Lạm phát ở Việt Nam đã xuống khá thấp trong suốt 9 tháng đầu năm nay, ở mức 3,62% vào tháng 9 so với cùng kỳ năm trước. Do đó, lạm phát dự tính cho cả năm nay chỉ vào khoảng dưới 5% (thậm chí chỉ 3-4%) so với năm trước.
Trong khi đó, tăng trưởng GDP trong 9 tháng ước đã đạt 5,62% so với cùng kỳ năm trước, và dự tính vượt mục tiêu 5,8% trong cả năm nay. Kể cả theo dự đoán chặt chẽ hơn, trong điều kiện không có kích thích “tổng cầu” thì, như trong một báo cáo của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) trước đây, tăng trưởng GDP vẫn có khả năng đạt 5,6% năm nay (tức chỉ kém 0,2 điểm phần trăm so với mục tiêu).
Tuy vậy, vẫn có nhiều cá nhân và tổ chức, ví dụ như UBGSTCQG, cho rằng “tổng cầu” đang yếu do lạm phát (lõi) thấp. Do đó, họ lên tiếng khuyến nghị chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa để hạ lãi suất, kích thích “tổng cầu”, và sẵn sàng đánh đổi lấy một mức lạm phát cao hơn (dự đoán) hiện tại.
Chưa nói đến sự vô nghĩa của việc cứ phải chạy theo tăng trưởng và đánh đổi lấy lạm phát cao hơn để sao cho tăng được tăng trưởng GDP lên thêm 0,2 điểm phần trăm nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 5,8%, chủ trương tăng trưởng bằng lạm phát hình như chỉ nhìn thấy duy nhất một con đường dẫn đến tăng trưởng là thông qua nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa. Có lẽ tư duy tăng trưởng kiểu này đã được thể hiện bằng diễn biến thực tế về tăng trưởng và lạm phát trong quá khứ.
Nếu nhìn vào bảng so sánh với các nước trong khu vực dưới đây (dựa trên số liệu của ADB), có thể thấy Việt Nam đã quá lạm dụng lạm phát, và tức là nới lỏng chính sách tiền tệ quá mức, để tăng trưởng. Theo bảng này thì Việt Nam đứng thứ hạng cao nhất (hạng 10 trong tổng số 10 nước Đông Nam Á) về lạm phát, trong khi đứng thứ 7 (xếp từ thấp lên cao) về thứ hạng tăng trưởng GDP (Cột “T.bình” ở đây chỉ tính trung bình cộng đơn giản của giá trị trong các năm.)
Nói cách khác, mặc dù có và duy trì một mức lạm phát cao nhất trong khu vực nhưng tăng trưởng của GDP ở Việt Nam vẫn không bứt phá để lên được vị trí hàng đầu trong khu vực được, thậm chí còn thua cả những nước ở trình độ phát triển kém hơn Việt Nam như Lào, Campuchia và Myanmar (đều có tốc độ tăng trưởng GDP trung bình cao hơn Việt Nam trong cùng thời kỳ).
Đáng chú ý hơn, nếu tính theo tỷ lệ lạm phát trên tăng trưởng GDP thì tỷ lệ này của Việt Nam là cao nhất (thứ 10) và đạt mức 1,7, bỏ xa những nước láng giềng khác. Điều này chứng tỏ Việt Nam đã trở thành “con nghiện” lạm phát quá nặng, đến mức nếu không có liều doping lạm phát này thì tăng trưởng sẽ trở nên hụt hơi.
Trở lại với tình hình hiện tại ở Việt Nam. Với mức lạm phát được khống chế ở mức thấp sau nhiều năm chao đảo với bất ổn vĩ mô, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP năm nay, ước tính ở mức kém lạc quan nhất là 5,6%, vẫn cao hơn tốc độ 2 năm trước (tương ứng là 5,2% và 5,4% trong năm 2012 và 2013). Điều này chứng tỏ còn có hơn một con đường để dẫn đến cải thiện tốc độ tăng trưởng GDP và điều này bước đầu và phần nào đã được thể hiện trong 9 tháng qua.
Bởi vậy, điều cần làm hiện nay không phải là loay hoay với hết “kích cầu” rồi thậm chí là “kích cung” (hay “trọng cung”) bằng nới lỏng chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, và can thiệp hành chính, để hy vọng thúc tăng trưởng thêm một chút nữa, mà thay vào đó là tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế như đã đặt ra để nâng cao hiệu suất sử dụng của các nguồn lực trong xã hội.
Lạm phát tương đối thấp và ổn định là một trong những điều kiện cần để các tín hiệu thị trường được phản ánh một cách chính xác và có thể tiên liệu được, tạo điều kiện cho các nguồn lực được phân bổ một cách hiệu quả nhất theo đúng địa chỉ cần đến.
Nói cách khác, lạm phát ở mức thấp tương đối như hiện nay tỏ ra là phù hợp với Việt Nam, và cần duy trì triển vọng ổn định lạm phát trong các tháng còn lại của năm cũng như sang những năm sau để tạo điều kiện cho nền kinh tế tăng trưởng một cách lành mạnh, dựa trên một cơ cấu kinh tế hiệu quả hơn và cách thức tăng trưởng có tính bền vững hơn. Trên hết, cần nhớ rằng lạm phát không phải là con đường (duy nhất) dẫn đến cải thiện tăng trưởng kinh tế, kể cả trong ngắn hạn!
Anh Ngọc viết bài này rất hay tuy phân tích chưa thật sâu; tôi ủng hộ quan điểm của anh. Nếu anh chứng minh được tỷ lệ lạm phát năm nay (4-5%) là phù hợp cho giai đoạn phát triển hiện nay, thấp hơn cũng không tốt, cao hơn càng không tốt, thì thật tuyệt.
ReplyDeleteCái này chỉ là định tính thôi mà anh. Nói chung tôi thiên về lạm phát càng thấp càng tốt (khoảng 1-2%).
Delete