Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hôm 28/10 lại một lần nữa hạ trần
lãi suất để, theo như bình luận của nhiều tổ chức và cá nhân, thúc đẩy nhu cầu
tín dụng, và nhờ đó, kích thích tăng trưởng kinh tế.
Có điều, không mấy
ai để ý rằng bản chất của việc hạ lãi suất này của NHNN là khác hoàn toàn với
việc hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương thế giới nhằm kích thích tăng trưởng
và việc làm.Như đã biết, NHNN tuyên bố từ ngày 29/10 sẽ điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND của các tổ chức, cá nhân tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến 6 tháng, điều chỉnh giảm lãi suất huy động ngắn hạn tối đa bằng USD của cá nhân tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ mức 1%/năm xuống còn 0,75%/năm. Đồng thời, NHNN giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế từ mức 8%/năm xuống 7%/năm. Nhưng mặt khác, NHNN lại giữ ổn định các mức lãi suất điều hành (tái cấp vốn, tái chiết khấu, cho vay qua đêm).
Như vậy, trái với hành động cắt giảm lãi suất thông qua cắt
giảm các lãi suất điều hành như thông thường, ở trường hợp ngân hàng trung ương
các nước khác, NHNN không cắt giảm lãi suất điều hành, mà thực hiện thông qua
việc bắt các ngân hàng thương mại cắt giảm lãi suất huy động (ngắn hạn) của họ.
Có mấy điểm đáng nói về chuyện này.
Thứ nhất, do nhiều ngân hàng thương mại đã chủ động hạ
lãi suất huy động trước đó do dư thừa thanh khoản (cũng một phần do nhu cầu vay
của doanh nghiệp và dân cư còn hạn chế), nên việc NHNN hạ trần lãi suất huy động,
mà lại chỉ ở kỳ hạn ngắn, sẽ không có mấy tác dụng đến việc hạ thêm mặt bằng
lãi suất huy động ngắn hạn nói riêng và lãi suất huy động nói chung, và bởi vậy
không hy vọng nhiều vào việc giảm lãi suất cho vay nói chung nhằm kích thích
tăng trưởng như ý đồ.
Thứ hai, việc tiếp tục hạ và vẫn tiếp tục duy trì trần
lãi suất tiền gửi, chứ không phải thông qua việc hạ lãi suất điều hành của NHNN, nhằm hạ lãi suất cho vay
thực chất là một cách tước đoạt tài sản của người này chia cho người khác, mà cụ
thể ở đây là tước bớt thu nhập lẽ ra được hưởng của người gửi tiền tiết kiệm để
trợ cấp cho các ngân hàng thương mại với hy vọng các ngân hàng chia sẻ lợi ích
này cho doanh nghiệp và cá nhân vay vốn ngân hàng. Vậy thì tại sao người gửi tiền
nhất định phải là đối tượng bị mang ra để hiến tế? Và ai, điều gì ngăn cấm các
ngân hàng không hạ lãi suất cho vay để làm "ngư ông đắc lợi"? Hay nói
cách khác, điều gì có thể giúp khẳng định được rằng lãi suất cho vay sẽ hạ
(tương ứng) để kích thích tăng trưởng như kỳ vọng của NHNN?
Thứ ba, trong bối cảnh thanh khoản đang dư thừa và nhiều
ngân hàng đã chủ động hạ lãi suất huy động ngắn hạn thì việc NHNN tiếp tục duy trì
trần lãi suất huy động nếu có chăng chỉ là có tác dụng trừng phạt các ngân hàng
nhỏ, yếu, ít uy tín và có vấn đề về thanh khoản, buộc chúng phải cạnh tranh với
các đối thủ mạnh hơn bằng việc nâng lãi suất huy động. Như thế thì việc trừng
phạt này là một bất công với các ngân hàng yếu thế hơn khi họ không thể cải thiện
tính cạnh tranh bằng nâng lãi suất, một lẽ tự nhiên cuả quy luật thi trường. Nếu
đúng thế thì tốt nhất là NHNN dẹp luôn các ngân hàng yếu thế này đi cho nhẹ
gánh, chứ cứ để chúng tồn tại một cách lay lắt như vậy thì sớm muộn NHNN cũng lại
phải nhảy vào giải quyết hậu quả khi chúng đã từ yếu trở nên yếu hơn nữa!
Thứ tư, xét về tổng thể, hạ trần lãi suất huy động không
nhất thiết làm tăng nhu cầu tín dụng và tăng trưởng kinh tế, vì, như đã nói ở
điểm thứ hai bên trên, hạ trần lãi suất tức là tước đoạt bớt đi thu nhập của một
bộ phận người gửi tiền, cũng tức là làm giảm một phần tổng cầu đến từ một bộ phận
người gửi tiền do thu nhập của họ bị giảm đi tương ứng, từ đó làm triệt tiêu một
phần hay hoàn toàn tác động tích cực có thể có lên tổng cầu nhờ việc ngân hàng
chủ động hạ lãi suất cho vay do lãi suất huy động của họ đã giảm.
Thứ năm, đành rằng NHNN cũng song song với việc hạ trần
lãi suất huy động là hạ trần lãi suất cho vay. Nhưng cần lưu ý rằng đây chỉ là
trần lãi suất cho vay ngắn hạn, và cũng chỉ giới hạn ở một số lĩnh vực và ngành
nhất định, chứ không phải là cho toàn bộ nền kinh tế. Bởi vậy, các ngân hàng
tuy được lợi từ việc hạ thấp trần lãi suất huy động nhưng lại không bị ép buộc,
và không có động cơ để hạ lãi suất cho vay (trong những lĩnh vực và ngành nghề
không bị khống chế bởi trần lãi suất cho vay), hạ biên độ lợi nhuận của mình.
Điều này cũng có nghĩa là ý đồ hạ trần lãi suất huy động của NHNN để hạ mặt bằng
lãi suất cho vay nói chung trong nền kinh tế sẽ không có hiệu quả như ý muốn.
Tóm lại, xét trên nhiều khía cạnh, hành động hạ trần lãi
suất huy động của NHNN vừa sẽ không thể mang lại kết quả tích cực đúng như kỳ vọng,
lại vừa gây ra thêm một số hậu quả khác do sự phân biệt đối xử vô hình mà nó
mang lại cho người gửi tiền và các ngân hàng nhỏ, yếu. Bằng chứng về tác động hạn
chế của việc hạ trần lãi suất huy động cũng đã thể hiện không gì rõ hơn qua tốc
độ tăng trưởng tín dụng vẫn tiếp tục lẹt đẹt ở những lần hạ trần lãi suất huy động
trước đây và trong năm nay.
No comments:
Post a Comment