08:27 | 31/03/2012
Các nhà làm chính sách và giới chuyên gia đã xem nhẹ hoặc bỏ qua một trở ngại kỹ thuật rất quan trọng, bên cạnh một trở ngại lớn khác đến từ áp lực lạm phát buộc Ngân hàng Nhà nước phải rất thận trọng khi nới lỏng chính sách tiền tệ. Trở ngại kỹ thuật này chính là bẫy thanh khoản (liqudity trap).
Nguồn:: dangcongssan..vn |
Hiện tại, lãi suất đang bị trói bởi 2 trở ngại, bẫy thanh khoản (chứ không phải là thanh khoản chung chung như người ta vẫn đang nói đến) và áp lực lạm phát. Bẫy thanh khoản là tình trạng mà ở đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm tiền vào hệ thống ngân hàng thương mại nhưng vẫn không thể làm giảm lãi suất cho vay thương mại và do đó không kích thích được đầu tư và vì thế không kích thích được tăng trưởng.
5 trường hợp xảy ra bẫy thanh khoản
Bẫy thanh khoản xảy ra khi: (1) người dân/doanh nghiệp/ngân hàng thích nắm giữ tiền mặt hơn khi họ kỳ vọng rằng thời gian tới sẽ xảy ra thiểu phát, tức giá cả giảm đi. Lúc đó, dù có giữ tiền mặt thì trên thực tế số tiền đó của người ta vẫn tăng lên về giá trị trong tương lai tới; (2) người dân/doanh nghiệp/ngân hàng thích tích cóp, tiết kiệm hơn là đầu tư, chi tiêu. Trường hợp này xảy ra khi có suy thoái kinh tế hay triển vọng kinh tế u ám. Lúc đó tất cả các chủ thể kinh tế bi quan hơn và tiến hành “tích cốc phòng cơ”, đề phòng rủi ro bằng cách tăng cường tiết kiệm hơn là mang tiền ra chi tiêu, đầu tư. Cũng trong lúc suy thoái thì ngân hàng lại càng ngần ngại cho vay hơn vì sợ rủi ro đến từ các doanh nghiệp khách hàng phá sản, mất khả năng thanh toán. Vì vậy, NHNN hạ lãi suất cơ bản x% cũng không đồng nghĩa với lãi suất cho vay thương mại cũng sẽ giảm đi y% như kỳ vọng vì đơn giản là các ngân hàng không muốn cho vay để giảm rủi ro; (3) ngân hàng thiếu hụt thanh khoản. Các ngân hàng đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi nợ xấu nên tập trung củng cố bảng cân đối tài sản của mình, họ rất miễn cưỡng cho vay (vì sợ làm xấu thêm bảng cân đối tài sản); (4) ngân hàng không muốn chia sẻ lợi ích thu được từ việc NHNN hạ lãi suất chính sách, trần lãi suất huy động cho khách hàng vay tiền; và (5) nhà đầu tư không mặn mà với việc nắm giữ trái phiếu. Nếu lãi suất thấp một cách bất thường, người ta sẽ kỳ vọng lãi suất sẽ tăng trở lại. Khi đó, giá của trái phiếu sẽ sụt giảm đi (giá trái phiếu tỷ lệ nghịch với lãi suất của trái phiếu). Vì thế, nhà đầu tư/ngân hàng thà nắm giữ tiền mặt (cho những mục đích đầu tư khác) còn hơn là đầu tư vào trái phiếu.
Việt Nam đang hiện diện rõ nét 4 trường hợp
Ở Việt Nam, có thể thấy sự hiện diện rõ nét của tất cả các trường hợp trừ trường hợp (1), vì dù sao thiểu phát có xảy ra ở Việt Nam thì dường như cũng chỉ là trong thời gian ngắn và mức độ không lớn như ở các nền kinh tế đã phát triển khác. Các trường hợp (2), (3) và (4) khá hiển nhiên nên có lẽ không cần giải thích thêm. Riêng trường hợp (5), cần nói thêm một chút rằng kỳ vọng lạm phát đã có xu hướng tăng trở lại sau một loạt động thái tăng giá các hàng hóa cơ bản như xăng dầu, điện, và các hàng hóa phải nhập khẩu, làm tăng thêm kỳ vọng lãi suất sẽ tăng lại trong thời gian tới khi NHNN buộc phải giảm áp lực lạm phát bằng thắt chặt lại chính sách tiền tệ.
Như vậy, để hạ được lãi suất cho vay thương mại một cách thực sự và có ý nghĩa, trong hoàn cảnh NHNN vẫn bị trói tay bởi áp lực và kỳ vọng lạm phát thì đi kèm với mỗi một động thái nới lỏng có chừng mực (đúng hơn là rất hạn chế) cung tiền của NHNN (để không làm tăng áp lực lạm phát), nhất thiết cần phải có những biện pháp xử lý tình trạng ngân hàng giữ tiền hoặc chỉ cho vay loanh quanh trên thị trường liên ngân hàng mà không muốn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng vay (với lãi suất thấp hơn so với trước khi NHNN nới lỏng cung tiền).
Theo lý thuyết, trong bối cảnh có suy thoái hoặc thiểu phát thì một biện pháp trong số này là phát tiền trực tiếp cho người tiêu dùng để kích cầu. Biện pháp khác là tăng chi tiêu Chính phủ, cũng nhằm mục đích kích cầu và cân bằng với cắt giảm đầu tư và chi tiêu từ khu vực tư nhân. Nhưng, như lưu ý ở đây, 2 biện pháp này (may ra) chỉ có tác dụng trong bối cảnh có suy thoái và thiểu phát. Và, nói “may ra” bởi không phải lúc nào 2 biện pháp này cũng thành công, như kinh nghiệm ở Nhật và các nước phát triển khác trong các cơn suy thoái kinh tế đã cho thấy. Ở Việt Nam, hiện vẫn còn quá sớm để nói rằng nền kinh tế đang (sắp) phải đối mặt với suy thoái và/hoặc thiểu phát, khi tăng trưởng cho dù giảm mạnh ở quý I năm nay thì vẫn là 4%/năm, còn lạm phát tuy có đang giảm đi thì vẫn ở mức 14,5% vào tháng 3 này và hy vọng sẽ kéo về được khoảng 9% vào cuối năm ở kịch bản lạc quan. Như vậy, 2 giải pháp trên không áp dụng được ở Việt Nam như hiện tại.
Chắc không ít người sẽ nhắc ngay đến giải pháp là áp trần lãi suất cho vay. Nhưng áp trần lãi suất cho vay không đồng nghĩa với việc buộc các ngân hàng tích cực cho vay hơn, nhất là ở lãi suất bằng hoặc dưới trần lãi suất cho vay, một cái trần rất phi kinh tế. Như thế, theo hướng hạ lãi suất kiểu này (đi từ NHNN), chỉ còn 1 giải pháp là NHNN hoặc các cấp chính quyền chỉ định/ra lệnh các ngân hàng thương mại cho vay theo nhu cầu vốn của khách vay và với các điều kiện có lợi cho khách vay. NHNN mới đây đã ban hành một cái lệnh có hơi hướng như vậy khi buộc các ngân hàng thương mại có cổ phần nhà nước chi phối phải cắt giảm chi phí ngõ hầu giảm lãi suất cho vay. Nhưng cũng có thể thấy rằng từ chuyện cắt giảm chi phí cho đến cho vay nhiều hơn và với lãi suất rẻ hơn là 2 chuyện khác xa nhau, trừ khi NHNN trực tiếp yêu cầu phải cho doanh nghiệp này và khu vực kia vay bao nhiêu vốn và với lãi suất là bao nhiêu.
Còn giải pháp nào hạ lãi suất nữa không?
Cách thức an toàn nhất và nhanh nhất để hạ lãi suất cho vay thương mại vẫn là nhanh chóng xóa bỏ ngay trần lãi suất huy động, không áp trần lãi suất cho vay, để cho các ngân hàng thương mại thiếu thanh khoản hoặc có bảng cân đối tài sản xấu có thể huy động được thêm vốn từ nền kinh tế. Những ngân hàng này, và những ngân hàng lành mạnh khác, sẽ có thêm vốn huy động từ nền kinh tế (chứ không phải từ NHNN, vốn sẽ tăng áp lực lạm phát) để cho vay với lãi suất tùy thuộc vào chất lượng khách hàng. Từ đó, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp, người tiêu dùng tiếp cận được với vốn vay, cho dù lãi suất lúc này hoàn toàn thả nổi theo điều kiện thị trường.
Giải pháp này có thể bước đầu sẽ làm tăng mặt bằng lãi suất chung vì các ngân hàng sẽ đua nhau tăng lãi suất huy động và, do đó, có thể sẽ tăng lãi suất cho vay để bù đắp. Nhưng chính việc tăng lãi suất huy động sẽ tăng được nguồn huy động vốn, đáp ứng được nhu cầu vốn của ngân hàng cho các nhu cầu nội tại (giảm căng thẳng thanh khoản, làm đẹp bảng cân đối tài sản v.v...) và nhu cầu cho vay của mình (với lãi suất cho vay giả thiết là tăng lên). Đến một lúc nào đó, nhu cầu huy động vốn sẽ dần giảm đi và thậm chí trở nên bão hòa vì các nhu cầu nội tại đã được đáp ứng (một phần) và đầu ra thì bị giới hạn bởi lãi suất cao, không phải người đi vay nào cũng chấp nhận. Lúc đó, ngân hàng sẽ có xu hướng điều chỉnh cắt giảm cả 2 loại lãi suất đầu vào và đầu ra, kích thích được đầu tư với lãi suất cho vay giảm đi, trong bối cảnh kỳ vọng lạm phát cũng đã “xẹp” đi nhờ tác dụng của việc tăng lãi suất huy động. Việc giảm mặt bằng lãi suất lúc này còn có thêm một thuận lợi lớn nữa từ tăng cung tiền NHNN khi mà áp lực lạm phát đã giảm đi rõ rệt, xuống đến mức an toàn cho hành động nới lỏng chính sách tiền tệ.
No comments:
Post a Comment