Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết họ đang nghiên cứu một cơ chế điều hành tỷ giá mới, thông qua việc xác định tỷ giá trung tâm, làm tham chiếu cho các thành viên trên thị trường giao dịch. Tỷ giá trung tâm được hiểu là tỷ giá chính thức cuối ngày hôm trước vào giờ chốt giao dịch cộng với một biên độ sẽ được lấy làm tỷ giá giao dịch của ngày hôm sau.
Việc xác định tỷ giá trung tâm được cho là sẽ dựa trên 3
yếu tố: sự biến động của một rổ các đồng tiền của các nước đối tác kinh tế chủ
chốt của Việt Nam, tỷ giá bình quân liên ngân hàng của ngày liền trước, và các
cân đối vĩ mô. Do đó, cơ chế mới được kỳ vọng sẽ phản
ánh thị trường sát thực hơn, hợp lý hơn; đồng thời hạn chế yếu tố tâm lý trên
thị trường. Ngoài ra, cơ chế mới sẽ tăng cường công khai minh bạch hơn, qua đó
để hạn chế các yếu tố đầu cơ.
Cũng theo NHNN, tỷ giá trong năm 2016 sẽ duy trì ổn định chứ không cố định, vì khi áp dụng cơ
chế tỷ giá mới thì tỷ giá sẽ
thay đổi thường xuyên, thậm chí hằng ngày, hôm nay NHNN có thể công bố tỉ giá
này và ngày mai công bố tỉ giá khác.
Điểm đáng chú ý đầu tiên trong thông điệp của NHNN là việc
nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa ổn định và cố định. Trên thực tế, tỷ giá VND
trong mấy năm qua tuy có biến động ít so với tỷ giá của nhiều đồng bản tệ khác
trên thế giới nhưng chưa bao giờ được cố định/ấn định ở mức bất biến (mỗi năm
ít nhất cũng bị phá giá từ 1% đến hơn 5%). Bởi vậy, khó mà có thể nói rằng tỷ
giá VND trong thời gian qua là cố định và nay sẽ được (hoặc cần phải) chuyển sang
duy trì ổn định như trong thông điệp của NHNN.
Về thông điệp duy trì ổn định tỷ giá, do tỷ giá chưa bao
giờ được duy trì cố định (một cách thành công) nên khi NHNN nói rằng muốn duy
trì ổn định tỷ giá thì cần phải hiểu rằng tỷ giá sẽ chỉ được biến động ở mức nhỏ
xung quanh một mức tham chiếu nào đó. Và cũng cần nhấn mạnh rằng mức tham chiếu
này phải là cố định thì mới có thể có được môt tỷ giá ổn định. Bởi nếu ngay cả
mức tham chiếu này cũng trồi sụt thì kết cục là tỷ giá cũng sẽ trồi sụt, ở mức
lớn hơn, và do đó không thể nào gọi đó là tỷ giá ổn định được. Nhưng trên thực
tế thì NHNN trong suốt mấy năm qua cũng đã cố gắng thực hiện cơ chế này, thông
qua việc xác định tỷ giá bình quân liên ngân hàng và biên độ dao động quanh tỷ
giá này, ban đầu là tương đối nhỏ rồi sau phải nới rộng ra (1% đến 3%). Nói
cách khác, bản chất hay mục tiêu của cơ chế tỷ giá mới sẽ không có gì mới, ít
nhất là trong năm 2016.
Về kỳ vọng rằng cơ chế tỷ giá mới sẽ phản ánh thị trường
sát thực hơn và minh bạch hơn, điều này chỉ đúng khi việc tính toán và công bố
tỷ giá bình quân liên ngân hàng cuối ngày giao dịch hôm trước là trung thực,
khách quan, dựa nhiều hơn vào các yếu tố căn bản, trong đó có tỷ giá thực trên
thị trường liên ngân hàng, và dựa ít hơn vào “sự chủ động kiểm soát của NHNN”.
Bằng không, việc “hôm nay
NHNN có thể công bố tỉ giá này và ngày mai công bố tỉ giá khác” như NHNN
tuyên bố sẽ mang lại tác dụng phụ không mong muốn là gây ra mối hồ nghi và quan
ngại về tính thị trường của tỷ giá trong dư luận.
Cũng nên lưu ý rằng NHNN cho đến nay vẫn áp dụng cơ chế
điều hành tỷ giá dựa trên tỷ giá bình quân liên ngân mà NHNN công bố hàng ngày
cộng với biên độ giao dịch được phép. Bởi vậy, về bản chất, cơ chế tỷ giá mới
mà NHNN cho biết là đang xây dựng (dựa trên tỷ giá trung tâm) sẽ không phải là
một sự đổi mới, mang tính bước ngoặt hay tính cách mạng. Nó chỉ là sự mở rộng
cơ chế tỷ giá cũ, chuyển từ tỷ giá liên ngân hàng sang tỷ giá trung tâm có một
phần dựa trên tỷ giá liên ngân hàng. Nhưng cũng chính vì sự mở rộng này nên tính
minh bạch, khách quan và dễ lường trước được của tỷ giá trung tâm càng suy giảm
hơn so với cơ chế tỷ giá chỉ sử dụng tỷ giá liên ngân hàng.
Đó là chưa kể đến thực tế rằng mặc dù được gọi là tỷ giá
bình quân liên ngân hàng và lẽ ra phải biến động mỗi ngày, nhưng tỷ giá này do
NHNN công bố thường bất biến trong một thời gian tính bằng nhiều tháng. Nay chuyển
sang tỷ giá trung tâm thì mặc dù tỷ giá trung tâm này được tính toán một phần dựa
vào sự biến động của một rổ tiền tệ nhưng cũng chẳng có gì bảo đảm rằng tỷ giá
trung tâm này không bị NHNN “trói” ở mức ấn định nào đó theo ý đồ để “trói” tỷ
giá giao dịch thực tế trên thị trường nếu nó đi chệch quỹ đạo định hướng của
NHNN hoặc đối mặt với áp lực điều chỉnh quá mức mong muốn của NHNN.
Cuối cùng, một điểm được cho là mới trong cơ chế tỷ giá mới
là nó chuyển sang chế độ tỷ giá “trườn bò” cho phép tỷ giá biến động với tần suất
lớn hơn (hàng ngày) nhưng ở mức độ nhỏ hơn, không tạo ra những cú sốc lớn, thay
vì chế độ “neo” tỷ giá để rồi mỗi lần phải điều chỉnh thì sẽ phải điều chỉnh ở
mức lớn như trước đây. Nhưng cơ chế “trườn bò” này chỉ mang lại tác dụng như kỳ
vọng nếu việc xác định tỷ giá trung tâm là khách quan, trung thực, minh bạch và
hợp lý như nói ở trên. Nếu không, cơ chế “trườn bò” này cũng không khác gì,
không tiến bộ hơn cơ chế “neo” tỷ giá trước đây.
No comments:
Post a Comment