Cục Thuế TP HCM vừa
có kiến nghị Chính phủ sớm quy định việc các tổ chức áp dụng thanh toán không
dùng tiền mặt với tất cả giao dịch bán ra và mua vào, không giới hạn tổng giá
trị thanh toán. Lý do là để, theo giải thích của cơ quan này, “hỗ trợ cơ quan
thuế trong việc kiểm soát doanh thu và chi phí của các tổ chức có hoạt động sản
xuất - kinh doanh, tăng cường tính nghiêm minh trong công tác quản lý thuế”.
Như vậy, có thể
nói kiến nghị trên chỉ để phục vụ cho sự tiện lợi của ngành thuế là chính, mà
quên đi sự bất tiện, thậm chí là tổn hại đến lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp
và người dân.
Thế giới cũng
dường như không có tiền lệ
Nói “dường như”
chỉ là để đề phòng trường hợp có thể có một (số) nước nào đó “độc đáo” như Việt
Nam trong việc đề xuất (và sẽ áp dụng) quy định doanh nghiệp áp dụng thanh toán
không dùng tiền mặt với mọi giao dịch, mọi giá trị. Chứ còn điểm qua sơ sơ một
vài nước phát triển ở cả Á lẫn Âu như Mỹ,
Úc, Singapore, Thụy Điển và Hàn Quốc, nơi người dân và doanh nghiệp có đầy đủ mọi
loại hình thanh toán, và thanh toán không dùng tiền mặt đã phổ biến từ lâu và
ngày càng phát triển thì doanh nghiệp cũng không bị bắt buộc phải thanh toán
không dùng tiền mặt.
Xin nhấn mạnh điều
này: Ở những nước này, nói chung, không có luật nào quy định doanh nghiệp (tư
nhân) phải chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt. Nói cách khác, doanh nghiệp có
quyền hợp pháp từ chối nhận tiền mặt, nếu muốn.(1)(2) Nhưng điều này không có
nghĩa là luật pháp bắt buộc doanh nghiệp phải từ chối thanh toán bằng tiền mặt.
Gần đây ở một số
nước nổi lên chuyện doanh nghiệp không chấp nhận tiền mặt, nhưng đó nhiều khi
vì lý do rất đơn giản là giữ vệ sinh, an toàn trong đại dịch, chứ không phải vì
lý do thuế khóa hay bị luật pháp cấm đoán gì. Do đó, nếu không “quan ngại” chuyện
vệ sinh thì doanh nghiệp ở nước ngoài vẫn hoàn toàn có thể tiến hành giao dịch
bằng tiền mặt một cách hợp pháp.
Cần nói thêm rằng,
ở Hàn Quốc, nước đứng đầu trong danh sách top 10 các nước thanh toán không dùng
tiền mặt nhiều nhất thế giới, vẫn có đến 14% tổng số giao dịch thanh toán là
dùng tiền mặt, và vẫn có 23% dân chúng thícdh dùng tiền mặt hơn là các phương
tiện thanh toán phi tiền mặt, theo một cuộc khảo sát của Global Web Index.(3)
Có cả lợi và hại
Cũng như cái nhìn
của ngành thuế Việt Nam, thanh toán không dùng tiền mặt rõ ràng đem đến một cái
lợi lớn cho nhà chức trách ở chỗ nó làm cho doanh nghiệp khó che giấu, ngụy tạo
các khoản thu chi để trốn thuế. Đồng thời, nó cũng có lợi cho nhà chức trách ở
cái nghĩa là giảm thiểu nguy cơ rửa tiền vì nhà chức trách có thể truy vết được
bọn tội phạm.
Đối với doanh
nghiệp, thanh toán không dùng tiền mặt, ngoài cái lợi về chuyện vệ sinh như nói
trên, còn được lợi từ chuyện ít bị cướp bóc, ăn trộm hơn bởi không giữ tiền mặt
tại doanh nghiệp; giảm chi phí hoạt động do không phải kiểm đếm, lưu trữ tiền mặt...
Ngược lại, doanh
nghiệp khi chỉ chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt thì họ sẽ phải chịu chi phí
phát sinh, ví dụ chi phí thẻ tín dụng, vốn
có thể là đáng kể, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ. Tất nhiên là doanh nghiệp
hoàn toàn có thể bắt khách phải chịu các chi phí này, nhưng như thế sẽ làm tăng
giá hàng hóa, dịch vụ của họ, dẫn đến giảm doanh số bán hàng do khách hàng thấy
đắt đỏ hơn. (Cũng cần biết là luật hiện hành của Việt Nam quy định khách hàng
khi dùng thẻ tín dụng không phải trả thêm tiền hoặc phụ phí cho đơn vị chấp nhận
thẻ - tức doanh nghiệp nhận thanh toán).
Về phía khách
hàng của doanh nghiệp, bắt buộc phải thanh toán phi tiền mặt cũng phát sinh nhiều
phí tổn và mối nguy hại cho khách hàng. Trước tiên phải kể đến nguy cơ bị lộ
thông tin cá nhân khi dữ liệu bị xâm phạm. Tiếp đó, khi người tiêu dùng bị hack
tài khoản hoặc gặp trở ngại/vấn đề kỹ thuật mà không tiếp cận được các phương
tiện thanh toán không dùng tiền mặt thì họ... bó tay!
Đồng thời, dù xã
hội có phát triển đến đâu vẫn sẽ có một bộ phận dân chúng hoàn không thể tiếp cận,
không thể dùng được các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (trong một số
hoàn cảnh, thời điểm, địa điểm). Ở Việt Nam thì ít nhất trong nhiều năm tới sẽ
tiếp tục còn nhiều người không có kiến thức, tài khoản ngân hàng, hay
smartphone (cùng đó là tiếp cận internet) để tham gia vào xã hội thanh toán
không dùng tiền mặt cao độ.
Và cuối cùng, có
một lý do đơn giản làm cho nhiều
người vẫn muốn dùng tiền mặt: Họ muốn kiểm soát chi tiêu của mình (tránh nguy
cơ tiêu “phóng tay”), mà thường là sẽ khó thực hiện được khi sử dụng các phương
tiện thanh toán khác như thẻ tín dụng chẳng hạn.
Như vậy, việc bắt
buộc doanh nghiệp không được chấp nhận tiền mặt trong thanh toán sẽ chỉ làm lợi
cho nhà chức trách, về mọi mặt, còn người tiêu dùng thì rõ ràng là chỉ có thiệt
đi. Doanh nghiệp thì lợi hại đan xen, nhưng cũng khó nói là thanh toán không
dùng tiền mặt sẽ tốt hơn cho họ về tổng thể, ít nhất là so với khi có thêm lựa
chọn được chấp nhận tiền mặt.
Nói cách khác,
nhà nước hãy thực thi đề xuất của ngành thuế khi nào mà quyền lợi của doanh
nghiệp và người dân là không đáng để đánh đổi lấy sự tiện lợi cho ngành thuế.
Cũng có người đề
xuất giải pháp trung dung hơn, theo đó thiết lập lộ trình giảm dần mức chấp nhận
tiền mặt, từ 20 triệu đồng xuống 10, 5 triệu... để khách hàng và thị trường
thích nghi dần. Vấn đề với giải pháp này và tương tự là chúng ít nhất đã bỏ qua
bên lề một bộ phận dân chúng kiểu gì cũng không thể chi trả phi tiền mặt được,
dù muốn. Chưa kể những quyền lợi hợp pháp khác liên quan của doanh nghiệp và
người dân như nói ở trên khi họ được lựa chọn dùng tiền mặt.
Để kết thúc, xin
lưu ý rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu, ECB, là một trong những cơ quan chức
năng tiền tệ trên thế giới đã nhìn nhận rằng tiền số ngân hàng trung ương
(CBDC) sẽ không thay thế mà chỉ bổ sung cho tiền mặt – thứ mà sự sản xuất (in
tiền) sẽ còn tiếp tục.(4)
Vì tiền mặt cũng
dùng để thanh toán nên khi nó tiếp tục được tồn tại mãi thì điều này có nghĩa
là việc sử dụng tiền mặt để thanh toán sẽ không bao giờ bị cấm ở nhiều nước, nếu
không muốn nói là cả thế giới, trừ... Việt
Nam!
--------
(1) https://www.patriotsoftware.com/blog/accounting/can-business-refuse-cash-is-it-legal/
(2) https://www.adamslawyers.com.au/can-a-business-legally-refuse-a-cash-payment/
(3) https://www.cnbctv18.com/photos/technology/top-10-countries-that-prefer-card-payments-over-cash-asian-country-takes-top-spot-8056691.htm
(4) https://hackernoon.com/how-cbdc-will-replace-cash-experiment-to-programmable-money-m5193z6a
No comments:
Post a Comment