Ngành thuế luôn đặt
quyết tâm bắt những ông lớn công nghệ của Mỹ như Google, Facebook, Youtube...
phải trả thuế đúng và đủ cho doanh thu họ thu được ở Việt Nam. Mới đây, Cục thuế
TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ nêu một số khó khăn và đề xuất các giải
pháp để buộc các doanh nghiệp này phải thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam,
cũng như hợp tác cung cấp thông tin của các tổ chức và cá nhân tại Việt Nam có
hoạt động kinh doanh và có thu nhập từ các doanh nghiệp này.(1)
Tuy nhiên, như
phân tích dưới đây, những khó khăn và giải pháp mà Cục thuế thành phố kiến nghị
lại không mấy hợp lý, thích đáng.
Khó khăn thứ nhất
được Cục thuế thành phố nêu ra là, việc xác minh lý do dòng tiền ra vào các nhà
mạng xã hội (tức các doanh nghiệp công nghệ trên) là rất khó khăn bởi thông tin
tài khoản ngân hàng không thể hiện nội dung chuyển tiền.
Khó khăn nêu trên
là khá hiển nhiên, bởi để tránh bị “nhòm ngó”, điều tra thì cả bên bán (doanh
nghiệp công nghệ) và bên mua (người mua quảng cáo) đều có xu hướng thống nhất
cách ghi mục đích chuyển tiền sao cho “an toàn” nhất. Với mục đích khai báo như
vậy thì đúng là khó có thể truy ra doanh thu của cả hai bên để mà tính được thuế
tương ứng.
Nhưng ngành thuế
có thể khắc phục khó khăn này bằng cách yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thanh
tra, tăng cường kiểm soát hoạt động thanh toán quốc tế giữa người cư trú và
không cư trú qua hệ thống ngân hàng nội địa. Bởi đây là lĩnh vực thuộc phạm vi
điều chỉnh của các quy định pháp luật hiện hành về quản lý ngoại hối, trong đó
có nghĩa vụ của ngân hàng là kiểm tra, xác thực mục đích và tính hợp pháp của
việc chuyển tiền.
Một khi đã làm chặt
khâu thanh toán, chuyển tiền quốc tế qua hệ thống ngân hàng thương mại dưới sự
theo dõi, thanh tra chặt chẽ của NHNN thì sẽ không còn dễ dàng cho các tổ chức
và cá nhân cư trú chuyển tiền ra nước ngoài cho các doanh nghiệp công nghệ trên
(mà không khai báo đầy đủ, chính xác) nữa. Đồng nghĩa với đó là ngành thuế sẽ
có thêm bằng chứng, căn cứ để điều tra thuế với các bên liên quan.
Khó khăn thứ hai
mà Cục thuế nêu ra là có đến 34 trong tổng số 40 ngân hàng “không nhiệt tình”
cung cấp thông tin liên quan đến các tổ chức, cá nhân có thu nhập từ Google,
Facebook. Do đó, Cục thuế kiến nghị Chính phủ có quy định bắt buộc các ngân
hàng phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan thuế, cũng như thực hiện việc khấu
trừ nộp thuế theo quy định.
Không rõ khi nêu
ra khó khăn trên, Cục thuế có nắm được tình hình rằng trên thực tế thì Chính phủ
đã ban hành Nghị định 126/2020 hướng dẫn Luật Quản lý thuế 2019, trong đó quy định
ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tài khoản thanh
toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan thuế? Cũng dám chắc một điều
là cả luật và nghị định này, cũng như các luật lệ liên quan khác đều là do
chính ngành thuế dự thảo để Quốc hội, Chính phủ thông qua. Kiến nghị nêu trên của
Cục thuế vì thế mà thành thừa và lạc đề.
Thay vào đó,
ngành thuế có thể áp dụng các quy định về xử phạt trong Luật và Nghị định để (qua
một bên thứ ba như NHNN, tòa án...) buộc tất cả các ngân hàng có liên quan phải
“phối hợp” với họ như yêu cầu, theo đúng quy định nếu không muốn bị xử lý theo
pháp luật.
Thứ ba, Cục thuế
nêu khó khăn rằng Google và Facebook không đặt máy chủ tại Việt Nam nên (cơ
quan quản lý nhà nước) không thể giám sát dòng tiền ra vào. Các doanh nghiệp
này lại “lơ là” với việc kê khai và tự nộp thuế. Do đó, Cục thuế kiến nghị yêu
cầu Google, Facebook đặt văn phòng tại Việt Nam rồi tự kê khai và thực hiện
nghĩa vụ thuế. Nếu họ thực hiện nghĩa vụ thuế không đúng quy định thì cần có chế
tài mạnh hơn.
Cần lưu ý rằng việc
yêu cầu doanh nghiệp công nghệ đặt văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Việt
Nam đã được quy định chế tài rõ trong Luật An ninh mạng được thông qua tại Việt
Nam năm 2018. Như vậy, việc kiến nghị buộc các doanh nghiệp này mở văn phòng tại
Việt Nam cũng là... thừa.
Trong khi đó, vấn
đề chủ chốt cần làm rõ là tại sao Google, Facebook lại “lơ là”, không đếm xỉa
gì đến việc mở văn phòng tại Việt Nam mặc dù luật pháp Việt Nam có quy định như
vậy?
Nếu họ vẫn thản
nhiên, “bình an vô sự” đều đều thu tiền quảng cáo của doanh nghiệp và cá nhân
mà phớt lờ yêu cầu phải có văn phòng ở Việt Nam thì có nghĩa là có một lý do
nào đó đã cho phép, xui khiến họ làm vậy mà không sợ bị Chính phủ Việt Nam “trừng
phạt” hay chế tài. Và vấn đề này chắc chắn nằm ở tầm/trên bàn đàm phán thuế quốc
gia (với Mỹ) và quốc tế (ví dụ, như thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu mới đây
của nhóm quốc gia G7, trong đó có việc đánh thuế các doanh nghiệp công nghệ Mỹ).
Những vấn đề này tuy không thuộc phạm vi bài viết, nhưng qua đó cho thấy ngành
thuế dường như đã không cập nhật và phân tích thấu đáo tình hình thực tiễn trước
khi đưa ra kiến nghị, giải pháp nói trên.
Xu hướng hợp tác
quốc gia và quốc tế trong việc đánh thuế doanh nghiệp toàn cầu nói chung và các
doanh nghiệp công nghệ Mỹ nói riêng như Google và Facebook cũng là một gợi ý cho
thấy Việt Nam nên xử lý vấn đề thuế đối với các doanh nghiệp này như thế nào,
thay cho phương pháp tiếp cận duy ý chí mà ngành thuế đã và đang đề xuất.
(1) https://nld.com.vn/kinh-te/phai-thu-duoc-thue-cua-google-facebook-tai-viet-nam-20210608204510182.htm
No comments:
Post a Comment