Đây là bản gốc. Bản đăng trên TBKTSG số ra 14/3/2013 đã bị
cắt bớt một vài đoạn.
http://www.thesaigontimes.vn/Home/taichinh/nganhang/93029/Co-nen-pha-gia-tien-dong-khong?.html
--------------------------------------------------http://www.thesaigontimes.vn/Home/taichinh/nganhang/93029/Co-nen-pha-gia-tien-dong-khong?.html
(TBKTSG) - LTS: Đã có nhiều ý kiến khác nhau về việc điều chỉnh hay giữ nguyên tỷ giá kèm theo là những phân tích tác động lên nền kinh tế. Số báo tuần này, TBKTSG giới thiệu một ý kiến nữa, với một số góc nhìn mới hơn để bạn đọc tham khảo.
Gần đây chuyện có nên phá giá VND lại có dịp làm nóng dư
luận với bên phản đối phá giá nắm phần áp đảo tuyệt đối với rất nhiều lý lẽ
nghe hết sức thuyết phục so với bên ủng hộ phá giá vốn đã ít lại chỉ đưa ra được
một (số) ít lý lẽ chưa đủ sức nặng, chủ yếu là dựa trên chuyện xuất khẩu sẽ
tăng lên. Trong bài viết này chúng ta
sẽ vạch ra các sai lầm và/hoặc chưa hoàn toàn chính xác trong
các lập luận của bên phản đối, đồng thời bổ sung thêm một số lý do làm tăng sức
nặng cho bên ủng hộ.
Thứ nhất, bên
phản đối cho rằng điều chỉnh tỷ giá (phá giá) sẽ làm gia tăng lạm phát và cản
trở những nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô.
Có thể nói đây là một trong những lý do chính được bên phản
đối đưa ra làm hậu thuẫn cho việc không nên phá giá. Theo
cách hiểu trên thì tỷ giá gây ra lạm phát và vì thể để chống lạm phát cần phải ổn
định tỷ giá. Nhưng trên thực tế, đa phần áp lực đẩy tỷ giá tăng (nội tệ mất
giá) là xuất phát từ lạm phát. Và lạm phát thì lại thường là kết quả trực tiếp và
chủ yếu của chính sách tiền tệ nới lỏng gây ra. Vì thế, có thể nói hành động ổn
định tỷ giá để kiềm chế lạm phát như vậy về bản chất là vừa không trị đúng nguồn
gốc căn bệnh lạm phát là do cung tiền tăng, lại vừa tốn kém một cách vô ích vì
phải dùng quỹ dự trữ ngoại hối để can thiệp bình ổn tỷ giá mà rốt cuộc vẫn phải
phá giá (như nói thêm dưới đây).
Thứ hai, bên phản đối lo ngại rằng nếu điều chỉnh VND
3%-4% hàng năm như theo đề xuất của một số người sẽ làm gia tăng kỳ vọng tỷ giá
và phá vỡ những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc bình ổn tỷ giá
và tâm lý thị trường; niềm tin đối với giá trị VND dễ bị mài mòn.
Cần thấy rằng
trên bề mặt thì lời
tuyên bố giữ ổn định tỷ giá của NHNN có vẻ như sẽ tạo lập được niềm tin cho thị
trường khi môi trường kinh doanh bớt đi một yếu tố bất trắc. Nhưng cái thiện ý
này của NHNN lại khuyến khích các doanh nghiệp đi vay bằng ngoại tệ để sản xuất
kinh doanh với lợi rõ ràng là lãi suất đi vay ngoại tệ thấp hơn hẳn rất nhiều
so với VND, trong khi đáng chú ý là nhiều trong số họ có doanh thu bằng VND. Tình
trạng bất đối xứng đồng tiền (currency mismatch) như vậy sẽ gây thêm áp
lực rất lớn cho NHNN trong việc cố gắng thực hiện mục tiêu ổn định tỷ giá, đặc
biệt khi thời hạn trả nợ các khoản vay ngoại tệ đến dồn dập vào thời điểm nào
đó (cuối năm).
Ngoài ra, niềm tin đối với VND và tâm lý thị
trường chỉ có thể ổn định một cách vững chắc khi có thêm những điều kiện kinh
tế vĩ mô vững chắc, là những điều kiện làm hậu thuẫn cho tỷ giá VND ổn định.
Những điều kiện đó bao gồm (nhưng không chỉ giới hạn ở) chính sách tiền tệ thận trọng (không bơm tiền quá liều), lạm phát (trước
đó) không quá lớn, cán cân thương mại/vốn thăng bằng/thặng dư, dự trữ ngoại tệ
đủ lớn, NHTW độc lập tương đối với Chính phủ và không bị áp lực phải in tiền tài
trợ cho thâm hụt ngân sách, tỷ giá trước đó đã được biến động linh hoạt và NHTW
không cam kết ổn định tỷ giá thái quá và bằng mọi giá, lưu chuyển vốn vào ra khỏi
Việt Nam bị kiểm soát chặt chẽ, xuất khẩu không bị áp lực phải tăng trưởng mạnh
(trong đó có nhờ đến phá giá) nhằm bù đắp cho nhu cầu thị trường nội địa suy giảm
(như hiện nay) làm tăng trưởng kinh tế và việc làm bị tụt xuống dưới mức tiềm
năng v.v.. Dễ thấy là nhiều trong số những điều kiện nền tảng này đã và đang không
được đảm bảo ở Việt Nam. Một khi các điều kiện này đã bị vi phạm thì việc ổn định
tỷ giá bất chấp các nền tảng yếu ớt sẽ chỉ mang tính nhất thời, ngắn hạn và sớm
muộn NHNN cũng phải “buông” ra một cách mạnh mẽ, như hồi năm 2011.
Thị trường biết rõ điều này và chính vì thế nên mọi sự “kiên định” thái quá
của NHNN trong việc níu kéo tỷ giá chỉ làm tăng thêm kỳ vọng phá giá và đầu cơ
USD. Kỳ vọng này lại càng làm trầm trọng thêm áp lực phá giá VND, đẩy nhanh thời
điểm phải phá giá đến sớm hơn. Và một khi đã xảy ra thì mức độ phá giá phải lớn
hơn mức cần có để phục hồi lại các nền tảng ổn định tỷ giá trở lại.
Nói cách khác, ổn định tỷ giá bất chấp các nền tảng lung lay như hiện nay sẽ
mang đến nhiều thiệt hại hơn để đổi lấy cái gọi là niềm tin, vốn mông lung, có
điều kiện, và rất mong manh trong hoàn cảnh hiện tại.
Thứ
ba: bên
phản đối cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá sẽ làm tăng mức độ nợ công của nền
kinh tế.
Đây là một sai lầm rất phổ biến trong mọi
giới ở Việt Nam. Như trong bài viết sau trên VEF,http://vef.vn/2011-11-05-nen-doi-xu-nhu-the-nao-voi-ty-gia-usd-
tác giả đã chỉ ra rằng để ổn định tỷ giá
nhằm tránh tăng gánh nặng trả nợ công của Việt Nam quy ra theo VND thì NHNN
phải trả giá thay Chính phủ bằng việc sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối của mình.
Tức là thiệt hại do tăng nợ công lẽ ra Chính phủ phải gánh thì nay gánh nặng
này lại được đẩy sang NHNN, gánh nặng nợ chỉ đổi từ vai phải sang vai trái của
quốc gia. Khi ổn định tỷ giá bằng quỹ dự trữ ngoại hối (tài sản công) thì chỉ
có khu vực doanh nghiệp và cá nhân là được lợi hoàn toàn vì họ được “bù lỗ”,
“trợ cấp” bằng tài sản công. Việc này càng khuyến khích doanh nghiệp và tư nhân vay nợ
nước ngoài, như đã nói ở điểm thứ hai
Thứ
tư:
bên phản đối cho rằng phá giá không nhất thiết làm tăng xuất khẩu, cải thiện
cán cân thương mại. Lý do họ đưa ra là do tỷ trọng nhập khẩu trong sản xuất
trong nước và xuất khẩu quá lớn, bởi thế khi phá giá sẽ làm giá cả hàng nhập
khẩu tăng và nhập siêu trầm trọng quay trở lại.
Bên phản đối đã bỏ qua/nhầm lẫn một tác
dụng rất quan trọng của phá giá là kích thích tăng lượng xuất khẩu (vì làm giảm
giá hàng xuất khẩu quy ra USD từ đó làm tăng tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu
Việt Nam trên thị trường quốc tế), và đồng thời giảm lượng nhập khẩu (vì làm
tăng tương đối giá hàng nhập khẩu quy ra VND so với hàng hóa tương ứng sản xuất
trong nước). Doanh số tăng từ khối lượng xuất khẩu tăng thường sẽ lớn hơn phần
doanh số sụt giảm do giá xuất khẩu của Việt Nam giảm một chút so với đối thủ
khác.
Còn nhập khẩu, đồng ý rằng giá tính ra VND
có tăng lên, nhưng giá nhập khẩu bằng USD thì không đổi trước và sau khi phá
giá VND. Nhưng vì lượng nhập khẩu phải giảm đi, nên doanh số nhập khẩu tính
bằng USD sẽ giảm đi. Kết hợp với doanh số xuất khẩu tăng lên, doanh số nhập
khẩu giảm đi sẽ càng làm cho cán cân thương mại được cải thiện và thậm chí
thặng dư, hậu thuẫn cho sự ổn định vững chắc của tỷ giá VND.
Thứ
năm: bên
phản đối cho rằng nếu phá giá VND thì niềm tin và dòng vốn đầu
tư nước ngoài có thể bị ảnh hưởng, bởi họ bị “móc túi” khi rót vốn vào Việt Nam
(do tỷ giá tăng nên giảm lợi nhuận ra nước ngoài).
Niềm tin chỉ là một khái niệm tương đối.
Nhà đầu tư còn mất niềm tin hơn nữa khi NHNN trước đó còn khăng khăng tuyên bố
“kiên định” với ổn định tỷ giá thì đùng một cái sau vài ngày, vài tuần, vài
tháng lại phải phá giá (mạnh) khi không thể đỡ được với áp lực thị trường.
Ngược lại, niềm tin sẽ có nhiều hơn một cách tương đối nếu nhà đầu tư được nghe
NHNN tuyên bố rằng tỷ giá sẽ linh hoạt biến động (không quá mạnh). Trên hết,
ngày này hầu như chẳng có mấy nước có chính sách tiền tệ độc lập lại cố định tỷ
giá nội tệ với USD cả và chuyện phá giá thì ngay cả những nền kinh tế phát
triển các NHTW vẫn thỉnh thoảng can thiệp phá giá nội tệ (một cách bất ngờ).
Nếu lập luận như trên thì hóa ra các nhà đầu tư nước ngoài xa lánh hầu hết các
thị trường đầu tư trên thế giới ư?
Còn chuyện nhà đầu tư bị
“móc túi” khi VND bị phá giá. Có thể vậy, đặc biệt với những nhà đầu tư ngắn
hạn vào các sản phẩm tài chính, tìm cách ăn chênh lệch lãi suất. Nhưng loại nhà
đầu tư này và dòng vốn mà họ mang vào (FII) thực ra là điều không nên/không
được khuyến khích ở nhiều nơi trên thế giới. Chuyện VND thỉnh thoảng bị phá giá
đột ngột lại làm họ nản chí, chỉ còn lại những người muốn đầu tư dài hạn (FDI).
Theo đúng quy luật thị trường công bằng, muốn đánh nhanh thắng nhanh thì phải
chịu rủi ro đến nhanh và nhiều.
Xét thêm về dòng vốn FDI, có hai loại FDI
chính có thể được lợi, bị hại rõ ràng khi VND thỉnh thoảng bị phá giá (lưu ý rằng
vì là FDI nên ở đây ta chỉ xét đến việc xảy ra trong ít nhất là trung hạn, chứ
không chỉ là vài tháng, 1 năm như với FII). Với dòng FDI vào sản xuất để thay
thế cho hàng nhập khẩu (tức là hướng vào thị trường trong nước), do nguồn thu
của nhà đầu tư này chủ yếu là VND thì đương nhiên là sẽ bị thiệt khi chuyển
doanh thu VND ra USD để thanh toán đơn nhập khẩu và chuyển lợi nhuận về quê nhà.
Nhưng đây chỉ là hậu quả tức thời diễn ra trong và sau một thời gian ngắn sau
khi phá giá VND. Còn về dài hạn hơn, phá giá VND làm nhập khẩu giảm sút vì bớt
tính cạnh tranh với hàng sản xuất trong nước, nên các chủ đầu tư FDI hướng nội
này được hưởng lợi nhờ thị trường mở rộng, đồng nghĩa với lợi nhuận VND thu
được tăng lên, và như thế có nghĩa là lợi nhuận quy ra USD không nhất thiết
giảm đi, mặc dù tỷ giá đã tăng.
Ngược lại, đối với FDI hướng xuất khẩu thì
có thể thấy cái lợi rõ hơn chủ yếu nhờ tăng được lượng xuất khẩu do có giá bán
tính theo USD cạnh tranh hơn, từ đó có thể đảm bảo lợi nhuận chuyển về nước
không bị ảnh hưởng do phá giá. Không phải ngẫu nhiên nhà đầu tư FDI hướng xuất
khẩu thường chọn những nước có chi phí và giá thành sản xuất hạ để đầu tư,
trong đó việc phá giá của nước sở tại để hạ chi phí sản xuất tính theo USD là
một biện pháp thực tiễn.
Thứ
sáu:
bên phản đối cho rằng khi phá giá VND, tác động ngược là nhập khẩu lạm
phát. Nguy cơ lạm phát cao trở lại sẽ có thêm “cú hích”. Để chống lạm phát cao,
một giải pháp kinh điển và quen thuộc tại Việt Nam những năm qua là tăng lãi suất,
làm tổn hại đến quá trình phục hồi kinh tế.
Với lập luận trên, lật ngược lại, nếu cương quyết không phá giá thì, ngoài
biện pháp hành chính vốn không mấy hữu hiệu, NHNN thường phải tăng cầu VND tương
đối so với USD, thông qua hoặc bơm thêm USD ra, hoặc ngừng mua vào USD, hoặc
rút bớt VND về. Vì cầu VND tăng tương đối nên lãi suất VND sẽ có xu hướng tăng
lên nhưng chính trong quá trình NHNN “kiên định” không phá giá VND, chứ không
phải là khi chủ động phá giá VND. Nói cách khác, việc lãi suất VND tăng là việc
có khả năng xảy ra ngay khi NHNN cố tình không phá giá VND.
Ngược lại, khi NHNN chủ động phá giá VND thì NHNN sẽ tăng cung VND tương đối so với USD. Tăng cung VND sẽ dẫn đến hậu quả là lãi suất sẽ (có xu hướng) giảm, chứ không phải là lãi suất tăng như bên phản đối lo ngại. Tất nhiên, sau tăng cung VND thì áp lực lạm phát sẽ tăng lên, nhưng đây là quá trình xảy ra sau đó, với một độ trễ nào đó (mà người ta cho là 3 tháng, 6 tháng gì đó), chứ không phải là xảy ra ngay. Và khi lạm phát đã tăng lên thì cũng cần phải có một độ trễ nữa thì mới dẫn đến lãi suất được điều chỉnh tăng lên. Nói cách khác, nền kinh tế vẫn được hưởng lợi ngay từ việc lập lại cán cân thương mại và lãi suất hạ đi trước khi nó (lãi suất) có dịp tăng lại (và cũng cần thêm một thời gian nữa, nếu có tăng) thông qua áp lực tăng lạm phát.
Thứ bảy (có liên quan đến phá giá
VND): Nhiều chuyên gia cho rằng lãi suất ở Việt Nam cao (gần) nhất thế giới thì
hàng hóa sản suất ở Việt Nam không thể cạnh tranh được với các nước khác (vì
đầu vào là lãi suất làm tăng chi phí sản suất ở Việt Nam). Ngược lại, khi NHNN chủ động phá giá VND thì NHNN sẽ tăng cung VND tương đối so với USD. Tăng cung VND sẽ dẫn đến hậu quả là lãi suất sẽ (có xu hướng) giảm, chứ không phải là lãi suất tăng như bên phản đối lo ngại. Tất nhiên, sau tăng cung VND thì áp lực lạm phát sẽ tăng lên, nhưng đây là quá trình xảy ra sau đó, với một độ trễ nào đó (mà người ta cho là 3 tháng, 6 tháng gì đó), chứ không phải là xảy ra ngay. Và khi lạm phát đã tăng lên thì cũng cần phải có một độ trễ nữa thì mới dẫn đến lãi suất được điều chỉnh tăng lên. Nói cách khác, nền kinh tế vẫn được hưởng lợi ngay từ việc lập lại cán cân thương mại và lãi suất hạ đi trước khi nó (lãi suất) có dịp tăng lại (và cũng cần thêm một thời gian nữa, nếu có tăng) thông qua áp lực tăng lạm phát.
Cần xem lại lập luận này. Lãi suất cao
thường xảy ra trong tình trạng có lạm phát cao. Trong hoàn cảnh này, tỷ giá
luôn có xu hướng bị điều chỉnh tăng lên (VND bị phá giá, nếu tỷ giá đã bị kìm
trong một thời gian nào đó). Khi tỷ giá đã tăng thì tức là giá hàng sản xuất
tại Việt Nam bằng VND tuy có thể tăng (do lãi suất tăng) nhưng tính theo USD
không nhất thiết sẽ tăng theo, tùy thuộc vào mức độ phá giá VND. Mà như thế
cũng tức là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam vẫn có cơ hội cạnh tranh được với
hàng hóa sản xuất tại nước ngoài, nếu không mù quáng kìm hãm tỷ giá. Ngược lại,
nếu mù quáng kìm hãm tỷ giá (danh nghĩa) thì đương nhiên là hàng hóa Việt Nam
mất tính cạnh tranh vì giá thành của chúng tính bằng USD đã tăng do giá thành
tính bằng VND cũng tăng sau khi tăng lãi suất đi vay bằng VND, còn tỷ giá thì
không đổi.
Kết luận lại, có nhiều lý do hợp lý hơn để
NHNN phải xem xét đến việc tiến hành phá giá VND hơn là “kiên định” với ổn định
tỷ giá trong hoàn cảnh hiện nay. Trên hết, không phải ngẫu nhiên nhiên mà chính phủ các nước
trên thế giới đều tìm cách hạ giá nội tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế và
việc làm, như đang chứng kiến hiện nay. Nếu có/biết phải phá giá thì cần tránh mọi tuyên bố như
kiểu hoặc kiên quyết ổn định tỷ giá, hoặc sẽ phá giá (hay điều chỉnh) trong
khoảng, ví dụ, 3%-4%/năm. Một lập trường tỷ giá bất định đối với thị trường, như
cung cách thường làm ở các NHTW trên thế giới là điều khôn ngoan hơn, xét trên
mọi lẽ.
No comments:
Post a Comment