https://thesaigontimes.vn/ly-giai-viec-giam-lai-suat-tien-gui-vuot-du-tru-bat-buoc-bang-ngoai-te/
Ngân hàng Nhà nước
(NHNN) vừa ban hành Quyết định 1349/QĐ-NHNN về mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt
buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng
nước ngoài tại NHNN, áp dụng từ ngày 1-9-2021.
Theo đó, NHNN giữ
nguyên lãi suất áp dụng đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng tiền đồng và ngoại
tệ của tổ chức tín dụng tại NHNN. Cụ thể, lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt
buộc bằng VNĐ duy trì ở mức 0,5%/năm. Lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng
ngoại tệ là 0%/năm, lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VNĐ là 0%/năm. Đồng
thời, NHNN giảm lãi suất đối với tiền
gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ, từ 0,05%/năm theo quyết định đang áp dụng
xuống 0%/năm từ 1-9.
Xoay quanh tỷ lệ
và lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc cũng như tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc, hiện
vẫn có nhiều điều chưa được hiểu rõ hoặc lý giải sai lầm.
Dự trữ bắt buộc
và chính sách tiền tệ
Khi NHNN giảm tỷ
lệ tiền gửi dự trữ bắt buộc, điều này đồng nghĩa với việc giải phóng thêm vốn để
tổ chức tín dụng cho vay ra nền kinh tế. Như vậy, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc là
một hành động nới lỏng chính sách tiền tệ, và ngược lại.
Thế còn giảm lãi
suất tiền gửi dự trữ bắt buộc? Khi hạ lãi suất này, NHNN chỉ trả cho tổ chức
tín dụng số tiền lãi ít hơn cho lượng tiền gửi dự trữ bắt buộc mà họ gửi bắt buộc
tại NHNN. Do đó, hạ lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc làm giảm bớt lượng tiền
mà tổ chức tín dụng có thể cho vay nền kinh tế. Nói cách khác, hạ lãi suất tiền
gửi dự trữ bắt buộc tương đương với hành động thắt chặt tiền tệ của NHNN, và
ngược lại.
Sự việc trở nên
phức tạp hơn đối với hành động giảm lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của
NHNN. Ngoài khoản tiền gửi dự trữ bắt buộc tại NHNN tính theo dư nợ tín dụng, tổ
chức tín dụng vì một số lý do nào đó, chẳng hạn như dư thừa vốn (tạm thời) mà
không thể/không muốn cho vay lẫn nhau hoặc cho vay ra nền kinh tế, lại gửi tại
NHNN một số tiền vượt quá số tiền gửi bắt buộc này để vừa hưởng lãi, vừa đảm bảo
thanh khoản, an toàn.
NHNN giảm lãi suất
tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc làm giảm động lực gửi tiền của tổ chức tín dụng tại
NHNN, đồng nghĩa với việc khuyến khích họ cho vay ra nền kinh tế thay vì gửi tại
NHNN, vốn tương đương với việc làm giảm cung tiền. Nói cách khác, giảm lãi suất
tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc là hành động góp phần đảm bảo cung tiền không bị
suy giảm, khi các yếu tố khác không thay đổi.
Nhưng từ góc độ
tiền lãi, việc NHNN giảm tiền trả lãi cho tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc cũng có
thể coi là một hành động có tác dụng thắt chặt tiền tệ, như nói ở đoạn về lãi
suất tiền gửi dự trữ bắt buộc nói trên. Tuy nhiên, do tiền gửi vượt dự trữ bắt
buộc của tổ chức tín dụng tại NHNN, nếu có, bao giờ cũng lớn hơn lãi tiền gửi
vượt dự trữ bắt buộc mà NHNN trả cho họ, nên về toàn cục thì hành động giảm lãi
suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của NHNN vẫn có tác dụng góp phần giữ cho cung tiền không bị
ảnh hưởng (thay đổi).
Dự trữ bắt buộc
và ngân sách nhà nước
Một số người vẫn
lý giải việc NHNN giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và/hoặc tiền gửi vượt
dự trữ bắt buộc là để tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. Có lẽ lý giải này xuất
phát từ quan niệm sai lầm rằng vì NHNN là một cơ quan cấp bộ của Chính phủ nên
tiền chi ra từ NHNN cũng chính là tiền chi ra từ ngân sách.
Như trên đã phân
tích, khoản tiền mà NHNN “tiết kiệm” được từ giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt
buộc hay tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc chỉ có tác dụng đến cung tiền, và NHNN
không được chuyển khoản “tiết kiệm” này vào ngân sách. Cần nhớ rằng ngân sách
(Bộ Tài chính) muốn vay (không phải ”thu”) từ NHNN thì phải phát hành trái phiếu
để NHNN thông qua hệ thống ngân hàng thương mại mua vào. Tất nhiên, luật Việt
Nam hiện cũng cho phép Bộ Tài chính được vay trực tiếp NHNN trong một số trường
hợp đặc biệt (và xin nhấn mạnh
lại là vay, chứ không phải thu).
Tại sao lại giảm
lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ lần này?
Chắc chắn hành động
liên quan đến dự trữ bắt buộc lần này của NHNN cũng để lại không ít dấu hỏi.
Thứ nhất, tại sao
lại chỉ giảm lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ, mà không phải
là (cả) tiền đồng?
Trả lời: Đơn giản
vì lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng tiền đồng đã là 0% theo quy định
hiện hành. Việc hạ lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng tiền đồng xuống
mức âm là chưa có tiền lệ tại Việt Nam, và chỉ nên được xem xét trong tình huống nền kinh tế
phải đối mặt với tình trạng thiểu phát – là điều không đúng với thực tại.
Thứ hai, tại sao
lại giảm lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ?
Trả lời: Như trên
đã nói, có thể vẫn còn một số tổ chức tín dụng có dư thừa ngoại tệ không muốn
bán/cho vay ra nền kinh tế nên chọn gửi vào NHNN, vượt quá mức tiền gửi dự trữ
bắt buộc bằng ngoại tệ theo quy định, dù chỉ để hưởng lãi suất 0,05% như hiện tại.
Bằng việc giảm lãi suất tiền gửi vượt dự trữ tiền gửi bằng ngoại tệ này xuống
0%, và trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào như thể hiện qua sự mạnh lên
của tiền đồng so với đô la, nhất là xét đến mục tiêu giảm đô la hóa, hành động
này của NHNN có tác dụng khuyến khích tổ chức tín dụng chuyển sang quan hệ
mua-bán ngoại tệ thay vì tín dụng (vay-mượn) với NHNN và với nền kinh tế. Việc
NHNN giảm vay ngoại tệ từ tổ chức tín dụng thông qua hạ lãi suất này cũng làm
giảm rủi ro cho quỹ dự trữ ngoại hối khi đô la đảo chiều, mạnh lên so với tiền
đồng.
Thứ ba, tóm lại,
việc giảm lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là hành động nới
lỏng hay thắt chặt tiền tệ trong bối cảnh chính sách tiền tệ được kỳ vọng nới lỏng
thêm nữa như hiện nay?
Trả lời: Xét đến cùng, việc giảm vay-mượn ngoại tệ giữa tổ chức tín dụng với NHNN và với nền kinh tế làm giảm nạn đô la hóa nên cùng một lượng tiền cung ứng như hiện tại, việc giảm lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ có tác động tương đương việc tăng cung tiền, nới lỏng chính sách tiền tệ của NHNN, bởi mức độ thay thế tiền đồng bằng ngoại tệ trong các giao dịch sẽ giảm đi.
No comments:
Post a Comment