http://www.thesaigontimes.vn/143005/Cho-ai-vay-la-viec-cua-ngan-hang-thuong-mai.html
Ngân hàng Nhà nước
(NHNN) đang dự thảo sửa đổi thông tư
36/2014/TT-NHNN trong đó dự kiến giảm mạnh trần sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay
trung hạn, dài hạn từ 60% hiện nay xuống còn 40% và nâng hệ số rủi ro của các
khoản cho vay kinh doanh bất động sản từ 150% lên 250%.
Do phần
lớn các khoản cho vay lĩnh vực bất động sản đều là các khoản vay trung và dài hạn
nên động thái này cũng cho thấy NHNN muốn hạn chế sự tăng trưởng nóng của tín dụng
chảy vào kênh bất động sản. Kinh nghiệm nhiều năm trước đây dường như cho thấy
tín dụng ngân hàng chảy quá nhiều vào bất động sản là nguyên nhân trực tiếp gây
ra những đợt nóng sốt và xì hơi của bất động sản ở Việt Nam, gây ra những hệ lụy
lớn cho ổn định kinh tế vĩ mô và sức khỏe của hệ thống tài chính và ngân hàng
Việt Nam. Như vậy, có thể hiểu dự thảo sửa đổi Thông tư 36 là một ý tốt của
NHNN nhìn từ trách nhiệm ổn định kinh tế vĩ mô và an toàn tài chính quốc gia.
Nhưng cũng không thể bỏ qua một mục tiêu khác mà NHNN rất có thể ngắm đến trong
việc sửa đổi chính sách lần này là họ muốn vốn tín dụng ngân hàng chảy đến những
nơi cần chảy – những lĩnh vực được ưu tiên, ví dụ, nông nghiệp, doanh nghiệp vừa
và nhỏ… Có lẽ NHNN quan ngại rằng nếu không sửa đổi theo hướng thắt chặt hơn
thì các tín dụng ngân hàng sẽ “bỏ quên” các
lĩnh vực ưu tiên này mà chỉ tập trung vào bất động sản mang lại lợi nhuận lớn
hơn.
Tuy
nhiên, nhìn từ phía ngành bất động sản, đa phần cho rằng nếu sửa đổi Thông tư
36/2014/TT-NHNN theo hướng như đã nói trên, thì có thể sẽ có tác động tiêu cực
đến thị trường BĐS mới vừa phục hồi hơn 2 năm qua từ đáy sâu khủng hoảng. Đối
tượng bị thiệt hại không chỉ là các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, các doanh
nghiệp phát triển dự án BĐS, và người tiêu dùng là những người thu nhập thấp đô
thị, mà còn cả các ngành, nghề có liên quan đến thị trường BĐS...
Vậy có
giải pháp nào tốt hơn để dung hòa lợi ích của các bên liên quan, NHNN với tư
cách là cơ quan quản lý nhà nước, các ngân hàng thương mại với tư cách là người
cho vay, và các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư bất động sản và người mua
bất động sản với tư cách là người đi vay? Câu trả lời là hãy để thị trường lên
tiếng, quyết định nhiều hơn.
NHNN
thay vì trực tiếp can thiệp vào thị trường tín dụng thông qua định hướng hoạt động
cho vay của các ngân hàng thương mại vào những lĩnh vực mà NHNN xác định là cần
nhận được nhiều vốn hơn thì chỉ nên đặt ra những tiêu chuẩn chung, những mục
tiêu áp dụng chung cho cả nền kinh tế, chứ không cho từng ngành, từng lĩnh vực
như hiện tại.
Xét về
nội dung dự thảo sửa đổi Thông tư 36, việc hạ trần sử dụng nguồn vốn ngắn hạn
cho vay trung và dài hạn tỏ ra là điều cần thiết để giảm rủi ro trong toàn hệ
thống, và nội dung sửa đổi này không chỉ tác động riêng đến ngành và các chủ thể
trong bất động sản mà còn nhiều ngành, chủ thể khác trong nền kinh tế. Do đó,
xét theo nguyên tắc đặt ra những tiêu chuẩn chung nêu trên thì điều sửa đổi này
là hợp lý, tuy vẫn cần phải có những phân tích thấu đáo, ví dụ, tại sao lại là
40% mà không phải là 50%?
Về nội
dung sửa đổi thứ hai trong dự thảo sửa đổi Thông tư 36, nâng hệ số rủi ro của
các khoản cho vay kinh doanh bất động sản từ 150% lên 250%, điều này không chỉ
là bất hợp lý nếu xét từ nguyên tắc trên khi nó trực tiếp nhắm vào duy nhất
ngành bất động sản. Nếu biện hộ là để giảm rủi ro cho hệ thống ngân hàng khi tập
trung quá nhiều vốn vào ngành bất động sản, vì ngành này (đang) có nhiều rủi
ro, thì điều này là thiếu căn cứ. Vì trong nền kinh tế thị trường, rõ ràng chẳng
có ngành nào là ít hay nhiều rủi ro hơn phần còn lại của nền kinh tế. Ngành nào
cũng có lúc thịnh, lúc suy, lúc ổn định, lành mạnh… đứng trên giác độ đầu tư. Và
trên giác độ này thì lĩnh vực bất động sản rõ ràng chưa phải là lúc cần lo lắng
vì mọi người đều thấy nó đang ở thời thịnh, mới bắt đầu thịnh trở lại, và chỉ
có các ngân hàng thương mại mới hiểu rõ họ cần cho ai vay, bao nhiêu và bao lâu.
Nhưng nếu
giả sử NHNN vẫn cứ lo ngại mọi việc sẽ thoát khỏi tầm kiểm soát của họ khi,
trong mắt họ, thị trường bất động sản đã bắt đầu giai đoạn bong bóng, và, do
đó, cần phải cho xì hơi bớt từ bây giờ?
Kể cả
điều này là có thật thì NHNN cũng không cần phải bận tâm một cách “vi mô” như vậy.
Với tư cách và vị thế của cơ quan điều tiết vĩ mô, NHNN chỉ cần siết chặt hơn
tăng trưởng tín dụng cho toàn nền kinh tế, tự khắc tín dụng ngân hàng cho ngành
bất động sản cũng phải giảm bớt như ý đồ.
Cũng có
thể sẽ có lo lắng rằng khi tín dụng chung bị thắt chặt hơn thì vẫn còn rủi ro
là các ngân hàng thương mại vẫn cứ nhắm mắt, say sưa đổ tín dụng vào bất động sản
mà sao lãng tín dụng vào các ngành khác, dẫn đến tín dụng cho những ngành này
càng ít hơn nữa.
Lo lắng
này cũng là điều có thể xảy ra. Nhưng để ngăn chặn tình trạng này thì cũng
không có gì là khó với quyền lực của NHNN. Với logic có thể có của NHNN rằng nếu
vốn tín dụng đổ vào bất động sản nhiều thì sẽ làm chất lượng tài sản của nhiều
ngân hàng sẽ xấu đi, vậy NHNN chỉ cần thắt chặt các tiêu chuẩn chung về chất lượng
hoạt động của ngân hàng như tỷ lệ an toàn vốn, tỷ lệ nợ xấu, trần sử dụng vốn
ngắn hạn cho vay dài hạn (như đang dự thảo) v.v… thì tự khắc các ngân hàng
thương mại phải cẩn trọng hơn trong quyết định đổ bao nhiêu vốn vào bất động sản
là đủ mà không vi phạm các tiêu chuẩn hoạt động an toàn mà NHNN đặt ra để rồi bị
phạt nặng.
Quan trọng
không kém, như nhiều báo cáo thanh tra, giám sát, đánh giá của trong nước lẫn
quốc tế, ví dụ như của Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã chỉ ra, tín dụng ngân
hàng hiện nay đang phân bổ một cách bất hợp lý cho khu vực doanh nghiệp nhà nước
(DNNN) hoặc các doanh nghiệp tư nhân có quan hệ thân hữu, lấn át tín dụng dành
cho những khu vực khác, trong đó có các khu vực được ưu tiên. Hơn nữa, tình
trang sở hữu chéo vẫn còn nghiêm trọng và một vài cá nhân hay nhóm lợi ích vẫn
có thể điều khiển hoạt động cho vay của ngân hàng theo hướng có lợi cho họ như
cho doanh nghiệp sân sau, cho những mục đích cá nhân, vụ lợi v.v… càng làm giảm
nguồn tín dụng lẽ ra được dành cho các doanh nghiệp và ngành có tiềm năng và
lành mạnh.
Bởi thế,
nếu NHNN mạnh tay dẹp bỏ được những tồn tại, những hoạt động mờ ám này thì tự
khắc sẽ mở lối hơn nữa cho tín dụng chảy vào các khu vực có tiềm năng, cần được
khuyến khích, cho dù tín dụng chung cho cả nền kinh tế có bị NHNN thắt chặt
hơn. Ngược lại, nếu không xử lý tốt được những tồn tại này thì NHNN sẽ phải vật
lộn với mục tiêu vừa giữ cho tín dụng tăng trưởng không quá nóng, vừa phải đảm
bảo tín dụng vẫn chảy đầy đủ vào các lĩnh vực cần thúc đẩy.
Cuối
cùng, cũng không nên quên rằng NHNN không phải là cơ quan quản lý nhà nước (duy
nhất) có nhiệm vụ khuyến khích ngành nào phát triển, ngành nào cần “hãm phanh”.
Việc này phải là trách nhiệm của, sẽ được làm tốt hơn bởi các cơ quan khác của
Chính phủ, ví dụ như Bộ Tài chính thông qua chính sách thuế điều tiết mức độ của
các hoạt động kinh tế, hay thông qua Bộ Xây dựng với các quy định chặt chẽ về
môi trường, quy hoạch xây dựng (để giảm bớt nguy cơ tăng trưởng bong bóng bất động
sản), hoặc các loại quỹ của Chính phủ như Quỹ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hay kể cả
Ngân hàng chính sách, Ngân hàng Phát triển Việt Nam… là những ngân hàng có vốn
của ngân sách (không phải của NHNN).
Từ nhữn
phân tích trên, có thể thấy NHNN nên quay trở về đúng với vai trò và trách nhiệm
cốt lõi của họ là điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá đúng nghĩa ở tầm vĩ mô
để đảm bảo lạm phát thấp, tạo điều kiện ổn định kinh tế vĩ mô ở Việt Nam.