Từ tuần qua nhiều
ngân hàng đã và đang tiếp tục cập nhật kết quả kinh doanh của mình trong năm
2018 với điểm nổi bật là lợi nhuận trước thuế đã tăng mạnh so với năm trước đến
nhiều chục phần trăm. Điểm
đáng lưu ý là bối cảnh của sự tăng trưởng lợi nhuận này là tăng trưởng tín dụng
cả năm nhìn chung đã bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khống chế chặt chẽ so với năm
trước để đảm bảo mục tiêu ổn định vĩ mô. Bởi vậy, yếu tố góp phần vào sự cải
thiện lợi nhuận này không thể không kể đến tăng trưởng doanh thu ngoài lãi (thu
từ dịch vụ) và đặc biệt là từ giảm thiểu, xử lý và thu hồi nợ xấu.
Cụ thể hơn, Agribank,
một ngân hàng theo báo cáo đã “bất ngờ” báo lãi 7.500 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch
là 5.700 tỷ đồng (không rõ vượt bao nhiêu % so với năm 2017) đã thu hồi được 12
nghìn tỷ đồng nợ xấu, đẩy tỷ lệ nợ xấu xuống còn 1,51%. BIDV, một ngân hàng
thương mại cổ phần có vốn nhà nước khác, thì công bố con số lợi nhuận 9.625 tỷ
đồng bên cạnh “thành công vượt bậc trong xử lý nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết
42 của Quốc hội”. Vietcombank tuy dường như không báo cáo về việc thu hồi và xử
lý nợ xấu nhưng cũng công bố mức nợ xấu thấp là 0,97% trong khi dư quỹ dự phòng
rủi ro đạt gần 10.500 tỷ đồng và tỷ lệ bao phủ nợ xấu nội bảng là 170%.
Với một số ngân
hàng thương mại cổ phần tư nhân đã cập nhật kết quả kinh doanh năm 2018 như
SHB, Techcombank, MB, Kienlongbank, và VIB thì tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng
năm 2018 cũng có sự góp mặt rõ ràng của việc khống chế, xử lý nợ xấu. SHB đã chủ
động mua lại trước hạn khoảng 1.300 tỷ đồng nợ xấu đã bán cho VAMC trong năm
2018 và đã trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu hơn 5.000 tỷ đồng. Các ngân hàng
khác thì nhìn chung đều báo cáo tỷ lệ nợ xấu thấp, quanh quẩn 1% và/hoặc đang
có kế hoạch mua lại nợ xấu.
Công của Nghị quyết 42?
Nghị quyết số
42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD)
có hiệu lực từ tháng 8/2017. Nghị quyết này có mục tiêu pháp điển hoá những quy
định cụ thể về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của toàn hệ
thống ngân hàng, nâng cao vai trò, năng lực của VAMC. Bên cạnh đó, Nghị quyết
hướng tới xử lý các vướng mắc, khó khăn liên quan đến hành lang pháp lý về xử
lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của tổ chức tín dụng, tạo cơ chế đồng
bộ, khả thi, tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ xấu và xử lý tài sản bảo
đảm các khoản nợ xấu của TCTD...
Thực tế cho thấy
một số trong những mục tiêu trên vẫn chưa đạt được. Trong lần cập nhật tình
hình triển khai Nghị quyết 42 gân đây nhất là vào tháng 8/2018, tức một năm sau
ngày nó có hiệu lực, Nghị quyết được cho là đã là phát đi thông điệp bảo vệ đến
cùng quan hệ có vay, có trả, tạo tiền đề cho VAMC và TCTD thu hồi nợ. Thông qua
việc thu giữ, phát mại tài sản bảo đảm cũng như thái độ hợp tác của khách vay,
đã khẳng định được quyền của chủ nợ - điều mà các tổ chức tín dụng mong mỏi đã
lâu. Đồng thời, Nghị quyết tái lập quyền
bình đẳng về dân sự là quyền thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm của các TCTD khi
khách hàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ, qua đó tác động tới thái độ khách hàng
trong xử lý nợ xấu (1).
Trong khi đó, việc
triển khai Nghị quyết vẫn còn nhiều vướng mắc như đã được chỉ ra vào dịp trên,
và không rõ là đã được giải quyết ra sao vào thời điểm hiện tại. Một trong những
vướng mắc điển hình là tuy Nghị quyết 42 cũng có nội dung rút gọn quá trình tố
tụng và xử lý tranh chấp tài sản đảm bảo, nhưng trên thực tế hơn 2.000 vụ việc
liên quan đến việc đòi nợ của VAMC chưa có vụ nào được xử lý theo hình thức rút
gọn này. Ngoài ra, còn có những vướng mắc như sự phối hợp chưa tốt giữa các cơ
quan hữu quan...
Như vậy, có thể
thấy những cái “được” của Nghị
quyết 42 khá là chung chung, mang tính danh nghĩa, trong khi những “điểm nghẽn”
quan trọng thì vẫn chưa được giải quyết, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại
là thời điểm chưa thấy có thêm báo cáo cập nhật về “công trạng” gì khác của Nghị
quyết 42. Nói cách khác, việc xử lý nợ xấu cho đến nay, kể cả sau khi Nghị quyết
42 được triển khai, vẫn chủ yếu là do nỗ lực của bản thân các ngân hàng có nợ xấu.
Cũng cần nói thêm
là tuy VAMC cũng tự mình xử lý được một phần nợ xấu nhưng có một điều không thể
phủ nhận là kết quả này là do nợ xấu mà VAMC mua từ các TCTD phần nhiều là nợ
“tuyển”, nợ “đẹp”. Nếu để TCTD xử lý thì sớm muộn họ cũng tự xử lý được bởi cơ
chế xử lý của VAMC hầu như cũng không có gì ưu việt, hiệu quả hơn so với các
TCTD. Và thực tế cho thấy nhiều TCTC, như Vietcombank, Agribank, SHB,
Techcombank, MB, VIB, và ACB..., đã chủ động và tích cực mua lại (hết) nợ xấu từ
VAMC, đồng thời trích lập dự phòng (cách xử lý nợ xấu chủ yếu tại các TCTD).
Xử lý... Nghị quyết 42
Từ phân tích
trên, điều có thể rút ra là cần nhanh chóng tổng kết và kết thúc thí điểm việc
xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 mà không đợi đến thời điểm Nghị quyết này hết
hiệu lực vào tháng 8/2022. Nhìn chung, 5 năm là một thời gian quá dài cho một
thí điểm nào đó tương tự. Những cái “được” trên danh nghĩa của Nghị quyết 42 nếu
đã phát huy tác dụng thì cũng đã phát huy rồi. Còn những “điểm nghẽn” của Nghị
quyết này nếu đã có thể giải quyết, khắc phục được thì cũng không cần phải chờ
đến hơn 3 năm nữa mới lộ diện, mới xử lý được, xử lý xong. Những “điểm nghẽn”
còn lại như chuyện không phối hợp tốt giữa các cơ quan hữu trách thì rõ ràng là
có hay không Nghị quyết 42 cũng không tạo ra khác biệt, mà đây là căn bệnh
chung, nan y trong cả nền kinh tế dù có đầy rẫy những quy định pháp luật có
liên quan.
Ngược lại, nếu cứ
“treo” Nghị quyết 42 cho đến khi hết hiệu lực trong khi những bất cập của nó tiếp
tục không được xử lý sớm và hữu hiệu thì các nguồn lực liên quan tiếp tục bị
phân tán, lãng phí bởi cơ chế xử lý nợ xấu vẫn... xấu, vẫn bất cập, không góp
phần thúc đẩy tốc độ xử lý và kiềm chế nợ xấu.
(1) https://baomoi.com/xu-ly-no-xau-theo-nghi-quyet-42-chi-co-vai-vu-tranh-chap-duoc-xu-ly-theo-thu-tuc-rut-gon-tai-toa/c/27550212.epi
No comments:
Post a Comment