Không như kỳ vọng
của nhiều người, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ngày càng leo thang lên những
nấc nguy hiểm mới và hai bên xem ra đều không chịu ngồi vào bàn đàm phán và nhượng
bộ nhau.
Chắc chắn trong
tương lai sẽ có một thời điểm mà Mỹ và Trung Quốc sẽ phải đạt được một thỏa thuận
“đình chiến” và bình thường hóa quan hệ thương mại với nhau. Có điều, thời điểm
tương lai đó không thể sớm xảy đến. Bởi, hiện cuộc chiến thương mại đã phát triển
sang một giai đoạn có thể nói là không có đường rút cho cả hai bên.
Cuộc chiến không có đường lùi
Về phía Mỹ, sự “cứng
đầu” của Trung Quốc – sẵn sàng “ăn miếng trả miếng” với Mỹ, trong khi tìm cách
vô hiệu hóa một phần sự tấn công của Mỹ bằng biện pháp tiền tệ vốn càng chọc tức
Mỹ - buộc Mỹ phải tiếp tục cứng rắn hơn và sẽ cứng rắn tối đa đến mức có thể, tức
là đánh thuế toàn bộ lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc (trị giá 500 tỷ đô la Mỹ)
với mức thuế cao đến mức gần như “cấm cửa” hàng Trung Quốc.
Tất nhiên là việc
ông Trump quyết trừng phạt Trung Quốc vì lý do an ninh và bảo vệ lợi ích của Mỹ
phần nào đó là có thật, nhưng sâu xa sau đó chắc chắn có cả động cơ chính trị,
muốn chứng tỏ mình là người “nói được, làm được”, làm như những gì đã hứa với cử
tri trong cuộc bầu cử chọn ra ông làm Tổng thống. Ông Trump đương nhiên cũng muốn
mình có thêm nhiệm kỳ làm Tổng thống nữa. Mà để làm được những việc này thì đòi
hỏi phải có những dấu ấn sâu đậm để lại cho nền kinh tế Mỹ, cho xã hội Mỹ. Vậy
thì còn dấu ấn nào sâu đậm hơn dấu ấn buộc Trung Quốc – nước có nền kinh tế lớn
thứ hai thế giới – phải “quỳ gối”, hứa hẹn và thực hiện hàng loạt cam kết mang
tính nhượng bộ với yêu cầu của Mỹ như mở cửa thị trường nội địa cho đầu tư cho
xuất khẩu từ Mỹ, giảm thặng dư thương mại với Mỹ, giảm thiểu can thiệp của nhà
nước vào các hoạt động kinh tế, ngừng các cuộc tấn công mạng, ăn cắp công nghệ
cao của Mỹ?
Và cũng đương
nhiên là ông Trump sẽ không chịu đơn phương xuống nước nếu mục tiêu với Trung
Quốc nêu trên chưa đạt bởi điều đó sẽ làm ông mất mặt. Quan trọng không kém,
ông vẫn còn một số vũ khí được tin rằng cuối cùng sẽ mang lại phần thắng cho
ông, cho nước Mỹ. Đó là mức nhập siêu khổng lồ của Mỹ với Trung Quốc làm cho
Trung Quốc cần Mỹ hơn, “sợ” Mỹ hơn. Đó cũng là khả năng in đô la bất tận để tài
trợ, trang trải cho mọi tổn thất kinh tế, nếu có, gây ra bởi sự trả đũa của Bắc
Kinh lên, ví dụ, nông nghiệp của Mỹ, giúp những đối tượng bị thiệt hại ở Mỹ tiếp
tục ủng hộ ông Trump.
Về phía Trung Quốc,
một khi mà họ đã phải nói đến chuyện bảo vệ phẩm giá quốc gia một cách thẳng thừng
và công khai như vừa qua thì có nghĩa là cuộc chiến thương mại do Mỹ gây ra
không còn đơn thuần là cuộc chiến thương mại nữa mà đã trở thành một cái gì đó
tương tự như cuộc chiến bảo vệ chủ quyền quốc gia, chống ách áp bức ngoại xâm.
Bởi thế, không chỉ dừng lại với việc “ăn miếng trả miếng” từng đô la, từng phần
trăm thuế xuất nhập khẩu với Mỹ, Bắc Kinh sẽ không được phép lùi, không có đường
lùi trong thế nhượng bộ.
Hơn thế nữa, việc
cúi đầu trước Mỹ không khác gì một hành động hạ nhục lãnh đạo tối cao Trung Quốc,
người đã (cổ súy) đặt niềm tin vào hệ thống chính quyền do Đảng Cộng sản lãnh đạo
để đương đầu với cuộc chiến hiện nay. Trung Quốc cũng không được phép nhượng bộ
Mỹ bởi điều đó có nghĩa là họ phải giảm thiểu sự can thiệp của nhà nước vào
phát triển kinh tế, là điều không thể chấp nhận được trong cơ chế đảng cầm quyền
như hiện nay.
Ảnh hưởng lên Việt Nam
Cuộc chiến thương
mại Mỹ-Trung không có đường lùi cho đến khi một trong hai bên tổn thất nặng,
không gắng gượng được sẽ có ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn tích cực lên Việt Nam.
Đối mặt với mức
thuế lên tới 25% hoặc hơn nữa lên một phần đáng kể xuất khẩu vào Mỹ, Trung Quốc
có khả năng buộc phải phá giá nhân dân tệ (CNY) đến hàng chục phần trăm hoặc
hơn, tùy theo diễn biến leo thang của cuộc chiến. Đã có một số ước tính rằng nếu
Mỹ đánh thuế 25% lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thì nước này phải phá giá CNY
thêm ít nhất 12%, dìm nó xuống mức 7,2 CNY/đô la Mỹ từ mức dưới 6,9 CNY/đô la
như hiện nay để hóa giải tác động của thuế nhập khẩu vào Mỹ tăng. Đó là chưa kể
nếu Mỹ coi hành động phá giá này là thao túng tiền tệ và lấy đó làm cớ để nâng
mức thuế nhập khẩu cao hơn nữa thì Trung Quốc thậm chí còn phải phá giá mạnh
hơn nữa.
Do cơ chế điều
hành tỷ giá hiện nay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là dựa một phần trên rổ tiền
tệ nên khi CNY mất giá (kéo theo nhiều bản tệ khác có trong rổ tiền tệ tham chiếu
của NHNN) nên, về cả kỹ thuật lẫn ý nghĩa kinh tế, chắc chắn tiền đồng sẽ phải
để yếu đi theo rỏ tiền này. Lưu ý là sự yếu đi này của tiền đồng mới chỉ là đảm
bảo sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam không bị suy giảm thêm (giả sử mọi điều
kiện khác giữ nguyên), chứ không dám nói là giúp cải thiện nó hơn.
Rủi ro liên quan ở
đây là vì một lý do nào đó mà tỷ giá tiền đồng được can thiệp, bảo vệ bằng, ví
dụ, tung dự trữ ngoại hối ra can thiệp, điều này không chỉ làm suy giảm trầm trọng
tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam mà còn tạo ra “quả bom” tỷ giá chờ chực nổ
khi sự can thiệp của NHNN buộc phải dừng lại.
Về chuyện hàng
hóa Việt Nam sẽ thế chân hàng hóa Trung Quốc để xuất khẩu vào Mỹ, đây là chuyện
xảy ra theo kịch bản tối ưu, nên tốt nhất là đừng kỳ vọng như vậy. Trước hết,
cũng như Trung Quốc, kinh tế Việt Nam không được công nhận là kinh tế thị trường
bởi Mỹ, nên bất cứ sự tăng vọt lên về nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ sẽ dẫn đến hậu
quả là Mỹ áp đặt các biện pháp ngăn chặn như thuế chống bán phá giá, lẩn tránh
thuế, gian lận thương mại v.v…
Xuất khẩu sang
các nước khác để lấp chỗ trống cũng không hề khả quan hơn, bởi, như đã thấy, đã
có một số nước tiến hành xem xét và áp thuế chống bán phá giá lên hàng xuất khẩu
của Việt Nam như mới đây có Canada, Thái Lan, Indonesia, EU áp thuế lên thép,
Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế lên vải sợi…
Chưa kể, khi Mỹ
đánh thuế cao lên hàng hóa Trung Quốc, họ đã và sẽ phần nào tạo dựng ra nguồn
cung nội địa thay thế cho hàng Trung Quốc nên hàng hóa Việt Nam tương đồng với
Trung Quốc cũng khó lọt vào Mỹ. Điều này càng đúng nếu cuộc chiến thương mại
kéo dài, đủ giúp sức cho ngành kinh tế nội địa Mỹ phục hồi và lớn mạnh, cạnh
tranh ngang ngửa với hàng nhập khẩu. Khi đó, thậm chí xuất khẩu của Việt Nam
vào Mỹ còn giảm hơn so với trước khi có chiến tranh thương mại.
Tóm lại, trong bối
cảnh cuộc chiến thương mại rất có khả năng kéo dài cần xây dựng một chiến lược bài
bản đối phó với những hậu quả tiêu cực của nó lên nền kinh tế Việt Nam. Không
nên và không thể theo đuổi chiến lược “tùy cơ ứng biến”, được đến đâu hay đến
đó như hiện nay.
No comments:
Post a Comment