https://www.thesaigontimes.vn/316965/tien-ma-hoa-va-su-chia-re-cua-cac-ngan-hang.html
Hiện nay các ngân
hàng thương mại trên thế giới đang có cái nhìn trái ngược nhau về bitcoin và
các tiền mã hóa altcoin khác. Trong khi một số nhìn nhận tiền mã hóa là kẻ phá
bĩnh trong ngành, những ngân hàng khác thì cho rằng chúng là cái neo tiềm năng
cho thị trường, hoặc cả hai. Sự phân chia quan điểm này xuất phát từ sự biến động
mạnh về giá của bitcoin dẫn đến việc áp đặt các quy chế mới lên nó. Đồng thời,
sự biến động mạnh này cũng làm cho việc mua bitcoin và thanh toán bằng thẻ tín
dụng cũng rất rủi ro cho các ngân hàng, bởi giá trị các khoản mua này trong
tương lai có thể sẽ không còn đủ lớn để trả nợ tiền mua qua thẻ tín dụng.
Nhưng điều trên
không có nghĩa là không có ngân hàng nào chấp nhận bitcoin. Nó cũng không có
nghĩa là các ngân hàng đã không tìm cách giải quyết vấn đề này, cũng như không
tự mình mua bitcoin trong cơn sốt bitcoin để cho phép họ chấp nhận thanh toán bằng
bitcoin. Sàn Coinbase báo cáo rằng một số mạng thẻ tín dụng lớn đã thay đổi mã
phân loại hàng hóa (MCC) đối với việc mua tiền số để các ngân hàng phát hành thẻ
tín dụng có thể tính phí bổ sung – có thể lên tới 23,99% – ngoài phí giao dịch
trên sàn.
Trên thực tế, đã
có hàng chục ngân hàng chấp nhận bitcoin. Trong số này phải kể đến những cái
tên như Goldman Sachs, Morgan Stanle và National Bank of Canada. Chẳng hạn, Goldman Sachs đã cho ra mắt bộ phận
kinh doanh altcoin và chào bán các sản phẩm altcoin từ năm 2018, còn Morgan
Stanley là ngân hàng đầu tiên (và theo sau bởi Goldman Sachs) chào các quỹ
bitcoin cho khách hàng của mình. Ngoài việc cho phép mua bitcoin bằng thẻ ghi nợ,
các ngân hàng trong số này cũng đang xem xét các lựa chọn như Biên nhận Tài sản
Số (Digital Asset Receipt) như là một hình thức bảo hiểm, bảo vệ và giám sát
thêm đối với các giao dịch bitcoin.
Một số ngân hàng
khác như UBS và JPMorgan cũng được báo cáo là đang xem xét việc chào tiền mã
hóa như một sản phẩm đầu tư cho khách hàng của họ.
Việc cung cấp cho
khách hàng các lựa chọn và cơ hội kinh doanh bitcoin như một tài sản hấp dẫn sẽ
làm tăng tính cạnh tranh và vị thế của các ngân hàng tiên phong này, và đây có
lẽ là một trong những lý do chính để các ngân hàng chuyển hướng sang chấp nhận
bitcoin. Cũng cần biết thêm rằng cho đến nay, những người đầu tư vào bitcoin vẫn
phải dựa vào các app của các fintech thế hệ mới như Robinhood, hoặc của các
“ông lớn” trong lĩnh vực thanh toán như PayPal và Square, hoặc các sàn giao dịch
chuyên tiền mã hóa như Coinbase.
Ở chiều hướng ngược
lại, cũng đã có hàng tá ngân hàng tuyên bố không chấp nhận hay hạn chế việc mua
bitcoin. Điển hình trong số này là các ngân hàng và tổ chức tài chính lớn như
Bank of America, Chase, CitiGroup, Lloyds Bank, và Bank of Scotland... Các ngân
hàng này không còn cho phép khách hàng dùng thẻ tín dụng và các hạn mức tín dụng
mà ngân hàng cung cấp để mua các loại tiền mã hóa (dù khách hàng vẫn có thể
dùng thẻ ghi nợ và chuyển khoản để mua tiền mã hóa). Một số ngân hàng khác như
Virgin Money, TD Bank, và PNC Bank... thì cấm khách hàng tham gia vào bitcoin
qua hệ thống của họ.
Mới đây nhất,
HSBC tiết lộ trên Reuters rằng họ không có kế hoạch thiết lập bộ phận kinh doanh
tiền mã hóa hay chào mời tiền mã hóa như một kênh đầu tư cho khách hàng của
mình. Lý do là bởi tiền mã hóa quá biến động và thiếu minh bạch. Dù thừa nhận rằng
khách hàng của mình có thể rất quan tâm nhưng ngân hàng này cho biết họ sẽ
không cổ xúy tiền mã hóa như một loại tài sản đầu tư trong mảng quản lý tài sản
của họ.
Đi xa hơn nữa,
HSBC cũng cho biết họ sẽ không dấn thân vào mảng tiền mã hóa có giá trị ổn định
(stablecoin) như đồng tiền Tether. Thay vào đó, HSBC quan tâm đến tiền số ngân hàng trung ương
(CBDC) mà một số nước như Mỹ và Trung Quốc đang xem xét hoặc đã thử nghiệm. Với
HSBC, sự hấp dẫn của CBDC ngoài những ưu thế của tiền số nói chung còn là sự
minh bạch và chức năng lưu giữ giá trị mạnh mẽ của chúng.
Cũng có thể các
ngân hàng từ chối bitcoin một phần vì lý do như lý do mà nhà đầu tư tỷ phú Ray
Dalio, nhà sáng lập quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới Bridgewater Associates lo ngại
cho tương lai của bitcoin. Đó là rủi ro lớn nhất cho bitcoin chính là sự thành
công của nó. Khi đó, nó sẽ bị các ngân hàng trung ương, các Chính phủ tìm cách
triệt hạ bởi đã trở nên hấp dẫn, cạnh tranh hơn trái phiếu. Nên quan điểm của
những ngân hàng như HSBC cũng là dễ hiểu khi không muốn đổ nguồn lực vào một
lĩnh vực mà tương lai hoàn toàn bất định, thay cho thứ dễ đoán định hơn, như
CBDC.
Như vậy, có thể nói sự chia rẽ trong lập trường về bitcoin và các loại tiền mã hóa của các ngân hàng nằm ở cán cân giữa lợi ích và rủi ro nghiêng về phía nào trong con mắt của từng ngân hàng. Điều này cũng dễ hiểu nếu lấy ví dụ qua việc cùng một chứng khoán nhưng các ngân hàng lại đưa ra các khuyến nghị trái ngược nhau. Nhưng có điều chắc chắn là con số các ngân hàng chấp nhận hoặc không chấp nhận bitcoin sẽ ngày càng tăng mạnh chứ không dừng lại ở con số vài chục cho mỗi bên như hiện tại, bởi tương lai của các đồng tiền mã hóa phi nhà nước như bitcoin sẽ ngày càng trở nên rõ nét hơn.
No comments:
Post a Comment