dụ
như những nghiên cứu về áp lực lạm phát của chính sách tài khóa và tiền tệ, và
hậu quả của việc can thiệp vào tổng cầu.
Tóm lại, Diễn đàn kinh tế mùa thu lần này đã không đưa ra được một
thông điệp mạnh mẽ, nhất quán, và có giá trị (cả về học thuật và thực tiễn) về
tái cơ cấu kinh tế nói riêng và một bức tranh khái quát về nền kinh tế nói
chung. Nếu cố gắng tìm một điểm tích cực trong diễn đàn thì đó có thể là ngầm ý
(nếu có) về sự thay đổi cơ sở hạ tầng thể chế để hướng tới một xã hội dân sự và một nền
kinh tế thị trường (hiện đại).
No comments:
Post a Comment