Một số thay đổi đáng chú ý theo dự thảo Nghị định
về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập
Bộ Tài chính đang
đưa ra lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của
Nghị định số 16/2015/NĐ-Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp
công lập. Dự thảo này có một số thay đổi quan trọng so với Nghị định 16.
Thay đổi quan trọng
đầu tiên là báo chí đã không còn được coi là một trong những lĩnh vực thuộc phạm
vi điều chỉnh của dự thảo. Tương ứng với điều này, trong phần giải thích về “dịch
vụ sự nghiệp công”, dự thảo cũng đã cắt bỏ lĩnh vực báo chí.
Như vậy, có thể
diễn giải từ dự thảo là các cơ quan báo chí với tư cách là các đơn vị sự nghiệp
công lập sẽ không còn được, không có cơ chế tự chủ như hiện nay nữa (trong Nghị
định 16). Không rõ nguyên nhân nào dẫn đến sự thay đổi này trong dự thảo nên có
lẽ Bộ Tài chính cần có văn bản giải thích chi tiết những thay đổi này để dư luận
hiểu rõ, tránh những đồn đoán bất lợi, không cần thiết.
Tiếp theo, khoản
2 điều 2 được sửa đổi từ “Đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công
an, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội áp dụng các quy định tại Nghị
định này…” thành “Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, tổ chức chính trị, tổ chức chính
trị - xã hội được áp dụng các quy định tại Nghị định này…”. Có thể hiểu sửa đổi
này trong dự thảo có hướng mở hơn so với Nghị định 16, theo đó các cơ quan nói
trên có quyền lựa chọn áp dụng, hoặc không áp dụng, các quy định của dự thảo,
trong khi theo Nghị định 16 thì họ chỉ có một lựa chọn là phải áp dụng.
Khoản 1 điều 7 về
nhân sự được sửa đổi theo đó đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên
và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên được quyết định
vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người
làm việc theo quy định của Luật Viên chức
(người viết nhấn mạnh), phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Quy định
như vậy sẽ tránh được khả năng tùy tiện, dễ dãi hoặc vô trách nhiệm như trong
quy định hiện nay, theo đó đơn vị sự nghiệp công quyết định số người làm việc
và trình cơ quan có thẩm quyền quyết định mà không hiếm khi dẫn đến những sai
trái trong việc tuyển dụng và bổ nhiệm nhân lực trong các cơ quan này. Mọi việc
bố trí nhân sự trong tương lai sẽ phải theo đúng quy định thống nhất trong Luật
Viên chức để không có chỗ cho những biện minh do, ví dụ, “đặc thù” để làm trái
như trước đây.
Tương tự, dự thảo
cũng loại bỏ dòng “… trên cơ sở định biên bình quan 05 năm trước…” và “… đối với
các đơn vị sự nghiệp công lập mới thành lập, thời gian hoạt động chưa đủ 05 năm
thì tính bình quân cả quá trình hoạt động…” trong khoản 1 điều 7. Quy định mới
như vậy sẽ giúp tránh được tình trạng đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục có bộ
máy phình to do được áp dụng mức bình quân trong các năm trước là các năm rất
có thể đã có sự dư thừa, tuyển dụng sai trái của họ.
Dự thảo còn bổ
sung thêm khoản 3 điều 7 quy định riêng về số lượng cấp phó của đơn vị sự nghiệp.
Đây cũng là một điều chỉnh nhằm hạn chế tình trạng “lạm phát” cấp phó trong các
đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, nếu đã có quy định như vậy thì cũng nên
có thêm quy định để hạn chế việc “lạm phát” cả cấp trưởng (trưởng phòng, trưởng
ban, quyền/hàm trưởng phòng/ban…) vì đây cũng là một kẽ hở để bộ máy của các cơ
quan này tiếp tục phình to.
Cuối cùng, dự thảo
có bổ sung thêm cả một chương về áp dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp đối
với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, cũng như
đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên. Đây là một sự bổ sung cần
thiết bởi khi đã tự chủ tài chính thì các đơn vị sự nghiệp công lập cần hạch
toán doanh thu, chi phí và lợi nhuận như một doanh nghiệp để hoàn thành nghĩa vụ
thuế và đóng góp với nhà nước.
Điều đáng lưu ý
trong chương nói trên là nội dung khá thiên lệch của nó, vì hầu như chỉ đề cập
đến vấn đề tiền lương và phân phối lợi nhuận, trong khi vấn đề cốt yếu – những
giá trị mà nhà nước đã đầu tư, đã bỏ ra và hậu thuẫn để đơn vị sự nghiệp công lập
có được cái ngày chúng trở nên tự chủ được về tài chính, bảo đảm chi thường
xuyên (và chi đầu tư) lại không được đề cập đến. Chỉ lấy riêng một ví dụ là một
bệnh viện công nào đó nay được tự chủ tài chính, tự đầu tư và “kinh doanh”
thành công thì không thể không đề cập đến vai trò và nguồn đầu tư to lớn của
nhà nước (vào cơ sở vật chất, con người…) đã tạo dựng nên thương hiệu bệnh viện
đó với tư cách chẳng hạn như bện viện đầu ngành, tuyến trên, hoặc đơn giản chỉ
là một bệnh viện (công) của nhà nước với uy tín hơn hẳn bệnh viện tư nên hấp dẫn
hơn với nhiều bệnh nhân có điều kiện chi trả.
Nếu những giá trị
trên (bao gồm dưới dạng, ví dụ, giá trị thương hiệu) không được hạch toán đầy đủ
một cách hợp lý vào chi phí mà doanh nghiệp phải hoàn trả cho nhà nước, hoặc
vào vốn điều lệ thì phần lợi nhuận được giữ lại của doanh nghiệp sẽ trở nên lớn
hơn một cách không đúng đắn, xác đáng, gây thiệt hại, thất thoát cho nhà nước.
Do đó, dự thảo cần thiết bổ sung quy định về (nguyên tắc)
xác định giá trị vốn nhà nước và những giá trị liên quan nhà nước mang lại để
phân bổ hợp lý vào chi phí và lợi nhuận mà doanh nghiệp được hưởng.
No comments:
Post a Comment