Tuần qua, VinaCapital và Công ty cổ phần Ba Huân đã thông báo chấm dứt việc hợp tác đầu tư sau khi Ba Huân có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị hỗ trợ chấm dứt hợp đồng với VinaCapital. Lý do là vì Ba Huân nhận thấy thỏa thuận hợp tác giữa bản tiếng Anh mà hai bên đã ký với bản tiếng Việt nhận được sau đó không thống nhất, có một số điểm được cho là bất lợi cho Ba Huân...
Từ vụ việc trên và sự bàn luận đa chiều của dư luận, có thể thấy dường như việc các quỹ tư nhân mua (một phần) cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, nhỏ và vừa, chưa được hiểu đúng.
Hiểu rõ hơn về bản chất của quỹ đầu tư
Người chủ một doanh nghiệp ở Việt Nam rất có thể vào một ngày đẹp trời sẽ nhận được những cú điện thoại hay lá thư từ quỹ đầu tư (nước ngoài) với những lời “có cánh”, ca ngợi doanh nghiệp và bày tỏ nguyện vọng được mua (một phần) doanh nghiệp này.
Mặc dù những lời ca ngợi này sẽ làm người chủ doanh nghiệp hân hoan, tự hào về thành tựu của mình, nhưng thực sự chúng chỉ là ngôn từ marketing không hơn không kém, phục vụ cho mục đích tối thượng là mua rẻ bán đắt cổ phần của doanh nghiệp này.
Quỹ đầu tư tư nhân về bản chất chỉ là một quỹ huy động tiền từ các nhà đầu tư (thường là trong một thời hạn nào đó). Những nhà đầu tư này có thể là những cá nhân giàu có, những quỹ hưu trí, và công ty bảo hiểm tìm kiếm cơ hội đầu tư mang lợi lợi suất lớn hơn mức trung bình thu được từ đầu tư chứng khoán.
Để có thể sản sinh ra một lợi suất lớn như vậy thì các quỹ đầu tư phải luôn tìm kiếm các công ty có ban lãnh đạo tốt, hoạt động trong ngành đang tăng trưởng, có nhiều tiềm năng tăng giá, và tất nhiên là cần có vốn để nắm bắt những cơ hội phát triển - là điều mà quỹ đầu tư có thể mang đến cho họ.
Lợi hại của việc bán cho quỹ đầu tư
Bỏ tiền đầu tư vào các công ty này, các quỹ đầu tư sẽ nắm quyền sở hữu một phần công ty - cổ phần chi phối hay không chi phối. Sau đó khoảng vài năm, quỹ đầu tư sẽ hiện thực hóa lợi nhuận thông qua bán toàn bộ công ty hoặc cổ phần của mình cho nhà đầu tư chiến lược hay tài chính khác, tất nhiên ở giá kỳ vọng cao hơn nhiều so với giá lúc mua.
Khi bán cổ phần cho quỹ đầu tư, người chủ doanh nghiệp đương nhiên là sẽ có thêm tiền để hiện thực hóa các kế hoạch đầu tư kinh doanh mới, mang lại lợi nhuận lớn hơn.
Tuy nhiên, cần lưu ý là quỹ đầu tư hiếm khi mua toàn bộ 100% công ty mục tiêu, để người chủ của nó ôm một cục tiền bỏ đi và xây dựng một công ty khác. Thay vào đó, quỹ đầu tư chỉ mua một phần đáng kể cổ phần của công ty này, giữ người chủ hiện tại của công ty lại và để người đó làm lớn mạnh công ty và tăng giá trị của nó lên bằng cách theo đuổi các cơ hội làm ăn mà trước đây người này không thực hiện được vì không có đủ vốn.
Bán cổ phần cho quỹ đầu tư còn có nghĩa là mang đến cho chủ doanh nghiệp một đối tác làm ăn mới. Quỹ đầu tư sẽ có sự gắn bó hay kiểm soát ở một mức độ nhất định với doanh nghiệp, thông qua việc cử người vào ban điều hành, hay chấp thuận các quyết định kinh doanh lớn. Những việc này sẽ giúp quỹ đầu tư theo dõi sát sao số phận của khoản đầu tư của họ vào doanh nghiệp.
Bởi vậy, khi có những vụ việc nổ ra như kiểu Ba Huân với VinaCapital, dư luận và bản thân doanh nghiệp Việt thường có suy nghĩ rằng các quỹ đầu tư chỉ là loài kền kền, luôn muốn tìm cách chi phối, thâu tóm doanh nghiệp theo ý đồ có lợi cho mình, trong khi thực ra thì bản chất và mục đích của sự kiểm soát, chi phối này (được quy định trong hợp đồng mua bán cổ phần) chỉ là để cho chắc rằng tiền đầu tư của quỹ phải được sử dụng đúng mục đích - làm tăng giá trị của doanh nghiệp. Trên hết, cần chấp nhận thực tế rằng đồng tiền không có cảm xúc, và cũng như vậy là các điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng mua bán cổ phần!
Và do quỹ đầu tư cũng là một đối tác kinh doanh nên với doanh nghiệp muốn bán mình, điều cần làm là chọn đúng nhà đầu tư. Tốt nhất là nên chọn nhà đầu tư nào có kinh nghiệm trong lĩnh vực của mình, và có ứng xử tốt trong cả những thời điểm tốt và xấu. Nhưng cũng nên lưu ý rằng nhà đầu tư lý tưởng như vậy thường không phải lúc nào cũng có, cũng sẵn lòng mua cổ phần doanh nghiệp (với giá cao). Nên trên thực tế doanh nghiệp Việt cần phải có sự thỏa hiệp, chọn ra mục đích ưu tiên của mình (chẳng hạn chỉ là vốn để phát triển) để từ đó tiếp cận được với quỹ, nhà đầu tư phù hợp, với những điều khoản thỏa thuận phù hợp với nhu cầu của mình.
Bán mình không phải là việc xấu
Có một số doanh nghiệp kiêng kỵ chuyện bán cổ phần cho quỹ đầu tư. Lý do có thể là họ e ngại việc phải bán mình có nghĩa là gián tiếp thừa nhận với thị trường, với dư luận là mình đang khó khăn, thiếu khả năng chèo chống, đương đầu với thách thức và cơ hội của thị trường.
Suy nghĩ trên không hoàn toàn thỏa đáng bởi chẳng có quỹ đầu tư nào lại “dại dột” đi đầu tư vào những doanh nghiệp yếu kém, triển vọng mù mờ, dễ làm mất tiền của họ. Và để giảm thiểu những lựa chọn sai, quỹ đầu tư vì thế thường chỉ chọn ra các doanh nghiệp nào có ban lãnh đạo tốt, có năng lực điều hành doanh nghiệp hướng đến tăng trưởng và biết tận dụng mọi cơ hội gia tăng giá trị cho doanh nghiệp. Trên ý nghĩa này, việc muốn hoặc phải bán mình cho một quỹ đầu tư (và chốt được thương vụ với giá cao) lại là một cơ hội tốt để quảng bá giá trị doanh nghiệp.
Bán khi nào?
Đương nhiên là không cần bán “đứa con tinh thần” của mình, dù chỉ làm một phần, nếu doanh nghiệp của người chủ đang làm ăn phát đạt; người chủ đang hài lòng và hạnh phúc với doanh nghiệp của mình; và người chủ có nguồn tiền dồi dào để theo đuổi các cơ hội.
Nhưng chắc chắn đó sẽ là một lựa chọn đúng nếu người chủ có ý định thoát ra hoàn toàn khỏi lĩnh vực đang kinh doanh. Khi đó, người chủ sẽ phải tìm đến các quỹ đầu tư và các lựa chọn khác để cuối cùng thoái toàn bộ cổ phần của mình tại doanh nghiệp. Điều cần chú ý trong trường hợp này là người chủ sẽ phải thuyết phục được quỹ đầu tư hay các nhà đầu tư khác chấp nhận triển vọng mình sẽ thoái hết cổ phần của mình trong tương lai gần. Nếu không, người chủ sẽ bị “trói” với điều khoản ràng buộc rất có thể có trong hợp đồng mua cổ phần của nhà đầu tư rằng người chủ sẽ phải duy trì tối thiểu một tỷ lệ sở hữu nào đó, nếu không sẽ bị phạt.
Tương tự, bán mình sẽ là một lựa chọn đúng nếu người chủ nhìn thấy nhiều cơ hội tăng trưởng vốn sẽ không nắm bắt được nếu chỉ dựa vào nguồn lực của bản thân. Đặc biệt là với những người muốn nghĩ lớn làm lớn, điều không thể thiếu được là phải tiếp cận được với một nguồn vốn lớn, tùy thuộc vào lĩnh vực kinh doanh.
Song song đó, việc bán cổ phần của doanh nghiệp cũng có ý nghĩa nếu người chủ muốn có được một khoản tiền, một phần để ra cho mục đích chi tiêu riêng, một phần khác dùng để làm gia tăng giá trị của số cổ phần còn lại trong doanh nghiệp. Trường hợp bán mình này là tốt cho cả hai bên, chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Tóm lại, trong tương lai sẽ tiếp tục còn nhiều vụ việc thâu tóm cổ phần của nhà đầu tư (nước ngoài) với các doanh nghiệp trong nước nhỏ và vừa, và đây cần được nhìn nhận là một xu hướng cần thiết và tất yếu. Điều cần lưu ý chỉ là các chủ doanh nghiệp trong nước cần phải xác định rõ mình muốn gì, muốn làm gì với doanh nghiệp của mình và muốn nó trở thành như thế nào trong tương lai... để quyết định bán mình hay không, bán cho ai và như thế nào.
No comments:
Post a Comment