Trong bài “Lạm phát,lãi suất hạ thì doanh nghiệp kiệt sức” trên VnExpress, đồng chí phóng viên có cho biết thế này: “Trong khi sản xuất có chậm lại thì tồn kho của các doanh nghiệp tăng gần 35% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó chế biến - bảo quản hoa quả tăng hơn 87%, sắt thép tăng gần 60%... Ngoài ra, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ cũng chỉ tăng khoảng 5% so với cùng kỳ nếu loại trừ yếu tố giá. Theo các chuyên gia kinh tế, những chỉ báo nêu trên là những dấu hiệu đầu tiên của hiện tượng đình đốn trong sản xuất.”
Thông thường, khi sản xuất có dấu hiệu “đình đốn” (cứ cho là đúng như vậy) vì tồn kho tăng cao thì có nghĩa là cung đang vượt cầu (cung có thể giữ nguyên như trước nhưng cầu đã bị giảm bởi chính sách tiền tệ thắt chặt). Cũng cần nói thêm với các đồng chí chuyên gia kinh tế liên quan là sản xuất trong tình trạng như vậy thì không thể gọi là đình đốn được vì năng lực sản xuất đâu có bị mất mát, sứt mẻ, ảnh hưởng? Chủ doanh nghiệp không thể duy trì và tăng sản xuất lên đơn giản chỉ vì họ không tiêu thụ hết sản phẩm của mình với giá như hiện tại, nên mới làm tăng tồn kho, dẫn đến sản xuất không có lãi nữa nên phải sản xuất cầm chừng hoặc thu hẹp sản xuất.
Mà như tớ đã viết trong bài “Cáchthức nhanh nhất, an toàn nhất để phục hồi và tăng trưởng bền vững”, việc cần làm đối với các doanh nghiệp hiện nay là phải hạ giá để giải phóng tồn kho, chứ không thể, không nên trông đợi vào chính sách tiền tệ nới lỏng của NHNN, sự “thấu hiểu” và “tốt bụng” của các ngân hàng thương mại khi sẽ tiếp tục cho vay tiền (với lãi suất hợp lý) để doanh nghiệp cầm cự. Cũng trong hoàn cảnh này thì chẳng doanh nghiệp nào nên tiếp tục vay ngân hàng để sản xuất và mở rộng sản xuất thêm rồi tiếp tục chất đống sản phẩm ở trong kho. Còn các doanh nghiệp như sắt thép, xi măng v.v... thì có “chết” cũng không có gì oan cả vì tự mình nhảy vào trào lưu sản xuất ra chúng để rồi dư thừa quá mức, bất chấp những cảnh báo sớm.
Thế mà đồng chí Kiêm cho rằng: “...Vấn đề lớn nhất đối với các cơ sở sản xuất hiện nay là lãi suất cao và khả năng tiếp cận vốn. Tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp, dẫn đến giải thể, đóng cửa ở quy mô lớn. Trong trường hợp này, hậu quả sẽ không còn dừng lại ở kinh tế mà sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới xã hội khi rất nhiều công ăn việc làm bị mất”.
Thật oái oăm khi đồng chí Kiêm và các đồng chí hướng khác của đồng chí Kiêm “xui”, hoặc dồn doanh nghiệp vào con đường tự mình chôn mình và làm khó cho cả nền kinh tế với việc tăng áp lực ép NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ và hạ lãi suất nhằm tiếp cận vốn dễ hơn, lãi thấp hơn.
Lẽ ra, thay vì kiến nghị về phía doanh nghiệp như vậy (tớ cũng hiểu “hoàn cảnh” của đồng chí Kiêm, vì đồng chí là Chủ tịch Hội doanh nghiệp mà), thà đồng chí cứ kiến nghị Chính phủ tiếp tục nối lại một gói kích cầu “nổi tiếng” năm 2009 để kích thích dân chúng và doanh nghiệp cả nước tiêu thụ bằng hết sản phẩm tồn kho và, từ đó, hối thúc doanh nghiệp (và cũng là ngân hàng) bỏ thêm vốn đầu tư tăng sản xuất có phải hơn không? Tất nhiên, lúc đó đồng chí Kiêm cũng nên “lờ” đi (và cả tớ cũng nên tự nhét tay bịt mồm mình) các hậu quả của chính sách kích cầu cực kỳ “Việt Nam” của (Chính phủ) Việt Nam như hồi năm 2009-2010.
Tóm lại, những phát biểu dễ dãi với hàm lượng chất xám thấp của đồng chí Kiêm vẫn còn được chuộng, được trích dẫn tràn lan như hiện nay, tuy có thể khó hiểu một chút từ góc độ chuyên môn, nhưng lại dễ hiểu vì luôn đi kèm với những câu, đại loại, như: “Trong trường hợp này, hậu quả sẽ không còn dừng lại ở kinh tế mà sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới xã hội khi rất nhiều công ăn việc làm bị mất”, vốn rất được lòng công chúng (i.e., mị dân).
No comments:
Post a Comment