Tại Kỳ họp thứ Chín dự kiến khai mạc vào ngày 20.5 tới, Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận về tình hình KT - XH. Trong bài này, chúng ta sẽ làm rõ các vấn đề kinh tế hiện nay mà Quốc hội cần quan tâm trong kỳ họp giữa năm này.
Trong Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển KT - XH năm 2014; kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2015 tại Phiên họp thứ 38 vừa qua của UBTVQH, Ủy ban Kinh tế đã chỉ ra được một số khó khăn và thách thức chính cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Đó là tăng trưởng chưa thực sự bền vững, chủ yếu do đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo và khai khoáng (dầu mỏ, than đá), trong khi tăng trưởng của ngành nông, lâm, ngư nghiệp còn thấp; nhập siêu lớn; nợ công tiếp tục gia tăng với tốc độ cao; và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và thoái vốn còn chậm... Đồng thời, Ủy ban Kinh tế cũng đề xuất một số nhiệm vụ và giải pháp cho thời gian tới. Tuy nhiên, những nhiệm vụ và giải pháp đưa ra dường như không trực tiếp nhằm giải quyết những khó khăn và thách thức này. Bởi vậy, câu hỏi cần làm gì để xử lý các khó khăn và thách thức trên một cách hữu hiệu trong thời gian tới vẫn còn bị bỏ ngỏ. Trong bài này, ta sẽ mổ xẻ thêm về hiện trạng và tìm giải pháp cho các vấn đề kinh tế hiện nay.
Về tình trạng phát triển “lệch” giữa các ngành kinh tế, lý do không khó tìm. Cũng tương tự như với tình hình trong lĩnh vực xuất khẩu, các hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hoạt bát lên chủ yếu nhờ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với những doanh nghiệp lớn như Samsung đóng góp nhiều tỷ dollar cho xuất khẩu. Trong khi đó, ngành công nghiệp khai khoáng cũng được đẩy mạnh với sản lượng dầu khí và than tăng nhanh so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, ngành nông, lâm, ngư nghiệp thì lại “lận đận” vì sản xuất ra mà không tiêu thụ mạnh được, do đầu ra xuất khẩu bế tắc.
Trong bức tranh như vậy, nhận xét của Ủy ban Kinh tế rằng tăng trưởng chưa thật sự bền vững là rất có lý. Tăng trưởng nếu dựa nhiều vào các doanh nghiệp ngoại, thị trường ngoại thì sẽ gặp rủi ro khi nền kinh tế thế giới chao đảo. Thị trường nội địa sẽ là bệ đỡ, chống sốc cho nền kinh tế và là nền tảng cho tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Đồng thời, tăng trưởng dựa nhiều vào khai khoáng, đặc biệt khi khoáng sản dành một phần đáng kể cho xuất khẩu như dầu thô và than đá cũng không bền vững do khoáng sản của Việt Nam không dồi dào, chi phí khai thác ngày càng tăng lên, trong khi đầu ra phụ thuộc vào nhu cầu của thế giới. Chưa kể, tăng trưởng trong công nghiệp khai khoáng có được như vừa rồi là do tăng về sản lượng, chứ không phải tăng về giá trị (vì giá dầu thô và than đá đã giảm mạnh), nên sự tăng trưởng đó chỉ là bóc ngắn cắn dài.
Trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp, có một nghịch lý là trong khi nông sản đang dư thừa, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn nông sản. Ví dụ, mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập đến 800 triệu USD tôm nguyên liệu.
Vậy giải pháp căn bản là phải bảo vệ và phát triển thị trường nội địa và các ngành công nghiệp nội địa thông qua hạn chế nhập khẩu, bảo đảm xuất siêu. Nhưng Việt Nam đã và sẽ ký các hiệp định thương mại tự do nên không thể bảo vệ thị trường và công nghiệp nội địa bằng hàng rào thuế quan được nữa. Dùng hàng rào phi thuế quan như hàng rào kỹ thuật thì cũng không luôn khả thi vì đòi hỏi kỹ thuật chuyên môn và phí tổn không hề nhỏ, chưa kể cũng không tránh khỏi có các lỗ hổng để lách luật. Do đó, công cụ tỷ giá hầu như là công cụ hữu hiệu duy nhất còn lại, trong ngắn hạn.
Nhưng tiếc là VNĐ đã được neo khá chặt vào USD và đã lên giá thực so với hầu hết các bản tệ chính trên thế giới, đặc biệt khi USD đã lên giá mạnh kể từ giữa năm 2014 so với nhiều bản tệ khác. Điều này đã trực tiếp góp phần làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt Nam không chỉ trên các thị trường xuất khẩu mà ngay cả trên sân nhà. Đây chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nhập siêu lớn trong mấy tháng đầu năm nay. Do đó, trong lúc vẫn tiếp tục các giải pháp dài hơi mà chương trình tái cơ cấu nền kinh tế đã đề ra từ trước, biện pháp cần làm ngay là chủ động điều chỉnh tỷ giá VNĐ thêm nữa để bảo đảm tính cạnh tranh của hàng Việt Nam trong và ngoài nước.
Về nợ công và cổ phần hóa, thoái vốn DNNN, thực ra 2 vấn đề này có liên quan với nhau. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nợ công tăng cao là Nhà nước phải bảo lãnh, cấp vốn và tái cấp vốn, bù lỗ, xóa nợ v.v... cho khu vực DNNN yếu kém, và tất cả chi phí này đều quy ra thành nợ công. Bởi vậy, để giảm nợ công thì việc đầu tiên cần làm là cắt giảm chi phí cho khu vực DNNN. Cổ phần hóa DNNN chính là 1 bước hiện thực việc này. Ngược lại, cổ phần hóa DNNN và thoái vốn lại mang đến một nguồn tài chính mới để giảm áp lực nợ công. Do đó, tầm quan trọng của cổ phần hóa DNNN và thoái vốn cần được quán triệt, không chỉ đơn thuần là Nhà nước không còn cần phải “ôm” những doanh nghiệp này nữa nên bán đi.
Về giải pháp tăng cường cổ phần hóa DNNN và thoái vốn, ngoài những đề xuất khá chung chung, Ủy ban Kinh tế đề xuất ban hành luật hoặc nghị quyết riêng về cổ phần hóa DNNN để bảo đảm hiệu quả của quá trình cổ phần hóa, tăng cường giám sát của Quốc hội. Tuy nhiên, điều cần hiện nay là thực thi hữu hiệu các giải pháp và luật lệ đã đề ra, chứ không phải là cần thêm luật hay nghị quyết. Điều này được thể hiện rõ trong tiến trình cổ phần hóa DNNN hiện nay. Bất chấp sự hối thúc sát sao, cương quyết và các chính sách từ răn đe đến hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ, việc cổ phần hóa hơn 400 doanh nghiệp trong 2 năm 2014 - 2015 xem ra là không thể. Do đó, làm thế nào để thực thi hữu hiệu giải pháp cổ phần hóa DNNN là điều Quốc hội và Chính phủ sẽ phải tập trung làm rõ trong thời gian tới.
No comments:
Post a Comment