07:59 | 18/03/2012
Các động thái và chính sách liên quan đến tiền tệ được dư luận đặc biệt quan tâm trong suốt thời gian qua. Về chủ trương hạ lãi suất cách đây mấy hôm của mình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã có một số phát biểu và nhận định chưa hợp lý.
Thống đốc khẳng định: “Việc giảm lãi suất không phải nới lỏng tiền tệ và không tác động xấu đến lạm phát” (VnEconomy, 13.3). Như đã nói ở bài viết đăng trên Đại biểu Nhân dân (ra ngày 9.3), tác giả đã chỉ ra việc giảm lãi suất lần này của NHNN thực chất là kết quả của hành động bơm tiền của NHNN ra nền kinh tế thông qua hệ thống ngân hàng để tăng thanh khoản. Việc giảm lãi suất đồng thời cũng là kết quả của hành động NHNN mua một lượng lớn USD và qua đó tung thêm ra nền kinh tế (cũng thông qua hệ thống ngân hàng) một lượng lớn VND. Thanh khoản cải thiện với một lượng lớn VND được NHNN bơm thêm vào nền kinh tế đã kéo giảm lãi suất cho vay thương mại xuống, chứ không phải là do thị trường tự “vận động”, tự điều chỉnh, theo ý của Thống đốc.
Thêm nữa, cũng ở số báo trước chúng ta thấy Thống đốc NHNN đã tiết lộ thêm rằng sẽ tăng kỳ hạn (thậm chí lên 6 tháng) của các nguồn vốn của NHNN để “tạo ra cú hích ban đầu cho các tổ chức tín dụng có nguồn vốn để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng”. Tức là NHNN cũng sẽ tiếp tục bơm tiền vào hệ thống, và đáng chú ý là với kỳ hạn dài hơn. Một khi đã gián tiếp thừa nhận hành động hạ lãi suất vừa rồi là có liên quan đến việc bơm tiền của NHNN như phân tích ở trên thì NHNN không thể và không nên nói khơi khơi rằng đó “không phải là nới lỏng tiền tệ”. Và vì thế họ cũng không thể gạt bỏ một cách nhẹ hều khả năng đợt hạ lãi suất này sẽ tác động xấu đến lạm phát, bất chấp việc Thống đốc cho rằng yếu tố lạm phát do cung tiền “chỉ” chiếm khoảng 50% cấu thành lạm phát ở Việt Nam. Hàm ý cho các phân tích ở đây là chúng ta phải chuẩn bị cho một khả năng xấu xảy ra là lạm phát cao sẽ quay trở lại ngay trong năm nay.
Một phát biểu đáng chú ý nữa của Thống đốc là khi cho rằng: “Việc hạ lãi suất cũng giúp cho kỳ vọng lạm phát, kỳ vọng vào ổn định kinh tế tốt hơn” (VEF, 13.3). Đây e rằng là một nhận định rất ngược đời (ngoài chuyện ý tứ lủng củng), bởi kỳ vọng lạm phát chỉ có thể giảm đi khi lãi suất tăng lên. Hành động hạ lãi suất vừa qua sẽ góp phần làm tăng kỳ vọng lạm phát trong dân chúng, và vì thế sẽ làm tăng áp lực lạm phát trong những tháng tới.
Hoặc có lẽ ý Thống đốc muốn nói rằng khi dân chúng thấy NHNN phát đi tín hiệu hạ lãi suất và thực tế đã làm vậy thì họ sẽ phải tin rằng lạm phát sẽ không vượt qua được mức lãi suất mà NHNN ấn định, từ đó kỳ vọng lạm phát sẽ phải giảm đi chăng? Nếu có đúng như vậy thì đã sai lầm ở chỗ, kỳ vọng lạm phát (của dân chúng) không mấy khi đồng hành với niềm tin về lạm phát của NHNN cả. Một ví dụ thuyết phục nóng hổi là tính chính xác trong dự báo lạm phát của Chính phủ trong năm 2011.
Cũng có thêm một khả năng nữa là do chỉ “lỡ lời” khi nói như trên, chứ thực ra ý Thống đốc muốn nói rằng đây là hiện thực hóa chủ trương để chính sách chủ động dẫn dắt thị trường đi theo các mục tiêu đề ra, thay vì để cho thị trường dẫn dắt như trước đây, như được trích dẫn trên VnEconomy (14.3). Cụ thể, theo dẫn giải của tờ báo này thì cách làm của NHNN (tức tuyên bố chủ trương hạ lãi suất trước khi thực hiện một vài ngày) là một cách làm hay, khi đánh động người gửi tiền rằng lãi suất sẽ tiếp tục được giảm trong những quý tiếp theo. Kết quả là người gửi tiền hoặc sẽ tranh thủ gửi thêm tiền để kịp hưởng lãi suất hiện tại 14% trước khi bị đưa về dưới trần lãi suất 13%, và/hoặc người gửi tiền cũng sẽ cơ cấu lại kỳ hạn tiền gửi chuyển sang các kỳ hạn dài hơn để hưởng lãi suất cao hơn vì biết rằng càng ngày lãi suất càng hạ, nếu lúc đó mới đi gửi thì lãi suất được hưởng sẽ thấp hơn. Động thái “đánh động” này, vì thế, được kỳ vọng rằng sẽ làm tăng mạnh tiền gửi và kéo dài kỳ hạn gửi tiền ra, góp phần tích cực đến giảm lãi suất cho vay, cũng như áp lực và kỳ vọng lạm phát.
Nhưng đây mới chỉ là suy đoán và hiện thực thì còn phải đợi thực tế trả lời. Như đã chỉ ra trước đây, hành động áp trần lãi suất huy động về bản chất chỉ là hành động cưỡng bức người gửi tiền chia sẻ các tổn thất của hệ thống ngân hàng, của các doanh nghiệp và khách hàng vay tiền. Tuy nhiên, với một công cụ mang tính cưỡng đoạt, trái với quy luật thị trường như vậy thì nó chỉ có thể “bắt bí” được một số người gửi tiền nhất định không còn lựa chọn nào khác buộc phải gửi tiền vào hệ thống ngân hàng để hưởng một lãi suất bị... như vậy. Rất tiếc, số người này và, quan trọng hơn, số tiền của họ thường là rất có hạn. Phần đáng kể hơn nhiều là những người gửi tiền với số tiền lớn hơn, và thường là những người có nhiều lựa chọn hơn, sẽ tích cực tìm kiếm những cơ hội đầu tư cho lợi suất lớn hơn là lãi suất tiết kiệm không hấp dẫn này. Đó mới chính là cái mất mát lớán, và nguy cơ cho hệ thống ngân hàng, chứ không đơn giản diễn ra giống hệt như suy đoán của Thống đốc.
Cụ thể hơn, trong bài viết ngày 9.3 (trên báo ĐBND), tác giả đã cảnh báo rủi ro này, khi lập luận rằng nếu NHNN cứ khiên cưỡng với việc duy trì trần lãi suất và còn hạ thấp nó xuống thêm trong các quý sau thì sẽ càng làm hệ thống ngân hàng ngày càng phụ thuộc vào cung tiền của NHNN để mở rộng tín dụng và hạ lãi suất cho vay, trong khi người gửi tiền ngày càng xa lánh với việc gửi tiền vào hệ thống ngân hàng. Kết cục của việc “khuyến khích” sự ly khai của dân chúng có tài sản khỏi VND như thế này tất nhiên là áp lực lạm phát sẽ tăng lên, và theo đó là tỷ giá cũng sẽ tăng lên (VND tiếp tục mất giá).
Nay thì nỗi lo trên của tác giả cũng đã được lặp lại bởi Giám đốc IMF Việt Nam khi nhận định vào ngày 13.3 rằng: “Việc hạ trần lãi suất huy động xuống 13% có thể khiến các ngân hàng nhỏ và yếu kém rơi vào tình thế khó khăn hơn. Họ không thể huy động vốn từ người gửi tiền dù lãi suất là 14%, cho thấy tình trạng yếu kém của họ. Với lãi suất tiền gửi 13%, họ sẽ thậm chí khó khăn hơn nữa. Điều đó sẽ đẩy họ thậm chí cần nhiều hơn hỗ trợ thanh khoản từ NHNN”.
Những phân tích trên cho thấy dường như NHNN hoặc không nhận thức được một cách đúng đắn và đầy đủ, hoặc đã quá đơn giản hóa và xem nhẹ những tác động chính sách tiêu cực của mình lên hệ thống ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế. Rất mong lời cảnh tỉnh này đến được những địa chỉ cần đến.
No comments:
Post a Comment