Tổng thống Mỹ sắp
mãn nhiệm Trump có thể nói đã làm khó cho nhiều nền kinh tế châu Á khi luôn đe dọa,
và thực tế đã thực hiện, áp đặt thuế quan lên ngay cả những đồng minh thân thiết
nhất của mình. Việt Nam thì bị đưa vào danh sách nước bị cáo buộc thao túng tiền
tệ sau khi Mỹ chứng kiến thâm hụt thương mại lớn do hậu quả của thương chiến Mỹ-Trung.
Chính sách của
Trump đối với Trung Quốc đặc biệt hà khắc thông qua áp thuế trên gần như ¾ hàng
hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi cấm cửa các hãng công nghệ như Huawei
và hạn chế xuất khẩu cho các nhà sản xuất chip lớn của Trung Quốc với lý do an
ninh quốc gia.
Đó là lý do vì
sao sự chiến thắng của Tổng thống đắc cửa Biden đã làm nhiều nước châu Á thở
phào. Họ có thể hy vọng một chính quyền ít đối đầu hơn và dễ tiên đoán hơn ở Mỹ,
có xu hướng đối thoại để giải quyết xung đột hơn là đơn phương khởi động thương
chiến.
Nhưng giới quan
sát thì thận trọng hơn. Họ không cho rằng chính sách thương mại hiện thời sẽ
thay đổi lớn trong thời của Biden. Bởi trọng tâm chính sách của chính quyền
Biden vẫn sẽ là kích thích công nghiệp nội địa như được thể hiện qua cam kết
tranh cử “made in all of America” được hiểu là sự mở rộng của nguyên tắc Buy
American (tạm dịch, hãy mua hàng hóa của Mỹ) thông qua biện pháp như đánh thuế
10% lên các hãng Mỹ đặt hàng sản xuất hải ngoại (và ngược lại, được giảm thuế),
và lấp lỗ hổng giúp các công ty đa quốc gia Mỹ tránh thuế lên phần lợi nhuận
thu từ nước ngoài.
Khủng hoảng kinh
tế do đại dịch Covid-19 gây ra làm hàng triệu người Mỹ thất nghiệp càng thúc đẩy
Biden bám chắc chính sách này của mình. Và với chính sách như vậy, Biden rõ
ràng không phải là người có, cổ xúy cho tư tưởng thương mại tự do. Biden cũng
được trích dẫn khi nói rằng ông sẽ không đàm phán bất cứ một hiệp định thương mại
tự do nào cho đến khi đầu tư vào ngành chế tạo của Mỹ gia tăng mạnh.
Trong bối cảnh
đó, nhất là khi Covid-19 đang tiếp tục hoành hành tại Mỹ thì khởi động lại đàm
phán thương mại sẽ không phải là ưu tiên chính sách của Biden ít nhất trong thời
gian đầu cầm quyền. Và cho dù đàm phán có được nối lại thì Mỹ xem ra sẽ không rút
lại những biện pháp trừng phạt Trung Quốc nếu không đạt được những nhượng bộ lớn
từ Trung Quốc trong các vấn đề cơ bản như sở hữu trí tuệ và trợ cấp Chính phủ
cho doanh nghiệp nội địa.
Những chính sách
khác của Trump dành cho Trung Quốc như cấm cửa các hãng công nghệ Trung Quốc vẫn
sẽ được tiếp tục dưới thời Biden khi mà đảng Dân chủ đã ủng hộ nó. Biden cũng ủng
hộ Luật Nhân quyền Hong Kong, và như vậy thì các vi phạm nhân quyền ở Xinjiang
và đối đầu chính trị của Trung Quốc với Đài Loan sẽ tiếp tục triệt tiêu cơ hội
thay đổi phương pháp tiếp cận của Mỹ với Trung Quốc. Ngoài ra, chính sách Trung
Quốc của Biden sẽ còn tiếp tục bị phủ bóng bởi chính quyền tiền nhiệm khi họ
cho thấy các biện pháp trừng phạt với doanh nghiệp Trung Quốc chưa dừng lại.
Như vậy, có thể
nói rằng dù Biden hứa hẹn, cho thấy sự ổn định hơn (và dựa trên luật lệ hơn)
nhưng có lẽ sẽ không (ngay lập tức) lật ngược hoàn toàn chính sách thương mại
diều hâu của Trump. Nói cách khác, chính quyền Biden có xu hướng sẽ duy trì lập
trường cứng rắn với Trung Quốc của người tiền nhiệm Trump trong một thời gian
không xác định trước khi có những chuyển biến căn bản đối nội và đối ngoại.
Hàm ý của một
chính sách tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc của Biden sẽ có ảnh hưởng đến Việt
Nam trên một số khía cạnh. Trước tiên là chính sách liên kết với đồng minh để
kiềm chế Trung Quốc của Biden có thể sẽ theo hướng lôi kéo Việt Nam tiến gần
hơn nữa với Mỹ. Điều này sẽ đặt Việt Nam vào thế phải ngày càng rõ ràng lựa chọn
phe, trong khi không thể, không dễ “thoát Trung” bởi sự phụ thuộc lớn của Việt
Nam vào nền kinh tế nước này.
Việc đàm phán một
hiệp định thương mại song phương Việt-Mỹ có lẽ cũng không phải là một ưu tiên
chính sách của Biden trong thời gian đầu cầm quyền, mà sẽ được đặt trong bối cảnh
của việc ông có quyết định quay trở lại bàn đám phán lại về Hiệp định Đối tác
thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay không. Một số nhà quan sát cho rằng
Biden sẽ không muốn sớm gia nhập TPP bởi đảng Dân chủ không mặn mà với những thỏa
thuận thương mại mới (dù Biden dưới thời Tổng thống Obama là người cổ xúy mạnh
mẽ).
Tiếp đó, là một tổng
thống “ổn định” và dựa trên luật lệ hơn, Biden được kỳ vọng sẽ xử lý các vấn đề
thương mại với Việt Nam theo các cách thức truyền thống. Thâm hụt thương mại
ngày càng tăng với Việt Nam được coi là một bằng chứng của việc Việt Nam lợi dụng
Mỹ dưới thời Trump sẽ được Biden xem xét một cách tỉnh táo, thấu đáo hơn với sự
tư vấn của các cố vấn của mình như là kết quả của nhiều yếu tố ngoài chuyện
thao túng tiền tệ. Thậm chí, một số nhà quan sát còn cho rằng chính quyền Biden
sẽ hủy bỏ việc đánh thuế một cách tùy tiện của chính quyền Trump lên tấm pin mặt
trời, máy giặt và thép và nhôm của Việt Nam.
Nhưng điều này không có nghĩa là Biden sẽ xem nhẹ hay bỏ qua vấn đề thâm hụt thương mại ngày càng tăng dưới góc nhìn Buy American. Nó sẽ tiếp tục là áp lực và lý do để chính quyền Biden yêu cầu Việt Nam mở cửa thị trường trong nước hơn nữa với hàng hóa, dịch vụ và đầu tư của Mỹ, nhất là trong các ngành “nhạy cảm” như dịch vụ tài chính... Đồng thời, Mỹ chắc sẽ phản ứng với những yêu cầu/động thái, nếu có, của Việt Nam về buộc các công ty cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải đặt các cơ sở lưu trữ số liệu tại Việt Nam hay về đánh thuế lên các ông lớn công nghệ như Google, Facebook...
No comments:
Post a Comment