Thị trường chứng khoán
Trung Quốc đã trải qua những cơn chấn động tuần trước với 2 lý do chủ yếu: sự mất
giá của đồng Nhân dân tệ (NDT) và nỗi lo ngại rằng chính quyền Bắc Kinh đang
rút bàn tay can thiệp ra khỏi nền kinh tế.
Sự can thiệp của Bắc Kinh
vào thị trường chứng khoán năm ngoái đã phần nào thành công ở cái nghĩa là giữ
cho giá chứng khoán ở mức cao một cách giả tạo. Và vì là giả tạo nên rốt cuộc
thì giá chứng khoán cũng phải trở về mặt đất, đặc biệt là khi Chính phủ Trung
Quốc đang cố gắng rút lại các biện pháp hỗ trợ mang tính cấm đoán hành chính,
can thiệp phi thị trường. Bên cạnh đó, sự giảm tốc đáng kể của nền kinh tế
Trung Quốc buộc Bắc Kinh phải chủ động để cho NDT yếu đi nhằm thúc đẩy xuất khẩu.
Đây cũng là một yếu tố tiêu cực khác tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư và làm
lung lay nền móng thị trường chứng khoán Trung Quốc khi nhà đầu tư hoảng sợ phải
bán tháo chứng khoán và chuyển tiền ra nước ngoài. Như một giọt nước làm tràn
ly, hệ thống tự động ngắt giao dịch trên thị trường khi giá chứng khoán giảm xuống
mức ấn định đã tự động hoạt động 2 lần trong tuần trước càng làm cho thị trường
thêm rung lắc mạnh.
Những cơn địa chấn từ thị
trường chứng khoán Trung Quốc nói riêng và nền kinh tế Trung Quốc nói chung đã
và sẽ tiếp tục lan rộng ra toàn bộ nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.
Thế nhưng, nhiều người lại quan niệm rằng tác động tiêu cực từ Trung Quốc đến
Việt Nam sẽ không lớn, thậm chí còn là cơ hội. Họ cho rằng số người Việt Nam nắm
giữ và đầu tư trên thị trường chứng khoán Trung Quốc không lớn nên sự trồi sụt
của thị trường chứng khoán nước này cũng không mấy ảnh hưởng đến tài sản và tâm
lý của các nhà đầu tư Việt Nam và, do đó, thị trường chứng khoán Việt Nam. Ngược
lại, họ cho rằng khi thị trường chứng khoán Trung Quốc đi xuống thì sẽ có nhiều
nhà đầu tư nước ngoài (kể cả Trung Quốc) chuyển hướng sang thị trường chứng
khoán Việt Nam, làm tăng giá chứng khoán Việt Nam.
Cũng tương tự như vậy, người
ta cũng cho rằng khi nền kinh tế Trung Quốc bất ổn thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ
chuyển hướng dòng đầu tư FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhờ đó Việt Nam sẽ được
hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế cao hơn nhờ gia tăng đầu tư trong nền kinh tế.
Những nhận định trên là có
lý, nhưng chỉ là một phần của câu chuyện. Điều đáng quan ngại nhất từ sự giảm tốc
và bất ổn của nền kinh tế Trung Quốc là sự lây lan những bất ổn này ra nền kinh
tế toàn cầu nên những tác động tiêu cực thậm chí sẽ lấn át hoàn toàn những tác
động tích cực, nếu có, như nêu ở trên. Tăng trưởng giảm, bất ổn tăng sẽ thu hẹp
tiêu dùng và đầu tư ở Trung Quốc, dẫn đến giảm hơn nữa cầu hàng hóa và dịch vụ
từ phần còn lại của thế giới vốn đã và đang tiếp tục rơi xuống những mức thấp kỷ
lục trong nhiều năm nay và chưa thấy có điểm dừng. Trong bối cảnh tổng cầu thu
hẹp và suy giảm tăng trưởng toàn cầu như vậy (và quả thật là các tổ chức quốc tế
như WB cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay) thì sẽ hầu như
chẳng có nước nào ở vào thế “ngư ông đắc lợi” cả, kể cả Việt Nam.
Một trong những “nguồn bệnh”
lớn nhất là sự suy yếu của NDT. Một khi Bắc Kinh đã nhắm đến việc dùng tỷ giá
làm vũ khí để sốc lại nền kinh tế thì họ sẽ phải theo cuộc chơi đến cùng để vũ
khí này phát huy đầy đủ tác dụng. Có những ước tính cho thấy để xuất khẩu tăng
đáng kể thì NDT cần phải mất giá mạnh hơn nữa, lên đến hàng chục phần trăm. Nếu
quả đúng vậy và nếu Bắc Kinh quyết tâm theo đuổi phương sách này thì nó sẽ châm
ngòi cho một cuộc chiến tỷ giá thực sự ở trong khu vực và trên toàn cầu. Nhớ lại
hồi tháng 8 năm trước, NDT mới chỉ mất giá hơn 3,5% mà đã kéo theo sự sụt giảm
giá của các đồng tiền khu vực, kể cả đồng Việt Nam vì không nước nào lại muốn
đánh mất lợi thế cạnh tranh của khu vực xuất khẩu vào tay Trung Quốc, hoặc để
ngỏ thị trường trong nước cho hàng hóa của Trung Quốc hay những nước có đồng tiền
yếu hơn tràn ngập.Cuộc chiến tiền tệ kiểu này đương nhiên là không có lợi cho nền kinh tế toàn cầu nhưng một khi đã bị châm ngòi và đã nổ ra thì không mấy nước không bị lôi kéo vào cuộc và không mấy nước muốn bỏ cuộc sớm vì đồng nghĩa là trở thành nạn nhân bị thiệt hại nhất so với các đối thủ trong cuộc chiến. Việt Nam nên hiểu vậy để chủ động chuẩn bị một tư thế sẵn sàng tham gia cuộc chơi chứ không còn ở thế bị động và lúng túng với tỷ giá tiền đồng như hồi tháng 8 năm trước.
Điều may mắn là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chuyển hướng chính sách tỷ giá sang một chính sách linh hoạt hơn cho phép họ phá giá tiền đồng khi cần thiết mà không phải đắn đo vì bất cứ một cam kết hay ràng buộc nào như trước. Nhưng sự chuyển hướng sang chính sách cho phép tỷ giá biến động linh hoạt này thực ra không quan trọng bằng sự chuyển hướng trong nhận thức của những người hoạch định chính sách. Một khi vẫn còn lấn cấn với những lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực của phá giá bản tệ như trước đây thì ngay cả chính sách tỷ giá mới này cũng không đảm bảo một sự mất giá tiền đồng cần thiết để bảo vệ tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong một cuộc chiến tiền tệ, nếu có.
Bởi vậy, bên cạnh chính
sách tỷ giá mới, NHNN cần quán triệt và sẵn sàng với khả năng phải để cho tiền
đồng mất giá mạnh, không chỉ là 3%, 5% mà thậm chí là hàng chục phần trăm trong
năm nay, tùy theo diễn biến và yêu cầu thực tế. Theo hướng này, và cũng là rút
kinh nghiệm từ chính sách tỷ giá cũ, NHNN cũng cần thận trọng hơn với những
tuyên bố mang tính định hướng cho tỷ giá, kiểu như kiên quyết giữ ổn định, hoặc
không để tỷ giá tăng quá mức 3%, 5% trong năm nay. Thay vào đó, NHNN có lẽ nên
để cho thị trường thấy họ chủ động chờ đón những cơn địa chấn tiền tệ từ bên
ngoài và sẽ hành động nhanh chóng và thích ứng một cách cần thiết mà không có bất
cứ giới hạn nào.
No comments:
Post a Comment