Lãi suất ở Việt
Nam hiện nay vẫn còn được cho là đang ở mức cao so với thế giới và đặc biệt là
khi so sánh tương đối với mức lạm phát đang khá thấp của Việt Nam. Bởi vậy, nhu
cầu hạ lãi suất là một nhu cầu chính đáng với người vay tiền ở Việt Nam hiện nay.
Vậy, trong thời gian tới, liệu có khả
năng lãi suất sẽ hạ đi?Hiện tại, có thể kể ra mấy yếu tố chính hỗ trợ cho việc giảm lãi suất trong thời gian tới (trong bài này tác giả chỉ nhìn từ 2 kênh tỷ giá và lạm phát).
Yếu tố hỗ trợ giảm lãi suất thứ nhất là áp lực buộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải can thiệp bình ổn tỷ giá VND/USD đã phần nào giảm đi sau khi NHNN tuyên bố phá giá VND thêm 1 điểm phần trăm hôm 7/5. Phá giá VND có lợi cho việc hạ lãi suất VND vì NHNN không còn phải bán ra USD và thu về VND để hỗ trợ cho tỷ giá (nhiều) như trước nữa, và, do đó, tổng cung VND ra nền kinh tế không còn bị suy giảm nữa.
Trong trường hợp người nắm giữ USD thấy lợi vì tỷ giá đã leo lên tầm cao mới nên tăng cường bán ra để chốt lãi, gây áp lực làm tỷ giá giảm trở lại (tức VND tăng giá trở lại so với USD, như đã xảy ra ngay buổi chiều 7/5). Lúc đó, nếu muốn ổn định tỷ giá ở mức mới để có lợi cho cán cân thương mại, NHNN sẽ phải mua vào USD và tăng cung VND ra. Hành động này cũng sẽ có ích cho việc hạ lãi suất VND.
Yếu tố hỗ trợ giảm lãi suất thứ hai là lạm phát đang ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm, làm cho lãi suất tiền gửi đã trở nên thực dương lớn. Việc tăng cung VND qua kênh tỷ giá như nói ở trên, và nếu có thêm việc tăng cung VND của NHNN (tức nới lỏng chính sách tiền tệ) một cách chủ động ở một mức độ nhất định để hạ lãi suất thì lãi suất tiền gửi tuy chịu áp lực hạ đi nhưng vẫn ở mức thực dương, không hoàn toàn làm người có tiền gửi chuyển hết sang nắm giữ các tài sản khác. Lãi suất tiền gửi hạ đi đến lượt nó sẽ gây áp lực giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng.
Ngược lại, có mấy yếu tố trái chiều gây áp lực tăng lãi suất.
Thứ nhất, lạm phát thấp như vừa qua và hiện nay ở Việt Nam chủ yếu đến từ giá xăng dầu thế giới sụt giảm mạnh theo đà nối tiếp từ giữa năm trước. Nhưng đà giảm của giá xăng dầu thế giới có dấu hiệu chững lại, thậm chí có lúc còn bật lại mạnh mẽ gần đây, buộc giá xăng dầu trong nước cũng bị điều chỉnh tăng cao theo. Do vậy, lạm phát trong những tháng tới ở Việt Nam ra sao sẽ phụ thuộc một phần lớn vào chiều hướng biến động của giá xăng dầu quốc tế.
Cần lưu ý ở đây thêm một yếu tố liên đới gián tiếp chi phối lạm phát là thuế liên quan đến xăng dầu của Việt Nam. Tận dụng cơ hội giá xăng dầu vẫn còn tương đối thấp, chính phủ đã tăng thuế bảo vệ môi trường trong một động thái được cho là để bù hụt thu ngân sách. Việc này dẫn đến giá xăng dầu trong nước đã đột ngột tăng cao như vừa qua hơn nhiều so với mức tăng trên thị trường quốc tế.
Giá xăng trong nước còn chịu thêm áp lực tăng từ việc mất giá của VND, làm cho giá nhập khẩu xăng dầu tính bằng VND sẽ tăng lên. Những áp lực này chắc chắn sẽ được thể hiện ra ở con số lạm phat trong thời gian tới. Đó là chưa kể hàng loạt hàng hóa và dịch vụ, như giá điện và dịch vụ y tế, giáo dục, cũng đã và đang thi nhau được điều chỉnh tăng nhân đà lạm phát còn thấp.
Thứ hai, trong thời gian tới, nếu áp lực phá giá VND còn tiếp tục dồn nén do, ví dụ, nhập siêu tiếp diễn, và USD tiếp tục lên giá so với các bản tệ trên thế giới…thì NHNN có khả năng phải tiếp tục phá giá VND
thêm một vài điểm phần trăm nữa.
Việc tăng cung VND kể từ đợt phá giá ngày 7/5 cộng thêm với những lần tăng cung VND sau đó để phá giá VND đến lượt nó sẽ gây áp lực ngược trở lại lên lạm phát vì tăng cung VND sẽ làm tăng tổng cầu trong nước, cũng như làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu tính bằng VND. Lạm phát tăng buộc NHNN phải thận trọng với hạ lãi suất, hoặc thậm chí còn phải tăng lãi suất lên.
Nhưng lưu ý rằng tác động ngược trở lại của phá giá VND lên lạm phát thường là tác động đi sau, diễn ra sau khi phá giá, và phải cần một thời gian để nền kinh tế điều chỉnh và phản ánh tác động của VND rẻ hơn so với USD vào việc tăng lạm phát ở Việt Nam.
Như vậy, giả sử trong thời gian một vài tháng trước mắt, giá xăng dầu và các loại hàng hóa và dịch vụ cơ bản không tăng mạnh hơn (đáng kể) so với hiện tại thì có thể kỳ vọng mặt bằng lãi suất VND sẽ giảm đi một chút, chủ yếu tương đương với mức độ phá giá còn nhẹ của VND trong hôm 7/5 vừa rồi. Sau đó, vẫn giả sử các yếu tố gây lạm phát khác không biến động mạnh đáng kể, tác động của việc phá giá nhẹ VND sẽ được phản ánh vào một mức lạm phát cao hơn và gây áp lực tăng lãi suất trở lại.
Nếu các đợt phá giá VND sau này, nếu có, trong năm 2015 càng gần hơn thời điểm ngày 7/5 vừa vừa rồi, và ở mức lớn hơn, thì biên độ biến động lãi suất cũng sẽ lớn hơn, và các giai đoạn biến động lãi suất sẽ đan xen với các giai đoạn phá giá.
No comments:
Post a Comment