Bộ Tài chính đã
xây dựng và đang đưa ra lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi)
để chuẩn bị trình Chính phủ. Bài viết này chọn và nêu một số điểm chưa hợp lý
trong dự thảo liên quan đến nhiệm vụ được giao cho một số đối tượng phi nhà nước,
cần được xem xét, sửa đổi để phù hợp hơn.
Thứ nhất, điều 25
quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ
chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp trong việc quản lý thuế. Theo đó, các
tổ chức này phổi hợp với cơ quan quản lý thuế trong việc tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục pháp luật về thuế, cung cấp thông tin liên quan đến việc quản lý thuế.
Mặc dù điều khoản
trên không nói rõ là các tổ chức này phải thực hiện những nội dung tuyên truyền
và cung cấp thông tin trên nhưng vì điều khoản này đề cập đến nhiệm vụ, quyền hạn
của các tổ chức này nên có thể hiểu rằng họ có nhiệm vụ tuyên truyền và cung cấp
thông tin về thuế. Quy định như thế này là không thỏa đáng, ít nhất với những tổ
chức tự chủ về kinh phí, không nhận kinh phí hoạt động từ ngân sách. Nói cách
khác, nếu có tổ chức nào đó phải thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền này thì cùng lắm
chỉ là những tổ chức do nhà nước lập ra, thụ hưởng ngân sách nên phải thực hiện
những công việc, nhiệm vụ mà nhà nước giao mà thôi.
Có phần tương đồng
như vậy là điều 26 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thông tin, báo chí
trong việc quản lý thuế. Mặc dù hiện nay chưa có cơ quan thông tin, báo chí tư
nhân nhưng, ngược lại, cũng không hoàn toàn chỉ có báo chí nhà nước, “sống nhờ”
(hoàn toàn) vào ngân sách. Do có cả mục đích kinh doanh, theo đuổi lợi nhuận,
nên báo chí không có nghĩa vụ, nhiệm vụ phải đăng cái gì đó không đem lại hiệu
quả kinh tế cho họ. Như vậy, trừ khi cơ quan thuế ký hợp đồng hợp tác tuyên
truyền (và trả phí), nhiều tờ báo có quyền từ chối tuyên truyền, cung cấp thông
tin về quản lý thuế, nếu muốn. Nên quy định như điều 26 là sự trói buộc bất hợp
lý, trái luật với cơ quan thông tin, báo chí nói chung.
Điều 27 quy định
về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của ngân hàng thương mại (NHTM) trong quản
lý thuế có tiến bộ hơn điều khoản 25 và 26 ở góc độ là nó chỉ rõ phạm vi đối tượng
thực thi điều khoản này – các NHTM “khi tham gia phối hợp” (với cơ quan thuế).
Điều này cũng có nghĩa là các ngân hàng khác không thuộc đối tượng này ((khi) không
phối hợp với cơ quan thuế) thì không phải thực hiện những nội dung trong điều
khoản này. Nhưng như vậy thì dự thảo phải có thêm quy định NHTM như thế nào thì
sẽ được/phải “phối hợp” với cơ quan thuế trong việc quản lý thuế, và nếu “phối
hợp” như vậy thì sẽ được lợi ích cụ thể gì để “trả công” cho sự “phối hợp” này.
Bởi, xin lưu ý, NHTM không phải là cánh tay nối dài của cơ quan thuế, không thụ
hưởng ngân sách, nên không có nghĩa vụ phải phối hợp với cơ quan thuế làm nhiều
việc về quản lý thuế.
Mặt khác, điều 27
đề ra khá nhiều công việc cho NHTM mà thực chất là những công việc, là nhiệm vụ
của mạng lưới Kho bạc, của cơ quan thuế. Tuy, như trên đã nói, NHTM có thể được
trả công cho sự thực hiện những công việc của Kho bạc, của cơ quan thuế, nhưng
câu hỏi nảy sinh là vậy thì hệ thống Kho bạc, hệ thống của cơ quan thuế tồn tại
để làm gì, ngân sách trả tiền cho họ để làm gì, tại sao cơ quan thuế không làm
những công việc hiển nhiên thuộc trách nhiệm của mình, ví dụ hỗ trợ người nộp
thuế điện tử, mà lại muốn giao cho NHTM? Nếu vì lý do là cơ quan thuế, Kho bạc
bị quá tải, không đảm đương hết được những công việc này nên phải thuê NHTM
giúp thêm thì điều này là thuộc phạm trù khác, không được phép đưa vào luật.
Trên hết, nên nhớ
rằng NHTM chỉ là trung gian thực hiện các giao dịch, nếu có, giữa người nộp thuế
và cơ quan thuế (chẳng hạn như thực hiện lệnh chuyển tiền (để nộp thuế) của chủ
tài khoản đến một tài khoản chỉ định bởi cơ quan thuế), chứ chúng không thể,
không có tư cách pháp lý đại diện cho cơ quan thuế để làm những công việc của
cơ quan thuế.
Sẽ càng là phi lý
nếu NHTM (phải tự động) “khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định
pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh
thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam theo hướng dẫn của Bộ Tài
chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”. Bởi, rõ ràng là trách nhiệm và thẩm quyền
tính thuế, bắt nộp thuế là của cơ quan thuế (và cơ quan chức năng liên quan) chứ
không phải là của NHTM. Cùng lắm thì chỉ có thể quy định khi có yêu cầu bằng
văn bản của cơ quan chức năng (cơ quan thuế, hoặc tòa án…), NHTM phải (và được
quyền) thực hiện việc này (trong từng trường hợp cụ thể).
Việc yêu cầu NHTM định kỳ cung cấp thông tin tài khoản
của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế cũng là một điều bất
hợp lý. Vì ít nhất thì nó cũng là một gánh nặng cho NHTM khi phải định kỳ cung
cấp số liệu có trong hàng triệu tài khoản của cá nhân, tổ chức. Nếu muốn theo
dõi các giao dịch bất thường thì đã có quy định riêng cho NHTM phải báo cáo các
giao dịch loại này cho cơ quan chức năng. Tất nhiên, cùng lắm thì có thể quy định
NHTM phải cung cấp thông tin của những tài khoản thuộc diện nghi ngờ, bị theo
dõi bởi cơ quan chức năng, chứ không phải của các tài khoản khác.
No comments:
Post a Comment