Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong mấy năm nay đã theo đuổi chủ trương giảm đô la hóa nền kinh tế, theo đó giảm thiểu việc cho vay mượn bằng ngoại tệ giữa khách hàng – ngân hàng – doanh nghiệp. Đây là một chính sách hoàn toàn đúng và cần được ủng hộ, đặc biệt trong bối cảnh tỷ giá đang chịu sức ép liên tục tăng lên làm NHNN phải chật vật chống đỡ.
Lý do duy trì việc vay mượn bằng ngoại tệ
Về phía người dân, doanh nghiệp có ngoại tệ từ kiều hối, xuất khẩu, để khuyến khích họ gửi tiền vào hệ thống ngân hàng thì người ta cho rằng cần phải trả lãi thỏa đáng cho họ. Nếu không, họ sẽ giữ tiền ở nhà, trong két sắt, hoặc cho vay mượn lẫn nhau với lãi suất cao, nhất là trong bối cảnh tỷ giá luôn có xu hướng tăng và tăng mạnh trong nhiều giai đoạn.
Về phía ngân hàng, nhận tiền gửi và cho vay bằng USD là có thêm một nghiệp vụ sinh lợi, đặc biệt khi lãi suất tiền gửi USD ở mức thấp (xuống đến 0%), lãi suất cho vay USD không bị khống chế trần.
Về phía khách hàng vay USD (theo luật hiện tại chỉ là doanh nghiệp), vay USD thì sẽ được hưởng lãi suất thấp hơn đáng kể so với vay bằng VND, nên sẽ là có lợi khi tỷ giá VND/USD ổn định.
Hơn nữa, với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, vì họ cần phải có USD để nhập khẩu hàng hóa, nguyên phụ liệu nên sẽ là tốt nhất nếu họ được vay bằng USD để nhập khẩu, tránh được công đoạn phải (vay VND) mua USD mà đôi khi rất khó mua, dù trong hệ thống ngân hàng, do khan hiếm, cung cầu bất cân đối.
Với tất cả những lý lẽ trên, dễ hiểu là người ta muốn có một tỷ giá ổn định, mà tốt nhất là cố định để tiếp tục hưởng lợi từ cho vay mượn lẫn nhau bằng USD mà không bị rủi ro về tỷ giá. Và cũng vì thế mà trần lãi suất tiền gửi USD ở mức 0% như hiện nay của NHNN được coi là bất hợp lý, được kiến nghị nâng lên, chẳng hạn, 0,5%/năm để hấp thu hơn nữa lượng USD chảy vào hệ thống ngân hàng dưới dạng tiền gửi.
Nguy hại của việc vay mượn bằng ngoại tệ
Duy trì (và mở rộng) vay mượn bằng ngoại tệ là duy trì (và làm trầm trọng thêm) nạn đô la hóa. Nói đô la hóa thì hơi trừu tượng, khó hiểu, nên nhiều người, kể cả giới chuyên gia, coi nhẹ chuyện này, chỉ hình dung nó làm "mất thể diện quốc gia" vì trên lãnh thổ Việt Nam lại cho phép lưu hành và phổ biến USD.
Đô la hóa nguy hiểm ở chỗ nó làm cho USD hay ngoại tệ thay thế tiền đồng trong nhiều giao dịch, làm giảm, mất hiệu lực của chính sách tiền tệ của NHNN. Thử hình dung, khi lạm phát lên cao, NHNN muốn nâng lãi suất tiền đồng để chống lạm phát. Nhưng vì nạn đô la hóa trầm trọng, nên khi lãi suất VND tăng lên người ta càng chuyển sang vay mượn và sử dụng USD (với lãi suất thấp hơn, ổn định hơn) thay cho tiền đồng.
Sự ly khai tiền đồng càng lớn (người dân càng chuyển sang sử dụng USD) thì việc nâng lãi suất tiền đồng của NHNN càng ít tác dụng trong việc kiềm chế lạm phát (đo đạc bằng mức tăng giá cả niêm yết bằng tiền đồng). Điều này lại càng buộc NHNN phải tiếp tục nâng lãi suất hơn nữa. Cơ chế vòng xoáy này giải thích tại sao ở những quốc gia siêu lạm phát USD đã thay thế bản tệ, còn ngân hàng trung ương thì bất lực ngồi nhìn mọi việc thoát khỏi tầm kiểm soát của mình.
Do đó, ưu tiên trong chính sách tiền tệ, tỷ giá của ngân hàng trung ương trên thế giới nói chung và của NHNN nói riêng là giảm thiểu nạn đô la hóa, giảm thiểu việc vay mượn bằng USD/ngoại tệ.
Ngoài cái giá phải trả về tính hiệu lực của chính sách tiền tệ, đô la hóa và việc vay mượn tràn lan bằng USD làm cho hầu như bất cứ ai, từ người dân, đến ngân hàng và doanh nghiệp, thậm chí cả Chính phủ đều đòi hỏi NHNN phải ổn định/cố định tỷ giá để việc vay mượn diễn ra suôn sẻ, các chủ thể vay, mượn không bị rủi ro tỷ giá, đặc biệt là phía đi vay.
Khi nạn vay mượn bằng ngoại tệ càng phổ biến, càng lớn thì NHNN càng bị ràng buộc, càng phải hành động để bảo vệ tỷ giá nếu không muốn hàng loạt con nợ bằng ngoại tệ bị vỡ nợ, làm nguy khốn quốc gia. Trên thực tế, dư luận yêu cầu NHNN ổn định tỷ giá trong quá khứ và như hiện nay cũng chính là xuất phát từ lo ngại làm tăng gánh nặng nợ nước ngoài (bằng USD).
Để ổn định/cố định tỷ giá, nhất là trong những thời điểm bất lợi như, ví dụ, có cú sốc bên ngoài là chiến tranh thương mại, tiền tệ như hiện nay, NHNN buộc phải tăng lãi suất hoặc bán USD can thiệp. Cả hai biện pháp đều có giới hạn và để lại hậu quả. Việc nâng lãi suất, như đã phân tích ở trên, sẽ không có mấy tác dụng bởi nạn đô la hóa, trong khi bản thân việc này gây hại lớn cho tăng trưởng kinh tế, tăng các vụ mất khả năng chi trả, phá sản v.v… Việc bán USD can thiệp thì chỉ kéo dài được vài tuần là cùng, tùy theo quy mô cần can thiệp, trước khi chẳng còn đâu USD để mang ra can thiệp.
Như vậy, cái lợi cho các chủ thể khi vay mượn bằng USD chính là cái hại cho cả nền kinh tế, cho sự điều hành của nhà nước. Do đó, việc chống đô la hóa, chống vay mượn bằng USD càng trở nên cần thiết, cấp bách.
Cũng nên lưu ý rằng có chuyên gia thậm chí còn cho rằng nếu siết vay mượn bằng USD thì NHNN phải tăng cung tiền đồng thay thế, dẫn đến tăng áp lực lạm phát, vì thế nên duy trì cho vay bằng USD.
Lập luận trên đã hiểu ngược vấn đề. Cũng như phân tích bên trên đã chỉ ra, chính vì nạn đô la hóa, vì có sự tồn tại của vay mượn bằng USD nên chính sách tiền tệ của NHNN bị mất hoặc bớt hiệu lực. Khi không có nạn đô la hóa, NHNN chỉ cần cung ứng ra nền kinh tế, giả sử là 100 đơn vị tiền tệ cũng đủ để lãi suất ổn định ở mức ví dụ là 7%/năm, còn lạm phát ổn định ở mức 4%/năm. Ngược lại, khi nền kinh tế bị đô la hóa, các chủ thể kinh tế ly khai tiền đồng, làm cho cầu tiền đồng giảm mạnh. Cùng một lượng cung tiền 100 đơn vị, nhưng do cầu yếu đi nên tiền đồng trở nên quá dư thừa, tạo áp lực lạm phát lên trên 4%/năm. Để đối phó, NHNN buộc phải rút bớt cung tiền xuống dưới 100 đơn vị, và hậu quả là làm tăng lãi suất tiền đồng lên trên 7%/năm, càng gây khó khăn cho doanh nghiệp vay bằng tiền đồng, rốt cuộc càng đẩy mạnh vòng xoáy đô la hóa và sự bất lực của NHNN.
Siết cho vay mượn bằng USD
Như vậy, siết cho vay mượn bằng USD là cần thiết. Tất nhiên, việc này trước mắt sẽ gây khó khăn chủ yếu cho doanh nghiệp trên nghĩa là họ sẽ phải vay bằng tiền đồng với lãi suất cao hơn. Nhưng như đã phân tích ở trên, đảm bảo quyền lợi cho người vay mượn bằng USD tức là làm hại cho cả nền kinh tế, cho những chủ thể khác, nên không có lý gì phải hy sinh lợi ích quốc gia cho một nhóm đối tượng như vậy.
Theo hướng siết lại thì, về nguyên tắc, kể cả những doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu bằng USD cũng không nên được phép vay bằng USD nữa. Để đảm bảo công bằng vì họ phải bán USD thu được từ xuất khẩu cho ngân hàng, NHNN quy định rõ ràng và sẵn sàng cung ứng đủ USD (qua hệ thống ngân hàng thương mại) đáp ứng nhu cầu USD dùng cho nhập khẩu chính đáng của họ khi có yêu cầu.
Đối với những doanh nghiệp khác không có nguồn thu hoặc nguồn thu bằng USD không đáng kể, nhìn chung không những cần dừng hoàn toàn việc cho vay bằng USD mà ngay cả việc bán USD cũng phải được xem xét tùy từng trường hợp, căn cứ trên tính thiết yếu của việc nhập khẩu của họ với nền kinh tế.
Tóm lại, NHNN nên khẩn trương siết chặt thêm các đối tượng và điều kiện được vay ngoại tệ, đặc biệt trong bối cảnh tỷ giá đang căng thẳng và được dự đoán còn chịu áp lực gia tăng hơn nữa.
No comments:
Post a Comment