Hiện nay ở Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vì muốn có nguồn vốn lãi suất thấp để nhập khẩu nguyên vật liệu, thiết bị và máy móc nhằm đầu tư vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong nước nên đã vay mượn một lượng lớn ngoại tệ từ các nguồn cả trong và ngoài nước lên đến hàng tỉ đô la Mỹ.
Vì thế, dư nợ ngoại tệ của các khoản vay trung và dài hạn của doanh nghiệp đã tăng tới 22,56% trong năm 2017 so với năm 2016. Dư nợ ngoại tệ các khoản vay ngắn hạn còn tăng mạnh hơn, tới 73%. Cũng cần lưu ý là chỉ riêng dư nợ vay ngắn hạn bằng ngoại tệ của doanh nghiệp tại Việt Nam đã đạt con số 21,9 tỉ đô la vào cuối năm 2017, tức là khoảng gần 10% GDP (và khoảng 1/3 dự trữ ngoại hối của Việt Nam).
Tuy nhiên, dư luận dường như không quá quan tâm đến những con số trên, với quan niệm rằng vay nợ của doanh nghiệp là chuyện của doanh nghiệp, do doanh nghiệp tự vay tự trả, và nếu không trả được thì họ sẽ bị siết nợ, chứ không có liên quan gì đến quốc gia, công cộng. Quan niệm này bén rễ một phần có lẽ cũng bởi cung cách phân loại, phân biệt nợ theo chủ thể kinh tế ở Việt Nam, gồm nợ công (nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương) và nợ của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay tự trả.
Điều nguy hiểm gắn liền với sự tăng nhanh của nợ bằng ngoại tệ của doanh nghiệp là nó làm gia tăng nhanh chóng mức độ rủi ro gây ra đổ vỡ cho nền kinh tế, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng nợ, có khả năng làm sụp đổ cả một nền kinh tế chỉ trong thời gian tính bằng quí.
Khi nợ nước ngoài của các doanh nghiệp tăng, sẽ không có nhiều điều đáng để nói nếu doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp này cũng bằng ngoại tệ, cũng tăng nhanh tương ứng để đảm bảo khả năng chi trả thông suốt và đúng hạn. Nhưng nếu chỉ có một phần doanh thu/lợi nhuận là bằng ngoại tệ, hoặc, tệ hơn, toàn bộ doanh thu/lợi nhuận của doanh nghiệp là bằng bản tệ, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với khả năng rất có thể xảy ra là vỡ nợ trong bối cảnh tỷ giá, vì một lý do nào đó, tăng lên đột ngột và mạnh.
Đến đây, câu chuyện này xem ra vẫn chỉ bó gọn trong phạm vi và là chuyện riêng của doanh nghiệp với người cho vay (trong hoặc ngoài nước). Tuy thế, sự việc sẽ rất khác khi có nhiều doanh nghiệp cùng đi vay ngoại tệ và vay với tổng số lên đến nhiều tỉ đô la trong một nền kinh tế quy mô khiêm tốn và quỹ dự trữ ngoại hối cũng khiêm tốn như của Việt Nam, và đặc biệt là khi đột ngột có một cú sốc nội tại hay ngoại lai nào đó xảy đến, chẳng hạn chiến tranh thương mại (và tiền tệ) như hiện tại.
Trước nhu cầu mua vét ngoại tệ khổng lồ của doanh nghiệp để trả nợ (và đầu cơ), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) buộc phải tung dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá ở quy mô tương ứng. Cũng nên lưu ý rằng không chỉ có doanh nghiệp mới phải lo tích trữ ngoại tệ để trả nợ mà cả Chính phủ cũng phải lo việc này, nên gánh nặng bình ổn tỷ giá của NHNN càng trở nên nặng. Do quỹ dự trữ có hạn so với quy mô nợ nước ngoài của cả Chính phủ lẫn doanh nghiệp nên đến một thời điểm nào đó NHNN sẽ buộc phải ngừng can thiệp, đồng nghĩa với việc phải thả nổi tỷ giá, điều đã từng được chứng kiến trong quá khứ ở Việt Nam cũng như tại nhiều nước trên thế giới.
Tỷ giá đang từ trạng thái bị nén chặt đột ngột bị thả nổi không kiểm soát sẽ kích hoạt sự tháo chạy của vốn nước ngoài, càng làm trầm trọng thêm tình hình, càng làm cho bản tệ lao dốc hơn nữa. Giải pháp hữu hiệu duy nhất lúc này là NHNN phải nâng lãi suất lên đến hàng chục điểm phần trăm để mong giữ chân dòng vốn ngoại đảo chiều. Rất tiếc là thường trước khi điều này phát huy tác dụng, nó đã kịp tàn phá nền kinh tế bản địa do các doanh nghiệp không thể chịu được mức lãi suất “cắt cổ” nên phá sản hàng loạt, kéo theo sự sụp đổ của cả hệ thống tài chính, ngân hàng trong nước, gây ra khủng hoảng kinh tế toàn diện.
Điều may mắn là Quốc hội và Chính phủ đã nhận thức được rủi ro theo kịch bản trên nên đã ra những quyết định như khống chế hạn mức vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp cho từng thời điểm (không quá 5 tỉ đô la trong năm 2018, và dư nợ vay nước ngoài ngắn hạn của doanh nghiệp cuối năm 2018 không vượt quá dư nợ cuối năm 2017).
Nhưng quy định hạn mức như trên sẽ dẫn đến những hậu quả không mong muốn là sẽ có tình trạng “chạy đua” vay nợ nước ngoài trong các doanh nghiệp; ai nhanh hơn thì sẽ vay được (nhiều), trước khi toàn bộ hạn mức được sử dụng hết. Nếu Chính phủ không muốn, không chấp nhận tình trạng chạy đua này thì buộc phải xét duyệt từng trường hợp xin vay vốn. Tình trạng này không chỉ làm ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp (ít nhất thì quan điểm về tính cần thiết của dự án vay vốn của Chính phủ thường sẽ khác với của doanh nghiệp) mà còn làm nảy sinh việc “chạy” vay vốn nước ngoài, đảm bảo người thắng cuộc luôn là các doanh nghiệp/doanh nhân “cá mập”, có tầm ảnh hưởng chi phối đến cơ quan quản lý.
Để tránh những hậu quả trên, Chính phủ cần áp dụng một chính sách nhất quán, bao trùm, trước hết là tiến tới cấm doanh nghiệp vay vốn nước ngoài, dù là có hay không có nguồn thu ngoại tệ. Với những doanh nghiệp có nguồn thu bằng ngoại tệ, họ sẽ được xem xét (cam kết) cho mua (chứ không phải cho vay) ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu chính đáng như nhập khẩu nguyên vật liệu, theo quy mô ngoại tệ mà họ bán cho hệ thống ngân hàng trong nước trước đó, nếu có. Với những doanh nghiệp còn lại, ngoài việc không được vay ngoại tệ, việc mua ngoại tệ cũng sẽ không được cam kết bảo đảm.
Tất nhiên là trong giai đoạn nền kinh tế đang chuyển đổi như của Việt Nam, sẽ (buộc phải) có một vài ngoại lệ dành cho một số doanh nghiệp, ví dụ, doanh nghiệp trong lĩnh vực xăng dầu, quốc phòng, an ninh... những doanh nghiệp về nguyên tắc là không có nguồn thu bằng ngoại tệ. Với những ngoại lệ này, Chính phủ sẽ phải bảo đảm cung ứng ngoại tệ (theo tỷ giá thị trường) để họ nhập khẩu cho nhu cầu chính đáng của mình và xã hội.
No comments:
Post a Comment