http://www.thesaigontimes.vn/140790/Co-che-ty-gia-moi-lieu-co-lam-nen-chuyen.html
Bắt đầu từ ngày 4/1/2016,
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thực hiện công bố tỷ giá trung tâm của đồng
Việt Nam (VND) với đô la Mỹ. Tỷ giá trung tâm này, được NHNN công bố hàng ngày
(ở mức 21.896 VND/đô la Mỹ vào ngày 4/1), sẽ là cơ sở để các tổ chức tín dụng
xác định tỷ giá mua, tỷ giá bán của VND với đô la Mỹ.
Theo NHNN, tỷ
giá trung tâm được xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân
gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị
trường quốc tế của một số đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả
nợ, đầu tư lớn với Việt Nam, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với
mục tiêu chính sách tiền tệ. Do đó, NHNN cho rằng, thay cho cách điều hành tỷ
giá theo biên độ dao động trước kia, cách thức điều hành tỷ giá mới cho phép tỷ
giá biến động linh hoạt hàng ngày theo diễn biến cung cầu ngoại tệ trong nước,
biến động trên thị trường thế giới, nhưng vẫn đảm bảo vai trò quản lý của NHNN
theo định hướng điều hành chính sách tiền tệ.
Như vậy, đúng
như kỳ vọng của thị trường và giới đầu cơ, NHNN, sau một thời gian dài kiên quyết
không thả lỏng tỷ giá trong một cơ chế “neo” tỷ giá không mấy phản ánh đúng điều
kiện thực tế trên thị trường ngoại hối vốn đã và đang bị tác động mạnh bởi những
xung lực từ bên trong lẫn bên ngoài, đã phải chấp nhận chuyển sang một cơ chế tỷ
giá mới, có thể điều chỉnh hàng ngày. Nói cách khác, cơ chế này cho phép họ có
thể phá giá (“điều chỉnh” tỷ giá) khi cần hoặc bị bắt buộc mà không sợ bị ràng
buộc bởi bất cứ một cam kết hay quyết tâm nào, chẳng hạn không phá giá quá
2%/năm, như trước đây nữa.
Điều đáng quan
tâm là liệu cơ chế tỷ giá mới có thật sự khác biệt so với cơ chế tỷ giá cũ hay
không, và nó có giúp ích nhiều cho NHNN trong việc “cầm cương” tỷ giá hay
không.
Về cơ bản, 2 cơ
chế tỷ giá mới và cũ thực sự không khác biệt đáng kể. Ở cơ chế tỷ giá cũ, tỷ
giá được xác định dựa trên tỷ giá bình quân liên ngân hàng hàng ngày và cộng/trừ
thêm một biên độ ấn định trong từng thời kỳ. Trong cơ chế tỷ giá mới, thay vì tỷ
giá bình quân liên ngân hàng, tỷ giá giao dịch trên thị trường được dựa trên tỷ
giá trung tâm công bố hàng ngày, và cũng được cộng/trừ thêm một biên độ ấn định
(hiện tại dường như vẫn là 3% quanh tỷ giá trung tâm).
Nói cách khác, nếu
muốn thì trong cơ chế tỷ giá cũ NHNN vẫn có thể “điều chỉnh linh hoạt” tỷ giá
hàng ngày thông qua việc điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng mà không cần
phải chuyển sang cơ chế sử dụng tỷ giá trung tâm. Nhưng thực tế thì NHNN đã
không hề làm vậy ít nhất là trong 4 tháng cuối của năm 2015, với tỷ giá bình
quân liên ngân hàng mà họ công bố liên tục bất động ở mức 21.890 VND/đô la Mỹ.
Cũng có thể đoán được lý do và thông cảm với cái khó của NHNN trong thời gian
qua bởi họ đã trót cam kết không điều chỉnh tỷ giá quá một biên độ/ngưỡng ấn định
nên nếu họ điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng (làm VND yếu đi so với đô
la Mỹ) thêm nữa thì cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận phải phá giá VND, chấp
nhận tự phá vỡ cam kết của chính mình.
Bởi vậy, cho dù
cơ chế tỷ giá mới có phức tạp hơn, tỏ ra “hiểu” thị trường hơn, nhưng tỷ giá
trung tâm hàng ngày trên thực tế hoàn toàn vẫn có thể bất động về cơ bản trong
suốt một thời gian như trong cơ chế cũ nếu nó đã vượt quá một ngưỡng tối đa mà
NHNN có thể chấp nhận được.
Điểm khác biệt
duy nhất ở đây là các yếu tố đưa vào để xác định tỷ giá trung tâm tỏ ra phức tạp
hơn tỷ giá bình quân liên ngân hàng trước đây vì ngoài yếu tố tỷ giá bình quân
liên ngân hàng (và là bình quân gia quyền, chứ không phải là bình quân thông
thường như trước đây) còn có 2 yếu tố khác là biến động tỷ giá của một rổ tiền
tệ và các cân đối vĩ mô phù hợp với chính sách tiền tệ của NHNN. Nhưng cũng
chính vì sự kết hợp không (thể) theo một công thức tính toán nhất quán nào, ví
dụ như dựa vào tỷ trọng cố định, của 3 yếu tố này, đặc biệt là yếu tố thứ 3 vốn
rất định tính, nên có thể nói tỷ giá trung tâm vẫn sẽ mang nặng tính chủ quan
và ý chí áp đặt của NHNN chứ không nhất thiết là kết quả của một sự tính toán định
lượng cụ thể, phản ánh chính xác chênh lệch cán cân cung cầu ngoại tệ thực tế
trên thị trường (gồm cả yếu tố “tâm lý” mà NHNN hay viện dẫn đến).
Do đó, có lẽ động
cơ thực sự đằng sau việc công bố cơ chế tỷ giá mới của NHNN và đồng thời là điểm
“cứu rỗi” cho chính sách tỷ giá của NHNN chính là nhờ có việc tuyên bố chuyển
sang cơ chế tỷ giá gọi là mới này mà NHNN đã có một cái cớ chính thức để nhảy
ra khỏi cái vòng kim cô về tỷ giá tự họ vẽ ra để trói mình như trước đây, nhờ
đó có thể rảnh tay phá giá VND (dần từng bước) hơn nữa so với đô la Mỹ từ mức
quá cao như hiện tại vốn đang gây hại cho nền kinh tế nói chung và cho quỹ dự
trữ ngoại hối nói riêng của NHNN trong cơ chế tỷ giá cũ dựa trên những cam kết
neo tỷ giá từ đầu năm.
Có thể nói điều
hữu ích trên gần như là đáng kể duy nhất đối với chính sách tỷ giá của NHNN. Có
luồng ý kiến cho rằng cơ chế tỷ giá mới sẽ triệt tiêu sự đầu cơ đô la Mỹ vì
NHNN có thể hôm nay tuyên bố một tỷ giá trung tâm, mai lại tuyên bố một tỷ giá
trung tâm khác (thấp hơn) gây bất lợi cho giới đầu cơ găm giữ đô la Mỹ chờ giá
lên. Nhưng thông thường, giới đầu cơ chỉ găm giữ đô la khi họ nhìn thấy xu hướng
mất giá rõ nét của VND, thể hiện ở những bất cân đối vĩ mô như thâm hụt cán cân
thương mại và thanh toán, chênh lệch lạm phát trong và ngoài nước, sụt giảm
tăng trưởng, và sự lên giá thực của VND (nhất là khi có biến động ngoại lai)
v.v… Do đó, cho dù NHNN có cố tình “chơi khăm” giới đầu cơ bằng việc công bố tỷ
giá trung tâm theo chiều ngược nhau qua mỗi ngày thì cái sự làm khó này cũng chỉ
mang tính thời điểm, không thể kéo dài từ ngày này sang ngày khác, tuần này
sang tuần khác, ở một mức đáng kể. Cuối cùng thì NHNN cũng sẽ phải tuân theo cuộc
chơi bày sẵn trên thị trường, để cho tỷ giá trung tâm phản ánh sát thực hơn xu
hướng mà thị trường và giới đầu cơ kỳ vọng. Điều này được thể hiện rõ qua cuộc
chiến tỷ giá giữa NHNN với các lực lượng thị trường trong và ngoài nước trong
năm vừa qua.
No comments:
Post a Comment