Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua bắt buộc Ngân hàng Xây dựng và Ngân hàng Đại dương với giá 0 đồng/cổ phần đã đặt ra một loạt câu hỏi thiết thực và sát sườn: Liệu các vụ quốc hữu hóa ngân hàng như thế này có làm cho nhà đầu tư hoảng sợ, tháo chạy khỏi hệ thống ngân hàng không? Ai sẽ bảo vệ nhà đầu tư khi họ bỏ tiền vào ngân hàng mà mất sạch? Và trách nhiệm cơ quan quản lý ở đâu và như thế nào...?
Để trả lời những câu hỏi này, trước tiên cần
hiểu về bối cảnh cho những vụ quốc hữu hóa, mua lại bắt buộc với cái giá 0 đồng
này.
Các ngân hàng thuộc diện
bị mua lại bắt buộc với cái giá 0 đồng trên và sau này, nếu có, đều là các ngân
hàng cực kỳ yếu kém, vốn chủ sở hữu thậm chí đã tụt xuống âm. Thực chất các
ngân hàng này đã lâm vào tình trạng phá sản kỹ thuật, không được phép tồn tại
và hoạt động theo luật định, và thuộc diện bị/cần cho phá sản. Nhưng NHNN đã có
phương châm không để ngân hàng nào phá sản, chủ yếu với lý do e ngại sự phản ứng
dây chuyền thái quá của nhà đầu tư cũng như người gửi tiền ở các ngân hàng này
và các ngân hàng còn lại trong hệ thống, có nguy cơ dẫn đến sự đổ vỡ của cả hệ
thống.
Bởi vậy, phương sách
thay thế đỡ tệ hơn việc để cho các ngân hàng này phá sản là mua lại bắt buộc với
giá 0 đồng, và việc này là hợp pháp vì đã được luật hóa theo Quyết định 48/2013/QĐ-TTg. Vì
là được mua lại (bắt buộc) nên trên danh nghĩa các ngân hàng này vẫn tồn tại,
và trên thực tế đã bị quốc hữu hóa, biến thành ngân hàng 100% thuộc sở hữu nhà
nước. Tất nhiên, để các ngân hàng này hoạt động bình thường trở lại, phù hợp và
đáp ứng các luật lệ và tiêu chuẩn an toàn hoạt động thì NHNN phải tốn thêm một
mớ tiền nhiều chục nghìn tỷ đồng nữa, cùng với hàng loạt hành động đằng sau hậu
trường từ nhân sự đến xử lý tồn đọng liên quan đến pháp lý...
Trong bối cảnh như vậy,
nhà đầu tư và cả người gửi tiền đã và nên hiểu rằng từ bây giờ trở đi tuy vẫn
có thể NHNN không để cho ngân hàng nào phá sản nhưng tài sản của nhà đầu tư và
người gửi tiền sẽ không còn luôn tuyệt đối an toàn nữa. Với nhà đầu tư mua cổ
phần ngân hàng, cổ phần của họ có thể vẫn còn đó, nhưng sẽ có thể chỉ còn là mớ
giấy lộn. Với người gửi tiền, có thể tiền gửi của họ vẫn sẽ được chi trả dưới
thời “ông chủ” mới nhưng trong giai đoạn lộn xộn khi ngân hàng bị đặt trong diện
mua lại bắt buộc thì việc rút tiền ra có thể có thời điểm nào đó bị đóng băng.
Như thế, khó mà nói rằng
nhà đầu tư và người gửi tiền sẽ hoảng sợ, không còn muốn đầu tư hay gửi tiền
vào hệ thống ngân hàng nữa. Vẫn còn nhiều ngân hàng lành mạnh trong hệ thống
ngân hàng đáng để đầu tư, và khả năng đổ vỡ của hệ thống đã và đang được kiểm
soát tốt bởi NHNN. Nhưng có một điều chắc chắn rằng nhà đầu tư và người gửi tiền
từ nay trở đi sẽ phải thận trọng hơn với đồng tiền của mình, không còn và không
nên giữ tinh thần “lãi mình hưởng, thiệt hại nhà nước chịu” để nhắm mắt đổ tiền
vào bất cứ ngân hàng nào sinh lợi cao bất chấp rủi ro đổ vỡ như thế nào.
Về câu hỏi, ai sẽ bảo vệ
nhà đầu tư để tránh tình trạng bỏ tiền ra rồi mất sạch khi bị NHNN mua lại với
giá 0 đồng, và trách nhiệm của cơ quan quản lý. Nhà đầu tư trước tiên phải tự bảo
vệ mình. Việc đầu tư luôn là việc mạo hiểm, kèm rủi ro, ở nhiều mức độ khác
nhau, tùy thuộc vào bản chất và hạng mục đầu tư của mình. Bởi vậy, sự nhanh nhậy,
tính toán khôn ngoan, cẩn trọng luôn là điều cần thiết trước và trong mỗi quyết
định đầu tư. Với trường hợp các ngân hàng bị mua lại như trên, nếu khôn ngoan,
tỉnh táo thì nhà đầu tư đã phải rút vốn, thậm chí bán tống bán tháo được đồng
nào hay đồng đó từ rất sớm, khi có dấu hiệu rằng các ngân hàng này đang gặp rắc
rối. Nhưng cũng có thể vì không biết, không quan tâm, vì hy vọng rằng mọi chuyện
sẽ ổn thỏa, vì tiếc tiền... nên nhiều nhà đầu tư mắc kẹt, không kịp thoát ra
trước khi mọi giao dịch cổ phiếu của ngân hàng bị đóng băng. Để liên hệ với
chuyện này, hãy cùng nhớ lại rằng mỗi khi các hãng lớn trên thế giới có một vấn
đề gì đó phát sinh, lập tức giá cổ phiếu của họ chao đảo, do hành động bán
tháo, cắt lỗ của nhà đầu tư trước nguy cơ hãng này bị sa vào những tình huống
khó khăn.
Tất nhiên, cũng như với
mọi thị trường hàng hóa và dịch vụ khác, nhà đầu tư trong thị trường ngân hàng
cũng được bảo vệ bởi các tầng lớp luật lệ và quy định, để đảm bảo tài sản của
nhà đầu tư không tự nhiên biến mất một cách oan ức và vô lý được. Nhưng sự bảo
vệ này cũng không có nghĩa là nhà đầu tư sẽ luôn an toàn, vô sự. Ngược lại, nhà
đầu tư, như đã nói ở trên, cần phải nhạy bén, khôn ngoan, tỉnh táo để phát hiện
ra những nguy cơ rủi ro trong khoản đầu tư của mình nếu đối chiếu với các quy định
và luật lệ hiện hành để mà có quyết định sớm về khoản đầu tư của mình.
Đồng thời cũng trên
phương diện luật định này, có thể chỉ ra ngay trách nhiệm của NHNN và các cơ
quan liên đới. Tuy đã ban hành nhiều luật định và có cơ chế và bộ máy theo dõi,
giám sát đồ sộ, nhưng những nhà quản lý đã không kịp thời phát hiện, cảnh báo
những trường hợp như Ngân hàng Xây dựng và Ngân hàng Đại dương để đến nỗi chúng
rơi vào tình trạng âm vốn chủ sở hữu thì mới có hành động đối phó. Lẽ ra, chỉ cần
vốn chủ sở hữu tụt xuống thấp hơn mức an toàn tối thiểu quy định cho cả hệ thống
thì NHNN đã phải hành động tương thích để ngăn chặn tình trạng của chúng tiếp tục
xấu đi, đe dọa đến tính an toàn của cả hệ thống. Bởi vậy, nếu cổ đông các ngân
hàng này nên trách mình một thì họ cũng có quyền và nên trách NHNN mười vì đã
không làm tròn trách nhiệm với tư cách là cơ quan quản lý, giám sát, gây thiệt
hại nặng nề cho họ.
Mặt khác, cũng cần phải
nhấn mạnh rằng có nhiều tầng lớp luật lệ, quy định cũng không có nghĩa là các
luật lệ và quy định hiện nay là hoàn thiện, đầy đủ rồi. Ngược lại, luôn có những
lỗ hổng lớn trong luật, như được minh họa qua các vụ án liên quan đến ngân hàng
gần đây, cho thấy nhu cầu phải bổ sung và hoàn thiện các luật lệ và quy định hiện
hành để bảo vệ hữu hiệu hơn nữa nhà đầu tư và người gửi tiền.
Chưa hết, trong trường hợp
mua lại các ngân hàng vừa qua, lẽ ra NHNN phải công khai hóa ngay từ đầu những
ngân hàng nào thuộc diện yếu kém, cần tái cơ cấu, và/hoặc những ngân hàng nào
đang bị đặt trong diện kiểm soát đặc biệt, là đối tượng cho những hành động tiếp
theo của NHNN v.v..., để các nhà đầu tư và người gửi tiền có quyết định phù hợp.
Tình trạng u u, minh minh, mập mờ về thông tin là một trong những nguyên nhân
cho những lời phàn nàn uất ức của một số nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ lẻ
không có cách gì biết được điều gì đang xảy ra đằng sau hậu trường các ngân
hàng này.
Nếu lo ngại việc minh bạch
và công khai hóa này sẽ làm rúng động cả hệ thống, thì NHNN có thể tái lập mạnh
mẽ cam kết của mình như không để đổ vỡ mang tính hệ thống, không để người gửi
tiền bị thiệt hại. Song song với đó, cần thiết phải sửa lại mức chi trả quy định
bảo hiểm tiền gửi vốn đã lạc hậu từ lâu. Nhà quản lý cũng cần tiến tới việc chấp
nhận để/buộc các ngân hàng yếu kém phá sản để các quy luật thị trường phát huy
đầy đủ tác dụng trong việc tưởng thưởng và trừng phạt nhà đầu tư.
------------------------
Cập nhật: Bài này đã bị gỡ xuống
------------------------
Cập nhật: Bài này đã bị gỡ xuống
Cập nhật tiếp
ngày 13/5: Một số bài khác của tớ gần
đây cũng đã bị gỡ xuống, chắc do áp lực của ai đó.
No comments:
Post a Comment