Cục Thuế TP HCM mới
đây cho biết tính đến ngày 31/8 nợ thuế trên địa bàn là 27.631 ngàn tỷ đồng,
tăng tới 16,45% so với cuối năm 2017. Trong số này, nợ khó thu là 10.181 ngàn đồng,
chiếm gần 40% tổng nợ thuế, tập trung và loại thuế giá trị gia tăng, thuế thu
nhập doanh nghiệp...
Không rõ tốc độ
tăng nợ thuế và tỷ lệ nợ thuế khó thu trong những năm trước ra sao, nhưng điều
chắc chắn là tốc độ tăng tới 16,45% trong vòng có tám tháng là tốc độ cao một
cách bất thường trong bối cảnh kinh tế vẫn đang tăng trưởng mạnh. Có lẽ, nếu có
thì tốc độ tăng này chỉ thấp hơn con số tương tự trong những năm xảy ra khủng
hoảng như 1997-1998 hay 2007-2008 khi tăng trưởng kinh tế lao dốc, hàng loạt
doanh nghiệp đình đốn, phá sản.
Ngoài sự bất thường,
những con số vắn tắt trên còn gián tiếp cho thấy sự bất lực, không hiệu quả và
cả những hành vi sai trái của (cán bộ) ngành thuế trong việc quản lý thuế, bất
chấp đủ loại nỗ lực, quyết tâm với giải pháp mà ngành này đã và đang thực thi.
Không phải tìm
đâu xa nguyên nhân gây ra nợ thuế lớn, ít nhất trên địa bàn TP HCM. Cũng theo Cục
Thuế TP HCM, những khoản nợ thuế lớn hầu
hết là của những doanh nghiệp bất động sản, mà chỉ riêng năm doanh nghiệp được
liệt kê “làm ví dụ” cũng đã có tổng số nợ thuế lên đến 1.262 tỷ đồng (1).
Như vậy, việc để
những kẻ “có tóc” – những doanh nghiệp bất động sản – nợ (đọng) thuế vừa cho thấy
rõ đâu là nguyên nhân chính đằng sau những con số nợ thuế bất thường, vừa cho
thấy một điều khó có thể chấp nhận được là ngành thuế dường như đang chấp nhận
sống chung với chuyện nợ thuế, không dám hay không xử lý được các doanh nghiệp
nợ thuế vì lý do nào đó. Với đủ loại chế tài, quyền lực và công cụ thực thi
pháp luật có trong tay tương tự như mọi cơ quan thuế trên thế giới, Cục Thuế TP
HCM nói riêng, ngành thuế Việt Nam nói chung lẽ ra đã không được/nên để tình trạng
nợ thuế tràn lan ở quy mô lớn này xảy ra. Và khi đã xảy ra rồi thì cứ nguyên
nhân này mà quy trách nhiệm cho ngành thuế và người đứng đầu ngành.
Còn trong ngành hải
quan của thành phố, thất thu thuế được đại diện ngành này cho là do tình hình
buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp, chẳng hạn những gian lận
thương mại lợi dụng chính sách thông quan thông thoáng (thông quan theo luồng
xanh, vàng, đỏ…), gian lận trong kê khai trên hệ thống VNACCS, gian lận trong
xuất nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục cấm, hoặc gian lận trong khai báo thông
tin sai về hàng hóa…
Nhưng chẳng phải
vì chính những hành vi gian lận, buôn lậu trên mới cần sự tồn tại và phát triển
không ngừng tiêu vào ngân sách nhà nước của ngành hải quan hay sao? Nên nhớ rằng
mục đích cho ra đời những chính sách và hệ thống như thông quan thông thoáng và
VNACCS không phải là để đánh đổi sự thông thoáng về thủ tục hải quan lấy tệ nạn
và gian lận thương mại gia tăng, “diễn biến phức tạp”.
Và cũng nên lưu
tâm rằng dù là luồng xanh, vàng hay đỏ thì cũng vẫn đều được giám sát bởi con
người – cán bộ hải quan. Hơn nữa, việc phân luồng này cũng chẳng phải chỉ có ở
Việt Nam mà còn được áp dụng ở nhiều nước khác. Điều khác biệt là không thấy nước
người ta phàn nàn rằng vì phân luồng như vậy nên mới làm “phức tạp” tình hình
gian lận!
Ngay với VNACCS,
hệ thống này đã được phát triển từ năm 2014 bằng vốn ODA của Nhật dựa trên mô
hình hệ thống thông quan điện tử hoạt động thành công ở Nhật với nhiều yếu tố
đã được “Việt hóa” để phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Cán bộ điều hành thì
được đào tạo đến nơi đến chốn trong và ngoài nước bởi chuyên gia nước ngoài…
Nên không thể lấy sự ra đời và hoạt động của VNACCS như là một cái cớ để xảy ra
các gian lận trên hệ thống này.
Tương tự như vậy
là những gian lận liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục cấm hay
thông tin về hàng hóa. Đã đặt ra những danh mục cấm, những biểu thuế khác nhau
theo xuất xứ hay loại hàng hóa thì ngành hải quan phải có biện pháp kiểm tra,
giám sát tương ứng để đề phòng, ngăn chặn những hành vi gian lận. Nếu đã để xảy
ra rồi thì trách nhiệm trước tiên vẫn phải thuộc về cán bộ hải quan liên đới.
Chuyện cũng rất
vô lý là ngành hải quan đổ lỗi cho việc kẹt xe làm thất thu thuế. Ví dụ được
nêu ra là Cụm cảng Q.2, Q.9 bao gồm Cát Lái, các cảng ICD Phước Long, Phú Hữu...
hoạt động hết công suất nhưng hạ tầng giao thông không thể đáp ứng được lượng
xe container bốc dỡ hàng hóa (nên làm giảm thuế? – Người viết). Cái vô lý ở đây
là nếu hạ tầng giao thông không thể đáp ứng được lượng xe container bốc dỡ hàng
hóa thì làm sao mà những cảng này hoạt động hết công suất được? Nói cách khác,
cảng đã hoạt động hết công suất thì có nghĩa là hạ tầng giao thông hiện tại là
“đủ dùng” cho các cảng này. Vậy nếu có thất thu thuế, hay nói chính xác hơn,
thu thuế trong năm nay không bằng các năm trước thì đó phải là bởi những lý do
khác (chủ quan) chứ không phải là do tại hạ tầng.
Nói cho công bằng,
không thể phủ nhận có những lý do ít nhiều mang tính khách quan không thuộc sự
kiểm soát của ngành thuế và hải quan, gây ảnh hưởng xấu đến thu ngân sách. Chẳng
hạn, một số (chi) cục thuế địa phương phàn nàn tình trạng “doanh nghiệp và nhà
thầu không chịu trách nhiệm nên không chấp nhận trả nợ thuế”(?); việc phối hợp
giữa Tổng cục Thuế với Tổng cục Cảnh sát “chưa đạt yêu cầu, chưa phối hợp tích
cực để xử lý các hành vi trốn thuế, gian lận thuế”, theo đó cần “xem xét sửa đổi
Bộ luật Hình sự, đưa nội dung nợ thuế, bỏ trốn vào quy định của luật”; và chưa có
ủy nhiệm thu, thu thuế điện tử (với khu vực cá thể) (2). Nhìn chung, những lý
do này trong chừng mực nào đó là sự thật nhưng suy cho cùng cũng đều có nguyên
nhân chủ quan, tại con người, vẫn trong phạm vi và khả năng giải quyết của
ngành thuế, nếu thực sự họ “quyết liệt” muốn làm (kể cả chuyện sửa luật nếu họ
làm cho các cơ quan làm luật bị thuyết phục).
Một lý do hay được
ngành thuế phàn nàn nữa là chuyện khó thu thuế dịch vụ cung cấp bởi các công ty
đa quốc gia như Facebook, Google,
Amazon, Airbnb, Grab, Uber, Agoda hay Traveloka… vì một mình ngành thuế không
làm được (3). Điều này có thể là đúng. Và có thể cũng đúng rằng “việc thu thuế
các mô hình này không chỉ Việt Nam gặp khó mà rất nhiều quốc gia lúng túng”. Dù
vậy, ngành thuế Việt Nam cần phải biết rằng có nhiều nước và khu vực đã tìm
(ra) được cách đánh thuế lên những công ty đa quốc gia này mà Việt Nam có thể học
hỏi được (4). Tất nhiên, việc áp dụng các phương cách của nước ngoài hoặc phối
hợp song phương và đa phương với các nước để đánh thuế các công ty đa quốc gia
có thể cần thiết phải sửa đổi một số luật tại Việt Nam, nhưng ngành thuế chính
là nơi có trách nhiệm nghiên cứu, tham mưu và đề xuất những sửa đổi cần thiết
này.
Tóm lại, dù chỉ
có người trong cuộc là ngành thuế và hải quan mới biết rõ nguyên nhân thực sự của
việc thất thu thuế là gì nhưng cứ căn cứ vào những trình bày với giải thích của
họ với công luận là có thể kết luận rằng yếu tố chủ quan là nguyên nhân chính
gây ra tình trạng nợ đọng, thất thu thuế. Các giải pháp vì thế cũng phải xoay
quanh nguyên nhân này, và có thành công hay không là hoàn toàn do người đứng đầu
của ngành thuế, hải quan.
No comments:
Post a Comment